Paul Minh Nhật: Ngày 07/12 ban bí thư thành ủy tỉnh Khánh Hòa thống nhất
chi 4.300 tỉ đồng để xây dựng trung tâm hành chính tập trung mới cho tỉnh. Báo
chí trong nước đưa tin tổng mức đầu tư cho dự án là gần 4.300 tỉ đồng tức là khoảng 200 triệu
đô la, trong đó khoảng 3.000 tỉ sẽ dành cho việc xây dựng công trình kiến trúc
mang hình “tổ yến đang nở”. Trước đó tỉnh đã đề nghị mức vốn đầu tư từ trung
ương là 8.000 tỉ đồng.
Đồ án trung tâm đô thị hành chính tỉnh Khánh Hòa được
xây xây dựng trên diện tích rộng 127 ha, trong đó khu trung tâm hành chính rộng
37, và khu nhà ở thương mại, dịch vụ văn phòng vào khoảng 89ha. Theo ước tính
trung tâm này có thể đủ chỗ cho khoảng
5.000 người.
Kì
vọng và kì lạ
Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn Quốc gia kì vọng rằng
dự án này sẽ là một thành quả của Khánh Hòa, một trung tâm hành chính tầm cỡ
khu vực thuộc khu vực phía tây Nha Trang. Chính quyền tỉnh hy vọng rằng khi
hoàn thành đô thị mới này sẽ kích cầu lượng khách du lịch tới tỉnh này, góp phần
vào cải thiện đời sống kinh tế cho người dân.
Mặc dù được kì vọng như vậy nhưng dự án tốn kém này
cũng bị dư luận phản đối. Và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đó đề nghị dừng tất
cả các dự án xây dựng các trung tâm hành chính tập trung kiểu này. Nhưng sau đó
tỉnh Khánh Hòa đã đề xuất hình thức xây dựng
chuyển giao (BT) và đã được ông Dũng tán thành. Cho dù vậy thì đề án này
cũng đặt ra rất nhiều vấn đề cần trăn trở.
Dự án được áp dụng hình thức hợp đồng BT và như thế
không phải lấy tiền trực tiếp từ ngân sách nhà nước nhưng dù sao thì đó vẫn là
một món nợ lớn. Theo Luật Đầu tư 2005 thì Hợp đồng BT là hình thức đầu tư được
ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết
cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho
Nhà nước Việt Nam; Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác
để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận
trong hợp đồng BT.
Trong quá trình xây dựng nhà đầu tư được hỗ trợ vay vốn
tối đa, và nhiều ưu đãi khác về thuế suất các loại và được miễn nhiều khoản thuế
lớn. Như vậy dù không bỏ tiền trực tiếp nhưng với việc nhà thầu vay vốn ngân
hang miễn trừ lãi suất thì cũng lấy trực tiếp từ nhà nước. Vậy là không tiết kiệm
mà bị nợ cả hai đường.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã kí hợp đồng với hai tập đoàn
Phúc Sơn và FLC để triển khai dự án này. Theo đó thì tỉnh sẽ bàn giao sân bay
Nha Trang cho tập đoàn PHúc Sơn để đầu tư hoàn vốn. Còn công ty FLC thì được giao khu vực trung tâm
hành chính thành phố Nha Trang để thu hồi vốn. Điều này cũng làm dư luận quan
tâm vì cả hai khu vực đó đều là “đất vàng” và khu vực trọng điểm kinh tế thương
mại, và việc giao cho hai công ty này có phải là do phe nhóm lợi ích không? Kì
lạ là các vị quan chức cứ lạc quan một cách thái quá.
Một điều đáng nói nữa là vấn đề giải tỏa mặt bằng, có
tạo ra những oan khiên hay không? Ông Châu Ngô Anh Nhân, giám đốc dự án phát
triển tỉnh Khánh Hòa nói: khoảng 600-700 hộ dân với khoảng 2.400 nhân khẩu sẽ
phải di dời để giải tỏa mặt bằng. Với 3 phương án di dời được đưa ra thì người
dân vẫn là gặp khó khăn. Trước mắt người dân không có phương tiện sản xuất và
khi được định cư thì phần lợi vẫn nghiêng về các tập đoàn và nhà nước chứ người
dân vẫn có thể thiệt thòi.
Thiết kế của đô thị trung tâm hành chính được coi là độc
đáo và sáng tạo. Nó thể hiện được những nét độc đáo của tỉnh – đó là hình tượng
con chim yến. Tuy nhiên không ít người dân và giới kiến trúc coi công trình này
vẫn chưa thực sự xứng tầm.
Có ý kiến cho rằng công trình này giống một công trình
thể thao văn hóa, một trung tâm tổ chức sự kiện hơn chứ không phải trung tâm
công quyền. ZingVn dẫn lời kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc nói rằng: ““Thông thường Trung tâm hành chính tỉnh
phải là hạt nhân của cả thành phố, nhưng đồ án quy hoạch không thể hiện được điều
đó. Việc tổ chức không gian kiến trúc cũng như trục đường giao thông so với tổng
thể TP Nha Trang chưa có được điểm nhấn, chưa tạo ra mối liên hệ rõ ràng với
trung tâm hiện tại”
Chạy đua để rút ruột ngân sách
Điều làm dư luận chú ý
hơn cả là càng ngày càng có nhiều dự án tốn kém được trình ra. Xu hướng các dự
án này càng ngày càng tiêu tốn nhiều tiền bạc. Tỉnh Hải Dương từng đòi 4.000 tỉ
tức là vào khoảng 200 triệu đô la cho trung tâm hành chính tỉnh mình. Rồi sau
đó Nghệ An cũng vẽ ra quy hoạch với ngân sách khoảng 2.100 tỉ đồng tức là khoảng
100 triệu đôla. Cũng không để rớt lại trong cuộc đua giải ngân tiền tỉ này, Hà
Tĩnh trình ngay dự án tốn 95 triệu đôla vào khoảng 2.000 tỉ đồng. Gần đây, gây
nhiều bức xúc hơn là dự án trung tâm hành chính của tỉnh Hải Phòng với số vốn
lên tới 10.000 tỉ đồng, và trong đó 7.000 tỉ rút từ ngân sách nhà nước.
Như vậy có thể nhìn thấy một xu hướng là càng ngày dự
án càng phình to, và khoản tiền giải ngân ngày càng tăng lên.
Dư luận bức xúc vì những dự án ngàn tỉ này. Bài học mà
các trung tâm hành chính xây dựng được xây trước đây vẫn còn nhãn tiền. Lâm Đồng
hang năm trời than vãn về việc ế đọng
các cơ sở công, không ai mặn mà với các biệt thự công này nên vấn đề vốn cho
trung tâm hành chính lại gặp rắc rối dù đã xây dựng đến giai đoạn cuối. Các
trung tâm tập trung của Bình Dương hay Vũng Tàu cũng chẳng khá gì hơn khi thực
tế không như mong ước của các nhà hoạch định.
Nguy
cơ “trứng vỡ”
Dự án trung tâm hành chính có thể hoàn thành theo tiến
độ hay không? Chưa biết. Với tiềm lực của hai tập đoàn tham gia dự án thì có lẽ
sẽ hoàn thành đúng hạn định. Nhưng có lẽ cũng như các dự án khác, sau khi hoàn
thành lại vỡ quy hoạch, cả quy hoạch đô thị và cả vỡ quy hoạch tài chính. Số tiền
đầu tư có thể sẽ tang lên do những yếu tố như lệ thường.
Tuy nhiên, người dân cả nước quan tâm hơn đến nguy cơ
vỡ nợ quốc gia. Mới cách đây mấy bữa, báo đài xôn xao chuyện hai tỉnh Cà Mau và
Bạc Liêu hết tiền thiếu nợ. Hàng chục tỉ đồng thâm thủng ngân sách tỉnh đã bị
ém nhẹm mãi cho tới khi “vỡ”.
Theo báo Người Lao Động, trong Diễn Đàn Đối Tác Phát
Triển Việt Nam được tổ chức ngày 05/12 tại
Hà Nội, bà Victoria Kwakwa đã cảnh báo: Việt Nam sẽ lấy nguồn đâu ra để tài trợ
cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới? Bà đã nêu lên thực
trạng then chốt dẫn đến sự giảm tốc của nền kinh tế đó là: sự yếu kém của hệ thống
hành chính công, bên cạnh đó là năng suất lao động thấp, nghèo nàn và phúc lợi
yếu kém. “Quá trình cải cách hệ thống hành chính công kéo dài của Việt Nam chưa
có kết quả rõ nét”. Bà đề xuất “cho phép người dân phản hồi thường xuyên và thực
chất trong quá trình hoạch định và theo dõi thực hiện quá trình hoạch định sẽ
giúp tăng cường trách nhiệm giải trình của chính phủ”.
Bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong hội
thảo về tình hình tài chính và ngân sách 2016 cũng đã phải thừa nhận rằng ngân
sách nhà nước hiện tại chỉ còn vỏn vẹn 45.000 tỉ đồng. Ông cay đắng nói “Con số
45.000 tỉ đồng này không biết phải làm gì, chưa nói đến phải trả nợ. Trả nợ
xong gần như không còn tiền để làm gì nữa”.
Lời thú nhận vô vọng của ông bộ trưởng Bùi Quang Vinh
là cái kết cho một nền kinh tế chỉ biết chi tiêu hoang phí, đầu tư dàn trải –
sai mục đích. Với các dự án kiểu này, cuộc chạy đua giải ngân ngàn tỉ này sẽ kết
thúc trong vũng lầy nợ nần và nghèo đói.
Không có nhận xét nào: