TNCG: Chỉ tính riêng năm 2015 đã có tới 50 vụ
vi phạm về tôn giáo xảy ra. Những sự vi phạm này thể hiện qua việc sách nhiễu các
tín đồ Tin Lành, các tín đồ là đồng bào khu vực thiểu số, các nhóm tôn
giáo nhỏ lẻ chưa được “cho phép” hoạt động. Bằng những hình thức như
ngăn cản không cho tham dự thánh lễ, đe dọa, không cho phép tụ tập đông
người...
Nhà cầm quyền cộng sản tiếp tục cưỡng chiếm đất đai của các tôn giáo trên khắp cả nước. Chỉ tính riêng Công giáo trong năm 2015 các dòng tu tiếp tục bị cưỡng chế, đe dọa cưỡng chế hay đã mất đi phần đất của mình như: Vụ Hồ Ba Giang của nhà thờ DCCT Thái Hà, vụ Đan Viện Thiên An ở Huế, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Phật giáo có sự việc liên quan đến Chùa Liên Trì...
BÁO CÁO TỔNG KẾT VỀ TÌNH HÌNH TỰ DO TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM NĂM 2015
Phần 1: Bối cảnh
Năm 2015 là năm được đánh giá đầy biến động của Việt Nam. Đáng chú ý nhất là sự kiện Việt Nam trong quá trình đàm phán TPP (Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương) đây là sự kiện thu hút được rất nhiều giới quan tâm và bình luận. TPP được đưa ra với hai điều kiện tiên quyết dành cho Việt Nam đó là Luật tôn giáo và Công đoàn độc lập. Qua đây để thấy rằng tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam vẫn còn bị vi phạm nghiêm trọng.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo và đứng thứ ba thế giới về sự đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng. Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.”
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản tôn giáo không được tôn trọng ở nhiều nơi, thâm chí còn bị xâm phạm nghiêm trọng. Qua hai năm (2014-2015), Hội bảo vệ Quyền tự do tôn giáo đồng hành cùng các tôn giáo để lên tiếng về những vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo mà các cơ quan chính phủ gây ra với các tín đồ và các cơ sở tôn giáo. Chúng tôi nhận thấy rằng: Việt Nam chưa thực sự có tự do tôn giáo.
Phần 2: Tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam
Theo báo cáo của ban tôn giáo chính phủ, Việt Nam có 14 tôn giáo, 38 tổ chức tôn giáo, trên 24 triệu tín đồ, 78.000 chức sắc và hơn 23.000 cơ sở thờ tự.
Trong năm 2015 Hội bảo vệ quyền tự do tôn giáo đã đưa ra 4 bản báo cáo tổng hợp những vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo. Trong 4 bản cáo ấy chúng tôi đã thống kê được những con số như sau:
Trong quý 1 (từ tháng 1 đến tháng 3) các cơ quan thuôc chính phủ Việt Nam đã gây ra 11 vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo.
Trong quý 2 (từ tháng 4 đến tháng 6) các cơ quan thuộc chính phủ Việt Nam đã gây ra 14 vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo
Trong quý 3 (từ tháng 7 đến tháng 9) các cơ quan thuôc chính phủ Việt Nam đã gây ra 14 vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo.
Trong quý 4 (từ tháng 10 đến tháng 12) các cơ quan thuôc chính phủ Việt Nam đã gây ra 11 vụ vi phạm quyền tự do tôn giáo.
Như vậy, chỉ tính riêng năm 2015 đã có tới 50 vụ vi phạm xảy ra. Những sự vi phạm này thể hiện qua việc sách nhiễu các tín đồ Tin Lành, các tín đồ là đồng bào khu vực thiểu số, các nhóm tôn giáo nhỏ lẻ chưa được “cho phép” hoạt động. Bằng những hình thức như ngăn cản không cho tham dự thánh lễ, đe dọa, không cho phép tụ tập đông người...
Đối với vấn đề đất đai của tôn giáo vẫn luôn là vấn đề nhức nhối. Chỉ tính riêng Công giáo trong năm 2015 các dòng tu tiếp tục bị cưỡng chế, đe dọa cưỡng chế hay đã mất đi phần đất của mình như: Vụ Hồ Ba Giang của nhà thờ DCCT Thái Hà, vụ Đan Viện Thiên An ở Huế, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Phật giáo có sự việc liên quan đến Chùa Liên Trì...
Đáng chú ý, trong năm 2015 này Quốc hội gửi đến các tôn giáo bản dự thảo Luật Tôn giáo số 4 và số 5 nhưng gặp phản ứng từ các tôn giáo. Cụ thể với Công giáo, hầu như tất cả các Giám mục đều có những văn thư đánh giá bản dự thảo Luật tôn giáo này là “bước thụt lùi” về quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam, bởi nó mang nặng tính “xin-cho” hơn những văn bản và Nghị định trước đó. Đặc biệt, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng đã có văn thư gửi đến quốc hội và Ban Tôn giáo chính phủ chỉ ra những điểm “thụt lùi” trong bản dự thảo luật tôn giáo này.
Nhiều nhóm tôn giáo đã quan sát và thấy rằng dự thảo luật không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về tự do tôn giáo, tín ngưỡng.
Giám mục Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên của giáo phận Vinh cho biết: "Cụm từ ‘được Nhà nước công nhận’ được sử dụng rất nhiều lần trong các chương này như là một điều kiện cần để công nhận quyền tôn giáo của công dân, điều này là không phù hợp”.
Hơn 35 tổ chức xã hội dân sự đã tham gia trong một tuyên bố chung kêu gọi chính phủ Việt Nam sửa đổi để dự thảo luật phù hợp với luật nhân quyền quốc tế, đồng thời cần tham khảo ý kiến của cả các cộng đồng tôn giáo hay tín ngưỡng độc lập lẫn được công nhận ở Việt Nam, cũng như tham khảo các chuyên gia như các Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, ông Heiner Bielefeldt.
Hội Bảo vệ Quyền Tự do tôn giáo cũng phát động chiến dịch: kêu gọi mọi người dân tìm hiểu về quyền tôn giáo để người dân ý thức được quyền và trách nhiệm của mình đối với vấn đề tự do tôn giáo.
Phần 3: Đánh giá và nhận xét
3.1 Những tiến bộ trong lĩnh vực tự do tôn giáo
Theo báo cáo của ban tôn giáo chính phủ, Việt Nam có 14 tôn giáo, 38 tổ chức tôn giáo, trên 24 triệu tín đồ, 78.000 chức sắc và hơn 23.000 cơ sở thờ tự. Việc mở trường và đào tạo chức sắc tôn giáo đang dần được quan tâm.
Hiện đã có 13 trường đào tạo cử nhân tôn giáo của các giáo hội, 40 trường đào tạo trung cấp và cao đẳng của các tổ chức tôn giáo; khoảng 13.000 người đang học ở các trường đào tạo tôn giáo; hơn 1.000 người thuộc các tổ chức tôn giáo đang học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.
Và gần đây nhất, ngày 06-08-2015, tại Trụ sở Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), số 72/12 Trần Quốc Toản, Phường 8, Quận 3, TP.HCM, đã diễn ra lễ công bố và trao quyết định thành lập Học viện Công giáo Việt Nam. Đây là sự kiện đáng mừng và cũng đáng ghi nhận trong việc nhìn nhận vấn đề tự do tôn giáo.
Giáo hội Công giáo đã hiện diện từ năm 1533, đến nay trở thành một tôn giáo lớn với trên 6.800.000 giáo dân, gần 5.000 linh mục, 43 giám mục, có 4 giám mục đang phục vụ Giáo hội hoàn vũ, 6 linh mục đang phục vụ tại Giáo triều Vatican, gần 60.000 giáo lý viên, trên 3.500 giáo xứ, với 8 Đại Chủng viện và hơn 100 dòng tu.
Một số công trình phúc lợi của tôn giáo được tạo điều kiện xây dựng và có sự quan tâm giúp đỡ từ các cấp chính quyền.
Đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong các dịp lễ Giáng Sinh, Phật Đản...
3.2 Những hạn chế còn tồn tại
Các Giáo hội đều bị nhà nước khống chế, lũng đoạn và xâm nhập
Các quyền tự do tôn giáo chính yếu bị hoàn toàn cấm cản:
- Mọi tôn giáo không được độc lập trong việc tổ chức nội bộ. Nhà cầm quyền tìm cách kiểm soát và ảnh hưởng lên việc chiêu sinh, huấn luyện, tấn phong, bổ nhiệm và thuyên chuyển hàng ngũ chức sắc lãnh đạo.
- Mọi tôn giáo không được tự do trong sinh hoạt phụng thờ. Các sinh hoạt này chỉ được thực hiện trong những nơi thờ tự đã được nhà nước công nhận. Các lễ nghi hay lễ hội lớn đều phải xin phép nhà cầm quyền.
- Mọi tôn giáo không được truyền bá giáo lý bên ngoài các cơ sở của mình, ra xã hội, qua các phương tiện truyền thông đại chúng, lên mạng thông tin toàn cầu.
- Mọi tôn giáo không được góp phần giáo dục giới trẻ qua hệ thống giáo dục từ tiểu học đến đại học. Hiện thời, các giáo hội chỉ được mở trường mẫu giáo nhưng vẫn dưới sự kiểm soát đủ mặt của chế độ.
- Mọi tôn giáo không được có tín đồ giữ các chức vụ cao trong bộ máy cai trị (quốc hội và chính quyền), trong hàng ngũ công an, quân đội cũng như trong hệ thống giáo dục.
- Mọi tôn giáo đều bị chính quyền tước đoạt đất đai và cơ sở thờ tự từ trước đó nhưng không được trả lại. Hiện nay, các giáo hội đều không được sở hữu đất đai, và không dễ dàng mở rộng cơ sở.
Phần 4: Khuyến nghị
Qua những bản báo cáo của Hội Bảo vệ Quyền tự do tôn giáo chúng tôi rất mong các cơ quan chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo của người dân.
Thực hiện đúng những gì Hiến pháp quy định về Quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Đồng thời, tôn trọng những điều đã ký khi Việt Nam đã là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Không có nhận xét nào: