Ý Nghĩa Từ Việc Kiến Nghị Sửa Đổi Hiến Pháp Của Một Số Nhân Sĩ Trí Thức - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
30 tháng 1, 2013

Ý Nghĩa Từ Việc Kiến Nghị Sửa Đổi Hiến Pháp Của Một Số Nhân Sĩ Trí Thức

Tấn Hà - Ngày 19/01/2013 một số nhân sĩ trí thức người Việt đã đồng ký tên và cho ra đời một bản kiến nghị sửa đổi hiến pháp. Động tác này trước hết là hoàn toàn phù hợp với việc Quốc Hội Việt Nam hiện nay tuyên bố công khai lấy ý kiến nhân dân về việc sửa đổi Hiến Pháp Năm 1992. Hiện tại theo thống kê trên trang Bauxite và trang Ba Sàm số lượng người tham gia ký tên ủng hộ vẫn đang ngày một tăng. Nhưng dư luận trong và ngoài nước đang có những ý kiến trái chiều. Có lẽ để cho vấn đề thêm sáng tỏ, chúng ta rất cần phân tích một số ý nghĩa của việc kiến nghị sửa đổi hiến pháp này.

Trước hết cần phải khẳng định ngay rằng, Quốc Hội Việt Nam (dưới quyền trực tiếp lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam - ĐCSVN) sẽ để ngoài tai bản kiến nghị sửa đổi hiến pháp của các nhân sĩ trí thức. Mặc dù họ cũng đã ra hẳn một lời kêu gọi xin trích như sau: "Quốc hội kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng bản Hiếnpháp thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới". Kêu gọi như vậy nhưng vấn đề là ở chỗ, kiến nghị gì thì cũng phải do chính quyền tiến hành "thảo luận" và hoàn toàn theo sự "hướng dẫn" của họ. Trong khi đó bản kiến nghị của các nhân sĩ trí thức là một bản kiến nghị, tạm gọi là "tự do".

Các nhân sĩ trí thức khởi xướng và tham gia ký vào bản kiến nghị kể trên có biết rằng Quốc Hội sẽ không đếm xỉa đến tiếng nói của họ hay không? Chắc chắn là họ biết, vì trong lịch sử xã hội Cộng Sản ở Việt Nam từ 1945 đến nay, chuyện lập hiến và lập pháp đều do ĐCSVN tự làm, nhân dân Việt Nam chỉ việc chấp nhận chúng như một sự hợp pháp, vì họ chưa bao giờ được trao cho quyền tham gia lập hiến chứ chưa nói gì đến chuyện lập pháp. Nhưng các nhân sĩ trí thức vẫn quyết tâm làm một việc tưởng như vô ích, đó là vì sao?

Nếu nhìn qua danh sách 72 nhân sĩ trí thức ký tên đầu tiên trong bản kiến nghị sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 và bản dự thảo do họ lập ra, chúng ta thấy nhiều những gương mặt quen thuộc, những nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, nhà giáo vv.., hầu hết họ đều là đảng viên của ĐCSVN mà tên tuổi của họ gần đây đã gắn liền với những kiến nghị về vụ Bô Xít, về đề nghị tổ chức biểu tình chống Tàu. Tất nhiên như đã nói, những ý kiến kiến nghị của họ đều bị chế độ Cộng Sản bỏ ngoài tai. Nhiều người còn bị công an ngăn cản, sách nhiễu, gây khó khăn... Có lẽ hơn ai hết, họ chính là những người Cộng Sản tiến bộ, đã kịp nhận ra rằng: Cần phải có sự thay đổi!

Có thể tạm nhận định rằng, những nhân sĩ trí thức ra bản kiến nghị sửa đổi hiến pháp lần này chính là một sự tự diễn biến (theo cách nói của chế độ CS). Họ hiểu rằng, hơn bao giờ hết, muốn thay đổi xã hội, theo lý thuyết sẽ phải bắt đầu từ khâu thay đổi hiến pháp. Nhưng đó chỉ là về mặt nhận thức, vì hiến pháp mới chỉ là văn bản tiền đề hướng dẫn. Để hiến pháp áp dụng được vào đời sống thì còn phải luật hoá nó bằng các bộ luật, đạo luật cụ thể. Thậm chí vai trò của các văn bản dưới luật, hướng dẫn thi hành luật cũng đóng vai trò không nhỏ khi áp dụng vào đời sống xã hội. Đơn cử như Hiến Pháp năm 1992 quy định rõ ràng quyền biểu tình của người dân, nhưng nó chưa bao giờ được áp dụng, vì chưa có Luật Biểu Tình...

Những người soạn thảo và ký văn bản kiến nghị sửa đổi hiến pháp lần này, phải làm một việc bất đắc dĩ, vì họ chẳng thể làm được gì hơn. Tuy trong lòng họ đã ghét cay ghét đắng chế độ Cộng Sản mà họ đã phải đổ bao mồ hôi nước mắt, tuổi thanh xuân và cả máu xương của mình để tạo dựng nên nó. Nhưng bản thân họ không thể dám đấu tranh quyết liệt như năm nào họ đã "chống Mỹ cứu nước" vì một mặt là nay họ đều đã qua lứa tuổi sung sức, điều thứ hai là họ còn vướng víu chút quyền lợi cá nhân và đặc biệt là quyền lợi của con cháu họ trong chế độ hiện hành. Quyền lợi cá nhân thì họ có thể dám hy sinh vì họ đều là những người yêu nước và không phải là những kẻ yếu hèn. Nhưng hy sinh quyền lợi của con cháu họ (vì nếu họ dấn thân chắc chắn con cháu họ sẽ bị ảnh hưởng - do sự trả thù hèn hạ của chế độ) thì họ sẽ chẳng dám làm...

Có thể nói, việc ngày nay ở Việt Nam ngày càng có nhiều nhân sĩ trí thức tỉnh ngộ và họ nhận thức một cách rất đúng đắn rằng, cần phải thay đổi cơ chế "đảng lãnh đạo" phản dân chủ hiện nay. Nhưng họ vẫn loay hoay trong cái vòng "công an trị" mà ĐCSVN đã tạo ra từ bao năm qua. Mặt khác, đứng trước mặt họ vẫn là những đồng chí, đồng đội của họ, mặc dù những "đồng chí" đó nay đang coi họ là những thành phần "tự diễn biến" thậm chí là phản động, thì ít nhiều họ vẫn có gì đó còn ngần ngại...

Có thể khẳng định một cách chắc chắn tuyệt đối rằng, mọi chế độ Độc tài Cộng Sản đều không thể sửa chữa. Chế độ CS ở Việt Nam, về bản chất không hề giống chế độ Độc tài Myanmar. Vì vậy mọi mơ ước "Việt Nam sẽ thay đổi giống như Myanmar" là điều hoang tưởng. Vì vậy chỉ có duy nhất một con đường đó là đấu tranh trực diện với chế độ CS buộc nó phải chấp nhận trao trả quyền lực về tay nhân dân mà thôi. Như vậy thì những kiến nghị như của các nhân sĩ trí thức ngày 19/01/2013 nhằm "góp ý" với chế độ để điều chỉnh hiến pháp là vô giá trị?

Không! Kiến nghị của các nhân sĩ trí thức nhắc đến ở trên cũng có những giá trị nhất định của nó. Tuy nó không thể cảm hoá hay đánh thức lương tâm chế độ, nhưng nó cũng chính là những hồi chuông cảnh báo ĐCSVN rằng, đã có một bộ phận không nhỏ các nhân sĩ trí thức bất đồng với chế độ. Họ chưa đối lập hoàn toàn với chế độ, nhưng nếu cứ theo đà này thì họ sẽ phải có những việc làm khác để biến những quan điểm chính trị của họ thành những gì thật sự có ích cho nước và có lợi cho dân. 

Thật vậy, nếu như bản kiến nghị sửa đổi hiến pháp lần này được đưa xuống làm phụ lục của một bản kiến nghị khác, thậm chí đó là một bản cáo trạng về sự vi phạm nhân quyền, đưa chế độ CS ở Việt Nam ra trước Uỷ Ban Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc. Điều này hoàn toàn khả thi vì Việt Nam đã tham gia ký kết Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền. Hành động kiến nghị sửa đổi hiến pháp thực ra cũng xuất phát từ những bất công trong việc tôn trọng nhân quyền mà ra. Vì hiến pháp được ban hành rốt cuộc cũng chỉ nhằm bảo vệ quốc gia và con người trong quốc gia đó mà thôi. 

Việc đưa chế độ CS ở Việt Nam ra trước Uỷ Ban Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc sẽ trở nên một vũ khí lợi hại vì do những công dân đang sống trong nước tiến hành. Điều đó thực sự là một áp lực lớn với chế độ, vì ngày nay sự hội nhập với quốc tế ngày một sâu sắc, mỗi nước muốn có cơ hội làm ăn, muốn có cơ hội phát triển đi lên, đều phải nhờ vào sự hội nhập (nhất là đối với những nước nghèo như Việt Nam). Tin chắc rằng Liên Hợp Quốc sẽ không thể ngồi yên trước những đòi hỏi thực thi nhân quyền chính đáng của nhân dân một nước. Họ sẽ phải hành động theo thẩm quyền để bảo vệ con người...

Lịch sử đã chứng minh, mọi chế độ độc tài trên thế giới, nhất là những chế độ Độc tài Cộng Sản, sẽ không bao giờ ban tặng cho người dân quyền lực, nếu họ chỉ biết ngửa tay xin xỏ. Ngoài việc bị lật đổ bởi những cuộc cách mạng, chúng chỉ chịu chấp nhận trao trả quyền lực cho nhân dân khi bị những áp lực vô cùng lớn ngoài khả năng chống đỡ của chúng. Trong mọi trường hợp, áp lực quốc tế là những sức mạnh mà không một kẻ độc tài nào dám coi thường. Nếu không có sự quan tâm của quốc tế, không có những ràng buộc quốc tế, thì chỉ có những cuộc cách mạng bạo lực mới có thể hạ bệ nổi một chế độ độc tài. Vì nếu một chế độ độc tài chẳng biết sợ ai, họ cứ bắt giam vô tội vạ, xả súng bừa bãi vào bất cứ ai có tư tưởng chống đối họ mà không có ai can thiệp, thì có lẽ không bao giờ những người đấu tranh ôn hoà có cơ hội chiến thắng...

Đối với bản kiến nghị của các nhân sĩ trí thức gửi lên quốc hội của nhà cầm quyền do ĐCSVN đứng đầu, nó còn mang một tác dụng khác, đó là vô tình nó đã tiếp tục gắn kết và mở rộng sự gắn kết đối với những người có cùng quan điểm. Tuy những quan điểm hay cao hơn, đó là những tư tưởng của họ chưa phải là đối lập với chế độ, nhưng tư tưởng của con người vốn dĩ cũng như một quán tính, một khi đã có đà thì nó sẽ tiếp tục tiến về phía trước. Phía trước đó là gì thì nó sẽ tỉ lệ thuận với thái độ của kẻ cầm quyền. Như vậy sự lo lắng về chuyện "tự diễn biến" của ĐCSVN là hoàn toàn có cơ sở.

Xin được nhấn mạnh rằng, Liên Hợp Quốc sẽ không can thiệp và không có quyền can thiệp trực tiếp vào một bản hiến pháp của một quốc gia thành viên. Nhưng với những bản tố cáo hay cáo trạng về hành vi vi phạm nhân quyền của một nhà nước đối với nhân dân của quốc gia nào đó thì họ hoàn toàn có quyền can thiệp. Thậm chí họ có thể lập ra một uỷ ban giám sát ngay tại quốc gia đó để trực tiếp theo dõi hiện tượng vi phạm nhân quyền. Vì vậy, khi trong nước (trường hợp này là Việt Nam) chưa có những áp lực đáng kể nào hầu cho kẻ cầm quyền phải run sợ, thì áp lực từ Liên Hợp Quốc chắc chắn sẽ có những tác động to lớn. Việc này chỉ duy nhất những người đang sống trong nước như các vị nhân sĩ trí thức đã kến nghị sửa đổi hiến pháp làm thì mới có hiệu quả.

Tấn Hà
Ý Nghĩa Từ Việc Kiến Nghị Sửa Đổi Hiến Pháp Của Một Số Nhân Sĩ Trí Thức Reviewed by Unknown on 1/30/2013 Rating: 5 Tấn Hà - Ngày 19/01/2013 một số nhân sĩ trí thức người Việt đã đồng ký tên và cho ra đời một bản kiến nghị sửa đổi hiến pháp. Động tác n...

Không có nhận xét nào: