Nụ Cười Hè Phố Và Nước Mắt Nhà Tù - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
10 tháng 5, 2016

Nụ Cười Hè Phố Và Nước Mắt Nhà Tù

TNCG: Nữ doanh nhân Hoàng Mỹ Uyên đã trở thành biểu tượng "biểu tình ôn hoà bị trấn áp" tại Việt nam. Cô đã nổi tiếng trong cộng đồng mạng Việt nam. Nhưng báo chí Việt nam không dám đăng tin về "biểu tượng", mà chỉ rón rén ca ngợi cô với tư cách bà chủ một số điểm "một người một ổ” bánh mỳ miễn phí cho người nghèo ở TPHCM. Và nhắc đến việc 2 thanh niên sắp phải ra tòa vì cướp giật vài ổ bánh mỳ vài chục nghìn đồng cũng tại thành phố này vào 15-5-2016 tới.

Nhiều đồng nghiệp của tôi bình luận theo hướng kết tội hai thanh niên này, nhưng không dám sẵn sàng bảo vệ biểu tượng của "biểu tình ôn hoà" và "bánh mỳ từ thiện", mà nếu có nhiều người như cô, sẽ bớt rất nhiều những cảnh giật ổ bánh ỳ như hai thanh niên kia.

Hai hôm nay, vì đau đớn do bị đánh đập trong cuộc biểu tình ôn hoà ngày 8/5/2016, chuỗi "200 ổ/1 ngày" của cô đã phải tạm ngưng.

Để ủng hộ cô, trong tuần này gia đình tôi sẽ đến quán Cafe Người Sài Gòn của cô tại 09 Thái Văn Lung, quận 1, TPHCM. Các bạn tôi, có dịp cũng nhớ đến địa chỉ này nhé! (Trần Vũ Hải)

NỤ CƯỜI HÈ PHỐ VÀ NƯỚC MẮT NHÀ TÙ

Câu chuyện 2 thanh niên đi cướp bánh mì vì đói giữa Sài Gòn cho thấy những người được gọi là “cướp” ngày càng xuống cấp.

Tại một góc nhỏ của thành phố Tân An, Long An, nhóm bạn trẻ CLB Thiện Tâm quen với cảnh ông già đạp xích lô 87 tuổi hay chở bà cụ bán vé số 95 tuổi đến đây nhận bánh mì từ thiện. Cứ mỗi sáng, người nghèo Tân An đi bộ, đi xe lăn, xe đạp, có người đi xe gắn máy ngang đây, và tạt vào “mỗi người một ổ”.

Phạm Hoài Phong - nhân viên một công ty nhỏ ở Tân An, chủ nhiệm CLB Thiện Tâm nói: “Mô hình này ở Sài Gòn. Nhóm tụi em thấy hay quá, nên “nhân bản” để người nghèo xứ mình đỡ khổ”.

Câu chuyện “nhân bản” tấm lòng kiểu người Sài Gòn đang được nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện “rình” từ Sài Gòn về tỉnh lẻ. Trên đường phố Sài Gòn, bạn đừng ngạc nhiên nếu bất chợt gặp tấm biển nho nhỏ, viết chữ xấu xấu của những chủ nhân rất đỗi bình dân: “Trà đá miễn phí”; “Cắt tóc miễn phí”; “Bơm xe miễn phí”... Dĩ nhiên, những dịch vụ này là dành riêng cho người nghèo.

Cách đây vài tháng, tủ bánh mỳ từ thiện “mỗi người một ổ” trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh của vợ chồng chủ Thẩm mỹ viện Xuân Lan xuất hiện làm nhiều người nghèo ấm lòng. Bánh mì ở đây được “đặt riêng”, đặc ruột nên giá gấp đôi so với bánh mì thường. Lý do hết sức đơn giản: “Người nghèo lao động vất vả, bánh mì phải nhiều tinh bột thì mới đủ no”.

Tủ bánh mì nghĩa tình này xuất hiện nhiều trên facebook, trên báo, nhưng muốn chụp tấm ảnh chủ nhân thì cả hai vợ chồng lắc đầu từ chối. Người vợ nói: “Chị cũng chỉ là một người bình thường nhỏ bé, làm những việc nhỏ bé. Chị làm việc này không mong được lên báo hay nổi tiếng gì cả, chỉ mong sẽ có thêm nhiều quầy bánh như thế này ở Sài Gòn để giúp đỡ những người nghèo khổ”.

Tủ bánh mì nhỏ bé của chị Lan được chị Hoàng Mỹ Uyên - chủ quán cà phê Người Sài Gòn (quận 1) “nhân bản” và đặt tại đường Thái Văn Lung và Bùi Thị Xuân. “Việc làm ý nghĩa của cô Lan tôi thấy rất là thích. Những người bạn của tôi cũng ủng hộ nhiệt tình, mỗi bạn góp một chút và mỗi ngày chúng tôi có 200 ổ bánh mì tặng người nghèo”- chị Uyên nói.

Cũng như chị Lan, người nghèo chỉ thấy những ổ bánh mì ấm áp tình người mà không thấy chủ nhân đâu. Trên trang facebook khá “hot” của mình, cũng không thấy hình ảnh chị Uyên và bánh mì từ thiện. “Người Sài Gòn thơm thảo nhiều lắm. Mình cũng như những người khác. Chỉ là những việc rất nhỏ thôi” - chị Uyên cười nhẹ nhàng.

Cũng vì ổ bánh mì, hai thanh niên vừa tròn 18 tuổi ở Sài Gòn đã sa chân vào vòng lao lý vì can tội “cướp bánh mì chống đói”. Theo cáo trạng, tháng 10-2015, Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân (cùng 18 tuổi, ngụ TP.HCM) đến một quán nhậu ở quận Thủ Đức để xin làm việc.

Trên đường đi, 2 thanh niên đói bụng nhưng không còn tiền nên nảy sinh ý định cướp bánh mì ăn. Tân tấp xe vào tiệm tạp hóa bên đường Tô Vĩnh Diện (quận Thủ Đức), Tuấn xuống hỏi mua 2 bịch chuối sấy, một ổ bánh mì ngọt, đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường. Sau đó, Tuấn giật lấy gói thức ăn từ tay chủ quán rồi lên xe, Tân tăng ga bỏ chạy.

Chủ quán tạp hóa truy hô và cùng người dân đuổi theo, bắt giữ 2 thanh niên cùng tang vật. Tại cơ quan điều tra, Tân và Tuấn đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội. VKSND quận Thủ Đức nhận thấy hành vi của 2 thanh niên này thuộc trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm nên đã truy tố tội Cướp tài sản theo Khoản 2, Điều 136 Bộ luật hình sự với khung hình phạt từ 3 - 10 năm tù. Dự kiến, ngày 15-5 này hai bị can trên sẽ ra tòa lãnh án.

Trên mạng, người ta bàn nhiều về quan điểm buộc tội của các cơ quan tố tụng. Phần lớn cho rằng việc xử lý như hiện nay là quá nặng, là trừng trị chứ không phải răn đe. Nhưng, dù là nặng hay nhẹ thì hành vi của hai thanh niên này là sai trái.

Có người ước ao, nếu ngày hôm đó, hai thanh niên này đi ngang một tủ bánh mì từ thiện bất kỳ nào đó, có lẽ đã không có vụ án đau lòng này. Xã hội sẽ đẹp hơn với những nụ cười hè phố chứ không phải với những giọt nước mắt sau song sắt nhà tù.

Cuộc sống, cần lắm những tấm lòng thơm thảo kiểu Sài Gòn, để cái tốt lấn dần cái xấu.

Nhưng ở một xã hội có quá nhiều người còn phải ăn bánh mì từ thiện; có người phải vào tù vì cướp bánh mì, bất chấp đạo đức, pháp luật, là một xã hội còn rất nhiều vấn đề bất ổn.
 

Trần Vũ Hải – Hữu Danh, SGB
Nụ Cười Hè Phố Và Nước Mắt Nhà Tù Reviewed by Phụng Thiên on 5/10/2016 Rating: 5 TNCG: Nữ doanh nhân Hoàng Mỹ Uyên đã trở thành biểu tượng "biểu tình ôn hoà bị trấn áp" tại Việt nam. Cô đã nổi tiếng trong cộn...

Không có nhận xét nào: