GP Kontum: Ý Kiến Về Dự Thảo 4 “Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo” - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
30 tháng 4, 2015

GP Kontum: Ý Kiến Về Dự Thảo 4 “Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo”

Kontum - Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum xin chuyển đến quí gia đình Giáo phận ý kiến tự phát của một số người khi nhận được văn bản: Số 40/TGCP-PCTT, V/v góp ý dự thảo 4 “Luật tín ngưỡng, tôn giáo” của Ban Tôn Giáo Chính Phủ, Hà-nội ngày 10 tháng 4 năm 2015.

Tòa Giám mục đã chuyển gởi văn bản số 30/TGCP-PCTT cho quí linh mục tu sĩ trong Giáo phận và sẽ bàn chuyên sâu về văn bản dự thảo 4 trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, các người có tôn giáo nói chung, người công giáo Việt nam nói riêng cần biết văn bản dự thảo 4 có tựa đề:

“LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO”

và cho ý kiến về dự thảo này.

I – Trước nhất, chúng tôi xin gởi đến quí gia đình Giáo phận văn bản dự thảo 4 bằng PDF, để tránh việc xáo trộn về các điều và khoản của văn bản khi chuyển lên trang mạng.

II – Thứ đến, chúng tôi gom lại ý kiến tự phát, nhưng rất chân tình của một số vị là linh mục, tu sĩ và giáo dân khi mới tiếp xúc văn bản “LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO”, trong khi chờ đợi phần trao đổi và đúc kết chính thức của TGM.

I – A/ Ban Tôn Giáo Chính Phủ số 40/TGCP-PCTT (Xem hình)

B/ Dự Thảo 4 Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo

LUẬT TÍN NGƯỠNG TÔN GIÁO

II – Có nhiều Ý KIẾN như sau:

1 – Ban Tôn Giáo Chính Phủ gởi đến các cơ sở tôn giáo quá ít thời gian (chỉ trong vòng 13 ngày để trả lời) để tỏ cho thế giới thấy văn bản này được góp ý rộng rãi và tự do. Tuy nhiên, việc góp ý này vô ích thôi, vì như hỏi ý kiến về Hiến Pháp vừa rồi, các nhà trí thức, luật gia, HĐGM. VN ….cũng đã góp ý rất thẳng thắn, chân thành, mà có được gì đâu. Mọi quyết định đã được Đảng quyết rồi, bàn cũng vô ích thôi!,

2 – Tựa đề bản dự thảo 4 “LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO”. Các người soạn thảo luật liên quan đến Tín Ngưỡng Tôn giáo có biết, có tâm gì về Tín Ngưỡng Tôn giáo đâu mà Lập “LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO”. Chỉ những người có tín ngưỡng, tôn giáo mới có quyền Lập Luật liên quan đến Tín Ngưỡng Tôn Giáo của mình. Như bên Giáo Hội Công Giáo có GIÁO LUẬT, bên Phật Giáo có ĐẠO PHÁP… Sao Nhà Nước lại nhảy vào lập luật cho đạo giáo của người có đạo được?.

3 – Để tỏ ra Nhà nước tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ít nhất đầu đề phải là : “VĂN BẢN PHÁP LUẬT BỔ TRỢ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO”. Nói như vậy ít nhất có vẻ đúng vì Nhà nước tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo là tôn trọng quyền lợi của người có tín ngưỡng tôn giáo, còn Nhà nước giúp tạo điều kiện cho người có đạo sống theo tôn chỉ của họ mới phải. Nhược bằng nói thẳng thừng ra: “LUẬT QUẢN LÝ TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO”

4- Điều 1: khẳng định “Luật này qui định về quyền tự do tín ngưỡng (….) trong việc thực hiện và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Riêng từ ngữ “qui định, bảo hộ” như thực dân Pháp Bảo hộ đất nước Việt nam. Mới nghe mấy từ này đã ngao ngán rồi!

5 – Điều số 2: cũng đề cập “bảo hộ” “theo qui định của pháp luật”… Trên thế giới có bao nhiêu nước văn minh có luật “qui định, bảo hộ tôn giáo” như đất nước Việt nam đâu?. Không cần luật riêng quản lý về Tôn giáo, cứ theo luật chung mà hành xử người có đạo cũng như người không có đạo.

6- Điều 3: khoản 9 : “Cơ sở tôn giáo là nơi thờ tự, tu hành (…) những cơ sở khác được Nhà nước công nhận”. Tại sao còn gọi là Nhà nước công nhận? Hiến pháp đã công nhận quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo rồi mà? Đây là phạm vi quyền tự do tôn giáo, vì hạn chế quyền tự do tôn giáo, và cũng là quyền con người. Từ ngữ còn mập mờ. Thực tế Giáo phận, những năm qua bị rắc rối ở chỗ này: muốn có linh mục đến sinh hoạt, phải có nơi thờ tự; để có nơi thờ tự, phải được lên giáo xứ, muốn lên giáo xứ cần có linh mục…. Vòng vo!

Khoản 11 : “Tổ chức tôn giáo trực thuộc (…..), quy định của tổ chức tôn giáo để quản lý tổ chức, phục vụ hoạt động tôn giáo, tu hành tập thể, hoạt động xã hội (Bỏ: được Nhà Nước công nhận nhằm…).

7- Điều 4: Khoản 3 (bỏ câu: theo quy định pháp luật và).

8- Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm (cấm luôn các cán bộ nữa: trong các khoản 1,2,3,4). Chưa thấy cán bộ bị coi là thi hành sai trái luật đối với tôn giáo.

9- Điều 7: Các phong tục của người dân tộc thì sao?

10- Điều 8: Khoản 2: (bỏ: hoặc do cơ quan …. hoặc chấp thuận).

Bỏ khoản 3.

11- Điều 9: Bỏ điều 9 này, không thực tế, phiền toái…

12- Điều 10 (Bỏ: khoản 1: không cần thiết).

13- Điều 11 (Nên xem lại)

14- Điều 12: Khoản 2, b): điểm b) này không rõ ràng: “Có địa điểm hợp pháp để sinh hoạt;” Thế nào là hợp pháp? Ai chấp nhận là hợp pháp? Chấp nhận khi nào?.

“Sinh hoạt tôn giáo” ràng buộc với khu vực sinh hoạt tôn giáo như thế nào? Như giáo xứ, giáo họ bên công giáo không? Các danh xưng bên tôn giáo chưa ghi rõ, còn mập mờ….

15 – Điều 13, khoản 4 cũng mập mờ.

16- Điều 14: Không thấy đề cập thời gian giải quyết. Kinh nghiêm những năm qua, vì văn bản luật mập mờ, nên cán bộ quản lý tôn giáo tại địa phương vừa không hiểu cơ cấu tổ chức tôn giáo, vừa không tạo điều kiện cho tôn giáo hoạt động theo nhu cầu quyền lợi căn bản của những người có tôn giáo, kéo dài thời gian giải quyết, chưa nói các cán bộ đó còn tìm nhiều cách làm khó dễ hoạt động tôn giáo tại địa phương đó.

Ý kiến số 16 này: cũng nhận định cách tổng quát: văn bản Dự thảo 4 này không theo ngôn ngữ luật, nhiều chỗ mơ hồ, chồng chéo, không thấy nguyên tắc cơ bản là DỰA TRÊN QUYỀN LỢI DÂN LÀM NỀN TẢNG CỦA LUẬT, NGƯỢC LẠI GÒ BÓ NHƯ CHO THIÊN HẠ THẤY: ĐẤY LÀ MỘT CHÍNH QUYỀN CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN, LÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA. Có cán bộ dựa vào điểm này để hối lộ người dân có đạo hoặc như bậc thang leo lên chức cao hơn trong nguồn máy chính quyền, nhưng thực chất gây chia rẽ, làm mất đoàn kết toàn dân.

17- Ý kiến của một người giáo dân. Ông này trả lời khi đặt vấn đề Ban Tôn giáo Chính Phủ hỏi ý kiến về “luật tín ngưỡng- tôn giáo” đang soạn thảo, lấy ý kiên, ông trả lời: tôi không biết nhiều lý sự để trả lời, tôi chỉ thích đá bóng và lấy trong trận đấu bóng mà nói: trong luật đá banh có LUẬT “LỢI THẾ” để cho trọng tài biết điểu khiển trận đấu: trận đấu hay không phải cứ phạt nhiều, mà phải cầm còi tạo cho sân chơi sôi động, liên tục, và mọi người vui tươi. Trên sân cỏ có hai đội, ở đất nước ta một bên là đội người có đạo, bên kia đội cộng sản vô thần. Người cầm còi là Đảng Cộng Sản. Luật Lợi Thế (nếu có) toàn là đội vô thần được hưởng. Trên sân cỏ trọng tài là ông trời; ở đất nước ta, trọng tài là Đảng, là cán bộ. Cuối cùng đội người có đạo phải chịu thua thôi! Trận đấu chán ngắt!

Một ví dụ ví von, nhưng cũng cần suy nghĩ.

18- Ý kiến của một Yao phu huyện Đak Tô. Chú đi xuống tỉnh không phải mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng, mà để thăm đứa con gái mới sinh.

Ông có dự lễ bình thường tại làng ông không?
Cán bộ không cho các bok (cha) đến làm lễ nữa?
Tại sao vậy, có luật pháp về tôn giáo mà?
Họ nói không được phép! Sao người kinh lại có nhà thờ tổ, nhà thờ họ, không cần xin phép; còn người dân tộc có “nhà thờ họ, nhà thờ plei (làng)” bắt phải xin phép, và đã xin phép nhiều lần, nay đòi phải tháo gở. Sao nhà nước không tôn trọng luật tục của chúng tôi. Quan tâm đến luật tục người kinh. Tôi không biểu, thấy phân biệt kinh thượng quá!
Cảm ơn ông cho biết ý kiến.

Vừa rồi, chúng tôi chỉ ghi nhận sơ khởi một số ý kiến tự phát như trên vì chưa có giờ ngồi lại để bàn hỏi và đúc kết. Chúng tôi cũng mong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam bàn thảo cho sâu sắc và đề nghị như lần góp ý cho Hiến Pháp vừa qua, dù biết rằng Nhà nước ta là theo đường lối “ĐẢNG CẦM QUYỀN”. Các phương tiện truyền thông của các giáo phận cũng đưa lên ý kiến của Giáo phận mình để mọi người thấy Nhà nước đang muốn làm gì để quản lý tôn giáo. Tuy nhiên, toàn giáo dân công giáo trong và ngoài đất nước Việt cùng góp ý và cho thấy được ý nghĩa tôn trọng quyền con người trong tôn giáo rất sâu sắc: “vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thê”, và CON ĐƯỜNG ĐI THỰC TẾ của những người có niềm tin vẫn là “CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ CỦA CHÚA GIÊ-SU”.

Xin hẹn gặp lại trong phần đúc kết của Giáo phận Kontum về văn bản dự thảo 4 này, dù không đủ thời gian để suy nghĩ. Tòa Giám mục mới nhận văn bản này chưa được nửa tháng. Trong khi đó, Ban Tôn Giáo Chính Phủ theo văn thư số 40/TGCP-PCTT gởi cho “các tổ chức tôn giáo” ấn định thời gian gởi về Ban Tôn Giáo Chính phủ (qua Vụ Pháp Chế – Thanh tra) trước ngày 05/05/2015.
GP Kontum: Ý Kiến Về Dự Thảo 4 “Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo” Reviewed by Unknown on 4/30/2015 Rating: 5 Kontum - Ban mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum xin chuyển đến quí gia đình Giáo phận ý kiến tự phát của một số người khi nhận được văn...

Không có nhận xét nào: