Thụy My, RFI: Lại một lần nữa, đất nước Việt Nam lại phải đối phó với một tình thế hiểm nghèo khi giặc ngoại xâm đã vào đến tận nhà. Và phải đứng trước một sự chọn lựa mà cha ông chúng ta đã từng phải chọn lựa trong Hội nghị Diên Hồng năm 1284, khi Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu tập các bô lão trên toàn quốc khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ hai, chỉ với một câu hỏi : Nên hòa hay nên chiến ?
Toàn dân nghe chăng Sơn hà nguy biến Hận thù đằng đằng Biên thùy rung chuyển Nên hòa hay chiến ?
Việc chính quyền Bắc Kinh cho kéo
giàn khoan khổng lồ vào ngay giữa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam,
đã làm sôi sục phản ứng nơi mọi người dân Việt. Ngay từ ngày đầu tiên,
sự kiện đã làm mờ nhạt tất cả tin tức thời sự khác trên các mạng xã hội,
riêng đài RFI chúng tôi đã nhận được rất nhiều thư tín từ khắp nơi gởi
đến bày tỏ sự phẫn nộ.
Từ Saigon, giáo sư Tương Lai
nhận định đây là một cuộc xâm lược đã được tính toán từ trước, và bọn
bành trướng đã chọn đúng thời điểm thuận lợi nhất để tiến hành:
Ý
đồ xâm lược của Trung Quốc thì đã rõ từ lâu rồi, và càng rõ hơn khi họ
tuyên bố về đường lưỡi bò, khi càng ngày họ càng ngang ngược trên Biển
Đông. Tất cả những hành động đó nằm trong một âm mưu, tính toán của một
siêu cường đang muốn mở rộng vùng lãnh thổ, lãnh hải của mình, xuôi về
phía Nam và độc chiếm Biển Đông.
Đây không còn là âm
mưu nữa, mà là hành động ngang ngược giữa thanh thiên bạch nhật. Và
Trung Quốc đã phơi bày chủ nghĩa bành trướng bẩn thỉu trước toàn thế
giới. Nhưng đau đớn hơn, Việt Nam lại nằm kề cận nước láng giềng khổng
lồ tráo trở và ngang ngược này.
Bây giờ đây, khi họ kéo
giàn khoan Hải Dương 981 của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc
vào cách đảo Lý Sơn của Việt Nam chừng 119 hải lý thôi, tức thuộc lô 143
trên bản đồ dầu khí của Việt Nam, thì không thể nói cách gì khác :
Chúng nó tiến hành một cuộc xâm lược được tính toán từ trước, và nó chọn
vào thời điểm này là thời điểm thuận lợi nhất để tiến hành.
Người
Việt Nam đến thời điểm này không còn nghi ngờ gì nữa về những lời lừa
mị 16 chữ vàng, mà chỉ thấy rõ hơn là giặc đến nhà rồi, nó vào tận sân
trước rồi chứ không phải sân sau nữa, thì tại sao nó làm được như thế ?
Đây là vấn đề rất khó khăn. Nhưng đã đến lúc phải khẳng định, đây là một
bước ngoặt, hành động xâm lược của Trung Quốc.
Vì thế mỗi một người Việt Nam yêu nước phải tỏ rõ thái độ. Thái độ như thế nào thì tùy cương vị mỗi người để hành động.
Giáo sư Tương Lai nói thêm :
Thực
ra đây là một sự tính toán rất thâm hiểm của thằng Tầu. Đây đúng là
truyền thống Đại Hán ! Chúng nó có truyền thống về chuyện này rất rõ. Âm
mưu thì có từ rất lâu, nhưng nó chọn thời điểm. Và khi mà sự kiện
Ukraina diễn ra, nhất là khi có hành động của Putin chiếm bán đảo
Crimée, thì lúc đó người ta đã đưa ra những cảnh báo : đây là thời điểm
Trung Quốc sẽ hành động.
Chúng tôi không bất ngờ trước
hành động này, và tôi tin rằng nhà cầm quyền Việt Nam cũng không bất ngờ
trước chuyện này. Nhưng còn vì sao họ không kiên quyết, thì đây là
những ràng buộc cực kỳ phức tạp trong bối cảnh chính trị của Việt Nam.
Tương tự, tiến sĩ Lê Vĩnh Trương thuộc Quỹ Nghiên cứu Biển Đông ở Saigon nhận định :
Hành
động này của họ không phải là leo thang, mà nằm trong các hành động xâm
lấn có chủ ý, có toan tính trước. Thường thì họ giành giật trên giấy
tờ, trên truyền thông trước trong một khoảng thời gian để có sự chuẩn
bị, rồi sau đó họ sẽ cụ thể hóa dần dần sau. Khi thì họ tiến lên, khi
thì họ thoái về. Họ ru ngủ trên các diễn đàn ngoại giao, nhưng ở ngoài
thực tế thì họ xâm lấn rất là quyết liệt.
Cũng có thể
xem đây là một sự gián tiếp trả đũa cho hai tuyên bố cứng rằn của Tổng
thống Mỹ nhằm bảo vệ Nhật và Philippines, và Trung Quốc chọn mắt xích ôn
hòa nhất của các quốc gia trong vùng Biển Đông, đó là Việt Nam để tấn
công xâm phạm vùng biển.
Từ Hàn Quốc, giáo sư Hoàng Dũng cho rằng đây là sự kiện nghiêm trọng :
Việc
Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xảy ra đã nhiều
lần, nhưng lần này có sự nghiêm trọng riêng của nó. Đấy là họ đưa một
giàn khoan khổng lồ trị giá đến một tỉ đô la vào.
Đưa
một giàn khoan như vậy không phải là chuyện chơi. Họ phải nhằm một mục
đích nào đó, để có thể bù lại chi phí phải bỏ ra. Tôi nghĩ rằng trước
mắt chưa hẳn là vấn đề kinh tế, nhưng họ chuẩn bị lấn sâu hơn nữa. Họ
chuẩn bị cho chỗ đứng của họ ở Biển Đông chắc chắn hơn nữa.
Với
ý đồ như vậy, chi phí của giàn khoan ấy không phải là quá lớn đối với
Trung Quốc. Do đó tình hình nghiêm trọng hơn, và điều dễ hiểu là người
dân Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài đều cảm thấy đau xót, phẫn
nộ !
Về giàn khoan khổng lồ HD 981 của Trung Quốc, tiến sĩ Lê Vĩnh Trương cho biết thêm chi tiết :
Như
chúng tôi đã có dịp bàn về giàn khoan « khủng » này vào tháng 7/2011,
việc đưa giàn khoan trên vào vùng Biển Đông nói chung, và nghiêm trọng
hơn là vào vùng đặc quyền kinh tế, vào thềm lục địa của Việt Nam có ý
nghĩa rất là nguy hiểm, không chỉ cho Việt Nam, cho các nước vùng Biển
Đông, mà còn có quan hệ lớn đến các tuyến thông thương biển chung của
toàn thế giới.
Giàn khoan tạm gọi là DK hay HD 981 này
dài 114 mét, rộng 90 mét, năm tầng cao khoảng 136 mét, tương đương với
một tòa nhà hơn 40 tầng, diện tích boong ngang với một sân vận động bóng
đá tiêu chuẩn. Ở đây có đầy đủ hệ thống phục vụ cho 160 công nhân làm
việc và nghỉ ngơi. Đây là giàn khoan kiểu nửa chìm, hoạt động ở độ sâu
tối đa 3.000 mét, thuộc thế hệ thứ sáu trên thế giới và là giàn khoan
cấp siêu sâu đầu tiên do Trung Quốc sản xuất.
Họ đã đưa
giàn khoan này vào đến thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt
Nam, cũng trong vùng Biển Đông, vừa là tuyến thông thương biển (SLOCS)
vừa là một phần của hiểm lộ (chokepoint) quan trọng, vì nơi này gắn với
eo biển Malacca mà 60% lượng dầu khí thế giới phải đi qua. Đây cũng là
nơi diễn ra tranh chấp quần đảo Hoàng Sa giữa Trung Quốc và Việt Nam, và
Trường Sa giữa Trung Quốc với Việt Nam và một số nước khác.
Chuyên gia hàng không Thái Văn Cầu ở Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng quốc tế của Biển Đông :
Khi
mà nói về Biển Đông thì người ta hiểu rõ là Biển Đông có một giá trị
quan trọng đối với toàn thế giới, không chỉ giới hạn trong các nước ở
trong khu vực. Chúng ta biết rằng trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế,
Biển Đông không chỉ có giá trị đối với các nước tiếp giáp, mà còn có giá
trị đối với tất cả các nước đã và đang phát triển. Một trường hợp điển
hình là hàng năm có hơn 5.000 tỉ đô la mậu dịch đi qua Biển Đông, trong
đó hơn 1.200 tỉ đô la mậu dịch là của Mỹ với các nước khác.
Có
thể nói số lượng mậu dịch này đóng góp vào thâm hụt thương mại giữa Mỹ
với Trung Quốc, gần 320 tỉ đô la chỉ riêng trong năm 2013 thôi. Do đó
chúng ta thấy được rằng Biển Đông có giá trị vô cùng quan trọng, không
chỉ đối với Mỹ, với Trung Quốc mà đối với tất cả các nước khác.
Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương phân tích thêm:
Do
Biển Đông có tầm quan trọng về chiến lược và là nguồn tài nguyên lớn
như vậy, cho nên hành động này của Trung Quốc còn có ý nghĩa lớn hơn nữa
về mặt quốc tế. Chúng tôi nhận thấy những điểm như sau.
Họ
rất ngạo mạn ! Khi đưa vào vùng biển Việt Nam, họ đã vi phạm Công ước
Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, và cố tình muốn tạo những tiền lệ
cho những vi phạm sau này, không chỉ với Việt Nam. Trung Quốc muốn chiếm
làm của riêng tuyến thông thương biển quan trọng của thế giới này, làm
thành sức mạnh mặc cả của họ với các cường quốc khác về mặt địa chính
trị. Và họ đang thách thức cả thế giới, rằng họ đang hiện thực hóa đường
chữ U tức cái đường lưỡi bò.
Còn về mặt địa chính trị,
thì họ tiến tới làm một và nhiều mắt xích, để mà những giàn khoan hay
loại nào đó trong tương lai – có thể mình chưa định hình ra, coi như đó
là một phần của chiến lược « chuỗi ngọc trai » mà họ tiến hành từ nhiều
năm qua. Nó kéo dài từ đảo Phú Lâm, Gạc Ma, đi qua kênh đào Kra trên
cảng Karachi, toàn bộ lục địa chỗ Ấn Độ, và cũng là những điểm tiếp
liệu, tiếp vận bổ sung cho vòng cung số 1 và số 2 (First Island Chain và
Second Island Chain).
Ngoài ra việc Trung Quốc liên
tục đưa ra cài cắm nhiều cơ sở ở Biển Đông, rồi xâm lấn vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam, xây công trình kiên cố trên đảo Gạc Ma gần đây, và
nghe nói họ cũng tiến hành xây dựng kênh đào Kra cùng với Thái Lan
thông qua Ấn Độ Dương, cũng như lấn chiếm các đảo ở Trường Sa trong
nhiều năm qua, có những lý do về mặt quân sự như sau.
Trong
hiện tại, Trung Quốc chưa bảo đảm được lối ra và tuyến đường đi an toàn
cho các tàu ngầm hạt nhân. Vì tàu ngầm lớp Tấn không đủ yên lặng để
tránh đối phương phát hiện. Phía nam căn cứ Tam Á thềm lục địa nhô lên
cao trong một vùng lớn, và sau đó độ dốc giảm dần trước khi đạt được
2.800 mét độ sâu dưới chân dốc.
Vì thế nên trong suốt
80 kilomet đầu tiên cho đến khi tàu ngầm có thể lặn an toàn dưới 200
mét, thì chúng có thể dễ dàng bị đối thủ phát hiện và theo dõi. Nhưng
chúng sẽ chỉ thực sự an toàn khi lặn ở độ sâu 400 mét. Nói cách khác là
sau khi đi qua điểm gãy lục địa, hay là cái tuyến mà tôi đọc được từ tư
liệu của Daniel Scheffer tại hội thảo Sheraton tháng 11/2012, kéo cái
giàn khoan có vẻ như là ý nghĩa kinh tế, thực sự nó lại có nhiều ý nghĩa
khác.
Phản ứng trước sự kiện nghiêm trọng này, giáo sư
Tương Lai cho biết đây chính là thời điểm để vạch trần hành động xâm
lược của giặc, nếu không sẽ có những hệ lụy không sao tính trước được :
Theo
tôi, lần này đã đến lúc nhân sĩ trí thức ở Saigon phải có một hành động
mạnh mẽ để biểu tỏ thái độ kiên quyết của mình, lên án hành động xâm
lược của Trung Quốc. Đây là dịp để vạch trần thủ đoạn và sự lừa mị của
Trung Quốc, để đánh tan cái ảo ảnh về mười sáu chữ vàng với bốn nguyên
tắc thế này thế nọ, mà đài và báo « lề phải » chính thống ra rả suốt
ngày. Tôi biết là những người phải làm chuyện ấy cũng không vui thú gì,
nhưng họ phải sống, phải ăn lương, cho nên họ phải làm.
Nhưng
giờ đây, với hành động này, đây là một thời điểm để vạch trần hành vi
xâm lược. Không thể nói một cái gì khác cả, đây là xâm lược ! Mà nếu
không làm quyết liệt, thì sẽ có những hệ lụy không sao tính trước được.
Do
vậy, trí thức nhân sĩ cùng với tuổi trẻ phải có một tiếng nói quyết
liệt. Cách nói như thế nào thì tôi nghĩ chắc là sắp tới, Thụy My cứ theo
dõi để tìm hiểu xem sẽ có những gì diễn ra.
Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương đề nghị nhiều phương cách phản ứng, khi đối tượng đã lộ rõ bản chất bá quyền và vô đạo :
Về
mặt chính quyền, tôi cho rằng cần phản đối theo con đường ngoại giao ở
hình thức cao nhất, và sử dụng cảnh sát biển để ngăn cản họ thực hiện ý
đồ này. Cần phản kháng tại các diễn đàn cao hơn trên trường quốc tế, để
đánh động cho thế giới biết, và để bắt Trung Quốc phải trả giá về mặt
ngoại giao, về mặt « sức mạnh mềm » của họ. Nếu cần thì cũng có thể đưa
vụ này ra tòa án quốc tế.
Tại vì lần này gắn liền với
thềm lục địa, chứ không phải như hai vụ cắt cáp tàu Bình Minh và Viking
vào năm 2011. Khi mà họ buộc phải trả giá cao, thì họ sẽ chùn bước hơn.
Nếu họ trả giá thấp, hoặc không trả giá, thì họ sẽ tiếp tục lấn tới. Và
họ lấn tới thì chúng ta lại càng khó khăn hơn nữa trong vấn đề bảo vệ
chủ quyền của Việt Nam, và bảo vệ Biển Đông cho tuyến thông thương của
toàn thế giới.
Theo tôi, ngoài công việc của Nhà nước
ra, các tổ chức dân sự của Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới cũng có thể
lên tiếng để tố cáo hành vi phi pháp này của Trung Quốc.
Chúng
ta dựa vào pháp luật quốc tế, chúng ta dựa vào công luận thế giới để
chống lại sự hung hãn của Trung Quốc. Nhưng chúng ta cũng cần phát huy
sức của cảnh sát biển, của hải quân, khi mà đối tượng của chúng ta lộ
bản chất bá quyền và phi lý, vô đạo, thì đó cũng làm cho Việt Nam củng
cố thêm vị thế chính nghĩa của mình, đứng trên vị trí đúng, và bảo vệ
vùng biển của đất nước.
Trên đây là những phản ứng tức
thời của giới trí thức người Việt ở nhiều nơi, ngay sau khi được tin chế
độ Bắc Kinh cho kéo giàn khoan khổng lồ vào sâu trong vùng đặc quyền
kinh tế Việt Nam, chỉ cách đảo Lý Sơn có 119 hải lý.
Từ
hôm qua, trên mạng đã xôn xao những thông tin về cuộc đối đầu căng
thẳng xung quanh giàn khoan Trung Quốc đang nghênh ngang tại Lý Sơn. Hôm
nay 07/05/2014 trong cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức,
Phó tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết Trung Quốc đã huy động đến
80 tàu trong đó có 7 tàu quân sự, hung hãn đâm vào các tàu cảnh sát biển
và kiểm ngư của Việt Nam, dùng vòi rồng tấn công làm hư hại một số tàu
và làm bị thương 6 kiểm ngư viên Việt Nam. Các tàu Trung Quốc trang bị
vũ khí sẵn sàng gây chiến, đồng thời máy bay Trung Quốc cũng bay lên uy
hiếp.
Bên cạnh luồng ý kiến cho rằng những lần trước
người dân biểu tình phản đối đều bị trấn áp, thì lần này « để cho Đảng
và Nhà nước lo », nhìn chung người dân Việt trong và ngoài nước đều sôi
sục trước nguy cơ bị xâm lược đang hiển hiện trước mắt. Thậm chí có lời
đề nghị chính quyền ra lệnh tổng động viên, vì Việt Nam không còn có thể
lùi bước. Được biết những lời kêu gọi xuống đường tại Hà Nội và Saigon
vào Chủ nhật tới phản đối bành trướng Trung Quốc xâm lược đã được đưa ra
tại các diễn đàn trên mạng.
Khi được hỏi, người dân
những lần trước biểu tình phản đối Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam thì
bị trấn áp, không biết lần này còn có nhiệt tâm xuống đường phản đối
hành động trắng trợn của Bắc Kinh hay không, giáo sư Hoàng Dũng cho rằng
:
Tôi thấy nhiệt tâm thì người dân Việt Nam chưa bao
giờ hết nhiệt tâm. Bởi vì đất nước là đất nước của mình, Nhà nước có
hăng hái chống giặc hay không thì cũng không phải là vấn đề có tính chất
quyết định. Đất nước không phải là đất nước riêng của một nhóm người
nào cả ! Có điều là ai cũng mong trước tình hình mà sự toàn vẹn lãnh
thổ, quyền lợi của dân tộc bị đe dọa, thì Nhà nước phải có một quyết
sách sao cho phù hợp với tình hình, đáp ứng được nguyện vọng của người
dân.
Tôi thấy đây vừa là một thử thách lớn đối với đất
nước, nhưng vừa mở ra một cơ hội. Ngày 30 tháng Tư vừa rồi nhiều người
nói đến hòa giải, hòa hợp dân tộc, đến như ông Thứ trưởng Ngoại giao
Nguyễn Thanh Sơn cũng đề cập đến. Thái độ của Nhà nước trước sự xâm lược
– có thể nói thẳng đấy là sự xâm lược của Trung Quốc – là một nhân tố
rất là quan trọng trong việc hòa giải, hòa hợp dân tộc đó.
Bởi
vì người Việt Nam dù khác nhau về chính kiến, khác nhau về suy nghĩ đến
đâu đi nữa, họ cũng đều bừng bừng nếu như thấy rằng đất nước bị xâm
lăng, lúc đó người ta có thể bỏ qua tất cả. Có thể cùng nhau chung sức
để chống giặc. Cơ hội này chúng ta đã nhiều lần bỏ qua. Không biết lần
này rồi Nhà nước có bỏ qua nữa hay không.
Tóm lại theo
giáo sư Hoàng Dũng, người Việt Nam dù khác biệt chính kiến thế nào đi
nữa, nhưng trước hiểm họa ngoại xâm cũng sẽ đồng lòng chống giặc :
Lịch
sử của Việt Nam mình từ xưa đến nay là như vậy rồi. Nếu không cái phẩm
chất đó, thì chắc rằng dân tộc chúng ta không tồn tại trong suốt mấy
nghìn năm đối đầu với sự xâm lược của Trung Quốc như vậy. Phẩm chất đó
là phẩm chất của người luôn luôn nắm trong cái thế thường trực chống
ngoại xâm. Không có phẩm chất đó thì người ta phải chết, mà cuộc sống
thì mạnh mẽ lắm, nó buộc người ta phải đi đến một cách sống như vậy. Và
sau hàng ngàn năm, thì cái suy nghĩ đó đã ngấm vào máu của người dân
Việt.
RFI Việt ngữ xin chân thành cảm ơn giáo sư Tương
Lai và tiến sĩ Lê Vĩnh Trương ở Saigon, giáo sư Hoàng Dũng ở Hàn Quốc và
chuyên gia Thái Văn Cầu ở Hoa Kỳ đã vui lòng tham gia chương trình hôm
nay của chúng tôi.
Chúng ta nhớ lại, trong lần Trung
Quốc ngang ngược cắt cáp, tấn công vào tàu Việt Nam trước đây, các cuộc
biểu tình của người Việt hải ngoại chống bành trướng Bắc Kinh đã nổ ra
tại nhiều nước trên thế giới, từ Pháp, Đức, Bỉ…cho đến Mỹ, Úc, có nơi
với cờ đỏ sao vàng, có nơi dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ. Đặc biệt đông đảo
người Việt tại Đức biểu tình với cả hai màu cờ bên nhau, một hình ảnh
rất đẹp, rất độc đáo.
Gươm mài đá, đá núi cũng mòn
Voi uống nước, nước sông phải cạn
Đánh một trận, sạch không kình ngạc
Đánh hai trận tan tác chim muông
Sự
hiên ngang bất khuất của ông cha trong Bình Ngô Đại Cáo khi kết thúc
cuộc chiến chống quân Minh năm 1427, lẽ nào không thể được tiếp nối
trong năm 2014 này và mãi về sau. Cho dù lòng người còn trăm mối ngổn
ngang, nhưng nước mất thì nhà tan. Những ngọn lửa tự thiêu của của người
Tây Tạng và tiếng bom của người Duy Ngô Nhĩ vẫn còn đang hiển hiện,
nhắc nhở cho người Việt số phận những dân tộc bị thống trị dưới gót giày
của chủ nghĩa Đại Hán.
Chống Trung Quốc Xâm Lược Biển Đông, Cơ Hội Hòa Giải Dân Tộc?
Reviewed by Unknown
on
5/08/2014
Rating: 5 Thụy My, RFI: Lại một lần nữa, đất nước Việt Nam lại phải đối phó với một tình thế hiểm nghèo khi giặc ngoại xâm đã vào đến tận nhà. Và p...
Không có nhận xét nào: