VP Công Lý & Hòa Bình: Thông Báo Với Thủ Tướng Về Sai Phạm Của Cán Bộ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
9 tháng 6, 2013

VP Công Lý & Hòa Bình: Thông Báo Với Thủ Tướng Về Sai Phạm Của Cán Bộ

VRNs - 08.06.2013:  VP Công lý & Hòa bình (VP CLHB) thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn vừa mới mở cửa hoạt động được hai tháng, mà đã tiếp nhận gần 300 hồ sơ của dân oan.

Hôm nay, cha Trưởng VP CLHB gởi đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng văn thư với nội dung “Chuyển đơn và thông báo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng chính phủ”.
Văn thư đưa ra ba trường hợp cụ thể của những người dân oan tìm đến với VP CLHB. Đó là trường hợp của bà Trang Thị Ngọc Anh ở Thủ Đức, Sài Gòn. Bà Nguyễn Thị Ba ở Cai Lậy, Tiền Giang. Và ông Lê Văn Bửng và gần 100 hộ khác ở Thủ Dầu Một, Bình Dương.

VRNs xin giới thiệu đến quý vị toàn văn văn thư này.

———

VĂN PHÒNG CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH

DÒNG CHÚA CỨU THẾ SÀI GÒN

38 Kỳ Đồng, quận 3, TP.HCM


Ngày 08 tháng 06 năm 2013

Kính gửi: ÔNG NGUYỄN TẤN DŨNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

V/v: Chuyển đơn và thông báo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng Chính phủ

Tôi là: Linh mục Đinh Hữu Thoại – Trưởng Văn phòng Công lý và Hòa bình.

Địa chỉ: 38 Kỳ Đồng, quận 3, Tp.HCM.

Trình bày vụ việc sau:

Nguyên một số hộ dân có đến Văn Phòng chúng tôi trình bày và cung cấp các hồ sơ, tài liệu chứng minh hành vi “vi phạm pháp luật” của cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng Chính phủ, gây thiệt hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Sau khi nghiên cứu, căn cứ qui định pháp luật, trước mắt, chúng tôi chuyển đơn và thông báo đến Ông Thủ tướng Chính phủ những trường hợp sau:

1) Trường hợp Bà TRANG THỊ NGỌC ANH, số điện thoại: 0913 603 770.

Nơi ở: 6/9 Nguyễn Văn Lịch, Khu phố 3, P.Linh Tây, Q.Thủ đức, Tp.HCM.

Theo đúng những gì chính các cơ quan nhà nước: Thanh Tra Tỉnh, VKS ND Tỉnh, Ban Quản lý đất đai Tỉnh, UBND Tỉnh Báo cáo kết luận Thanh Tra, Văn bản trao đổi… suốt những năm đầu 1990 xác định :

1. Nguồn gốc đất tranh chấp là thửa đất mang số hiệu 20 (nay là 191 và 192 tờ bản đồ số 1) thị trấn Châu Ổ có điện tích 335,4 m2 là của Bà Trang Thị Ngọc Anh mua của Ông Tạ Lai và bà Hồ Thị Lựu vào năm 1969.

2. Năm 1970 – 1971 Bà Trang Thị Ngọc Anh đã đổ đất, cát, tôn tạo mặt bằng, xây dựng một nền móng nhà kiên cố có chiều dài 22m rộng 6,7m = 147,4 m2. Ngoài ra Bà Anh đã xây một nhà bếp, một nhà tắm, một nhà cầu và một giếng nước trên phần đất đã mua được này.

3. Sau năm 1975, Bà Lê Thị Kim Năng viết “Giấy hiến vĩnh viễn cho UBND Cách mạng xã Bình Thới 7 căn nhà”. UBND địa phương tiếp quản nhà đất của Bà Lê Thị Kim Năng, hiến cho Nhà nước (trong đó kể cả một phòng mặt tiền do Bà thuê) đã lợi dụng sự đi vắng của Bà (Anh) để quản lý cả phần nhà đất phía sau thuộc quyền sở hữu sử dụng của Bà. Sau đó, nhà – đất này được giao cho cửa hàng thực phẩm. Ban Quản lý Đất Đai Tỉnh xác nhận: “Trên thửa đất 191 và 192 tờ bản đồ số 1 thị trấn Châu Ổ (do Ông Nguyễn Thanh Tuấn và Nguyện Thị Lân mua của cửa hàng thực phẩm huyện Bình Sơn) nguyên là phần đất có vật kiến trúc, công trình phụ thuộc quyền sở hữu và sử dụng đất của Bà Trang Thị Ngọc Anh.” .

4. Sau đó, các giấy tờ gốc bàn giao nhà- đất giữa UBND Huyện với Cửa hàng thực phẩm được Thanh Tra Tỉnh kết luận là “tổng cộng diện tích được cấp là: 268,25m2. Hiện nay, trên giấy đánh máy của Quyết định này đã bịsửa bằng mực bút bi: số 130,50m2 sửa thành 318m2 và tổng số diện tích từ 268,25m2 sửa thành 455,75m2 …

Hiện nay, các chữ số trong Biên bản cũng bị sửa chữa như Quyết định số 80 của UBND Huyện.” Đoàn Thanh tra đã Kết luận: “việc tùy tiện sửa chữa chữ số trong Quyết định cấp nhà, đất của UBND Huyện và trong Biên bản bàn giao của Huyện cho cửa hàng, là hoàn toàn sai trái, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc hành chính”.

5. Sau đó, Cửa hàng (thành Công ty) Thực phẩm bán nhà đất này (trong đó có diện tích nhà – đất của Bà Anh) cho 4 tư nhân là các ông bà Mai, Tuyết, Lân, Ái. Đoàn Thanh Tra kết luận: “Thực chất việc bán nhà (cơ sở cửa hàng thực phẩm) là do UBND Huyện tổ chức từ khâu nhận đơn, định giá, đến việc sử dụng tiền, còn Công ty TNHH chỉ đứng tên đại diện cho bên bán.” Còn người mua thì: “Đến nay các tư nhân mua nhà vẫn chưa làm xong việc trước bạ, sang tên để chuyển quyền sở hữu”. Và việc mua bán này được xác định là “UBND Huyện bán 3 căn nhà của Nhà nước đang quản lý là trái với công điện số 229, ngày 18/05/1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng: «…Cấm không được tiến hành hóa giá, bán nhà, trả nhà thuộc diện Nhà nước quản lý…» coi như không có giá trị pháp lý”. Đoàn Thanh Tra cũng kết luận và đề nghị xử lý việc thu tiền, sử dụng tiền bán nhà không đúng pháp luật. Đồng thời khẳng định: “Như vậy, bốn đương sự: Mai, Tuyết, Ái, Lân không có quyền sở hữu nào về nhà ở và quyền sử dụng đất tại khu vực II thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn”. Kiến nghị UBND Huyện trả lại tiền cho người mua.

6. Căn cứ vào Kết luận Thanh Tra, UBND Tỉnh nhiều lần yêu cầu UBND Huyện hủy bỏ việc mua bán, xử lý các hộ tư nhân, “Thế nhưng, sau khi có các Quyết định xử lý của UBND Tỉnh thì các đương sự bị xử lý lại tiếp tục xây dựng nhà ra phía sau, phá hủy nhà ở và các công trình kiến trúc khác thuộc sở hữu của Bà Anh.

Bà Anh kiện đòi quyền sỡ hữu nhà ở và các công trình kiến trúc do Bà xây dựng trên đất Bà mua của Ông Tạ Lai đã nhiều năm nay nhưng ở cấp huyện không giải quyết dứt điểm, nên vụ kiện kéo dài gây nhiều phiền hà cho đương sự, ảnh hưởng lòng tin của dân đối với Nhà nước và pháp luật” (Báo cáo Kết luận Thanh Tra).

7. Còn về thái độ của 4 hộ tư nhân mua bán nhà đất này Đoàn Thanh Tra kết luận: “Các ông, bà Tuyết, Mai, Lân, Ái làm đơn xin sửa nhà, nhưng đã tự tiện tháo đỡ, làm lại nhà mới là vi phạm qui tắc về sửa chữa, xây dựng nhà ở thành phố, thị xã, thị trấn. Hơn nữa, việc xây dựng nhà của các ông, bà có tên trên lại vi phạm hành lang bảo vệ đường Quốc lộ 1A,…. Khi phát hiện việc vi phạm nói trên, các cơ quan có thẩm quyền đã lập Biên bản yêu cầu đình chỉ và UBND Tỉnh đã có quyết định xử lý, nhưng các đương sự vẫn không chấp hành, coi thường kỷ cương Nhà nước”.

8. Sự việc rõ ràng như vậy, nhưng đến nay, sau 30 năm đi khiếu nại, Bà Anh vẫn không nhận được nhà – đất của mình. Trái lại, các hộ dân “coi thường kỷ cương nhà nước” thì được cấp QSD nhà- đất của Bà Anh. Các Cán bộ “vi phạm nghiêm trọng pháp luật” thì nay lên chức lên quyền. Bà Anh vẫn phải đi “kiện đòi quyền sở hữu nhà ở và các công trình kiến trúc do Bà xây dựng trên đất Bà mua của Ông Tạ Lai đã nhiều năm nay…” chỉ có khác là nay cấp Tỉnh “không giải quyết dứt điểm, nên vụ kiện kéo dài gây nhiều phiền hà cho đương sự, ảnh hưởng lòng tin của dân đối với Nhà nước và pháp luật” như cách đây hai mươi mấy năm.

9. UBND Tỉnh ra Quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng với những căn cứ ngược lại hoàn toàn với những gì đã kết luận là không phù hợp. Gần đây nhất, Thanh tra Tỉnh có văn bản số 3361/TTT-NV3 ngày 26/06/2012 cho rằng: “Bà Anh không cung cấp được giấy tờ nguồn gốc có giá trị pháp lý làm cơ sở khiếu nại”, nên không xem xét giải quyết. Thế thì những nội dung Thanh tra, Kết luận của chính các cơ quan quản lý Nhà nước, tư pháp Tỉnh… là “không có giá trị pháp lý” sao? Một nguyên tắc được xác định tại Điều 80 Bộ luật tố tụng Dân sự là các văn bản của Nhà nước chứng thực hoặc những tài liệu được một Bên thừa nhận là chứng cứ mà Bên kia không còn cần chứng minh gì thêm.

Đúng là nếu không giải quyết cho bà Anh thì chắc chắn “ảnh hưởng lòng tin của dân đối với Nhà nước và pháp luật” nếu dân còn lòng tin! Ông Thủ tướng suy nghĩ thế nào về điều này?

2) Trường hợp Bà: NGUYỄN THỊ BA (ủy quyền cho con là Bà TRẦN THỊ HOÀNG)
Cư ngụ: ấp Bình Long, xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

Bà viết trong uất nghẹn: “…. Tôi đi kiện đầy đủ cơ sở, bị một hệ thống cán bộ đại diện cơ quan pháp luật bao che Bà Kỷ cướp đất nhà tôi là: Chánh án huyện Cai Lậy-Nguyễn Văn Trực, Phó Chánh án Phan Văn Mẫn huyện Cai Lậy, Thẩm phán Phạm V-Nhịn Cai Lậy, Phó Chủ tịch Phan Minh Hiền Cai Lậy, Huỳnh V-Ánh Chánh án Tỉnh Tiền Giang, Phó Chủ tịch Trần Thanh Trung Tiền Giang, Phan Thanh Hiền Sở TN-MT Tiền Giang, UBND Tỉnh Tiền Giang không tiếp dân, để bức xúc đi các nơi khiếu nại, lại kết tội tôi vi phạm gây rối trật tự công cộng, bỏ tù 2 năm ở cơ sở giáo dục Bàu Giá, Duyên Hải, Trà Vinh-(bị bắt ngày 07/12/2010 trả tự do ngày 30/09/2012)”. Sự việc như sau:

1. Vào ngày 08/7/1969, Bà Nguyễn Thị Ba có mua một thửa đất tọa lạc tại ấp 11, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang của ông Phạm Văn Tỷ với số bạc là 40.000 đồng (Bốn mươi ngàn đồng) có nhân chứng là ông Phan Văn Tó và chứng thực của chính quyền xã chế độ cũ.

Khi mua đất nguyên thửa (không bán chấn) trên phần đất có một trại cưa và một căn nhà chữ đinh 3m ngang, dài khoảng 10m nằm trên phần đất mẹ tôi mua. Khi bán nhà- đất cho Bà Ba, Ông Tỷ xin để nhà 3m chữ đinh cho em gái ông Tỷ là Bà Phạm Thị Kỷ ở và Ông xin cam kết trong giấy mua đất là Bà Kỷ chỉ “ở đậu cho đến cuối đời, sau này em tôi đi sẽ giao nhà cho bà Ba chứ không được quyền sang nhượng cho người khác.”

2. Đến năm 2005, bà Phạm Thị Kỷ lấn chiếm thêm phần đất của Bà Ba và xây nhà kiên cố, nên Bà Ba tiến hành kiện đòi. UBND xã Mỹ Thành Nam hoà giải ngày 07/4/2005. Địa chính xã và UBND xã Mỹ Thành Nam khẳng định đúng là đất số thửa 377, diện tích 750m2 của gia đình Bà Ba. Bà Kỷ cũng thừa nhận ở căn nhà chữ đinh của Bà ba và thắc mắc sao bao nhiêu lâu nay Bà Ba không đòi. UBND Xã đã trả lời: Vì Anh Bà xin ở đến mãn đời, nay chưa mãn đời Bà người ta chưa đòi… UB cũng xác định phần đất bà Kỷ sử dụng không có giấy tờ nào chứng minh đó là đất của bà Kỷ.

3. Hồ sơ khiếu nại của Bà Ba được Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cai Lậy gửi Tòa án nhân dân (“TAND”) huyện Cai Lậy xác nhận rõ: “Qua nghiên cứu hồ sơ xác định được phần đất bà Ba tranh chấp, Bà có giấy tờ bán đứt căn nhà và nền nhà có xác nhận của chế độ cũ vào tháng 7 năm 1969. Căn cứ khoản 1 Điều 136 Luật Đất đai, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của TAND”.

4. Thế nhưng, quá trình khiếu nại và giải quyết không đúng pháp luật bắt đầu từ đây.

Đầu tiên, ngày 20/4/2007, TAND huyện Cai Lậy sau khi thụ lý đã ra Quyết Định “đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự” số 25/2007/QĐST-DS với lý do “Phần đất đang tranh chấp không có tên trong sổ mục kê địa chính”.Quyết định đình chỉ này không đúng pháp luật vì, căn cứ khoản 1 Điều 136; điểm e khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai, trường hợp này, TAND phải thụ lý tranh chấp vì lẽ gia đình Bà Ba đã có giấy tờ mua bán nhà – đất được chính quyền cũ xác nhận và việc tranh chấp này liên quan đến nhà (tài sản gắn liền với đất). Chưa kể, Quyết Định từ ngày 20/4/2007 nhưng mãi hai tháng sau 21/6/2007 mới giao cho Bà Ba là vi phạm khoản 2 Điều 194 Bộ luật Tố tụng dân sự (“BLTTDS”).

5. Ngay sau đó, Bà Ba đã làm đơn khiếu nại Quyết định đình chỉ của TAND huyện Cai Lậy. TAND huyện Cai Lậy đã ra Quyết định thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo số 10/QĐ-TAH ngày 28/6/2007. Quyết định này không đúng vì theo qui định tại khoản 2 Điều 391, khoản 4 Điều 193 BLTTDS thì vụ việc phải là thụ lý, giải quyết kháng cáo theo trình tự phúc thẩm chứ không phải thụ lý khiếu nại. Và thẩm quyền thụ lý giải quyết là của TAND tỉnh Tiền Giang theo quy định tại Điều 242 BLTTDS.

6. Và không rõ chính xác là ngày nào, TAND huyện lại có Quyết định giải quyết Đơn khiếu nại số 10/QĐ-TAH đề ngày 22/6/2007 (tức trước cả ngày thụ lý 28/6/2007, nhưng sau đó lại thông báo sửa chữa là ngày 28/6/2007).Quyết định này không đúng pháp luật vì Tòa án nêu: “đất tranh chấp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thuộc thẩm quyền của Tòa án” là sai với quy định tại Điều 136 Luật Đất đai. TAND huyện cho rằng “quá 7 ngày không kháng cáo” kể từ ngày 14/6/2007 là sai. Vì ngay khi nhận được Quyết định Bà Ba nói đã nộp đơn, có thể TA đã nhầm lẫn tên gọi “Đơn khiếu nại” với “kháng cáo”? Giả thiết Bà Ba có nộp đơn kháng cáo quá hạn (nhận Quyết định ngày 14/6 mà ngày 28/6 mới nộp đơn) thì theo quy định tại đoạn 1 khoản 2 Điều 246 và Điều 247 BLTTDS, TAND huyện phải yêu cầu Bà Ba trình bày lý do và nộp hồ sơ đến TAND Tỉnh là nơi có thẩm quyền xét đơn kháng cáo quá hạn.

7. Tiếp theo, TAND Tỉnh lại căn cứ “đất đang tranh chấp không có trong hồ sơ địa chính” để bác yêu cầu của Bà Ba bằng văn bản số 06/2008 ngày 24/01/2008 gọi là “giải quyết khiếu nại” là sai với quy định Luật Đất đai và BLTTDS như đã trình bày trên. Trường hợp này, nếu có phải có kháng nghị và giải quyết vụ việc theo trình tự Giám đốc thẩm.

8. Bà Ba tiếp tục khiếu nại thì cả hai cấp UBND Huyện và Tỉnh đều ra Quyết định giải quyết khiếu nại bác yêu cầu của Bà Ba với những căn cứ đi ngược lại những chứng cứ, xác minh ban đầu của UB Xã và Phòng TN&MT Huyện.

9. Hiện nay, bà Phạm Thị Kỷ đang chiếm dụng đất trái pháp luật, còn Bà Nguyễn Thị Ba thì gần đất xa trời, xa luôn cả “mặt trời công lý”… Con Bà (Bà Trần Thị Hoàng) đi tìm “công lý và sự thật” thì bị bắt bỏ tù hai năm… Trong khi lỗi này – chưa xét về nội dung, chỉ hình thức trình tự giải quyết – thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, UBND Tỉnh đã giải quyết sai pháp luật.

3) Trường hợp Ông LÊ VĂN BỬNG, VÀ MỘT SỐ HỘ DÂN KHÁC-

Ở Phường Phú Tân, TP. Thủ Dầu Một, Tỉnh Bình Dương.

Theo Thanh Tra Chính Phủ tại Báo Cáo nêu ở dưới, xác định: “Quá trình thực hiện Dự án Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ và Đô thị Bình Dương, có 110 hộ dân khiếu nại… với nội dung khiếu nại bao gồm:

- Yêu cầu nâng giá bồi thường thiệt hại đất, không chấp nhận phê duyệt phương án đền bù theo Quyết định số 164/2003/QĐ-UB ngày 23/06/2003 của UBND Tỉnh.

- Yêu cầu hoán đổi đất nông nghiệp khác (cùng loại) để người dân có đất nông nghiệp sản xuất.

- Yêu cầu được tái định cư ngay trên ngay mảnh đất của mình đang sinh sống, canh tác (tái định cư tại chỗ), hỗ trợ mua thêm đất tái định cư theo giá sàn.

- Yêu cầu được góp vốn với nhà đầu tư bằng quyền sử dụng đất.”


Nhưng vụ việc hàng chục năm qua không được giải quyết, do những vi phạm pháp luật của Lãnh đạo UBND Tỉnh.

Để khách quan, chúng tôi chỉ làm nhiệm vụ trích nguyên văn các Báo cáo, Kết luận của các Đoàn

Thanh Tra Chính Phủ về những vi phạm của UB Tỉnh liên quan đến yêu cầu khiếu nại của Bà con. Và câu hỏi đặt ra là “Thế sao Thủ Tướng chưa xử lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân?” Người ta có quyền đặt nghi vấn “Thủ Tướng đang phục vụ nhân dân hay đang dung túng cho cán bộ tham nhũng?” nếu Thủ Tướng không bảo vệ quyền lợi chín đáng của họ.
Trước hết là BÁO CÁO Kết quả kiểm tra, xem xét các nội dung khiếu nại của một số hộ dân liên quan đến dự án xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ và Đô thị Bình Dương, tỉnh Bình Dương ngày 30/2/2008 của Thanh Tra Chính Phủ (Tổ Công tác theo Quyết định 2409/QĐ-TTCP) với các nội dung:

“Kết quả kiểm tra xác minh:…

1. Quyết định phê duyệt phương án đền bù trước khi có Quyết định thu hồi đất là sai qui định luật pháp….

2. Không trao Quyết định thu hồi đất, không ban hành Quyết định đền bù thiệt hại… cho từng hộ dân là thiếu sót…

3. Thụ lý để giải quyết khiếu nại chưa đúng thủ tục, vận dụng pháp luật chưa phù hợp…

4. 104 hồ sơ có 104 Quyết định thu hồi đất của các hộ dân khiếu nại ban hành sau Luật đất đai 2003, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP và Nghị định số 197/2004/NĐ-CP có hiệu lực, nhưng các cấp chính quyền địa phương lại áp dụng Nghị định số 22/1998/NĐ-CP là chưa phù hợp…”

Thanh Tra Chính Phủ tại Báo cáo này đưa ra Nhận xét:

“Về khiếu nại và giải quyết khiếu nại: Nội dung khiếu nại của các hộ dân một phần là có cơ sở, địa phươngphải xem xét và có biện pháp khắc phục. Về giải quyết khiếu nại, UBND tỉnh Bình Dương, UBND huyện Tân Uyên và UBND thị xã Thủ Dầu Một khi thụ lý và giải quyết khiếu nại của các hộ còn giản đơn về hình thức thủ tục dẫn đến vi phạm trình tự mà Luật khiếu nại, tố cáo cũng như các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật khiếu nại, tố cáo qui định, từ các vi phạm đó ít nhiều có ảnh hưởng đến lợi ích của người bị thu hồi đất…

Về chấp hành pháp luật trong xây dựng: UBND tỉnh Bình Dương chưa thực hiện đúng các cơ chế đặc thù mà Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Quyết định 912/QĐ-TTg ngày 01/09/2005 cụ thể như: việc chỉ định thầu một số công trình tạo lực chưa được thực hiện đầy đủ thủ tục, qui trình (hồ sơ chỉ định thầu, dự toán chi phí công trình, quyết toán công trình…), việc thẩm định năng lực nhà đầu tư để giao đất Khu Công nghiệp cũng chưa được chú ý đúng mức…”

2. Hai là KẾT LUẬN THANH TRA KHU LIÊN HỢP CÔNG NGHIỆP – DỊCH VỤ VÀ ĐÔ THỊ BÌNH DƯƠNGsố 2613/KL-TTCP ngày 26/11/2008 của Thanh tra Chính Phủ, với các nội dung:

“Việc không đền bù phần đất hành lang bảo vệ an toàn giao thông đường bộ (người dân đã sử dụng ổn định và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định tại điểm c, mục 3, chương 2 thông tư 1990/2001/TT-TCĐC ngày 30/11/2001 của Tổng cục địa chính) là không đúng với quy định tại điểm a, khoản 4, điều 92 Nghị định 181 hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2003 quy định về bồi thường thiệt hại về đất khi Nhà nước thu hồi đất hành lang an toàn đường bộ…

UBND tỉnh Bình Dương chỉ ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo giải tỏa bồi thường mà không thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng, nên không có đại diện của các hộ dân có nhà, đất bị giải tỏa tham gia là không đúng với quy định tại điểm a, khoản 4, điều 92 Nghị định 181 hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2003 quy định về bồi thường thiệt hại về đất khi Nhà nước thu hồi đất hành lang an toàn đường bộ…

…Do không thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng ở các huyện nên cũng không lập phương án đền bù, dẫn đến không có động tác thẩm định phê duyệt phương án; không giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành để thực hiện chức năng tham mưu từng lĩnh vực là không đúng với quy định tại điều 32, điều 33 Nghị định 22/1998-NĐ-CP ngày 24/4/1998 (điều 32 quy định về Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng, điều 33 quy định về trách nhiệm của UBND các cấp, các ngành); điều 39, điều 40, điều 41, điều 43, điều 44, điều 45 Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất…”.

“…1.3- Về hồ sơ bồi thường:

- Không có biên bản về khảo sát thực địa trước khi giải tỏa để xác định thực trạng nhà, đất và tài sản trên đất của dân tại khu vực giải tỏa làm cơ sở cho việc xây dựng phương án bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng; không có phương án đền bù cụ thể dẫn đến không phê duyệt phương án đền bù.

- Trong hồ sơ bồi thường, diện tích thu hồi chỉ được thể hiện trong biên bản kiểm kê do cán bộ Tổ chuyên viên và cán bộ ấp, xã đi kiểm kê xác định. Nhiều biên bản kiểm kê đất và tài sản tại xã Phú Chánh không có ký tên của người có thẩm quyền của UBND xã, không đóng dấu UBND xã, chỉ đóng dấu treo vào biên bản kiểm kê.

- Việc tương phân đất không có tiêu chí rõ ràng, các hồ sơ đất tương phân được chấp nhận đền bù thì giấy tờ tương phân làm theo mẫu của Ban quản lý khu liên hợp soạn sẵn, không ghi ngày, tháng, năm tương phân đất, không ghi rõ mối quan hệ giữa người cho với người nhận, không ghi rõ trên đất tương phân có nhà hay không có nhà. Do cách làm như vậy nên đã có trường hợp ông Nguyễn Văn Thu – Bí thư Đảng ủy, kiêm chủ tịch UBND xã Phú Mỹ (thị xã Thủ Dầu Một) đã ký xác nhận vào giấy tương phân đất để nhận tiền hối lộ và đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

1.4 – Kết quả thực hiện công tác đền bù giải tỏa:

Đến thời điểm Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 912/QĐ-TTg ngày 01/9/2005 phê duyệt “Đề án tổng thể đầu tư và phát triển Khu liên hợp công nghiệp – Dịch vụ – Đô thị Bình Dương” thì việc giải tỏa, bồi thường đã thực hiện được 85% diện tích quy hoạch. Theo báo cáo số 25/BC-UBND ngày 16/4/2008 của UBND tỉnh Bình Dương thì tính từ cuối tháng 11/2003 đến 31/3/2008, tỉnh Bình Dương đã giải phóng được 4.063,02 ha đạt 96,83% diện tích cần giải tỏa; đã chi trả bồi thường 1.508 tỷ đồng. Còn lại 132 ha của 165 hộ gia đình, cá nhân (chiếm 3,17%) chưa nhận tiền bồi thường (Phú Mỹ: 32 hộ, 28,894 ha; Định Hòa 04 hộ, 3,89 ha; Phú Chánh 46 hộ, 23,628 ha ; Tân Vĩnh Hiệp, 89 hộ 76,541 ha). Trong số hộ chưa nhận tiền, chưa chịu giao đất thì có 26 hộ của các xã Phú Mỹ, Phú Chánh, Tân Vĩnh Hiệp không cho kiểm kê.

Có 264 hộ đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa chịu di dời để giao đất (Phú Mỹ: 15 hộ, Định Hòa: 05 hộ, Phú Chánh: 50 hộ, Tân Vĩnh Hiệp: 194 hộ).

Như vậy, hiện còn 429 hộ còn vướng mắc, chưa đồng thuận trong việc giải tỏa bồi thường, trong số đó có nhiều hộ đang khiếu nại yêu cầu nâng giá đất, yêu cầu bồi thường đất hành lang bảo vệ đường bộ…. UBND tỉnh Bình Dương cần phải tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm. trong quá trình triển khai thực hiện dự án,…”

Trên cơ sở đó, Thanh Tra Chính Phủ kết luận: “…UBND tỉnh, các cơ quan liên quan của tỉnh Bình Dương đã bộc lộ nhiều yếu kém trong công tác quản lý, dẫn đến các vi phạm như:

1 – UBND tỉnh Bình Dương chưa thực hiện đầy đủ các quy định về thu hồi đất, về bồi thường giải tỏa,không thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng, chưa phát huy hết chức năng tham mưu của các Sở, Ngành chức năng cấp tỉnh, không yêu cầu UBND cấp huyện thị thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về đất đai theo thẩm quyền được pháp luật quy định, chưa thực hiện đúng các quy định Luật Đất đai và luật khiếu nại, tố cáo về giải quyết khiếu nại của người dân liên quan đến thu hồi đất, giải tỏa, bồi thường…”

3) Bất chấp các Kiến nghị xử lý, yếu cầu giải quyết… của mọi cấp, Ban, ngành,… UBND Tỉnh vẫn không giải quyết khiếu nại của các Hộ dân. Một trong những Văn bản “nhắc nhở” điển hình là Công văn số 135/CV.TDTƯ ngày 16/8/2011 của Trụ sở tiếp Công dân của TW đảng và NN với nội dung “…Về việc này, Trụ sở Tiếp công dân có Văn bản số 37/CV.TDTƯ ngày 17 tháng 3 năm 2011 chuyển đến UBND tỉnh Bình Dương xem xét giải quyết theo thẩm quyền và Văn bản số 118/CV.TDTƯ ngày 21 tháng 7 năm 2011 đôn đốc UBND tỉnh Bình Dương sớm giải quyết khiếu nại của các hộ dân. Tuy nhiên, đến nay các hộ dân này vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết của UBND tỉnh Bình Dương…”

4) Và tại Biên Bản Làm việc ngày 30/5/2012 tại Trụ sở tiếp Công dân của TW đảng và NN đã phải có ý kiến: “…Việc UBND tỉnh đã thụ lý Đơn khiếu nại của các công dân quá thời hạn qui định nhưng không ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại là vi phạm qui định của Luật khiếu nại, tố cáo; đề nghị UBND tỉnh sớm ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại, trả lời công dân theo qui định của pháp luật…”.

Ý KIẾN CỦA CHÚNG TÔI: Thấu hiểu tâm tư người Dân Oan khi cùng đường tìm đến chúng tôi, bức xúc trước nỗi đau, cảm thông “lòng tin bị sút giảm” của Dân Oan, bất lực trước “cường quyền, cố tình vi phạm pháp luật”… Chúng tôi – theo quyền Công dân, được Pháp luật qui định- thông báo với Ông ba (3) trường hợp điển hình. Mong muốn Ông sớm thực hiện quyền Thủ Tướng, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật của thuộc quyền, trả lại công lý cho người Dân.

Kính chào,

Linh mục ĐINH HỮU THOẠI

TRƯỞNG VĂN PHÒNG
VP Công Lý & Hòa Bình: Thông Báo Với Thủ Tướng Về Sai Phạm Của Cán Bộ Reviewed by Unknown on 6/09/2013 Rating: 5 VRNs - 08.06.2013:   VP Công lý & Hòa bình (VP CLHB) thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn vừa mới mở cửa hoạt động được hai tháng, mà đã t...

1 nhận xét:

  1. Thưa Thủ tướng,
    Thưa Cha cùng Quý bà con... Họ đã 'giải quyết' cho bà Trang thị Ngọc Anh như thế nào? Mời xem :
    http://i.upanh.com/rrkngl

    Trả lờiXóa