Đức Cha Nguyễn Thái Hợp tại buổi lễ ra mắt Uỷ Ban Công Lý và Hòa Bình |
Thanh Niên Công Giáo xin đăng lại Lời Nói Đầu của cuốn sách này và hy vọng sẽ lần lượt đăng trên trang blog này để cung cấp rõ hơn về kiến thức, sự hiểu biết và quan điểm của Đức Tân Giám mục của một địa phận kiên cường nhất giáo hội Việt Nam - Địa Phận Vinh
Đức Cha Paul Nguyễn Thái Hợp cũng là Chủ tịch của Uỷ ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
---------o0o--------
Lời Nói đầu
Nhân loại đã bước những bước thật dài và thật gian khổ từ thời kỳ đồ đá đến thế kỷ XXI, một thế kỷ được mệnh danh là thời đại văn mình trí tuệ hay kỷ nguyên toàn cầu hóa. Đây là một tiến trình dẫn đưa nhân loại tiến tới một thế giới duy nhất không những trong lĩnh vực kinh tế và tài chính mà cả văn hóa, thông tin, khoa học, kỹ thuật và quản trị. Do tác động phổ quát của nó mà các biến cố, các quyết định và các hoạt động ở bất kỳ một nơi nào đó trên thế giới luôn có ảnh hưởng sâu đậm đến mỗi cá nhân và cộng đồng ở bất cứ góc biển chân trời nào. Tiến trình toàn cầu hóa này đang biến đổi bộ mặt của trái đất, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp và sâu đậm trên cuộc sống cũng như tâm thức của con người hiện đại [1].
Nhìn tổng quát, đây là một tiến trình tích cực và bất khả phục hồi. Tiến trình này góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng kinh tế và có khả năng giúp các nước nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhờ toàn cầu hóa, nhiều nước đang phát triển có khả năng thỏa mãn nhu cầu vật chất của người dân và đã có thể mơ tưởng đến một cuộc sống sung túc hơn trong một tương lai không xa lắm. Toàn cầu hóa cũng đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa ở mọi nơi trên thế giới. Nhiều bức tường ý thức hệ đã sụp đổ. Nhãn giới của người dân được mở rộng và được hiện đại hóa nhờ công nghệ thông tin.
Cũng nhờ toàn cầu hóa thông tin, cộng đồng nhân loại đã xích lại gần nhau hơn và cùng chung nhịp đập của con tim như chưa từng thấy trong quá khứ. Thế giới đang trở nên một, với sự tăng trưởng về liên đới, liên hệ và cùng phụ thuộc lẫn nhau. Edgar Morin và Anne Brigitte Kern diễn tả một cách thi vị sự hợp nhất hoàn cầu này: “Mỗi bộ phận của thế giới không những ngày càng trở nên thành phần của thế giới hơn, mà chính thế giới, xét như một toàn thể, ngày càng hiện diện rõ nét hơn trong mỗi thành phần”. Khai mở viễn tưởng và hy vọng về một cồng đồng nhân loại tiến bộ, văn minh, liên đới và công bằng hơn.
Nếu những mô hình kinh tế chính trị trước đây thường bao hàm một ý thức hệ và một định hướng lạc quan về tương lai, thì toàn cầu hóa lại gây nhiều âu lo và khắc khoải hơn là lạc quan tin tưởng. Nhân loại đang trải qua một giai đoạn đặc biệt của lịch sử: toàn cầu hóa chứa đựng vừa vận may, vừa đe dọa nuốt chửng hàng triệu con người và đồng thời là một bước cần thiết dẫn đến hợp nhất nhân loại. Tình trạng phức biệt, mập mờ, tranh tối tranh sáng này gây bất an, lo sợ và kinh hoàng cho nhiều người.
Toàn cầu hóa thúc đẩy những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ thông tin và tạo điều kiện cho sự phát triển những mỗi tương quan nối kết và đồng phụ thuộc trong thế giới, nhưng đồng thời cũng đào sâu và khơi rộng thêm hố phân cách giàu nghèo. Đối với nhiều người, mô hình toàn cầu hóa hiện nay là một hiện tượng quá vô tình, lạnh lùng, xa lạ và thù nghịch, được xây dựng và không cần đến họ, bất chấp họ và hơn nữa chống lại họ. Nhiều người vạch rõ khía cạnh tiêu cực của một hiện tượng mà xem ra hoạt động tốt trong lĩnh vực sản xuất, công nghệ thông tin và dịch vụ, nhưng lại quá nghiệt ngã, vô tâm và tàn nhẫn đối với con người. Họ cho rằng toàn cầu hóa là một khu rừng man rợ, chưa phải là đất sống cho con người, nhất là những người nghèo khổ, những người kém may mắn, những người bị loại trừ.
Mỗi đe dọa này tăng thêm mỗi ngày do yếu tố quyết định của kiến thức, kỹ thuật và tài chính trong phát triển. Người ta nói nhiều đến “kinh tế tri thức” hay “kinh tế mạng’’ và coi “cơ cấu kiến thức” cùng với tài chính là lực lượng nền tảng của phát triển kinh tế. Tiến trình “giải trừ vật chất” của các sản phẩm cao cấp đã làm tăng lợi thế của các nước phát triển và làm giảm thiểu tới mức tối đa “ưu thế về thiên nhiên” của các nước nghèo [2].
Joseph Stilitz, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới và đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001, không ngừng lặp đi lặp lại rằng tiến trình toàn cầu hóa tự nó là tốt. Tuy nhiên, ông mạnh mẽ tố cáo mô hình toàn cầu hóa hiện nay đang làm cho hàng trăm triệu người ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, bị nghèo nàn khốn khổ hơn, vì bị phá sản, thất nghiệp, xã hội bất ổn và môi trường bị phá hủy. Ông cho rằng mô hình toàn cầu hóa hiện nay phần lớn phục vụ nước giàu và người giàu. Ông chỉ trích sự áp đặt cứng nhắc của cái gọi là “đồng thuận Washington” nói chung và chủ trương thắt lưng buộc bụng trong chính sách “điều chỉnh cơ cấu” của Qũy Tiền tệ Quốc tế nói riêng. Ông cũng mạnh mẽ phản đối thái độ đạo đức giả của các nước giàu: hô hào và làm áp lực bắt các nước đang phát triển phải mở cửa thị trường, trong khi chính họ lại khép cửa thị trường [3].
Ngoài ra, toàn cầu hóa cũng có nghĩa là quốc tế hóa tội ác, ma túy, buôn lậu, AIDS, SARS, mại dâm…Hệ thống Internet và điện thoại di động đã tăng cường thế lực cho các tổ chức tội phạm quốc tế. Nhờ phương tiện truyền thông xã hội tối tân và cơ cấu toàn cầu hóa, văn hóa và nếp sống Tây phương, đặc biệt của giới bình dân ở Mỹ, đã trở thành “văn hóa toàn cầu”. Một số ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống tôn giáo có nguy cơ bị mai một. Hiện tượng này gây âu lo cho nhiều người ở các nước chậm tiến. Các nền văn minh phi Tây phương, đặc biệt là hồi giáo, đang cố khẳng định bản sắc của mình. Rõ nét nhất là cuộc chiến quyết liệt do nhóm toàn thống (fondamentalisme) và nhóm toàn thủ (intégrisme) của Hồi giáo lãnh đạo chống lại văn Hóa Tây phương để bảo vệ cái mà họ gọi là “tính tinh truyền của niềm tin” [4].
Vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 đã làm cho hai ngọn tháp Song Sinh của Trung tâm Thương mại Thế giới và một phần của Ngũ Giác Đài trở thành đống gạch vụn. Biến cố này làm biểu hiện dòng chảy ngầm của lịch sử: tất cả những nỗi đau, nỗi nhục, xung đột, hận thù và âu lo, mà người ta cố ý che đậy hay phớt lờ để không bận tâm đến, bỗng nhiên nổ bùng một cách nghiệt ngã. Nó vượt khỏi quy mô của một hành động khủng bố đơn thuần để trở thành một hành động thách thức, một lời tuyên chiến chống lại mô hình toàn cầu hóa hiện hành.
Chúng ta đang sống trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử: thế giới cũ đang tàn tạ, nhưng thế giới mới mà mọi người mong đợi vẫn chưa xuất hiện. Tình trạng tranh tối tranh sáng này gây bất an âu lo kinh hoàng cho nhiều người. Hơn bao giờ hết, nhân loại đang cần niềm tin và sức mạnh tâm linh. Rất tiếc là giữa cơn khủng hoảng này, hình như Giáo Hội Công giáo cũng chưa đưa ra đóng góp tích cưc nào để đem lại niềm tin tưởng và lạc quan cho thời đại. Vào thập niên 1960, đức Gioan XXIII và Công đồng Vatican II đã khai mở một giai đoạn lạc quan, cởi mở và tin tưởng hướng về tương lai mà nhiều người thường gọi là “mùa xuân của Giáo Hội”. Đây là giai đoạn năng động và khởi sắc nhất của Giáo Hội Công giáo trong mấy thế kỷ cừa qua. Việc giải thích và áp dụng văn kiện của Công đồng đã giúp Giáo Hội canh tân và thích nghi, ngõ hầu tích cực rao giảng Tin Mừng cho thế giới hôm nay. Tuy nhiên, cũng như tất cả những cuộc canh tân lớn trong lịch sử, Vatican II cũng mang theo một số khó khăn và xáo trộn nội bộ. Có người gọi nó là hiện tượng băng tan, gây lụt lội và hoang mang cho nhiều cộng đoàn dân chúa và nhiều Dòng tu. Một số người đổ lỗi cho Công đồng, mà quên rằng sở dĩ có hiện tượng băng tan là vì những tảng băng đã lưu cựu quá nhiều và quá lâu.
Kể từ năm 1997 cho đến nay, người viết được may mắn tham quan nhiều cộng đoàn Dân Chúa ở Châu âu, Bắc mỹ, Châu mỹ La-tinh và Châu á. Đó đây tại các địa phương và nơi những cộng đoàn nhỏ, vẫn thấy xuất hiện những dấu chỉ cảm động của niềm tin và niền hi vọng Kitô giáo. Nhưng trên bình diện vĩ mô, hình như chẳng còn bao nhiêu niềm hứng khởi và năng động! Mùa xuân của Giáo Hội vẫn chưa trở lại. Nhiều người trẻ Tây phương hôm nay khi có nhu cầu tôn giáo thường tìm đến những bậc thầy tâm linh, những trung tâm chiêm niệm, những trung tâm tâm lý chiều sâu hoặc chủ nghĩa phiếm thần của Thời Đại mới, hơn là nới Giáo Hội cơ cấu.
Tuy nhiên, từ viễn quan đức tin, cũng ta không nên hoảng sợ hoặc nản chí trước cuộc khủng hoảng hiện nay. Linh mục Timothy Radcliffe, cựu Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh, rất có lý khi quả quyết rằng niềm tin của chúng ta xây dựng trên “cuộc đời của Đức Kitô. Và cuộc đời của Đức Kitô được đánh dấu bởi khủng hoảng. Thật thế, sứ vụ của Ngài phải đối diện với cuộc khủng hoảng tuyệt đỉnh trong bữa tiệc ly. Đức Kitô quy tụ các môn đệ chung quanh Ngài, nhưng cộng đoàn các môn đệ đó sắp vỡ tung. Ông Giuđa đã nộp Ngài và ông Phêrô sắp chối Ngài. Đa số các môn đệ đã chạy trốn. Cuộc đời Đức Giêsu kết thúc bằng thất bại và tiêu tan. Nhưng chính vào lúc khủng hoảng này mà Ngài thực thi hành vi tràn trề hy vọng nhất. Ngài cầm lấy bánh, trao cho các môn đệ và nói: “Này là mình Thầy trao ban cho anh em”. Khi cộng đoàn sắp tan vỡ, Ngài công bố giao ước mới. Mọi hy tế tạ ơn mà chúng ta cử hành tái diễn cơn khủng hoảng bị cam chịu và được vượt thắng này. Chúng ta chẳng có gì phải sợ các cơn khủng hoảng. Giáo Hội được sinh ra trong cơn khủng hoảng. Đi theo Đức Kitô là vượt qua các cơn khủng hoảng”.
Giữa cảnh hoang tàn đổ nát của Trung tâm Thương mại Quốc tế, ông Frank Silecchina, một công nhân xây dựng, tìm thấy một khung thép có hình cây thánh giá. Trong suốt thời gian tìm kiếm tại khu bình địa, cây thánh giá này đã được giữ lại để sử dụng trong các thánh lễ và các buổi cầu nguyện cho những người công nhân làm việc tại hiện trường. Và cây thánh giá đã trở nên dấu chỉ hi vọng và niềm an ủi cho nhiều người. Thật bất ngờ và kỳ diệu! Phải chăng giữa cảnh chết chóc và hận thù hừng hực, cây thánh giá là lời mời gọi yêu thương và tha thứ? Phải chăng khi biểu tượng kinh tế và quân sự của quốc gia hùng cường nhất thế giới sụp đổ, sự hiện diện âm thầm của cây thánh giá trở thành lời nhắc nhở thâm thúy về giới hạn tất nhiên của con người, cũng như chính cuộc đời?
Phải chăng đặc điểm của niềm tin chính là hy vọng trong khi không còn hy vọng, là chọn những gì không thể quan niệm làm nền tảng cho hành động và cho lẽ sống? phải chăng tin là cái gật đầu chấp nhận tiếng gọi xa hơn, cao hơn chính lý trí và chính cuộc đời? Đây là một cách trả lời cho những thách đố của thời đại. Và mỗi cách trả lời giả thiết một cái nhìn và một thái độ sống.
Tại ẩn viện ở Shanti Niketan, trên một hình cầu vừa tượng trưng cho trái đất, vừa là “thiên đường tự do”, thi hào Rabindranath Tagore đã để lại một bài thơ nổi tiếng nói lên khát cọng sâu thẳm của ông. Giữa trăm mối tơ vò của quê hương lúc đó, Tagore đã tha thiết xin Thượng Đế đánh thức đồng bào ông và giúp họ can đảm hướng về phía trước, nơi thiên đàng của tự do. Phải chăng đây cũng là lời cầu cho đất nước chúng ta và cho nhân loại hôm nay? [1]
“Ở nơi tinh thần không vương sợ hãi
mái đầu được ngẩng cao,
Ở nơi tri thức được tự do,
Nơi thế gian không bị những bức tường
hẹp hòi riêng tư cắt chia manh mún,
Nơi lời nói phát ra từ thẳm sâu sự thật,
Nơi nỗ lực không mệt mỏi vươn tới hoàn mỹ,
Nơi dòng suối trong sáng của lý trí
không kiệt khô trong sa mạc
tối tăm của tập tục đã chết,
Nơi tinh thần được dẫn dắt về phía trước,
Đến nơi tư tưởng và hành động
muôn trời trải rộng,
Cha hỡi, hãy để cho đất nước con thức dậy
ở nơi thiên đàng của tự do” [2].
[1] Nhà thơ Nguyễn Duy đã viết một bài thơ dài mang tựa đề “ Đánh thức tiềm lực”. Xin phép trích dẫn mấy câu:
“Tiềm lực còn ngủ yên
Trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng
Tiềm lực còn ngủ yên
Trong bộ óc mang khối u tự mãn
Tiềm lực còn ngủ yên
Trong lỗ tai viêm chai màng nhĩ…
Tôi muốn được làm tiếng hát của em…
Hát bài hát
Đánh Thức Tiềm Lực”.
[2] Bản dịch Việt ngữ của Hồ Anh Thái
[1] Xin xem Nguyễn Thái Hợp , Giá trị đạo đức trong cơn lốc thị trường, Dấn Thân, 2000, 99-131, R.Reich, L’economie mundialiste, trad. fr. Dunod, Paris, 1993; Pierre-Noel Giraud, L’inegalite du monde, Paris, Gallimard; Samir Amen, Les défis de la mondialisation, L’Harmattan, Paris, 1996; Toffler, The Third Ware, New York, 1980; Power Shift, New York, 1991; Anthony McGrew & Paul Lewis, Globalisation and the Nation-State, Policy Press, cambridge, 1992; Groupe de Lisbonne, Limites de la competitivité. Pour un nouveau contrat mundial, Ed. Labor, Bruxelles, 1995; M.Waters, Globalisation, Londres, Routeledge, 1995; Paul R.Krugman, la mondialisation, n’est pas coupable, La Descouverte, Paris, 1998; UNDP, Human Development Re-port 1999: Globalization with a Human Development, Oxford University Press, New York, 1999; Mikhain Simal, Toàn cầu hóa: nguồn gốc của cạnh tranh, xung đột và cơ hội, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2000 Joseph E.Stiglitz, Globalization and Ist Discontents, New York – London, 2003; Thomas L. Friedman, Chiếc Lexus và cây Ô liu, NXB Khoa học xã hội, Tp. HCM, 2005; Thế giới phẳng. Tóm lược Lịch sử Thế giới Thế kỷ XXI, NXB Trẻ, 2006.
[2] UNDP, Human Development Report 2001: Making new technolo-gies work for human development, New York, 2001.
[3] J.E. Stiglitz, La grande désillusion, Fayard, Paris, 2002.
[4] Xem Samuel Hungtington, sự va chạm của các nền văn minh, Nxb Lao động, Hà Nội, 2003.
Không có nhận xét nào: