Tương quan giữa người tín hữu giáo dân và hàng giáo phẩm - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
9 tháng 1, 2012

Tương quan giữa người tín hữu giáo dân và hàng giáo phẩm

TƯƠNG QUAN GIỮA NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN VÀ HÀNG GIÁO PHẨM ( LG, 37) 

(TNCG) - Roma Italia - Trong một số bài viết trước, chúng ta đã có dịp tìm hiểu căn tính và phận vụ của người tín hữu giáo dân, với bài đang viết, chúng ta thử cùng nhau nói đến phương diện năng động của người tín hữu giáo dân, tức là vị tri năng động của họ trong nội bộ Giáo Hội.

1 - Phục vụ tương trợ nhau trong bác ái.

Giáo Hội không phải là một thực thể bất động (statistique), không phải là một thực thể với những ngăn nắp, với khuôn viên đóng kín, không thông thương gì với nhau.

Giáo Hội là cơ thể sống động, trong đó những thành phần khác nhau không nên tạo ra chia tách, đổ vỡ, gián đoạn nhau, nhưng là những thành phần khác nhau nhằm nhằm hỗ trợ, bổ túc nhau, giúp cho cơ thể hoạt động trôi chảy và tăng trưởng lên.

Mọi người đều có bổn phận đối với động tác sinh động nầy trong nội tại của Giáo Hội (ad intra), cũng như đối với động tác mà Giáo Hội hành xử ra bên ngoài (ad extra).

Một phần cơ thể thay vì cai trị, đè bẹp trên các phần kia, mỗi thành phần phải "phục vụ" tạo lợi ích cho phần kia và tạo lợi ích cho cả cơ thể.

Hiểu như vậy, chúng ta nên hiểu mỗi phần và mỗi thành phần tín hữu giáo dân không tác động và không phản ứng như là những yếu tố bất động, mà là những chủ thể có trí khôn và tự do, họ hoạt động do sáng kiến tự do của con người nhằm đem lại công ích.

Các phát biểu song ngữ gắt gao như "quyền năng - thuộc hạ", "ban lệnh - tuân hành", được Hiến Chế Lumen Gentium là dịu bớt đi bằng quan niệm bác ái, thành thực dấn thân và tương kính nhau trong động tác chung thực hiện ơn cứu độ. Hiến Chế đề cập

- đến "chủ chăn",

- đến "tình yêu thương phụ tử",

- "các mối tương quan gia đình giữa người tín hữu giáo dân và mục tử",

để nói lên đặc tính cá biệt của các mối tương quan giữa những thành phần khác nhau trong Giáo Hội.

Giáo Hội không phải là một tổ chức xã hội trung gian, như bất cứ một tổ chức nào khác, mà là một gia đình.

Điều đó có nghĩa là mặc dầu các mối tương giao được đặt trên nền tảng công bằng và trên việc xác nhận khác biệt có thể thức cá biệt thấm đầy tình yêu thương.

Dĩ nhiên, chúng ta không nên rơi vào tình trạng thái độ phụ hệ (paternalisme), còn tệ hơn cả thể thức phân chia quyền lực, dựa trên mối phân chia quyền và bổn phận, bất dị nể.

Tình yêu thương , nếu một cách nào đó xoá bỏ đi thái độ xem ai không phải mình là "kẻ khác" (alterité), nền tảng của công bình, nhưng vẫn không quên rằng mỗi con người là một thực thể với phẩm giá của những con người có trí khôn ngoan và tự do. Bởi đó tình yêu thương kính trọng và làm phát huy phẩm giá của con người đó và các sáng kiến thoát xuất từ trí khôn ngoan và phẩm giá đó.

Tình yêu thương không xoá bỏ đi con người, trái lại chuyên tâm để làm cho con người đó càng trở nên thành triển nở hoàn bản thân họ .

Bên dưới nền tảng của tình yêu luôn luôn hiện hữu lòng tin tưởng và kính trọng người mình yêu.

Trong Giáo Hội cũng vậy. Mỗi thành phần đều liên kết với thành phần khác, nhưng vẫn nhân biết địa vị và thẩm quyền của mỗi người. Thái độ phải có trong Giáo Hội không phải là thái độ "đồng chí bình đẳng, ngang hàng", "cá mè một lứa", mà là ình yêu thương, đức bác ái đích thực trợ lực và xây dựng cho nhau.

Bởi đó Hiến Chế Lumen Gentium

- một đàng nhấn mạnh:

* "người tín hữu giáo dân như tất cả các tín hữu khác, với lòng vâng phục Ki Tô hữu, sẵn sàng đón nhận những gì các Chủ Chăn, những người đại diện Chúa Ki Tô, thiết định với tư cách là những vị thầy và là những vị lãnh đạo trong Giáo Hội" (LG, 37),

- thì đàng khác cũng cho biết:

* " các Vị Chủ Chăn hãy nhận biết và phát huy phẩm giá và trách nhiêm của người tín hữu giáo dân trong Giáo Hội " ( id.).

Trong Giáo Hội không có thành phần "ấu trỉ", "thụ động"

Tất cả đều phải biết sống với trách nhiệm và lương tâm người tín hữu Chúa Ki Tô của mình, được Chúa ban cho quyền năng khiến cho mình năng động và có trách nhiệm trong Giáo Hội.

2 - Hình ảnh người tín hữu giáo dân.

Chủ đề về các mối tương quan giữa người tín hữu giáo dân và các Vị Chủ Chăn không thể chỉ được đề cập từ một phía đơn thuần.

Dĩ nhiên có một phương thức mới hàm chứa việc phải thay đổi sâu đậm về tâm trạng đối với nhiều Vị Chủ Chăn quá quyền uy và quá "quan toà phán xét".

Nhưng đồng thời cũng cần có một sự thay đổi sâu đậm về phía người tín hữu giáo dân.

Hiến Chế viết:

- "Các Vị Chủ Chăn hãy nhận biết và phát huy phẩm giá và trách nhiệm của người tín hữu giáo dân trong Giáo Hội" (LG, n. 37).

Câu trích dẫn vừa kể cho thấy "các Vị Chủ Chăn" không những phải nhận biết thực tại, mà còn "phát huy", làm cho thăng tiến, triển nở hơn phâm giá và trách nhiệm cho con cái mình.

Bởi lẽ không ít người tín hữu giáo dân ngay cả ngày nay vẫn không ý thức được phẩm giá của mình. Bởi đó Hiến Chế cảm thấy cần phải thúc đẩy những ai đại diện Chúa Ki Tô, cần làm sống động lên ý thức về phẩm giá và trách nhiệm đó. Nếu không, người tín hữu giáo dân trong tình trạng chưa được huấn luyện trưởng thành hiểu biết mình có được những khả năng đó, thì đó là điều nguy hiểm cho công tác truyền bá công trình cứu rổi giữa thế gian.

Rất tiếc hiện nay, ngay cả sau trên 40 năm Công Đồng đã kết thúc, diện mạo người tín hữu giáo dân có "phẩm giá và trách nhiệm trong Giáo Hội" như đề cập, chưa phải có được một số người đáng kể nhận biết, so với số còn lại. Cần phải còn nhiều năm nữa để Hàng Giáo Phẩm huấn dạy họ và làm cho họ ý thức.

Công sức của các Vị Chủ Chăn trong các thế kỷ trước đây chỉ nhằm đào tạo Hàng Giáo Phẩm; ngày nay đó là nhu cầu phải hướng về phía giáo dân. Và trong công việc vừa kể cần phải dùng chính những người tín hữu giáo dân có khả năng hơn:

- "Cần làm cho tất cả các tín hữu giáo dân - nói như Đức Hồng Y Caggiano - ý thức được, không những quyền mà cả bổn phận tông đồ nữa; điều đó đòi hỏi phải có một cuộc chuẩn bị, giáo huấn nghiêm chỉnh, mà trách nhiệm Hàng Giáo Phẩm phải đảm nhận và cả đối với những tín hữu giáo dân nữa" (cfr. P. Agostino Favale S.D.B, La Costituzione dogmatica sulla Chiesa, II ed., Elle Di Ci, Torino 1965, p. 812).

Người tín hữu giáo dân phải được đào tạo về giáo lý.

Chúng ta nên nhớ lại lời của Đức Thánh Cha Gioan XIII đề cập đến vấn đề thiếu sót về việc huấn dạy giáo lý cho người tín hữu giáo dân, ngài nói như sau:

- "Việc rạn nứt nơi các tín hữu giữa niềm tin tôn giáo và động tác có nội dung trần thế là hậu quả, phần lớn, nếu không phải là tất cả, của việc thiếu sót huấn dạy vững chắc Ki Tô giáo. Thật vậy, rất thường xảy ra trong nhiều hoàn cảnh, không có mức quân bình giữa nền giáo dục khoa học và giáo dục tôn giáo: nền giáo dục khoa học vẫn tiếp tục trải rộng ra cho đến khi đạt được các đẳng cấp cao độ, trong khi đó thì nền giáo dục tôn giáo vẫn còn ở cấp bực tiểu học" (P. Agostino Favale S.D.B, id.).

Chỉ có khi nào người tín hữu giáo dân hợp nhứt được vào khả năng trần thế của mình một nền giáo dục đầy đủ về giáo lý Ki Tô giáo, lúc đó họ mới có thể trở thành một tác động viên hữu hiệu cho ơn cứu độ cùng với Hàng Giáo Phẩm, đối ngoại cũng như đối nội của Giáo Hội.

3 - Cộng tác của người tín hữu giáo dân vào động tác của Hàng Giáo Phẩm.

Trong đoạn bản văn đang bàn của Hiến Chế Lumen Gentium ( LG, 37), Hiến Chế nhấn mạnh đến một phương diện cá biệt của sự cộng tác các tín hữu giáo dân với Hàng Giáo Phẩm, tức là nhấn mạnh về vấn đề khả năng người tín hữu giáo dân giúp cho các vị Chủ Chăn làm cho động tác của các vị trở thành thức thời và tác động chính xác hiện thực, là những vị "Huấn Dạy và Hướng Dẫn trong Giáo Hội" và giữa trần thế (P. Agostino Lavale, id., 813).

Người tín hữu giáo dân có thể đem nhân chứng kinh nghiệm cuộc sống trần thế vào lãnh vực Giáo Hội. Việc cộng tác đó, người tín hữu giáo dân có quyền thực hiện nhờ vào địa vị "trong Giáo Hội" "giữa trần thế". của họ (in Ecclesia et in Civitate).

Đức Thánh Cha Phaolồ VI nhắc lại điều đó một cách minh bạch bằng những từ ngữ: việc chứng nhân trần thế trong lãnh vực đời sống công giáo gồm

- "... ở một câu hỏi mà Giáo Hội đặt ra đối với người giáo dân công giáo mình để biết đuợc về những gì người tín hữu công giáo có thể nói được đối với bao nhiêu vấn đề của cuộc sống trần thế, mà người tín hữu giáo dân công giáo biết rõ hơn giáo sĩ. Đúng vậy, anh em có thể là những tín hiệu viên thức tỉnh hơn hết, những thông tín viên chăm chỉ hơn hết, những chứng nhân đáng giá hơn hết, những nhà tư vấn khôn ngoan hơn hết, những vị luật sư có khả năng hơn hết, những cộng sự viên quảng đại hơn hết về bao nhiêu nhu cầu của thế giới chúng ta, về bao nhiêu có thể để làm cho trở nên tốt đẹp hơn, về bao nhiêu vấn đề mà đời sống trần thế của anh em cho anh em có một kinh nghiệm trực tiếp và một thẩm quyền không ai có thể chối cải được.

Ngườì ta có thể nói rằng từ mọi lãnh vực nghề nghiệp của anh em, anh em có thể báo cho Quyền Huấn Dạy và các chức vụ của Giáo Hội các vấn đề mới, rất đáng lưu ý và rất rộng rãi, mà không ai có thể giải đáp được bằng lần mò kinh nghiệm, theo các sách thủ bản củ, nhưng là những vấn đề phải được nhìn dưới ánh sáng mới của một nền giáo dục có hệ thống và khoa học, mà người giáo dân công giáo có thể cung cấp cho"
(P. Agostino Favale, op. cit., p. 813).

Như vậy, người tín hữu giáo dân trở thành tác động viên của sự cứu rổi, không những chỉ bằng động tác ra bên ngoài (ad extra) nhằm vào trần thế, mà còn bằng cả động tác hướng về nội bộ của Giáo Hội (ad intra), chính vào nội bộ của Hàng Giáo Phẩm để để đem đến ánh sáng, lời khuyên, trợ giúp các vị thấy được rõ hơn và làm cho các vị nhạy cảm hơn đối với thế giới trong đó mình đang sống. Giúp đỡ các vị đón nhận được sức sống năng động của xã hội trần thế với những thiếu sót, những khiếm khuyết, nhu cầu và những lo âu của nó. Nhưng đồng thời cũng nói cho các Vị thấy được những giá trị và những phương diện tích cực của xã hội trần thế.

Như vậy người tín hữu giáo dân giúp đỡ,

- tránh cho các giáo sĩ khỏi phải phán đoán thế giới ngày nay bằng những quan niệm và ấn bản được in ấn trong các sách củ

- và từ đó các Vị có thể có những ngôn từ và các cách hành xử không thích hợp với thế giới ngày nay, thiết thực, mà là bằng những gì đối với một thế giới được vẽ vời lên trong sách báo củ và dựa trên những định chuẩn không chính đáng.

Người tín hữu giáo dân có thể và phải trợ lực cho giáo sĩ, giúp cho hành đông của ngài không trở thành trống rỗng , vô bổ, không đem đến kết quả già, bởi vì ngài

- không đang nhằm vào thế giới hiện đại, hiện thực,

- mà là vào một thế giới mà từ lâu đã không còn hiện hữu nữa, nếu không phải đó chỉ là những công thức và thực tại lịch sử hiện nay đã lỗi thời và không còn nữa:

- "Bằng những mối liên hệ gia đình giữa tín hữu giáo dân và các Vị Chủ Chăn, chúng ta có thể chờ đợi được nhiều lợi ích cho Giáo Hội: thật vậy, với phương thức đó người tín hữu giáo dân cảm nhận được tăng cường nơi mình ý nghĩa trách nhiệm của chính mình, khiến cho họ hăng hái lên và năng lực của họ được hiệp nhứt dễ dàng hơn với động tác của các Vị Chủ Chăn. Và các Vị, được kinh nghiệm của giáo dân trợ lực, có thể phán đoán một cách rõ ràng hơn và thích hợp hơn đối với những gì thuộc lãnh vực thiêng liêng cũng như trần thế. Và như vậy, cả Giáo Hội được trợ lực bởi mọi thành phần của mình, thực hiên hữu hiệu hơn sứ mạng của mình cho đời sống thế giới" ( LG, 37).

Như vậy,

- đức bác ái, đức công chính,

- sự cảm nhận được những giới hạn của mình và những hậu quả của những giới hạn đó đưa đến,

- lòng khôn ngoan,

- sức mạnh cương quyết

- và tính chất thành thực phải là nền tảng động tác của tất cả các tín hữu Chúa Ki Tô, mục tử cũng như đoàn chiên.

Và cũng từ đó

- một sáng kiến của người tín hữu giáo dân tách rời khỏi cội nguồn của động tác các Vị Chủ Chăn

- hay ngay cả chống đối lại các ngài,

cũng đều nguy hiểm như thái độ đóng kín nơi mình của Hàng Giáo Phẩm.

Cần phải có sự trưởng thành nhân tính và Ki Tô giáo của của Hàng Giáo Phẩm cũng như của tín hữu giáo dân..

Nếu không, thì thật là một sự đổ vỡ, chống đối thay vì liên đới hỗ tương (solidariéte) và phụ túc bảo trợ (subsidiaireté) của các thành phần khác nhau trong Cộng Đồng Dân Chúa, hai nguyên tắc mà Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội thường nhắc đến. 



Nguyễn Học Tập

Tác giả gởi riêng cho TNCG
Tương quan giữa người tín hữu giáo dân và hàng giáo phẩm Reviewed by Admin on 1/09/2012 Rating: 5 TƯƠNG QUAN GIỮA NGƯỜI TÍN HỮU GIÁO DÂN VÀ HÀNG GIÁO PHẨM ( LG, 37)  (TNCG) - Roma Italia - Trong một số bài viết trước, chúng ta đã c...

Không có nhận xét nào: