Chung quanh vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
15 tháng 2, 2012

Chung quanh vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng

Lamhong - Tiên Lãng, tên một huyện thuộc thành phố Hải Phòng, nay đã trở nên quen thuộc với người dân khắp nước sau vụ cưỡng chế thu hồi đất đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Cuộc cưỡng chế có vẻ bất thường này xảy ra hồi đầu tháng l, 2012, đã thu hút sự quan tâm và dư luận của toàn xã hội mãi cho tới hôm nay 10/2, khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp về vụ việc này.


Nhắc lại diễn tiến vụ việc

Ngày 5 tháng 1, chính quyền địa phương đã huy động một lực lượng cả trăm công an và bộ đội đến cưỡng chế vùng đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Vươn và đốt phá các lều coi đầm. Đây là một loại đất nông nghiệp gần vài chục hecta đã được giao cho gia đình ông khai thác từ hơn chục năm nay. Từ một vùng hoàn toàn bỏ hoang, ông Vươn đã bỏ ra nhiều tiền của, công sức để cải tạo thành công, xây dựng cơ nghiệp và đóng góp đáng kể vào kinh tế địa phương, đến độ có lúc ông được xem là một người nông dân mẫu mực. Nay bỗng dưng chính quyền quyết định thu hồi đất được giao, gia đình ông không đồng tình, không chấp nhận, nên một số người nhà của ông đã gài mìn tự chế trong vườn và cầm súng hoa cải bắn chống lại, khiến bốn cảnh sát và hai cán bộ bị thương. Ngày 6/1 một số cán bộ đi theo một máy xúc vào khu đầm phá căn nhà hai lầu của ông Vươn. Sau cưỡng chế, thủy sản trong đầm bị mất sạch. Theo vợ ông Vươn, gia đình ông chưa xổ đầm bán tết. Ngày 10/1 bốn bị can gồm ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý em ông Vươn, Đoàn Văn Sinh và Đoàn Văn Vệ bị khởi tố, bắt giam về tội giết người. Bà Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông ông Quý), và bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, được tại ngoại.

Chính quyền đối diện với dư luận phê bình

Sau vụ cưỡng chế “rầm rộ” và bi đát này, dư luận nổi lên “ầm ĩ” (chữ dùng của VietnamNet) kéo dài trong dịp tết nguyên đán, phần nhiều là phê phán chính quyền. Bởi thế các cấp chính quyền liên hệ bắt đầu giải thích, chống chế nhưng càng giải thích càng tỏ ra lúng túng, mâu thuẫn. Một vài thí dụ.

Về lý do cưỡng chế, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng phát biểu ngày 12/1: “Cưỡng chế do phát hiện có lực lượng chống đối ẩn núp”. Đại diện UBND xã Vinh Quang và Mặt trận Tổ Quốc huyện Tiên Lãng lại nhấn mạnh rằng cưỡng chế đầm tôm ông Vươn “để bảo đảm công bằng”. MTTQ huyện Tiên Lãng còn nói thêm: “Dư luận nhân dân đa số ủng hộ chính quyền”, (điều này hoàn toàn không đúng). Về vụ phá nhà ông Vươn, Phó chủ tịch Hải Phòng Đỗ Trung Thoại khẳng định ngày 17/1: “Người dân phá nhà ông Vươn do bức xúc”. Ngày 2/2 ông Ngô Ngọc Khánh, Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng một lần nữa quả quyết trên Đài Tiếng nói Việt Nam rằng đoàn cưỡng chế không phá nhà dân.

Về hoa lợi trong đầm, theo báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 31/1, ông Ngô Ngọc Khánh này cũng nói: “Ngay trong ngày sau cưỡng chế, chúng tôi quản lý đầm rồi, thì đoàn cưỡng chế đã tháo cống thông thủy”. Và theo ông Khánh khi đó hoa lợi trong đầm không có gì. Chắc hẳn ý ngầm của ông Khánh là: trước đó gia đình chủ đầm đã đánh bắt hết rồi. Thế nhưng theo vợ ông Đoàn Văn Quý, đầm có 5.000 con cá vược, 7.000 con cá trắm, 3.000 cua giống bị đánh bắt hết, tổn thất ước tính hơn 1,5 tỉ đồng, chưa kể tôm cua tự nhiên và hàng ngàn buồng chuối. Gia đình chưa đánh bắt cho thị trường tết nguyên đán. Theo phản ánh của người dân thì sau ngày cưỡng chế có người đánh bắt cá trong hồ đầm. Người ấy là ai? Phải là người trong nhóm tiếp quản hoặc được sự đồng ý của nhóm tiếp quản. Thế nhưng, không biết từ đâu, một tin được tung ra là có một số đối tượng giang hồ tiếp quản khu đầm (?).

Vì vụ việc xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, được nhiều người chứng kiến, nên những lời chống chế giải thích của chính quyền không thể thuyết phục ai và không đứng vững trước sự thật. Tuyên bố của cán bộ địa phương các cấp thường không nhất quán, có khi còn đối nghịch nhau. Càng về sau, khi sự thật đã được phơi bày ra, họ càng lúng túng, nhưng cũng có những vị bắt đầu nhìn nhận những sai trái của mình trong vụ cưỡng chế.

Mấy cái sai trong vụ cưỡng chế

Theo dõi báo chí, tôi thấy có mấy điểm sai sau đây của chính quyền xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng thường được nhắc tới.

Việc cưỡng chế thu hồi đất diễn ra rất sớm trước khi hết hạn giao đất. Chính quyền không có phương án sử dụng đất sau khi thu hồi. Nhưng dư luận gợi ý rằng những hồ đầm ông Vươn nằm trong Dự án Sân bay quốc tế và Dự án đường cao tốc từ Tiên Lãng (sân bay) đến Hải Phòng, Thái Bình. Tiền đền bù cho những hồ đầm này chắc sẽ rất lớn!

Không thành lập hội đồng đền bù hỗ trợ trước khi thu hồi. Nên biết, trước đây, vào năm 2005, cũng tại xã Vinh Quang thuộc huyện Tiên Lãng, ông Vươn đã cắt gần 5ha cho một dự án nuôi tôm xuất khẩu và ông đã được bồi thường. Lần này xem ra chính quyền không có ý đền bù. Do đó họ cũng không tổ chức trao đổi với người đang khai thác đất hợp pháp.

Việc cưỡng chế được thực hiện cách vội vàng, không minh bạch, gây nghi ngờ và diễn ra như một trận “đánh phá”- họ dùng tới quân đội- , không phù hợp với một chính quyền hành sự đúng luật pháp đối với người dân, với quyền lợi người dân. Đó là một hành động quan liêu, vô tâm, thậm chí nhẫn tâm đối với người dân, nên bất chấp tết nguyên đán cổ truyền không còn bao xa, họ vẫn cho “đánh”, khiến cho một gia đình đang làm ăn bình thường, lương thiện, hợp pháp, trong chốc lát và hầu như “vô cớ”, đã bị tước hết đất đai sản xuất và mất sạch mọi hoa lợi cùng với nhà cửa bị phá tan tành.

Đàng sau vụ cưỡng chế

Vụ việc ở Tiên Lãng lại đặt ra một lần nữa và một cách nóng bỏng, hai vấn đề lớn: 1/ vấn đề cán bộ và chính quyền địa phương, 2/ vấn đề chính sách đất đai.

Chính sách cán bộ. Những sai phạm trong vụ này cho thấy rõ sự yếu kém của cán bộ trong hiểu biết về luật pháp, trong khả năng điều hành bộ máy hành chính cũng như trong đạo đức và tinh thần phục vụ nhân dân. Theo cách nói quen thuộc: họ thiếu tầm và thiếu tâm. Đây là một tình trạng chung, không phải chỉ riêng ở xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng. Do đâu? Thiển nghĩ, nói cho cùng là do chính sách cán bộ hiện hành.

Cán bộ công chức tuyệt đại đa số là người của đảng, do đảng cộng sản đưa ra theo những tiêu chuẩn của đảng, người dân không bàu ra những người trực tiếp “cai quản” mình. Có hai hệ thống: hệ thống chính quyền và hệ thống đảng. Trong thực tế, người cán bộ chỉ lệ thuộc hệ thống đảng. Đề bạt, cất nhắc, thuyên chuyển hay loại trừ một cán bộ đều do đảng quyết định vì đảng là người lãnh đạo. Công việc này làm công khai hay “kín đáo” trong nội bộ, đều tùy nơi “thiện chí” của đảng. Tiếng nói của bí thư đảng ủy các cấp có trọng lượng hơn hẳn tiếng nói của chủ tịch ủy ban nhân dân ngang cấp. Cán bộ công chức cảm thấy mình có trách nhiệm trước đảng hơn là trước nhân dân, nên họ sợ đảng hơn sợ dân. Mà thông thường, đảng bảo vệ người của mình. Một cán bộ sai phạm nơi này thường được thuyền chuyển đến nơi khác, có khi còn được thăng chức nữa! Bộ máy chính quyền địa phương vẫn yếu kém vì cán bộ các cấp thiếu tài và đức. Việc đánh giá đảng viên thường chỉ là hình thức. Đảng cộng sản vẫn thường đề ra những chủ trương, chính sách nhằm nâng cao trình độ và phẩm chất cán bộ đảng viên, nhưng liệu chúng có thể mang lại kết quả nào có thực chất và đáng kể không, bao lâu chính sách cán bộ như trên không thay đổi?

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 9/2/2012, trong bài mang tính xã luận Tiên Lãng và Con đường phía trước, viết: “luật đất đai sẽ được sửa đổi để bảo vệ ổn định xã hội, bảo vệ nông dân”, “[nhưng] chỉ có điều sau khi được sửa đổi, thiện ý của đạo luật mới vẫn có nguy cơ bị lu mờ dần bởi những người thừa hành công vụ thiếu công tâm. Vì lẽ ấy, sửa đổi luật mới chỉ là bước khởi đầu, xây dựng một bộ máy chính quyền minh bạch, thật sự chịu trách nhiệm trước nhân dân mới là con đường xa phía trước”. Nhận định thật đúng, song vấn đề là : làm thế nào để xây dựng bộ máy ấy?

Bất cập của Luật Đất Đai

Những vụ mâu thuẫn giữa nông dân và chính quyền thường xuyên xảy ra, một phần do công tác quản lý yếu kém của chính quyền và sự suy thoái đạo đức của cán bộ viên chức, nhưng phần khác do bất cập của chính Luật Đất đai.

Luật quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, và Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Quy định mang tính nguyên tắc, mới nghe qua thì đơn giản nhưng đi vào thực tế sẽ thấy ngay là hết sức phức tạp, rắc rối.

Nhà nước quản lý đất đai thay mặt dân, nhưng nhà nước là ai? Là cán bộ viên chức. Họ đại diện chủ sở hữu nhưng họ toàn quyền hành động, chẳng bao giờ phải hỏi ý kiến ông chủ cả, mà ngược lại, có khi họ tác oai tác quái “trên” ông chủ. Hóa ra đất đai thuộc toàn dân nhưng không một người dân nào thực sự là chủ đất cả, dù là đất đai do công sức tiền của mình mà có hay do ông bà tổ tiên mình để lại. Họ chỉ được chính quyền giao đất hoặc cho thuê đất hoặc nhìn nhận quyền sử dụng đất. Dĩ nhiên khi quản lý đất đai, cán bộ viên chức phải tuân theo luật pháp. Nhưng tại sao Luật đất đai của ta, dù đã được ban hành mới và sửa đổi lại nhiều lần, với hàng trăm bản văn dưới luật giải thích và hướng dẫn áp dụng, nhưng những vụ tranh chấp giữa nhân dân, những mâu thuẫn và khiếu kiện giữa dân và chính quyền liên quan tới đất đai chẳng những không giảm bớt mà còn không ngừng gia tăng ? Phải chăng chính các quy định của luật lệ là một nguyên nhân gây ra tình trạng này? Trong xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam, “vấn đề đất đai hết sức nóng bỏng đang chiếm trên 70% vụ việc khiếu kiện của cả nước” (Trung Tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 8,9,10 trong Tâm thư gởi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, x. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam). Tình hình này không thể không liên quan tới Luật đất đai hiện hành.
Rồi đây Luật này sẽ được sửa đổi lần nữa cho phù hợp hơn với thực tế, nhưng có phần chắc là lại chỉ sửa đổi một số chi tiết mà thôi, chẳng hạn về thời gian giao đất sẽ lâu dài hơn, về số đất giao hay cho thuê sử dụng cũng sẽ tăng thêm. Như thế, e rằng luật lệ cứ mãi đuổi theo thực tế đời sống không khi nào kịp.

Tôi nhớ lại tài liệu “Quan điểm” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam “về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay” đề ngày 25/9/2008, trong đó có vấn đề khiếu kiện đất đai kéo dài và sự bất cập của luật lệ về đất đai trước đà biến chuyển trong đời sống xã hội. Lúc bấy giờ đang có vụ việc nóng bỏng về đất đai của Giáo Hội tại Hà Nội, nhưng vượt lên trên các trường hợp cụ thể cá biệt, các Giám mục đã đề nghị với chính quyền một một nguyên tắc giải quyết căn cơ triệt để cho mọi khiếu kiện về đất đai, nguyên tắc đó là: sửa đổi luật Đất đai trong tinh thần quan tâm tới quyền tư hữu của mọi người.

Mấy suy nghĩ của tôi trên đây cũng nằm trong đường hướng này.

(10/2/2012)

Lm. Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô
Nguồn:   lamhong.org
Chung quanh vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng Reviewed by Hoài An on 2/15/2012 Rating: 5 Lamhong - Tiên Lãng, tên một huyện thuộc thành phố Hải Phòng, nay đã trở nên quen thuộc với người dân khắp nước sau vụ cưỡng chế thu hồi...

Không có nhận xét nào: