Luật Sư Lê Công Định - Chủ Nghĩa Lenin Và Di Sản BẠO LỰC - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
26 tháng 4, 2015

Luật Sư Lê Công Định - Chủ Nghĩa Lenin Và Di Sản BẠO LỰC

Lê Công Định: Cướp chính quyền bằng bạo lực là sản phẩm của Lenin và trở thành lý thuyết cốt lõi trong tư tưởng của ông.

Phân tích nền tảng kinh tế của xã hội tư bản, Karl Marx kết luận sự chuyển hóa hình thái kinh tế-xã hội từ tư bản sang cộng sản sẽ diễn ra một cách tiệm tiến tự nhiên. Giai cấp công nhân tiên tiến, bao gồm cả giới quản lý cao cấp, sẽ đóng vai trò lãnh đạo trụ cột trong phương thức sản xuất mới. Vì thế, chỉ ở những nước tư bản phát triển cao nhất, sự chuyển hóa ấy mới có thể diễn ra.

Lenin, tuy nhiên, lại nhìn thấy ở giới lao động nghèo khổ một lực lượng cách mạng mà ông cần để đảo chính Sa hoàng, vì ông muốn cầm quyền và thực hiện các ảo vọng của mình. Do vậy, Lenin cố lý luận bằng quan niệm gượng ép về sự quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, trong đó bạo lực cách mạng là phương thức đấu tranh lật đổ chế độ đương thời, sau đó xây dựng một chế độ mới do giai cấp công nhân (bần cùng hóa) liên minh với nông dân (bần hàn) lãnh đạo.

Với Marx, khi các điều kiện kinh tế-xã hội chín muồi do nhu cầu đòi hỏi phải có một phương thức sản xuất mới đáp ứng sự phát triển tột độ của tư liệu sản xuất, tự khắc sự chuyển hóa sẽ diễn ra. Còn với Lenin, kể cả khi điều kiện trên chưa sẵn sàng, một lực lượng cách mạng được huấn luyện đấu tranh bạo lực vẫn có thể giúp lật đổ thể chế chính trị hiện hữu, đưa những người vô sản lên cầm quyền và áp đặt một hệ thống kinh tế theo ý muốn chủ quan.

Cướp chính quyền bằng bạo lực do vậy là sản phẩm của Lenin và trở thành lý thuyết cốt lõi trong tư tưởng của ông. Nói cách khác, khi cần lực lượng gây bạo loạn lật đổ, Lenin đã không ngần ngại cải sửa học thuyết của Marx. Từ đó xuất hiện cái gọi là "chủ nghĩa Marx-Lenin", một thảm họa thật sự của nhân loại trong thế kỷ 20 trên toàn cầu và cả đầu thế kỷ 21 tại một số quốc gia.

Sau khi Marx qua đời, những người theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa tập hợp lại trong phong trào gọi là "Đệ nhị Quốc tế", chủ trương giành chính quyền bằng con đường tranh cử nghị trường theo đường lối ôn hòa của Engels. Về sau xuất hiện một nhóm gọi là "Đệ tam Quốc tế" theo đường lối bạo động của Lenin, chủ trương cướp chính quyền bằng vũ lực. Thế chiến thứ nhất nổ ra khiến Đệ nhị Quốc tế thoái trào ở Âu châu, còn các thành viên của Đệ tam Quốc tế ở Nga nắm cơ hội cướp chính quyền trên thực tế vào năm 1917 và trở thành phong trào cộng sản ưu thắng, kéo dài đến tận lúc Liên Sô sụp đổ vào năm 1991.

Nhìn vào lịch sử thế giới từ khi Liên bang Sô Viết ra đời, các nhà nước xã hội chủ nghĩa khác nhau đã lần lượt xuất hiện tại Âu châu và Á châu, tất cả đều từ họng súng, hoặc có sự can thiệp bằng quân sự của Liên Sô, hoặc do phong trào cộng sản tại chính quốc. Giành chính quyền bằng lực lượng vũ trang, không thông qua bầu cử dân chủ, là khởi đầu chung của hầu hết các chế độ cộng sản ở thế kỷ 20. Tại Việt Nam, cuộc cách mạng tháng Tám cướp chính quyền, thực chất là đảo chính, của Việt Minh đi đến thành công cũng nhờ vào vũ lực. Những người cộng sản, núp dưới danh nghĩa ngọn cờ "giải phóng dân tộc", tiến hành một cuộc chính biến đoạt lấy chính quyền từ tay chính phủ hợp pháp của Thủ tướng Trần Trọng Kim.

Thói quen sử dụng bạo lực càng được phản ánh rõ nét nhất ở hình ảnh đoàn xe tăng của quân đội Bắc Việt húc đổ cổng Dinh Độc Lập, biểu tượng quyền lực của chế độ Sài Gòn, vào ngày 30/4/1975, bất chấp Hiệp định Paris mà Hà Nội đã ký kết hai năm trước đó yêu cầu tổ chức tổng tuyển cử hòa bình thống nhất hai miền Nam Bắc. Trận tấn công cuối cùng ấy tuy mang tiếng là kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, nhưng chính toàn bộ cuộc chiến tranh "chống Mỹ xâm lược" lại được chuẩn bị và phát động bởi những bộ não thấm nhuần chủ nghĩa Lenin, vốn xem bạo lực là một loại bùa chú linh nghiệm.

Chưa bao giờ trong não trạng của người cộng sản tồn tại khái niệm ôn hòa, trừ phi giả trá. Giáo huấn của Lenin về việc giành và giữ chính quyền trong mọi hoàn cảnh luôn dựa vào phương thức bạo lực, vì chỉ như vậy mới có thể dựng nên và duy trì một nhà nước độc tài toàn trị, tự nhận là "chuyên chính vô sản". Họ định danh mọi chính kiến đối lập là "kẻ thù của nhân dân" hoặc "thế lực thù địch", không ngần ngại thẳng tay trấn áp giới đối lập bằng nhà tù và họng súng, bất chấp nhân quyền. Để biện minh cho một chế độ bất nhân, người cộng sản sử dụng bộ máy tuyên truyền dối trá một chiều, cấm đoán tự do báo chí và ngôn luận.

Tuy nhiên, điều may mắn của nhân loại là mọi nhà nước cộng sản đều phải đối diện tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng sau một thời gian dài cai trị thiếu hiểu biết về cách thức quản trị chuyên nghiệp nền kinh tế quốc gia. Chính hệ thống kinh tế kế hoạch tập trung hoang tưởng đã phá hỏng nền tảng xã hội và bào mòn các nguồn lực quốc gia, dẫn đến khủng hoảng không cứu vãn trên mọi phương diện, từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng kiến trúc. Những nỗ lực cải cách theo hướng thị trường đã đẩy các chế độ cộng sản ở Liên Sô và Đông Âu sụp đổ nhanh chóng. Trung Quốc và Việt Nam chắc chắn sẽ không tránh khỏi vết xe đổ đó trong tương lai gần, dù có vẻ chính quyền ở hai nước này đạt được một số thành tựu mong manh có tính chất an thần.

Từ năm 1989, khi các nhà nước cộng sản theo mô hình Lenin lần lượt bị phá sản tại Đông Âu, việc giật sập các tượng đài Lenin khắp nơi đã chứng nghiệm câu nói danh tiếng của Abutalib, "nếu bạn bắn súng ngắn vào quá khứ, thì tương lai sẽ bắn súng thần công vào bạn." Những người cộng sản lên cầm quyền đã phá hủy các di sản tinh thần và vật chất của quá khứ, nên mọi di sản của họ hiện đang bị đào thải. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn, cái giá dành cho những kẻ quen dùng bạo lực có thể chính là sự chuốc lấy bạo lực thảm khốc gấp nhiều lần hơn.

Lê Công Định, 
tháng 4/2015
Luật Sư Lê Công Định - Chủ Nghĩa Lenin Và Di Sản BẠO LỰC Reviewed by Unknown on 4/26/2015 Rating: 5 Lê Công Định : Cướp chính quyền bằng bạo lực là sản phẩm của Lenin và trở thành lý thuyết cốt lõi trong tư tưởng của ông. Phân tích nền...

Không có nhận xét nào: