Muốn Sống Đạo Đức, Dân Tộc Việt Cần Hiểu Công Lý Hay Giá Trị Tinh Thần - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
13 tháng 6, 2013

Muốn Sống Đạo Đức, Dân Tộc Việt Cần Hiểu Công Lý Hay Giá Trị Tinh Thần

Lam Hồng - 11.6.2013: Không có đạo đức chắc chắn không có dân tộc nào phát triển và tiến bộ được. Theo các tư tưởng mới nhất của Liên Hiệp Quốc thì: không có quốc gia nào phát triển hùng cường được nếu xa rời giá trị văn hóa căn bản. Trong giá trị văn hóa căn bản đó: đạo đức luôn luôn đóng vai trò trung tâm. Chỉ một việc như thương mại thôi, nếu kinh doanh hay sản xuất không lấy chữ TÍN làm đầu, thì không thể tồn tại và phát triển lâu dài được. Còn dối trá, lừa đảo, bất tín thì chỉ là cách người ta ăn lãi chụp giật tức thời, không cách gì đi xa được.

Từ xa xưa, các triết gia chắc chắn xác tín rằng: Sống tốt nghĩa là hạnh phúc. Trái lại không thể sống gian dối, giả trá, bạo lực mà hạnh phúc được. Như người Việt bảo “Có đức mặc sức mà ăn” hay “ở hiền gặp lành”. Trong nhà mà “cha nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa” thì không cách gì hạnh phúc.

Mới đây, giáo sư Hoàng Tụy nói, người Việt đạo đức căn bản còn thiếu nói chi đến vô cảm.

Đạo đức quả thực là một vấn đề đang mắc nghẽn to như dãy núi trong đời sống của người Việt. Hôm nay tôi muốn bàn đến cái gốc cũng như đỉnh cao tuyệt đỉnh của vấn đề này.

Muốn có đạo đức thì con người phải biết sống công lý. Muốn có công lý thì mọi người phải cùng nhìn tới giá trị phổ quát thường xuyên liên tục và mãi mãi. Sống trong giá trị phổ quát là đặc tính yếu ớt của người Việt cũng như Trung Quốc, những dân tộc sống trên lúa nước lội bì bõm, tỉ lệ tôn giáo ở hai nước này đều rất thấp. Ngay trước mắt, khi muốn giải quyết vấn đề Biển Đông, Trung Quốc chỉ thích hình thức song phương giải quyết tay đôi 2 nước một, chẳng khác gì những cặp đôi kéo nhau vào bóng tối bụi rậm để “xấu xa đậy lại”, cãi cọ, đánh đập, sờ lần, thỏa hiệp lẫn nhau. Chính thế mà nhiều chuyên gia gọi Trung Quốc là “kẻ bắt nạt xấu tính”. Có một phương ngôn mà ai có học đều biết “công lý là kẻ thứ ba”, vậy mà Trung Quốc với tầm vóc quốc gia nước lớn lại ngoảnh mặt coi như không biết điều này, vậy họ có khác gì kẻ đại ca đường phố?!

Trong các truyện Trung Quốc đầy rẫy các cảnh nhận kết nghĩa anh em, bè đảng, rất dễ dãi, dễ đến mức vừa gặp một cái là đòi kết nghĩa anh em luôn, nào: “không sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, nhưng nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm”. Một con chó còn tỉnh táo hơn, khi chúng ta mới gặp muốn nhổ nước bọt hay ném thức ăn cho nó để làm quen, nó còn cảnh giác quay đi. Tại sao lại phải nhận kết nghĩa? Vì không có công lý, nên người ta tìm cách kết cấu bằng cơ bắp để bảo vệ cũng như tìm cách ăn hiếp người khác.

Người Việt cũng vậy, người ta sống tùy tiện, manh mún xé lẻ, cục bộ, kiểu “chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, thần thánh còn xé lẻ như vậy, nên người ta khó chấp nhận một giá trị chung, như thế cũng rất khó đạt đến công lý.

Cái gì làm cho con người có một cái nhìn chung? Tiếng Pháp có câu: mọi cái lên cao thì đều hội tụ. Khi có một nhà thờ cao lên mọi người sẽ đều thấy nó. Khi có một cách sống lý tưởng hình thành, mọi người sẽ dễ sẻ chia. Trái lại, dục vọng giống như màn the tủa về mọi ngóc ngách, càng dục vọng thì càng riêng rẽ, xé lẻ, càng muốn hơn người kiểu ăn trên ngồi trốc. Hoàng Đế Napoleon nói “Một dân tộc không có tôn giáo thì chỉ có thể cai trị bằng súng đạn”. Câu này nghĩa là: dân tộc không tôn giáo nghĩa là họ chẳng có chung một giá trị siêu việt nào, nên chỉ có thể cai trị bằng sự đe dọa về cơ bắp.

Các dân tộc phát triển nhất thế giới thì đều có tôn giáo lớn tương xứng với họ. Ấn Độ có Phật giáo, nước Nga có Chính thống giáo, nước Anh có Thanh giáo, nước Ý có Thiên Chúa giáo, nước Đức có Tin Lành giáo, nước Mỹ có cả Thiên Chúa giáo lẫn Tin Lành giáo… Có một chân lý chắc chắn rằng: Văn Minh Âu – Mỹ được xây dựng trên nền tảng Ki-tô giáo.

Khi có tôn giáo, người ta ngước nhìn lên, gặp nhau ở đó và hình thành công lý. Ngay một nước bên cạnh ta như Indonexia chẳng hạn, mỗi hội nghị họ đều nói ba thứ tiếng: Indo, Mã Lai, Anh ngữ. Đối với họ giá trị phổ quát là điều hiển nhiên, không có gì phải bàn cả. Các nước văn minh việc đó càng tất yếu.

Trong khi đó với người Việt, giá trị phổ quát hay công lý luôn được đưa về làng “phép vua thua lệ làng”, là một cái gì đó luôn phải khởi động lại từ đầu một cách rất khó nhọc. Tại sao? Vì người ta hầu hết không tôn giáo, cũng là vô thần, cũng là vô đạo. Khi người Việt sang lao động ở I-rắc, Đại sứ quán của Việt Nam phải nhắc nhở: nếu được hỏi theo tôn giáo nào, bạn chớ có nói “không tôn giáo” mà bị họ tẩy chay xa lánh như “đồ vô đạo”.

Các chuyên gia nói: mọi việc ở đời sẽ không thể vận hành nếu không có lý thuyết kết hợp với thực hành. Một chiếc ô tô lăn bánh được là bởi nó đang vận hành bằng lý thuyết “đốt trong” cùng với tay lái. Đạo đức của con người cũng không thể vận hành khi không có lý thuyết về đạo đức. Lý thuyết đó chính là kinh sách và hành lễ tôn giáo.

Nói thẳng ra vấn nạn đạo đức xuống cấp, không gốc, không ngọn đại trà của người Việt hiện nay chính là “vô đạo”, “vô thần”. Đây không phải một kết luận suông, mà là kết luận dựa trên thực tế của cả thế giới và Việt Nam. Văn chương Việt Nam chẳng hạn, tại sao nó cứ cựa quậy mãi trong cái vũng bé và vừa? Vì văn học là nhân học. Kinh nghiệm của nhà văn Việt có là bao? Trải nghiệm đức tin, tức tôn giáo không có – vì vô thần! Trải nghiệm thần học – càng không, vì tôn giáo mới sinh thần học! Trải nghiệm triết học ư? Trải nghiệm hiến pháp ư, không quan tâm đến bình đẳng tự do thì hiến pháp bao giờ xuất hiện? Rút cục nhà văn chỉ có mấy chữ học phổ thông, lên thêm tí đại học, ít tiếng Anh làm dáng, thì viết cái gì ngoài thấy gì kể nấy ở đời?

Một lần, khi tôi nói về tôn giáo, có anh tự ái nổi xung lên khi bị nói “các anh không theo tôn giáo nên khó mà hiểu về tôn giáo”. Anh ta tự ái vì cho rằng đã đọc vài cuốn sách về tôn giáo nên hiểu thấu đáo lắm. Khi chúng ta ăn cơm, cơm để ăn no mỗi ngày chứ không phải ăn vài lần để biết. Tôn giáo là để “sống đạo” chứ không phải để “hiểu đạo”. Có một phương ngôn căn bản là “Đạo đức là thói quen của điều thiện”. Điều thiện phải được lặp lại liên hồi thành thói quen mới là đạo đức, chứ đâu chỉ cần hiểu. Điệu van-xơ, “bùm –chát-chát” chúng ta chỉ cần thuộc trong 5 giây, nhưng để nhảy giỏi vài năm còn thiếu.

Khi tôi bàn về tôn giáo không có nghĩa là bàn về duy tâm hay duy vật, mà bàn về nó như cơ sở lý thuyết cho đạo đức cao nhất. Triết gia Platon cho rằng Đạo Đức là cái cao nhất của con người. Và cái gì là lý thuyết cao nhất của đạo đức ngoài tôn giáo đây? Đồng đô la của Mỹ có ghi “Chúng ta tin cậy nơi Chúa Trời” (In God we Trust). Khi Tổng thống Bush và phu nhân sang thăm Việt Nam, cả hai đã đến dự lễ ở nhà thờ Cửa Bắc Hà Nội. Chẳng phải đức tin của ông cũng như cả nước Mỹ đã làm nên giá trị của họ cũng như nước Mỹ sao?!

Nguyễn Hoàng Đức (http://badamxoevietnam2.wordpress.com 11/06/2013)
Muốn Sống Đạo Đức, Dân Tộc Việt Cần Hiểu Công Lý Hay Giá Trị Tinh Thần Reviewed by Unknown on 6/13/2013 Rating: 5 Lam Hồng - 11.6.2013: Không có đạo đức chắc chắn không có dân tộc nào phát triển và tiến bộ được. Theo các tư tưởng mới nhất của Liên Hiệ...

Không có nhận xét nào: