Nguyễn Văn Thạnh: Quyền Con Người Cho Tù Nhân - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
17 tháng 6, 2013

Nguyễn Văn Thạnh: Quyền Con Người Cho Tù Nhân


1. Tù nhân:

Để đơn giản, chúng ta quan niệm rằng tù nhân là những người bị tòa tuyên án là có tội. Họ phải chấp hành án phạt ở tù để trả giá cho hành vi phạm tội của mình. Thường thì hành vi đó là gây hại cho cộng đồng, cho người khác nên họ bị trừng phạt vừa để trả giá vừa để răn đe người khác.Vì lý do hành vi họ có hại cho cộng đồng nên tù nhân luôn bị mọi người xa lánh.

Tuy nhiên lịch sử loài người cho thấy có rất nhiều người tại một thời điểm là tên tội phạm, bị tòa tuyên án khá nặng nhưng thời điểm khác lại là anh hùng dân tộc. Những tội phạm kiểu này thường liên quan đến các điều luật liên quan đến các vấn đề như an ninh quốc gia, chống chính quyền,… Điều đó cho thấy không phải lúc nào pháp luật cũng đúng; tòa án cũng là công lý. Chúng ta nên nhớ một điều là tất cả những việc Hitler làm đều đúng luật pháp nước Đức khi đó.

Lịch sử loài người đến nay vẫn chưa giải quyết được bài toán nan giải là tầng lớp cầm quyền dùng luật để bảo vệ lợi ích cho giai tầng, phe nhóm mình thay vì dùng luật để mang lại công lý cho tất cả. Đây là một thất bại có tính lịch sử mà con người càng văn minh thì càng tìm cách khắc phục.

2. Quyền con người cho tù nhân:
Như đã nói ở trên, với tù nhân, xã hội thường có tâm lý xa lánh, kỳ thị và xem hành động trừng phạt họ là đương nhiên. Thời phong kiến, một khi phạm tội thì hình phạt rất dã man: tru di tam tộc, tùng xẻo, tứ mã phanh thây, bêu đầu trước chợ, nhốt ngục tối, tra tấn, làm nhục,… Số phận người tù hoàn toàn phụ thuộc vào cai ngục; thương nhờ, ghét chịu. Cả xã hội mặc định chấp nhận điều đương nhiên đó.

Con người càng văn minh càng nhận thức được quyền của mình: không chỉ quyền cho người sống bình thường, lương thiện mà còn quyền cho những tù nhân. Tù nhân cũng phải được tôn trọng phẩm giá, phải được đối xử như một con người. Hành vi phạm tội của họ đến đâu thì họ bị ở tù-mất tự do- đến đó; không ai được phép tra tấn, bỏ đói, nhục mạ họ. Họ được luật pháp qui định cụ thể các quyền lợi và nghĩa vụ để bảo đảm các quyền của họ.

Chúng ta thấy ở các nước càng văn minh thì tù nhân càng được đối xử rất “con người” và ngược lại ở các nước kém văn minh.
 
3. Những người mở lối:

Nếu chiếu theo luật pháp thì ở Việt Nam tù nhân được đối xử không thua kém gì ở xứ văn minh. Và cũng nếu chiếu theo các qui định quản lý tài chính thì Việt Nam cũng không thể có tham nhũng. Nghịch lý ở chỗ là sự vênh quá lớn giữa luật pháp và thực tế. Bất cứ ai có lý trí đều có thể cảm nhận và phán xét điều này ở nước ta.

Chúng ta hãy xem những hồi ký của những người tù nổi tiếng như: Huỳnh Ngọc Tuấn, Đoàn Viết Hoạt, Vũ Thư Hiên,… hay gần đây là bà Bùi Hằng,… thì sẽ thấy được phần nào thực trạng trong tù.

Kết cấu của một chính quyền không có tam quyền phân lập thì người tù không thể nào chống lại được một hệ thống nếu nó dối trá. Chúng ta thấy nhiều tổ chức quốc tế khi thăm tù đều được giám thị chuẩn bị nghênh đoán: cho tù nhân ốm yếu đi lao động xa, cho những người “biết điều” ra phát biểu, chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn, vệ sinh trại giam sạch sẽ, cấp phát áo quần tinh tơm,… (tư liệu lấy từ lời kể nhà văn Huỳnh Ngọc Tuấn) thì có trời mới biết.

Đọc cuốn “tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989” của tác giả Đặng Phong thì thấy cấp dưới có vô vàn cách để dối trá cấp trên. Khi tổng bí thư Trường Chinh đi thăm trại lợn thì họ mượn lợn béo tốt khắp nơi bỏ vào để ông ấy xem, họ ra lệnh xã viên quét dọn tinh tươm, mượn đồ bàn ghế trưng bày,… Ai dám đảm bảo rằng ngày nay không còn cảnh đó?

Do vậy để quyền con người cho tù nhân được tôn trọng không phải chuyện đơn giản. Ngay cả ngoài xã hội mà quyền con người còn vi phạm trắng trợn: bắt người không đúng luật (bắt cóc trong trường hợp Phương Uyên), chết tại đồn công an với lý do tự chọc tay vô ổ điện hay tự té ngã,… thì quyền con người cho tù nhân quả là trông vào trời Phật.

Đấu tranh cho quyền con người ở xã hội còn khó khăn vô vàng thì đấu tranh cho quyền con người cho tù nhân còn khó đến mức nào?

Đường chông gai cần người mở lối. Bà Bùi Hằng và Ts Cù Huy Hà Vũ là những người như vậy. Đây là những con người hiểu biết và mạnh mẽ. Họ dùng chính những điều mà luật pháp thừa nhận và dùng tính mạng của mình để tranh đấu cho quyền của tù nhân được tôn trọng.

Tôi theo dõi, ủng hộ, cảm kích cho hành động tuyệt thực của TS Cù Huy Hà Vũ để giám thị trại giam phải đáp ứng những quyền lợi mà một người tù như ông được hưởng. Dù rằng, như nhiều người, tôi rất lo cho sự an nguy sức khỏe của ông.

Ông đã dùng tính mạng của mình để mở lối quyền con người cho tù nhân.
 
4. Đưa ánh sáng pháp trị vào nhà tù:
Lịch sử văn minh loài người cho thấy, nơi nào có ánh sáng pháp trị thì cường quyền và tội ác tan biến; quyền con người được thăng hoa. Cuộc chiến lan tỏa ánh sáng pháp trị luôn khó khăn ngay cả ngoài xã hội thì trong chốn lao tù nơi thâm sơn cùng cốc còn khó vạn lần. Nơi đó quyền lực một cai tù có thể dùng tay che bầu trời thì ánh sáng pháp trị làm sao tới được?

Để ánh sáng pháp trị tới nơi đây chúng ta cần hoàn thiện luật pháp và các thể chế để luật pháp thượng tôn muôn nơi: tam quyền phân lập, báo chí tự do (báo chí có quyền đến lấy tin bất cứ nhà tù nào và tòa báo phải là tư nhân), tự do ngôn luận (tù nhân được quyền phát biểu, viết hồi ký ở tù,…),… Nếu chỉ chú ý hoàn thiện luật pháp mà quên các thể chế kèm theo thì luật pháp cũng là đồ bỏ khi người thực thi luật biết mình có thể một tay che bầu trời.

5. Suy nghĩ về đoạn video do ANTV phát về cuộc tuyệt thực của TS Cù Huy Hà Vũ:

Bộ Công An là nơi thực hiện việc giam giữ và xâm phạm quyền lợi hợp pháp của TS Cù Huy Hà Vũ theo như sự tố cáo và là mục đích tuyệt thực của ông. ANTV là chương trình truyền hình của bộ công an. Do vậy ANTV thực hiện chương trình này không thể bảo đảm tính khách quan và nguyên lý xung đột lợi ích. Chưa nói là hình ảnh phóng sự không rõ mặt và thời gian ghi hình. Những phát biểu của tù nhân và nhân viên trại giam không đủ yếu tố khách quan để có thể tin cậy. Đến ngoài xã hội bao la mà người ta còn sợ hãi để phải nói đẹp lòng quan chức thì cái nơi thâm sơn cùng cốc đó làm sao loại trừ được nỗi sợ?

Con người hành động vì động cơ. Tôi không thấy động cơ dối trá trong vụ tuyệt thực này của TS Cù Huy Hà Vũ cũng như người loan tin là bà luật sư Dương Hà. Họ dàn dựng để nổi tiếng? để được giảm án? Ông Vũ có quá nhiều cơ hội để làm việc đó nhưng ông đã không làm.

Chúng ta hãy xem quá trình hoạt động, kiện cáo của ông và quá trình ông bị bắt bởi hai bao cao su đã qua sử dụng, mách bảo trí tuệ ta nên tin ở đâu. Đâu là chân tướng sự việc, đâu là ngụy tạo?
Nguyễn Văn Thạnh: Quyền Con Người Cho Tù Nhân Reviewed by Unknown on 6/17/2013 Rating: 5 Nguyễn Văn Thạnh, Dân Luận - 16.6.2013: 1. Tù nhân: Để đơn giản, chúng ta quan niệm rằng tù nhân là những người bị tòa tuyên án là có...

Không có nhận xét nào: