Châu Âu - Liên đới với những kitô hữu bị bách hại - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
3 tháng 2, 2012

Châu Âu - Liên đới với những kitô hữu bị bách hại

(TNCG) - Gặp mặt với Ủy Ban liên kết CCEE và KEK

Rôma, 31/01/2012 (ZENIT.og) – Các tín đồ Kitô Giáo Châu Âu tuyên bố liên đới với các kitô hữu đang gặp khó khăn trên toàn thế giới.

Đó là điều đã được nêu lên trong thông cáo của Ủy Ban liên kết giữa Hội Đồng các Giáo Hội Châu Âu (KEK) và Ủy Ban liên lạc các Hội Đồng Giám Mục Châu Âu (CCEE) tại Hội Nghị được tổ chức tại Genève, Thụy Sĩ, trong những ngày từ 26 đến 28/01/2012 vừa qua (xin xem http://www.ccee.ch/)

Các tham dự viên tuyên bố liên đới đặc biệt với các kitô hữu Trung Đông, nhất là ở Ai Cập và Syria và rất lo ngại về những bạo lực đã gây nhiều nạn nhân trong các tín hữu kitô giáo ở Nigeria.

Trong bản thông cáo chung, các thành viên hội nghị, - nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Ủy Ban Liên Kết, cơ chế đối thoại tối cao giữa KEK và CCEE, đã nhấn mạnh về “sự cần thiết” của việc nhập cuộc đại kết có liên quan đến tất cả các giáo hữu, chứ không phải chỉ một nhóm nhỏ chuyên viên.

Họ đã kêu gọi các kitô hữu thuộc mọi hệ phái thực hiện một cuộc “làm chứng cộng đồng” để đối phó với những thách thức mới về mặt tinh thần, dân số, chính trị và kinh tế đang được đặt ra trên lục địa cổ xưa này.
Bản thông cáo cho biết, trong bài diễn văn khai mạc, chủ tịch của KEK, Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Emmanuel của Pháp, đã nhận xét rằng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là một hiện tượng “gây ra những vấn đề liên quan đến khả năng của Châu Âu để đưa ra một chính sách bền vững cho Cộng Đồng Châu Âu”.

“Hoạt động cho đại kết không chỉ là một nỗ lực của con người”, ĐHY Péter Erdo, chủ tịch CCEE, Tổng Giám Mục Hungary tuyên bố và khẳng định rằng: “Đó cũng là nhiệm vụ thiêng liêng đòi hỏi lời cầu nguyện của tất cả các kitô hữu, ý thức được rằng sự hợp nhất hữu hình chính là một ân sủng của Thiên Chúa”.

Theo linh mục Anh Giáo Alister McGrath, giáo sư thần học trường Đại Học King’s College ở Luân Đôn, các Giáo Hội phải tỏ ra là “sứ giả đang cưu mang một sứ điệp ôn hòa, kể cả trong lịch sử lẫn trong hiện tại”, đồng thời cũng chứng tỏ “có khả năng tạo dựng vốn liếng xã hội, cổ vũ sự bao dung, và nhất là khuyến khích những phương cách tư duy để tránh quá khích”.

Ông nhận xét rằng, trên nhiều vùng thuộc Châu Âu, “thuyết tân vô thần” đi kèm theo một sự quan tâm mới mẻ về vấn đề Thiên Chúa. Đối với các Giáo Hội, đây là cơ hội để tham gia vào cuộc tranh biện trí thức và để chứng minh rằng Đức Tin kitô giáo là một điều tốt cho xã hội.

Về phần giáo sư Gian Carlo Blangiardo, giáo sư dân số học thuộc Đại Học Milan Bicocca, ông nghiêng về những thách đố về dân số mà Giáo Hội cũng như xã hội đang phải đối đầu. Ông đã nhấn mạnh những thay đổi về dân số do hiện tượng giảm thiểu sinh đẻ trên những quốc gia Âu Châu và từ đó, sinh ra hiện tượng lão hóa nhân dân và dẫn tới những kiểu mẫu mới của đời sống gia đình (giảm thiểu cưới xin và gia tăng con số trẻ em sinh ngoại hôn), ông đã yêu cầu các Giáo Hội tìm ra những phương cách để củng cố gia đình.

Trong bài tham luận, nữ mục sư Cordelia Kopsch từ Đức Quốc, phó chủ tịch KEK, đã yêu cầu các Giáo Hội phải “chống trả cám dỗ hạn chế sự hiện diện của mình trong các môi trường công cộng” và giải thích chính là “sự đáng tin tưởng của chứng tá công cộng đang là đề tài”.

Đức Cha Matthias Heinrich, giám mục phụ tá của giáo phận Berlin, đã nhấn mạnh sự quan trọng của việc “truyền đạt thông điệp kitô giáo bằng lời nói và việc làm”, việc truyền đạt này cần tới một cuộc “nội phúc âm hóa” để củng cố Đức Tin của các tín hữu bên trong Giáo Hội và chuẩn bị họ để “rao truyền Lời Chúa ra bên ngoài” xã hội.

“Một Giáo Hội loan báo Tin Mừng phải mở ra và không sợ phải hiện diện trong lãnh vực công cộng”, Đức Cha Heinrich nói, và sự hiện diện này chỉ có thể thực hiện được bằng chứng tá của các kitô hữu trong môi trường lao động và đời sống, và bởi sự hiện diện của Giáo Hội trong phạm vi công cộng”.

Một khái niệm được linh mục Rauno Pietarinen, thuộc Giáo Hội Chính Thống Giáo Phần Lan chia sẻ. Theo ông, “Giáo Hội phải có khả năng làm nảy sinh hy vọng ngay cả trong trường hợp người ta cho là vô vọng”. Và được chia sẻ bởi Đức Cha Josef Michalik, Tổng Giám Mục Przemysl, khi ngài nhấn mạnh đến sự cần thiết của “một sự hiện diện thường trực” của các kitô hữu trong đời sống công cộng, thiên hạ mong đợi “sự làm chứng lòng can đảm của Đức Tin”.

Trong cuộc gặp gỡ kéo dài ba ngày, Ủy Ban Liên Hợp đã lắng nghe những báo cáo về tình hình kinh tế và chính trị ở Châu Âu, về công việc của các Giáo Hội bên người du mục, và về những dự kiến hợp tác trong đối thoại với người Hồi Giáo ở Châu Âu.

Isabelle Cousturié – Mai Khôi phỏng dịch
Châu Âu - Liên đới với những kitô hữu bị bách hại Reviewed by Admin on 2/03/2012 Rating: 5 (TNCG) - Gặp mặt với Ủy Ban liên kết CCEE và KEK Rôma, 31/01/2012 (ZENIT.og) – Các tín đồ Kitô Giáo Châu Âu tuyên bố liên đới với các ...

Không có nhận xét nào: