Nên Bỏ Án Tử Hình Tại Việt Nam - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
29 tháng 8, 2015

Nên Bỏ Án Tử Hình Tại Việt Nam

Trần Thành: Thuật ngữ “giết người đền mạng” đã xuất hiện từ ngàn đời nay, có thời kỳ đã được coi như chân lý; đó là lẽ đương nhiên hợp với lòng người. Nhưng có thời kỳ lại không được nhận định xác nghĩa như vậy; và cụ thể tại Bộ luật hình sự hiện hành của nước ta không phải lúc nào giết người cũng phải chịu hình phạt cao nhất là tử hình, mà là dựa vào từng tình huống và hoàn cảnh cụ thể.

Bảo đảm tính nhân đạo

Án tử hình còn tồn tại bởi nhà làm luật còn cho rằng: bị cáo bị tuyên án tử hình không còn khả năng đào tạo được và cần cách ly vĩnh viễn đối tượng này ra khỏi đời sống xã hội nhằm duy trì, bảo vệ trật tự xã hội được ổn định và tốt đẹp.

Khi một cá nhân sinh ra, cá nhân đó chỉ có các hành vi bản năng tự nhiên không nguy hại. Chỉ khi cá nhân tham gia vào cộng đồng, cá nhân đó mới từng bước hình thành các hành vi có ý thức. Hành vi phạm tội của cá nhân cũng là một trong những hành vi có ý thức. Mà tất cả hành vi có ý thức đều có thể cải tạo được, vì hành vi đó chỉ hình thành khi cá nhân tham gia vào một số mối quan hệ trong cộng đồng khi cá nhân sống. Do đó, bất cứ hành vi phạm tội nào của cá nhân cũng đều có thể cải tạo được. Ở đây phải chăng chúng ta cần xem lại liệu “môi trường xã hội có tác động gì đến hành vi nguy hiểm của cá nhân hay không?”.

Tử hình có còn là biện pháp răn đe, giáo dục thời hiện nay?

Mỗi quốc gia đều có đủ khả năng phân biệt rõ hành vi nào là hành vi nguy hiểm, khả năng theo dõi và bắt giữ các cá nhân nguy hiểm và khả năng kiểm soát các cá nhân nguy hiểm trong một phạm vi địa lý nhỏ để họ không còn gây nguy hiểm cho xã hội. Vậy tại sao ta không sử dụng những cách đó để cách ly vĩnh viễn đối tượng ra ngoài xã hội mà không cần lấy đi quyền sống thiêng liêng của họ. Làm như vậy sẽ phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội, đồng thời bảo đảm được tính nhân đạo – truyền thống nhân văn bao đời của dân tộc ta.

Phù hợp với quy luật tự nhiên

Một quy luật bất biến của cuộc sống không ai có thể phủ nhận được đó là sinh – lão – bệnh – tử. Con người được sinh ra do cha, mẹ nhưng suy cho cùng đó cũng là theo quy luật tất yếu của đời sống tự nhiên theo bản năng sinh tồn và duy trì nguồn gen mà bất cứ loài nào cũng có chứ không phải chỉ ở xã hội loài người mới có. Và ai đã nuôi dưỡng sự sống đó, chắc chắn không phải là xã hội mà do tự nhiên; và thực tiễn đã chứng minh được rằng sự sống đã tồn tại khi chưa có loài người xuất hiện.

Chính vì lẽ ấy mà thức ăn để nuôi sống một thực thể con người tất cả đều từ tự nhiên mà ra; có thể đưa dinh dưỡng sẵn có trong tự nhiên hoặc thông qua cải tạo những dinh dưỡng đó để duy trì sự sống cho cá nhân. Tóm lại, những việc đó chỉ là phương tiện để tự nhiên duy trì sự sống cho loài người theo bản năng chứ không phải do xã hội sản sinh và nuôi dưỡng. Chính vì xã hội không phải là “đấng quyền lực tối cao sinh ra con người, và chẳng có giây phút nào nuôi dưỡng con người” nên không thể có quyền từ bỏ mạng sống ấy. Hay nói một cách chuẩn xác nhất là không ai có quyền lấy đi mạng sống thiêng liêng của con người do tạo hóa đã ban tặng ngoại trừ thiên nhiên mới có quyền tước bỏ. Nếu chúng ta làm trái quy luật ấy sẽ là mâu thuẫn với đời sống tự nhiên, vi phạm quyền cơ bản của con người.

Tránh “chết oan” người vô tội

Oan sai là điều không thể tránh khỏi trong hoạt động xét xử ở bất cứ quốc gia nào, thời đại lịch sử nào. Nó tồn tại như là tính tất yếu trong hoạt động xét xử. Đó cũng là lẽ đương nhiên, bởi việc điều tra và xét xử chỉ được tiến hành sau khi có một tội phạm thực hiện.

Phán quyết tòa án dựa trên những chứng cứ do cơ quan điều tra thu thập được, kèm theo kết quả của quá trình tranh tụng. Nên không ai có thể dám chắc những chứng cứ đó đã thu thập hoàn toàn đầy đủ; không những có trường hợp bị cáo không thể chứng minh được những sự kiện có lợi cho mình cho dù sự kiện đó là có thật. Mà một điều cảnh báo là tỉ lệ oan sai tại Việt Nam hiện nay không phải là ít, bởi hoàn cảnh khách quan lẫn chủ quan.

Với những lẽ đó, tôi thiết nghĩ giả định tòa án đã tuyên và thi hành án tử hình một người thì làm sao khắc phục được hậu quá đó nếu theo thời gian xuất hiện căn cứ mới chứng minh họ vô tội (tuyên án sai). Tôi cho rằng khi đã tuyên án tử hình và thi hành án đó thì có giải oan được cho người đã chết thì việc giải oan cũng trở nên vô nghĩa. Vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và bồi thường thiệt hại bằng cách nào khi một sinh mạng đã mất?.

Ta dễ dàng thấy được theo dòng tư duy logic thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm ở đây, bởi tòa tuyên án thì nhân danh Nhà nước chứ không phải nhân danh chính mình. Chẳng qua tòa án chỉ hoàn thành công việc do Nhà nước giao. Nhưng thực tế thì không phải vậy, thông thường người đại diện cơ quan xét xử đứng ra xin lỗi công khai. Đây chẳng khác nào “có phúc cùng hưởng có họa tự chịu”, điều đó làm cho người dân nghi ngờ vào lẽ “công bằng”. Không chỉ dừng ở đó mà chúng ta tự nghĩ những lời xin lỗi công khai và “món tiền hậu hĩnh” có thể làm cho người chết sống lại được hay không?

Chắc trong chúng ta ai cũng biết đáp án. Nhưng tại sao nhà làm luật không bỏ hình phạt tử hình, đó là biện pháp hữu hiệu để tránh giết oan người vô tội, đồng thời tránh được sự bất bình của người thân của người “tử oan” và quần chúng nhân dân. Làm cho nhân dân tin yêu, tôn trọng và tuân thủ pháp luật hơn.
Nên Bỏ Án Tử Hình Tại Việt Nam Reviewed by Unknown on 8/29/2015 Rating: 5 Trần Thành : Thuật ngữ “giết người đền mạng” đã xuất hiện từ ngàn đời nay, có thời kỳ đã được coi như chân lý; đó là lẽ đương nhiên hợp v...

Không có nhận xét nào: