BBC: Bắc Kinh và Hà Nội lời qua tiếng lại sau khi Trung Quốc điều máy bay thử nghiệm hạ cánh tại một sân bay xây ở Trường Sa.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hôm nay, 2/1, tuyên bố rằng Trung Quốc mới hoàn thành một phi trường mới trên hòn đảo mà Việt Nam gọi là bãi đá Chữ Thập ở Trường Sa.
Bà Hoa nói tiếp: “Chính phủ Trung Quốc tiến hành một chuyến bay thử tới sân bay này bằng một máy bay dân sự để thử nghiệm xem các cơ sở trên đó có đáp ứng các tiêu chuẩn hàng không dân dụng hay không. Hoạt động liên quan hoàn toàn nằm trong chủ quyền của Trung Quốc”.
Nữ phát ngôn viên này một lần nữa nhấn mạnh tới “chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Nam Sa (Trường Sa) cùng các vùng nước lân cận” đồng thời tuyên bố “không chấp nhận cáo buộc vô căn cứ từ phía Việt Nam”.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố rằng việc làm trên của Trung Quốc “xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tinh thần của Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002; ảnh hưởng hòa bình, ổn định ở Biển Đông; giảm sự tin cậy chính trị giữa hai nước; tác động tiêu cực đến quan hệ láng giềng và tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc”.
Trong tuyên bố đăng trên trang web của Bộ này, ông Bình nói thêm: “Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hành động tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”.
"Đi cùng hướng"
Tin cho hay, cũng trong ngày 2/1, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối.
Đáp lại, bà Hoa Xuân Oánh nói thêm rằng quan hệ Việt – Trung “về tổng thể, đang phát triển”.
“Hy vọng rằng phía Việt Nam có thể làm việc với Trung Quốc để đi cùng hướng và có các nỗ lực cụ thể nhằm duy trì việc phát triển mối quan hệ song phương một cách ổn định và tốt đẹp”, bà Hoa nói.
Phía Việt Nam chưa có hồi đáp trước tuyên bố mới nhất của chính phủ Trung Quốc.
Trong một diễn biến khác, báo chí trong nước đưa tin, phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gửi công hàm để phản đối tuyên bố chủ quyền và những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tin cho hay, phái đoàn này một lần nữa lặp lại tuyên bố rằng Việt Nam "có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Liên Hiệp Quốc và luật Biển 1982”.
Không có nhận xét nào: