Blogger Điếu Cày tại Mỹ. Ảnh: Danlambao |
Sau ít ngày nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe và lo một số vấn đề cá nhân, anh Điếu Cày đã dành cho Danlambao một cuộc phỏng vấn để hồi tưởng chặng đường đã qua và chia sẻ mục tiêu đấu tranh trong thời gian sắp tới.
Không nhận tội để được tha tù
Điếu Cày cho biết, sáng ngày 21/10/2014, anh bị 2 xe công an áp giải từ trại giam số 6, Nghệ An ra sân bay Nội Bài để trục xuất sang Hoa Kỳ.
“Trong suốt quá trình đi như thế, tôi không hề được gặp gia đình, thăm người thân và cũng không được đi như một người bình thường”, Điếu Cày nói
Trước đó, đại diện bộ công an đã nhiều lần trực tiếp vào trại giam ép buộc Điếu Cày viết ‘đơn xin nhận tội’ và ‘tha tù’, tuy nhiên những yêu cầu này đều bị từ chối.
“Một nguyên tắc bất di dịch của tôi là không bao giờ nhận tội để được tha tù”, anh khẳng định.
Do bị bưng bít thông tin trong tù, Điếu Cày hoàn toàn không biết gì về quá trình thương thảo giữa chính phủ Hoa Kỳ và nhà cầm quyền CSVN về trường hợp của anh.
Mãi cho đến ngày 22/9/2014, đại diện ngoại giao Hoa Kỳ đã vào trại giam gặp Điếu Cày, khi đó anh mới biết thêm một số thông tin. Điếu Cày kể lại:
“Bộ ngoại giao Hoa Kỳ có nói rằng, Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam thả ông ra mà không có bất kỳ điều kiện nào, dù ông ở lại Việt Nam hay sang Hoa Kỳ”.
“Nhưng hiện tại hai bộ ngoại giao mới đạt được thỏa thuận là ông ra khỏi Việt Nam sẽ phải vào Hoa Kỳ. Đó là những thông tin mà tôi có thể biết được”.
Thả tù vì nhân đạo là ‘hoàn toàn trái sự thật’
Một quan chức bộ ngoại giao CSVN có lên tiếng nói rằng ‘việc cho phép ông Nguyễn Văn Hải xuất cảnh đi Mỹ vì lý do nhân đạo’, blogger Điếu Cày khẳng định điều này ‘hoàn toàn trái với sự thật’.
“Những gì mà bà con, cộng đồng quốc tế nhìn thấy tôi bị áp giải và xuống sân bay Los Angeles trong đôi dép tổ ong thì cũng biết tôi đã phải ra đi như thế nào”.
“Nếu vì lý do nhân đạo, tôi đã được về gặp gia đình và giờ này tôi đang ở Sài Gòn cùng với gia đình tôi chứ không phải đi qua Mỹ như thế này”.
“Và nếu vì lý do nhân đạo, nếu tôi có đi sang Mỹ cũng đi một cách đàng hoàng, cầm vé trên tay vào sân bay, chứ không phải bị áp giải ra đến tận cầu thang sân bay như thế này”, blogger 62 tuổi này khẳng định.
Quan chức bộ ngoại giao CSVN cũng lặp lại tuyên bố “Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm”, đồng thời bác bỏ cách gọi tù nhân lương tâm của quốc tế dành cho Điếu Cày.
Nếu nhà cầm quyền CSVN có ‘nhân đạo’ thì những người cất lên tiếng nói ôn hòa không thể bị bỏ tù như trường hợp Điếu Cày trong suốt 6 năm 6 tháng vừa qua.
Không đóng lại cánh cửa đấu tranh
Khi thông tin Điếu Cày đặt chân đến Mỹ được loan tải, có ý kiến cho rằng việc anh ra nước ngoài sẽ khó có thể tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ như khi còn ở Việt Nam.
Trước những ý kiến này, Điếu Cày chia sẻ:
“Tôi đã đi qua 11 nhà tù và đã có hơn 6 năm rưỡi trong nhà tù, tôi có đủ thời gian để nhìn nhận tất cả những sự ghê tởm trong các nhà tù Việt Nam”.
“Chính vì điều đó, khi không còn được sát cánh cùng bạn bè đấu tranh ngay trên chính quê hương Việt Nam, tôi đã nhận được trách nhiệm mới, đó là trách nhiệm phải đấu tranh cho nhân quyền trong các nhà tù Việt Nam”.
“...Lần này tôi đi, tôi sẽ phải thực hiện và làm những công việc mà những người tù nhân lương tâm ở Việt Nam đã không cất lên tiếng nói được”.
“Trong hoàn cảnh bất khả kháng như tôi, việc đi ra nước ngoài cũng không phải là đóng lại cánh cửa đấu tranh đối với tôi”.
“Bởi vì trên internet không có khoảng cách”, Điếu Cày chia sẻ.
Ngay khi đến Hoa Kỳ, Điếu Cày cũng đã cho phổ biến bức thư của nhà báo Trương Duy Nhất nhắn gửi. Đây là lá thư mà Điếu Cày phải rất khó khăn mới có thể mang ra được bên ngoài.
Câu lạc bộ Nhà báo Tự do là một gia đình lớn
CLB Nhà Báo Tự Do do blogger Điếu Cày sáng lập đã đặt những viên gạch đầu tiên cho truyền thông độc lập tại Việt Nam phát triển. Mặc dù bị đàn áp hết sức nặng nề, nhưng nhiều thành viên CLB vẫn tiếp tục đấu tranh trong thời gian hơn 6 năm anh bị tù đày.
Điếu Cày cho biết, CLB Nhà báo Tự Do như một gia đình lớn, anh luôn nhớ tất cả mọi người trong hơn 6 năm qua.
“Tôi vẫn luôn nhớ về mọi người, mọi thành viên trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự Do. Đối với các thành viên trong CLB NBTD, chúng tôi như một gia đình lớn, tình cảm như anh em trong nhà với nhau. Chúng tôi đã dành cho nhau tất cả tình cảm, những khả năng mà mình có thể làm được cho bạn của mình”.
“Vì vậy, tôi muốn rằng trong thời gian sắp tới, những người còn ở trong tù, những bạn bè còn ở bên ngoài… Tôi muốn tất cả tập hợp nhau lại để cùng đấu tranh cho những người còn đang ở trong tù, và cho tất cả những ai còn đang đấu tranh cho tự do ngôn luận ở Việt Nam”.
“Mọi nỗ lực của chúng ta là để thúc đẩy cho những quyền đó được thực hiện trên quê hương Việt Nam”.
Trong cuộc phỏng vấn, Điếu Cày gửi lời cảm ơn đến tất cả các cá nhân và tổ chức đã nỗ lực đấu tranh đòi trả tự do cho anh.
“Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người đã nỗ lực đấu tranh cho tự do báo chí. Cho tôi gửi lời cảm ơn đến những người đã giúp chúng tôi thoát khỏi lao tù”.
Dự định sắp tới: Tập hợp lại CLB NBTD
Chia sẻ về những dự định sắp tới trong một hoàn cảnh đấu tranh mới, Điếu Cày nói:
“Thứ nhất, chúng tôi sẽ tập hợp lại Câu lạc bộ Nhà báo Tự do. Trong quá trình từ khi thành lập đến nay, anh em CLB NBTD người thì bị bắt giữ, người bị giam cầm, nhưng chúng tôi vẫn không từ bỏ mục tiêu của mình.
Tất cả anh em sẽ tập hợp lại để phục hồi lại CLB NBTD và sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Thứ hai, tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho những tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Họ không cất lên được tiếng nói thì tôi sẽ thay họ cất lên tiếng nói.
Đặc biệt, trong đó có một người vẫn còn ở trong tù là cô Tạ Phong Tần. Một người đã đấu tranh rất kiên cường suốt nhiều năm trong nhà tù cộng sản. Gia đình của cô, bác Đặng Thị Kim Liêng đã tự thiêu để phản đối chính sách hà khắc của cộng sản đối với những người con đang bị giam giữ như tôi và Tạ Phong Tần”.
Điếu Cày bị trục xuất sang Mỹ chỉ với bộ quần áo đơn sơ và đôi dép tổ ong, nhưng trách nhiệm mà blogger 62 tuổi này mang trên vai quả là hết sức nặng nề.
Không có nhận xét nào: