VRNs (07.10.2014) – Sydney, Úc Đại Lợi – Bây giờ là 4 giờ sáng ngày Chủ Nhật, trong lúc ngồi nhìn các em học sinh nữ thay phiên nhau nhặt rác, hai anh em chúng tôi viết xuống những điều chúng tôi ghi nhận được sau những ngày có mặt tại hiện trường. Một trong những lý do chính yếu của chuyến đi đến Hồng Kông này là để quan sát và ghi nhận lại những phương thức đấu tranh bất bạo động đang được phong trào tại Hồng Kông áp dụng. Trong bài viết này chúng tôi xin chia sẻ những quan sát liên quan đế cách thức tổ chức.
Thông Điệp rõ ràng và đơn giản
“This is our city, we deserve freedom”. (Đây là thành phố của chúng ta, chúng ta xứng đáng được hưởng tự do).
Đây là thông điệp từng người biểu tình đều chia sẻ giống nhau khi được hỏi về khát vọng đấu tranh hiện nay của họ.
Với thông điệp rộng (Tự Do, Dân Chủ) họ quảng diễn chi tiết hơn: “Muốn lá phiếu được tôn trọng, chúng ta không để cho chính quyền Bắc Kinh chỉ định bất cứ ai ra ứng cử”. Hầu như khi hỏi bất cứ ai – ít ra những người biết Anh ngữ – họ đều nắm rõ chi tiết về mục tiêu, cách làm và việc phải làm.
Nhờ thông điệp chung và đơn giản này mà mọi người đến tụ tập tại các khu vực biểu tình đều biết rõ mục tiêu của cuộc đấu tranh, nên không ai bảo ai, họ đều hòa mình và đóng góp trong khả năng của từng người.
Có những học sinh 14-15 tuổi sau giờ tan học, tham gia cuộc tọa kháng và đã tự vẽ những khẩu hiệu, giương cao chúng và đi lên đi xuống trong đoàn biểu tình. Khi có người hỏi ai hướng dẫn thì các bạn học sinh này nói rằng không ai huớng dẫn mà họ muốn làm trong khả năng và trách nhiệm mình. Các việc họ làm rất đơn giản. Có những em đi nhặt rác và chỉ nhiệm vụ nhặt rác. Có những em chỉ có nhiệm vụ xịt hơi nước cho người qua lại để chống cái nóng oi bức hay chỉ để cầm quạt để quạt mát những người xung quanh.
Mọi việc được chẻ nhỏ, thích hợp với tất cả mọi người.
Sáng Tạo
Vì là cuộc đấu tranh của mọi người, những người điều hướng cuộc biểu tình đã tạo điều kiện phát huy sự sáng tạo đối đa của mọi người để tạo cho cuộc biểu tình mang hình dáng nghệ thuật cao hầu thu hút và giữ chân những người tham gia. Nhiều “tác phẩm” nghệ thuật đã được thực hiện nhằm mục đích này.
Ví dụ dùng ô dù để tạo thành những đóa hoa lớn, trang trí trên các tường tòa nhà họ chiếm đóng. Trên các ô dù, người biểu tình trang trí với những khẩu hiệu nói lên mục tiêu của cuộc biểu tình.
Họ dựng lên “Bức Tường Khát Vọng” để mỗi người tự viết ước vọng của mình hay nói lên điều mình khao khát trong cuộc đấu tranh này và treo lên hòa chung với khao khát của mọi người. Ban tổ chức đã trưng dụng một dãy tường cao lớn khác với đầy ắp các tờ giấy nhỏ đủ màu sắc để mọi người ghi lại đó lý do họ tham dự cuộc biểu tình này. Cách trình bày đầy nghệ thuật thu hút người chung quanh, tạo nhiều cảm xúc cho những người tham gia, và nhất là góp phần nhắc nhở nhau về mục tiêu và điểm đến của phong trào.
Điểm sáng tạo đáng ghi nhận khác là nội dung những khẩu hiệu sử dụng rất đa dạng. Tuy ngắn gọn nhưng đầy tính chất trẻ trung, kích thích cao sự suy nghĩ nơi người đọc. Như các câu “Do you hear the people sing, singing the song of angry men” (Bạn có nghe tiếng người dân hát, hát vang bài ca của người cuồng nộ). Những biểu tượng khác như nơ vàng, cách chéo hai tay đưa lên cao mà người biểu tình tại Hồng Kông sử dụng đều là những sáng tạo mang tính cách hợp quần, trẻ trung.
Ngoài ra, họ còn tận dụng cả nhạc, phim ảnh và những câu nói bất hủ của một số nhân vật nổi tiếng để kích thích những người tham gia bằng tiếng Hoa và cả tiếng Anh.
Ban Tổ Chức
Khi được hỏi ai là người của Ban Tổ Chức, hầu hết các bạn trẻ tham gia cuộc biểu tình đều trả lời họ không có một ban lãnh đạo theo lẽ thuần tuý chỉ huy hết mọi việc mà thay vào đó mỗi người là một phần tử lãnh đạo phong trào. Nắm vững mục tiêu của cuộc đấu tranh cùng với tinh thần trách nhiệm chia sẻ công việc (tự coi mình là thành phần chủ lực, của Ban Tổ Chức, chứ không phải chỉ đến để tham dự) đã khiến cho những phức tạp, bon chen của Hồng Kông không được nhìn thấy nơi đoàn biểu tình.
Rất kỹ luật. Khi bước vào vòng đai biểu tình, mọi người đều ý thức tại sao họ đến đây. Quan sát chung, hầu như cứ mỗi 5 tấm bản đặt trong quảng trường biểu tình là có một tấm nhắc nhở mọi người “Remember why we are here” “Remember why we we started all this” (Hãy nhớ tại sao chúng ta ở đây. Hãy nhớ tại sao chúng ta khởi sự công việc này.)
Bên cạnh những công việc mang tính cách tự phát mà mỗi thành viên tham dự tự tiến hành, họ cũng có những người trách nhiệm lo các khâu quan trọng khác như y tế, ẩm thực, vệ sinh, thông tin, điều động, an ninh… Chính sự chia đều trách nhiệm như vậy, cuộc biểu tình tại Hồng Kông đã được điều hướng bởi một số cá nhân tạo thành cơn sóng lớn qua các đặc điểm:
Chu đáo trong sự sắp xếp. Biết sẽ có mưa, nên đã có sẳn các tấm ni lông bọc kín các bức tường thông điệp để chống mưa, nhưng vẫn còn nghệ thuật, để nguòi ta vẫn có thể đọc được.
Những nơi có chướng ngại vật bằng xi măng giữa đường hay ngoài thành đường, được đoàn biểu tình trưng dụng các khung rào sắt hay lấy gỗ chế thành thang để người ta bước qua dễ dàng và an toàn. Khi đông người cần qua lại, họ tự ý thức xếp thành hàng và chia từng nhóm qua lại cho trật tự. Có nhiều người trẻ tự nguyện giúp đỡ người qua lại các vật chắn được an toàn.
Vật dụng dành cho người biểu tình được chuẩn bị chu đáo, không thiếu gì từ dụng cụ cá nhân, khẩu trang, áo mưa, đồ ăn, thức uống, giấy toilet. Đặc biệt là hàng ngàn hộp đồ ăn đã được các cá nhân, thương nhân mang đến tiếp tế hằng ngày. Đồ tiếp tế được nhiều cá nhân mang đến yểm trợ trực tiếp tại chỗ biểu tình hoặc ở một quy mô lớn hơn, nhiều khuôn viên đại học đã được sử dụng như địa điểm đón nhận và “tồn trữ” mọi vật dụng để ban tổ chức có thể nhanh chóng phân phối cho người biểu tình.
Để giữ vệ sinh chung, ban tổ chức đã để bao rác tại nhiều nơi. Mỗi chổ không những chỉ có một bao mà là nhiều bao khác nhau với ghi chú rõ ràng để phân loại rác, giấy, đồ có thể tái chế. Ngay cả các chai nước nhựa, chai và nắp chai đều có những bao riêng biệt. Bên cạnh đó, nhiều bản giấy lớn được dán khắp nơi nhắc nhở mọi người dọn dẹp rác xung quanh mình.
Dưỡng Quân
Trong những giờ cao điểm (từ khoảng 5 giờ chiều đến 12 giờ khuya) khi mọi người tụ tập lên đến từ hàng chục cho đến cả trăm ngàn người hoặc hơn, Ban Tổ Chức có những diễn thuyết bởi các thành viên đại diện các tổ chức và đoàn người hô vang các khẩu hiệu. Tuy nhiên điều này không diễn ra xuyên suốt khoảng thời gian nói trên. Họ chia nhỏ thành từng đoạn, mỗi đoạn kéo dài khoảng 1 tiếng và xen kẻ là những giờ giải lao nhỏ. Ban tổ chức rất quan tâm đến nhu cầu dưỡng quân để có thể đấu tranh lâu dài.
Ngoài việc thiết trí một sân khấu lớn, trong đoạn đường dài hơn 1 cây số, ở những lúc chưa đến cao điểm của việc tụ họp, khi cần họ đã tự chia ra thành từng vòng đai nhỏ để sinh hoạt. Mỗi nhóm có một bạn trẻ cầm loa phóng thanh để chia sẻ, trao đổi với mọi người. Người đại diện đó chia sẻ và giải thích về các các đối sách hoạt động, và lắng nghe những ý kiến đề nghị của mọi người.
Khi giờ cao điểm tất cả cùng hướng về sân khấu chính với hệ thống âm thanh đuợc chuyển dài cả cây số.
Truyền thông
Cả đoàn biểu tình luôn dùng hai ngôn ngữ Anh và tiếng Hoa, nhắm vào cả giới truyền thông Hồng Kông và quốc tế. Đối với truyền thông quốc tế, Ban Tổ Chức chu đáo chuẩn bị sẵn các nhóm dịch thuật. Trên đường phố họ có nhiều bản hướng dẫn truyền thông về dịch vụ dịch thuật và cung cấp số điện thoại để liên lạc.
Kết
Cho đến giờ phút này, chúng ta chưa biết cuộc biểu tình của giới trẻ và người dân Hồng Kông sẽ kết thúc ra sao. Nhưng trên bề mặt tổng quát, qua quan sát trong những ngày có mặt tại Hồng Kông, chúng tôi cảm nhận giới trẻ Hồng Kông đã tổ chức một cuộc Bất Tuân Dân Sự thật hoàn hảo. Các điểm cốt lõi của một cuộc đấu tranh Bất Bạo Động đã được thể hiện rõ nét. Từ con số quần chúng được huy động tham dự (lên đến cả chục ngàn, cả trăm ngàn người), tinh thần kỷ luật và ý thức tự giác, trách nhiệm cao, cách tổ chức chu đáo và quan trọng nhất là các thông điệp, mục tiêu họ đề ra hết sức cụ thể, rõ ràng và có được sự đồng thuận bởi tập thể người tham dự.
Trong suốt nhiều thập niên qua, lịch sử đã ghi lại nhiều bài học Đấu Tranh Bất Bạo Động qua từng giai đoạn, của từng quốc gia trên thế giới, như Ấn Độ, Nam Phi, Tiệp Khắc, Serbia, v.v… thì ngày nay, tuổi trẻ Hồng Kông đã tạo cho mình một chỗ đứng không kém phần quan trọng và chia sẻ nhiều bài học quý báu cho giới đấu tranh tại Việt Nam và khắp nơi trên thế giới.
Nguyễn Hoàng-Thanh Tâm và Lê Xuân Đôn
(Các tác giả là hai thành viên đảng Việt Tân đến Hồng Kông từ ngày 01.10 để bày tỏ sự ủng hộ thanh niên sinh viên Hồng Kông cũng như quan sát những phương thức đấu tranh bất bạo động được phong trào Occupy Central áp dụng).
Không có nhận xét nào: