VRNs (30.01.2013) – Bình Dương – “Phạm nhân không được quyền lớn tiếng ở đây, câm ngay!” là điều bà Thủy, một cán bộ quản giáo tại trại tạm giam Bố Lá thuộc Công an TP.HCM, đóng quân trên địa bàn huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương (từ TP.HCM bạn đi theo Quốc lộ 13, tới ngã tư Sở Sao, cách ngã tư Bình Phước khoảng gần 30 km, hỏi người dân ở hai bên đường sẽ được hướng dẫn).
Ngày 28.01.2013, cô Tạ Minh Tú từ Bạc Liêu lên Sài Gòn đến nhà tù Chí Hoà để thăm nuôi chị là cô Tạ Phong Tần. Đến nơi, các vị công an ở đây mới cho biết đã chuyển cô Tần đi trại Bố Lá từ ngày 23.01.2013. Nghe tin ấy, cô Tú bức xúc, vì sao chuyển trại giam, mà không ai thông báo cho gia đình biết. Riêng tại trại giam Bố Lá, cô Tạ Phong Tần nói cho cán bộ Thủy, ngay lúc có mặt cô Tú, là việc chuyển cô về Bố Lá là sai luật:
Cô Tú viết lời của cô Tạ Phong Tần cho chúng tôi như sau: “Nếu đúng quy định, tôi chưa nhận được bản án, là mấy người không có quyền chuyển tôi đi như vậy”. Đây là câu nói khiến cho bà Thủy tức giận đã buộc cô Tần phải “câm miệng”.
Ở đây có sự ngược đời: đúng ra, quản giáo và cơ quan chức năng (cụ thể là công an TP.HCM) phải là người biết luật, làm đúng luật, để giúp những người tù “cải tà quy chánh”, thì ở trại Bố Lá này, công an tỏ ra không biết luật, và cố tình lạm dụng chức vụ, xúc phạm tù nhân.
Bà Thủy còn hăm dọa rằng sẽ tát vào mặt cô Tần, nếu còn dám nói, và sẽ cho người đánh chết cô Tần, nếu cứ mở miệng là nói “quy định”. Bà Thủy, theo cô Tú, không phải là người không biết chuyện, bà biết rõ cô Tú từ quê lên thăm chị, nên bà cũng đe và lên lớp:
“Mày từ dưới quê lên, bày đặt láo phét, tao tát vào mặt mày bây giờ” – cô Tú viết.
Cô Tú cho biết, khi gởi hàng thăm nuôi, trại giam chỉ cho gởi phần thịt kho mặn, cá, rau củ quả và những thứ khác đều không cho gởi. Khi có mặt bà Thủy, cô Tần đã xin phép cho nhận tràng chuỗi Mân Côi, do một linh mục gởi, vì dây chuỗi cũ của chị đã bị giật đứt. Cán bộ Thủy cho biết, người gởi phải có giấy chứng minh nhân dân và hộ khẩu. Cô Tú ra xe lấy giấy tờ vào, bà Thủy bảo hết giờ. Lúc đó chỉ mới 16 giờ chiều.
Cuộc thăm gặp phạm nhân tại trại tạm giam Bố Lá thường kéo dài từ 30 phút đến 45 phút, nhưng cô Tú chỉ được gặp chị mình trong vòng 10 phút.
Những điều này là bằng chứng ngược lại với những gì Báo công an đã khoe với lãnh đạo thành phố về trại tạm giam Bố Lá: “Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã giám sát tình hình chấp hành pháp luật trong việc quản lý, giam giữ và thực hiện các chế độ chính sách đối với người bị tạm giam và phạm nhân tại Trại tạm giam Bố Lá (Công an TPHCM). Báo cáo với đoàn giám sát, thượng tá Phạm Văn Tám – phó giám thị, cho biết trong thời gian qua, cán bộ chiến sĩ (CBCS) của trại đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận người bị tạm giam, phạm nhân đảm bảo chính xác, đúng quy định của pháp luật; tiến hành phân loại và bố trí giam giữ người bị tạm giam, phạm nhân theo từng loại, làm tốt công tác phân hóa đối tượng, có khu giam, phòng giam trọng điểm”.
Tuy thời gian gặp ngắn, cô Tú cũng đã kịp hỏi để xác cô Tạ Phong Tần xác nhận một sự việc, mà các tổ chức nhân quyền và báo chí quốc tế quan tâm là: “Chị Tần có bao giờ bị công an lột quần áo, và thọc tay vào chỗ kín không?” Cô Tần xác nhận có và nói rõ hai người xúc phạm đến thân thể của cô tạ Phong Tần là viên an ninh Trần Tiến Tùng (Tùng hói), và Lê Minh Hải (đây cũng là viên an ninh chỉ đạo xúc phạm đến thân thể các phụ nữ khác trong thời gian vừa qua là Huyền Trang và Hoàng Vi). Cô Tạ Phong Tần còn cho biết thêm, họ đã xúc phạm cô tại văn phòng luật sư Pháp Quyền của luật sư Lê Trần Luật trước đây.
Cùng đi thăm với cô Tú ở Bố Lá, có bà Dương Thị Tân và anh Nguyễn Trí Dũng, vợ và con trai blogger Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải. Đây là lần đầu tiên bà Dương Thị Tân được gặp và nói chuyện với ông Hải kể từ khi ông bị giam cách đây hơn 4 năm.
Thân nhân của một tù nhân lương tâm khác cho VRNs biết nhạc sĩ Việt Khang đã bị chuyển đến nhà tù mới ở Đồng Nai. Điều này cho thấy, có thể Việt Khang và gia đình đã rút lại ý định kháng án, như lời luật sư Hà Huy Sơn nói ngay sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm xét xử Trần Vũ Anh Bình và Việt Khang.
Không có nhận xét nào: