Mắt to hơn bụng - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
18 tháng 3, 2012

Mắt to hơn bụng

Chu Thập - Năm nay coi như không có mùa hè đối với dân câu cá ở vùng tôi ở. Mưa liên miên. Nước thường đục ngầu mà cũng chẳng mấy khi nóng đủ cho các loại cá mùa hè như cá hanh, cá đục, cá chai...hoạt động cho nên nhiều hôm tôi cứ xách cần về không và ca bài “ra đi hy vọng tràn trề, trở về thất vọng não nề bấy nhiêu”. Chợt nhớ lại cái thời vàng son khi tôi còn mặc quần thủng đáy mà đã có thể câu cá đủ cho bữa ăn chiều của cả gia đình. Cứ mỗi chiều khi tan học, lũ nhóc con chúng tôi xách cần câu tre kéo nhau ra hai bên bờ sông gần nhà. Mũi dãi chưa sạch, nói năng còn ngọng nghệu vậy mà cũng bắt chước cái giọng người lớn để khoe: “Đủ nướng đủ kho đủ cho mẹ vợ”. Ngày nay, phải trả tiền mới có giấy phép câu cá, lại câu ở những nơi chỉ dành cho dân câu cá, vậy mà nhiều lúc không đủ ăn chứ đừng nói tới chuyện cho mẹ vợ! Thèm cá, nhưng không muốn vào chợ cá. Phần thì cá không được tươi, nguồn gốc của cá đánh bắt đôi khi đáng nghi ngờ, giá lại mắc mỏ. Nhứt là năm nay, mất mùa cá, mấy tiệm bán cá chặt đẹp. Hôm chúa nhựt vừa rồi, ghé vào một tiệm cá ở Hornsby, Bắc Sydney, thấy người ta tranh nhau mua đồ biển mà bắt sợ. Giá một ký cua thôi cũng bằng tiền cá tôi ăn một hai tuần lễ. Hỏi ra mới biết đang là Mùa Chay của Kitô giáo! 


Lạ quá. “Đạo”, nếu hiểu như là việc không bỏ lễ Chúa Nhựt và tuân theo một số “giới răn” của Giáo hội, thì chẳng còn mấy ai giữ trong xã hội này. Nhưng cái truyền thống kiêng thịt và ăn cá trong mỗi ngày thứ sáu của Mùa Chay thì xem ra người ta lại thích “giữ”. Thật ra, có lẽ chỉ có “dân giàu” mới sính với truyền thống này, bởi vì chỉ có dân giàu mới có dư tiền để mua đồ biển. Té ra, trong tôn giáo, người giàu vẫn sướng hơn kẻ nghèo! “Chay” cũng có của ngon dở, mắc rẻ. 

Lúc nhỏ và ngay cả trong một quãng thời gian dài của tuổi trưởng thành, tôi cứ phải “vật lộn” để tuân giữ luật lệ của Giáo hội tôi, nhứt là luật về kiêng khem và chay tịnh. Tôi còn nhớ, cứ đến ngày thứ sáu trong Mùa Chay, thì mẹ tôi, theo chỉ dẫn của các nhà “thông luật” trong Giáo hội thời đó, dặn các chị tôi rất kỹ: đi chợ phải mua cho bằng được thịt của loài sống dưới nước như cua, tôm, cá và ngay cả “gà nước”, con vít (rùa biển) v.v... Còn “ăn chay” thì đối với tôi chẳng khác nào chuyện “đu giây”. Mẹ tôi cứ dặn đi dặn lại: ăn chay là sáng ăn thật ít, trưa ăn thật nhiều và tối phải canh làm sao để không ít như sáng mà cũng chẳng nhiều như trưa. Giữ luật Giáo hội mà chẳng khác nào làm toán để cân đo đong đếm cho đúng liều lượng! Nhiều bữa lỡ quên hay “thèm” quá mà ăn quá chén, thế là tiêu một ngày giữ chay, lương tâm lại bị “cắn rứt” vì không tuân giữ luật Giáo hội! 

Ngày nay, cảm thấy mình phải trưởng thành hơn trong việc giữ Đạo, tôi nhận thấy rằng trong việc chay tịnh, điều quan trọng không phải là thịt hay cá, ăn ít hay ăn nhiều, mà chính là chiến đấu chống lại tính ích kỷ, lòng tham lam để biết sống vị tha hơn. Càng tiến tới trong tuổi đời, tôi càng nghiệm ra rằng tham là cội rễ của mọi sự dữ. Tham thì giàu hay nghèo ai cũng có. Mà tham thì không chỉ có tham tiền, mà còn tham quyền, tham thế lực, tham được hơn hay thống trị trên người khác nữa. 

Mới đây, trên báo mạng Đàn Chim Việt, bài viết có tựa để “Cặp đôi hoàn hảo Chuyên Chính và Tham Nhũng” của tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã gợi lên cho nhiều ý tưởng để suy niệm trong Mùa Chay. Tác giả trích dẫn một quy luật bất di dịch là câu nói bất hủ của Nam tước Anh John Dalberg Acton (1834- 1902) “Quyền lực có xu hướng tham nhũng, mà quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối” (Power tends to corrupt and absolute power corrupts absolutely). Trong bài viết, tác giả lên án thái độ vô liêm sỉ của thủ tướng Việt nam Nguyễn Tấn Dũng khi ông này chỉ đạo phải “xóa nguồn gốc tạo đặc quyền, đặc lợi!” Một cách cụ thể, phải thêm nhiều giải pháp mạnh, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Theo tác giả Hà sĩ Phu, phải tuyệt đối vô liêm sỉ mới có đủ trơ trẽn để vừa củng cố cái nguồn gốc của đặc quyền đặc lợi là chủ nghĩa cộng sản lại vừa kêu gọi chống tham nhũng. Hà sĩ Phu viết: “Nguồn gốc là ở đấy, nay thủ tướng lại hô hào “Xóa nguồn gốc của đặc quyền, đặc lợi” tức là tự xóa mình, thì xóa thế nào? Vì thế, dù người chỉ huy Phòng chống tham nhũng là thủ tướng, là tổng bí thư hay chủ tịch nước hay chủ tịch quốc hội cũng đều không giải quyết được nạn tham nhũng, vì phân tích căn nguyên như trên thì họ đều liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến tham nhũng, đều gặp những khó khăn không giải quyết được”. 

Đã tham quyền thì nhũng lạm. Quyền lực hay đúng hơn lòng tham quyền lực làm cho con người ra mù quáng. 

Cũng trên báo mạng Đàn Chim Việt, bài viết có tựa đề “Nghĩ muộn” của một tác giả nổi tiếng trong nước là nhà văn Nguyễn Khải cũng xoay quanh vấn đề quyền lực và nhân cách. Nhà văn Nguyễn Khải khẳng định rằng “trong những tham vọng của con người thì tham vọng quyền lực là tệ hại nhất, nguy hiểm nhất. Nhân loại đã từng chết đi sống lại nhiều lần vì cái tham vọng có sức phá hoại ghê gớm ấy. Bất cứ cái gì một khi đã bị quyền lực chạm tới đều lập tức biến chất thành hư hỏng, ruỗng nát. Khoa học, văn chương, tôn giáo, học thuyết là những kết tinh rực rỡ nhất của trí tuệ con người, nhưng do ăn chung ở đụng lâu dài với quyền lực nên dần dần trở thành tôi tớ cho quyền lưc, bị đem ra phục vụ cho những mục tiêu xấu xa nhất, củng cố quyền lực của một tập đoàn, một quốc gia hay để thống trị các tập đoàn khác, quốc gia khác.” (x. Đàn chim việt info 7/3/2012). Chỉ tiếc một điều là vì chưa đủ tỉnh táo và sáng suốt để tìm được “cái tôi đã mất” do cả một đời uốn cong ngòi bút làm văn nô cho chế độ cho nên nhà văn Nguyễn Khải mới ca ngợi rằng “trong thế kỷ 20 như tôi được biết có ba nhân vật mà quyền lực không thể đụng chạm tới lý tưởng và nhân cách cao quý của họ. Đó là Tôn Trung Sơn, Hồ Chí Minh và Nelson Mandela”. Bảo rằng Hồ Chí Minh không để cho quyền lực thống trị và điều khiển thì chẳng khác nào ca ngợi công đức của Hitler, Stalin và Mao Trạch Đông! 

Không nghe nói đến chuyện ông Hồ Chí Minh tham nhũng. Thật ra, sống “thanh đạm” mà lúc nào cũng có kẻ hầu người hạ như ông thì cũng quá cha thiên hạ rồi (ông vẫn tự xưng là cha già dân tộc mà). Nhưng chủ trương lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện, sử dụng bất cứ thủ đoạn nào, nhứt là hãm hại người khác và ngay cả dối trá, lừa bịp để thu tóm quyền lực trong tay và để được tôn thờ như một vị thánh, một người như thế mà bảo quyền lực “không thể đụng chạm tới lý tưởng và nhân cách cao quý” ư? 

Quyền lực, xét cho cùng, vẫn là điểm nhắm của lòng tham. Con người có chạy theo tiền của là để có quyền lực. Hiện nay, báo chí Úc nói nhiều đến cuộc tranh giành trong gia đình bà Gina Ginehart, người cự phú hầm mỏ hiện đang được coi là người giàu có nhứt nước Úc và trong tương lai không những trở thành người phụ nữ giàu nhứt thế giới, mà còn có thể là người giàu nhứt hành tinh. Ngoại trừ cô con gái út Ginia Rinehart là người đứng về phe bà, cả ba người con khác đều cấu kết với nhau để đưa người mẹ ra tòa. Chuyện chưa ngã ngũ và trắng đen còn tùy thuộc ở mấy tấc lưỡi của mấy ông “thày cãi”. Nhưng người đứng ngoài nhìn vô chắc chắn ai cũng thấy “khó coi”. Mẹ con với nhau mà chỉ vì miếng ăn, dù miếng ăn ấy có béo bở đến đâu, để đến nổi vác chiếu ra tòa, nghe chẳng còn thể thống gì nữa! Những người con của bà Ginehart chắc chắn chỉ nhắm tới món tiền kết xù trước mắt. Còn bà Ginehart, trước viễn tượng của chiếc vương miện được làm người giàu nhứt thế giới sẽ được đội trên đầu, xem ra vẫn muốn ăn thua đủ với con cái mình. Tiền bạc và quyền lực đàng sau tiền bạc quả là một mãnh lực khủng khiếp! 

Nước Úc “miệt dưới” coi vậy mà cũng có nhiều chuyện để được thế giới chú ý đến. Cũng may, bên cạnh cuộc tranh giành chẳng mấy tốt đẹp trong gia đình bà Ginehart, Úc đại lợi lại nổi tiếng với hình ảnh của một người mà, trong phụ trương “AustralianMagazine” số ra cuối tuần qua, nhựt báo The Australian gọi là “người đàn ông với cái bắt tay bằng vàng”. Mấy tuần qua, các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới như BBC, CNN và báo chí tại 61 nước trên thế giới đều nhắc đến tên ông: Ken Grenda, chủ nhân của Công ty xe buýt nổi tiếng tại Melbourne “The Grenda Corporation”. Ông Ken Grenda được thế giới nhắc đến với tất cả nể phục là bởi vì sau khi bán công ty, ông đã trích ra 15 triệu Úc kim để làm quà cho khoảng 1750 nhân viên của công ty, từ tài xế, đến thợ máy và kế toán viên...Mọi người ai cũng ngạc nhiên khi thấy trong tài khoản của mình một số tiền bất ngờ. Có người, khi nhận được trong sổ băng số tiền 12 ngàn Úc kim, nghĩ rằng đã có sai lầm trong sổ lương của công ty. 

Dĩ nhiên, ông Ken Grenda không hào sảng một cách “đột xuất” hay để đền bù một số bất công mà công ty đã phạm đối với các nhân viên trong suốt 65 năm qua. Lòng quảng đại của ông là thể hiện của một triết lý sống mà ông đã không ngừng đeo đuổi trong suốt thời gian quản lý công ty của gia đình. 

Vợ ông, bà Margaret, kể lại rằng vào thập niên 60, sau tuần trăng mật, ông bảo bà ngồi xuống ghế rồi nói một cách nghiêm chỉnh như sau: “Anh có điều muốn nói với em. Anh muốn em đối xử với các nhân viên của chúng ta như thể là người trong gia đình. Họ cũng là người tốt như chúng ta. Họ bình đẳng với chúng ta. Không có họ thì chúng ta không thể tạo lập nên sự nghiệp. Không có họ chúng ta sẽ không có bánh mì và bơ trên bàn ăn. Anh muốn em học thuộc tên họ. Mỗi lần em gặp họ, anh muốn em đối xử tử tế với họ”. 

Đối xử tử tế với nhân viên không chỉ có nghĩa là thuộc tên họ, ân cần chào hỏi họ, ông Ken Grenda còn thiết lập một Quỹ ký thác để giúp đỡ con cái của những gia đình nhân viên nghèo được có tiền ăn học. 

Trong khi con cái của bà Ginehart xúm lại lôi bà ra tòa, thì người con trai út của ông Grenda nói về cha mình như sau: “Cha tôi là người quảng đại, tử tế nhứt mà bạn có thể gặp”. Anh nói rằng mấy anh em ông luôn khuyên cha mình nên cẩn thận kẻo bị người ta lợi dụng. Nhưng ông Grenda luôn dạy con cái ông hãy tin tưởng người khác như tin tưởng mẹ mình. Có lẽ bà Ginehart và con cái bà không tin ở lời khuyên này của ông Grenda cho nên mới có chuyện mẹ con tranh giành xâu xé nhau. 

Mùa Chay, cùng với chay tịnh, các Giáo hội Kitô trên khắp thế giới thường mở chiến dịch kêu gọi chia sẻ để giúp đỡ những người túng thiếu. Được thực hiện trong Mùa Chay, nghĩa cử của ông Grenda đối với các nhân viên của ông có một ý nghĩa đặc biệt. Giữa lúc thế giới đang trải qua khủng hoảng kinh tế và tài chính, những người giàu có trên thế giới không thể không suy nghĩ về “tấm gương” của ông. Những người giàu có thường có “con mắt lớn hơn cái bụng”. Có giàu có đến đâu, mỗi người cũng chỉ có một cái bụng. Có phú quý đến đâu, chỗ ngủ của mỗi người cũng chỉ là một cái giường...Sở dĩ con người muốn chiếm hữu nhiều của cải là để được tiếng và được “quyền” hơn người. Kỳ thực, điều thực sự làm cho con người “to lớn vĩ đại” hơn không phải là cái xe, cái nhà, cái mớ tiền của chỉ là “giấy lộn” trong ngân hàng và lại càng không phải là “cái bụng to” của mình, mà chính là tấm lòng vị tha của mình. Nghịch lý lớn nhứt ở đời là càng cho đi, con người lại càng có “thế lực” và giàu có. 

Chay tịnh có lẽ sẽ trở nên “dễ thương” và “đáng nhớ” hơn nếu như người ta sẵn sàng nhường những gì mình ưa thích cho người khác. Ngay trong xã hội Úc, người nghèo “tinh thần”“vật chất” cũng còn nhiều lắm. Chẳng cần đi xa. 


Mắt to hơn bụng Reviewed by Hoài An on 3/18/2012 Rating: 5 Chu Thập - Năm nay coi như không có mùa hè đối với dân câu cá ở vùng tôi ở. Mưa liên miên. Nước thường đục ngầu mà cũng chẳng mấy khi nón...

Không có nhận xét nào: