Văn hoá nghe và văn hoá đọc - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
7 tháng 1, 2012

Văn hoá nghe và văn hoá đọc

 VRNs (07.01.2012) – Sài Gòn – Nhân đọc bài góp ý của luật sư Lê Quốc Quân về việc mỗi giáo xứ Việt Nam nên lập một tủ sách cho giáo dân, tôi quyết định viết bài này để nói lên một điều tôi trăn trở từ lâu và đã nhiều lần chia sẻ trong lớp với các học viên các Khóa Thánh Kinh và Thần Học: Giáo Dân Việt Nam cần chuyển từ VĂN HÓA NGHE sang VĂN HÓA ĐỌC!

VĂN HÓA NGHE và VĂN HÓA ĐỌC là hai nền văn hóa thông dụng của người giáo dân Việt Nam. Văn hóa nghe là văn hóa có trước. Nói cách văn hoa thì đó là văn hóa truyền khẩu. Truyền khẩu thì có trước sách vở. Truyền khẩu là truyền từ miệng người này sang tai người kia và cứ thế việc người này nói cho người kia nghe được lặp đi lặp lại. Thánh Kinh cũng khởi đầu bằng văn hóa nghe hay truyền khẩu: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dậy” (Cv 2,42). Các Sách Thánh Kinh chỉ được hình thành rất trễ sau giai đoạn văn hóa nghe hay truyền khẩu.



Ngày nay về nông thôn, chúng ta thấy văn hóa nghe còn ngự trị trong sinh hoạt giáo xứ. Sáng lễ chiều kinh đều theo tiếng chuông nhà thờ. Hẳn nhiên nhà nào cũng có đồng hồ, nhiều người có đồng hồ đeo tay, có điện thoại cầm tay hay nhét túi, chỉ cần liếc mắt một cái là người ta biết giờ biết giấc. Thế nhưng người ta vẫn cần có tiếng chuông, tiếng trống nhà thờ…

Trong các buổi cử hành phụng vụ hay á phụng vụ thì tiếng nói của linh mục chính xứ chiếm một chỗ rất quan trọng, vì ngài nói và giáo dân nghe, một mình ngài nói cho hàng trăm giáo dân nghe. Bất cứ điều gì liên quan tới sinh hoạt của giáo xứ cũng đều được cha xứ thông báo, từ lịch lễ trong tuần cho đến việc quyên góp tiền, hiến máu nhân đạo, thậm chí cả việc phân công các ca đoàn hay các giáo khu, giáo họ cũng được cha xứ rao trong nhà thờ trước/sau thánh lễ. Tất tần tật đều được cha xứ thông báo. Một mình cha xứ có quyền nói và có không ít cha đã lạm dụng cái quyền ấy khi trong một thánh lễ ngài đã giảng đi giảng lại hai ba bốn lần: đầu lễ, sau Phúc Âm, sau khi cho rước lễ và trước khi ban phép lành.

Còn giáo dân ngồi nghe: lời/tiếng nói của cha xứ vào tai này ra tai kia. Nguyên về bài giảng, nếu những người vừa từ trong thánh đường bước ra được hỏi là cha xứ vừa nói gì vừa giảng gì, thì chắc phần đông không trả lời được, vì họ không nhớ cha xứ vừa nói những gì, vừa giảng những gì!

Văn hóa nghe có điều tai hại là tạo điều kiện cho giáo dân thụ động…. Nghe một cách thụ động, nghe nhiều mà nhớ ít hay chẳng nhớ gì cả. Văn hóa nghe cũng củng cố tình trạng thiều trưởng thành, thiếu tích cực và chủ động của giáo dân.

Có lẽ đã đến thời chúng ta nên giúp giáo dân Việt Nam chuyển từ văn hóa nghe sang văn hóa đọc. Sách Đạo càng ngày càng nhiều mà số người mua đọc còn rất là hạn chế. Chưa kể đến các trang mạng của các giáo phận, dòng tu, ủy ban mục vụ, giáo xứ, phong trào trong và ngoài nước. Nhưng số người vào các trang mạng đã ít thì số người đọc các bài trong mạng chắc càng ít hơn nữa.

Khi chuyển sang văn hóa đọc, người giáo dân sẽ chủ động hơn, tích cực hơn và trưởng thành hơn, vì không phải bài nào cũng đọc, sách nào cũng xem, trang web nào cũng vào. Sự chọn lựa là điều tất yếu. Mà để có khả năng chọn lựa thì người giáo dân phải có một số điều kiện cần thiết khác.

Càng về nông thôn, chúng ta càng thấy rõ bà con giáo dân chúng ta chịu thiệt thòi như thế nào. Có một thời gian dài các thanh niên thiếu nữ công giáo không có điều kiện để tiếp tục đến trường. Những thanh niên thiếu nữ ấy ngày nay đã là các ông cha bà mẹ của các gia đình, là các gia trưởng hiền mẫu trong giáo xứ. Thậm chí một số người nắm vai trò lãnh đạo giáo họ, giáo khu, hội đoàn, thậm chí cả giáo xứ. Nhưng họ vẫn chỉ quen với văn hóa nghe mà chưa quen với văn hóa đọc nên kiến thức và trình độ còn bị giới hạn và không thể cải thiện được.

Trong các sinh hoạt hội đoàn cũng như trong các lớp giáo lý, nhất là giáo lý người lớn, chúng ta nên thúc đầy các hội viên và các học viên làm quen với văn hóa đọc: đọc Thánh Kinh, đọc tài liệu, đọc báo, đọc bài viết. Giáo dân chúng ta lãng phí rất nhiều thời gian và còn rất thờ ơ với những món ăn tinh thần (văn hóa và tâm linh) nên tâm hồn nghèo nàn, tư tưởng tà tà mặt cỏ. Mỗi cuốn sách là một Ông Thầy. Thề mà “Không Thầy đó mầy làm nên!”

Tôi tự hỏi sao các giáo xứ, nhất là ở các thành phố lớn như Sài-gòn, Hà-Nội… không thực hiện một tờ thông tin liên lạc hằng tuần trong đó ghi các giờ lễ, ý chỉ, các người mới qua đời trong giáo xứ, bảng phân công các giáo họ, các ca đoàn và các sinh hoạt khác trong tuần. Ai đi lễ muốn lấy về một tờ về đọc thì tự do lấy. Ai thờ ơ không lấy thì cũng chẳng sao. Dần dần người ta sẽ thấy ích lợi của tờ thông tin liên lạc này của giáo xứ. Việc tốn kém cũng chẳng là bao, vì chỉ cần một tờ A 4 gấp đôi cho mỗi tuần lễ. Và tôi tin là sẽ có người hảo tâm đảm nhận chịu chi phí này.

Các giáo xứ Việt Nam tại Mỹ Úc đều đã thực hiện việc này từ nhiều năm rồi. Thậm chí trong tờ bản tin liên lạc ấy của họ còn có cả bài giảng của các linh mục nữa. Và có phần quảng cáo các doanh nghiệp địch vụ công giáo làm nguồn thu bù cho chi phí in ấn hay photocopy.

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội 
Sài gòn ngày 05.01.2012
Văn hoá nghe và văn hoá đọc Reviewed by Admin on 1/07/2012 Rating: 5   VRNs (07.01.2012) – Sài Gòn – Nhân đọc bài góp ý của luật sư Lê Quốc Quân về việc mỗi giáo xứ Việt Nam nên lập một tủ sách cho giáo dân...

Không có nhận xét nào: