CĐV - Cha Xứ Khiết Tâm Và Chuyến Hành Trình Mục Vụ Di Dân Miền Trung - Kỳ 1: Nghệ An – Những chặng đường khó quên
Cha Xứ Khiết Tâm Và Chuyến Hành Trình Mục Vụ Di Dân Miền Trung
Máy bay hạ cánh xuống sân bay Vinh và được thông báo “thời tiết bên ngoài máy bay là 13 độ C” ai ai cũng nhốn nháo chuẩn bị “đối phó” với nhiệt độ thay đổi “đột ngột” khi ở Sài Gòn là 33 độ C nào là áo ấm, mũ len, găng tay…Bước xuống máy bay, cơ thể được thấm dần dần và cảm thấy se lạnh với những giọt mưa xuân nơi vùng đất miền trung đầy khắc nghiệt. Chúng tôi, một “phái đoàn” từ Giáo xứ Khiết Tâm, Quận Thủ Đức, Sài Gòn bao gồm Cha xứ Giuse Phan Ngọc Trợ, Thầy Giuse Phạm Công Minh (ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn), Bác Giuse Tống Ngọc Văn (Chủ tịch HĐMVGX), Bác Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Hùng (Chủ tịch Caritat giáo xứ) và tôi Duy Ân Quân Tuấn Anh (“hướng dẫn viên”) nhân dịp đầu xuân năm mới đi thăm mục vụ di dân ở Miền Trung gồm 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đây là chuyến đi thăm mục vụ di dân lần thứ hai của Cha xứ Giuse đến với anh chị em di dân đang học tập, làm việc và sinh hoạt tại Giáo xứ Khiết Tâm.
Sau khi xuống máy bay, chúng tôi lên xe Taxi về Giáo xứ Thọ Ninh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) gặp Cha xứ Tôma Aquinô Nguyễn Bá Lộc, sau khi chào hỏi chúng tôi được Cha dẫn đi tham quan các công trình của Giáo xứ với Đền Đức Mẹ Mân Côi cùng với những chứng tích mà xưa kia Giáo Phận Phó Tây Đàng Ngoài từng được hiện diện ở nơi mảnh đất có bề dày đức tin gần 350 năm này. Sau đó chúng tôi dùng cơm tối tại nhà Quân Tuấn Anh và nghỉ ngơi để chuẩn bị cho một cuộc hành trình đi Nghệ An mà chúng tôi đã lên chương trình từ trước.
Kỳ 1: Nghệ An – Những chặng đường khó quên
Ngày mồng 5 Tết
Sáng sớm với cơn rét “cắt da cắt thịt lạnh đến thấu xương” khi nghe chuông Thánh đường Giáo xứ Thọ Ninh vang lên, chúng tôi khó khăn lắm mới xuống khỏi giường để tham dự thánh lễ. Thánh lễ đồng tế của Cha xứ Khiết Tâm và Cha Phao lô Đậu Tiến Sỹ (Cha quê hương của Giáo xứ Thọ Ninh) như gắn chặt lại tình thân hữu và làm cho chúng tôi cảm thấy ấm hơn khi được tham dự thánh lễ trong ngôi thánh đường từng ghi dấu ấn một thời này.
Sau thánh lễ chúng tôi vinh hạnh được dùng bữa sáng với Cha xứ Thọ Ninh, Cha quê hương của giáo xứ và sau đó chúng tôi chuẩn bị hành trang lên đường đi Nghệ An, vì xe Taxi không đủ chổ ngồi do đó Cha xứ Thọ Ninh đã nhiệt tình chở chúng tôi ra Vinh để thuê một xe khác lớn hơn. Khoảng 10h15, chúng tôi tới nhà chị Tâm thuộc Giáo xứ Thượng Nậm (Nam Đàn, Nghệ An) sau đó đi thăm một số anh chị em đã và đang sinh hoạt tại Giáo xứ Khiết Tâm và dùng cơm trưa tại nhà chị Tâm. Sau bữa cơm trưa thân tình với những món ăn truyền thống ở vùng quê xứ Nghệ chúng tôi lên đường đi Giáo xứ Trang Đen (Nam Đàn, Nghệ An) trên đường đi chúng tôi ghé mua Tương Nam Đàn mà trong dân gian từng ca ngợi “Nhút Thanh Chương, Tương Nam Đàn”. Khoảng 15h30 chúng tôi tới Giáo xứ Trang Đen, lúc đó cha xứ đang dâng thánh lễ cho giới trẻ và những người xa quê họp mặt đầu năm, sau thánh lễ Cha xứ Trang Đen giới thiệu Cha Giuse lên phát biểu và giới thiệu về các hoạt động của anh chị em di dân ở Giáo xứ Khiết Tâm qua đó Cha Giuse cũng mời gọi những ai đang học tập và làm việc gần khu vực Khiết Tâm thì mời về đó sinh hoạt, cha xứ và giáo xứ sẵn sàng đón nhận, sau đó chúng tôi chào Cha xứ Trang Đen và lên đường về Giáo xứ Phúc Yên (Thanh Chương, Nghệ An) và chúng tôi hứa hẹn sẽ có nhiều dịp gặp gỡ nhau nhiều hơn nữa.
Khoảng 17h00 chúng tôi đến Giáo xứ Phúc Yên, một giáo xứ “trẻ” mới thành lập năm 2008 được tách ra bởi Giáo xứ Văn Thành và hiện tại Giáo xứ Phúc Yên chứa có cha xứ mà được quản nhiệm bởi cha xứ Văn Thành, chúng tôi dùng cơm tối tại nhà chị Hiền sau đó tham dự thánh lễ và sau thánh lễ chúng tôi đi thăm một số anh chị em đang sinh hoạt tại Giáo xứ Khiết Tâm và nghỉ đêm tại văn phòng giáo xứ. Đón tiếp chúng tôi có quý ban ngành trong giáo xứ đã lo lắng sắp xếp chổ nghỉ cho chúng tôi.
Ngày mồng 6 Tết
Sáng sớm chúng tôi tham dự thánh lễ, sau đó dùng điểm tâm sáng tại nhà chị Hiền, vì phải chờ xe nên mãi đến 9h00 chúng tôi mới lên đường xuất phát đi Giáo xứ Đạo Đồng (Yên Thành, Nghệ An). Men theo những con đường dốc núi phía Tây Nam Nghệ An với những đoạn đường cheo leo, lầy lội chúng tôi được một bạn từng sinh hoạt tại Lớp Hiệp Nhất, Giáo xứ Khiết Tâm dùng xe riêng của mình chở chúng tôi đi trên những con đường mà chúng tôi không thể nào quên được, vừa đi vừa hỏi đường và với hơn 2 giờ đồng hồ chúng tôi cũng đã tới nơi như dự kiến. Tới giáo xứ Đạo Đồng vào thăm nhà chị Ngợi và ăn trưa tại đó sau đó chúng tôi lên đường tới Giáo xứ Hậu Thành cách Đạo Đồng khoảng 3km và đi thăm một số chị em đang sinh hoạt tại Giáo xứ Khiết Tâm sau đó chúng tôi lên đường về Giáo xứ Kẻ Dừa (Yên Thành, Nghệ An). Theo dự kiến chúng tôi sẽ về thăm Giáo xứ Đức Lân trước, tuy nhiên vì đường xấu lại không biết đường nên chúng tôi không kịp về đó. Khoảng 17h30 chúng tôi về tới Giáo xứ Kẻ Dừa, vào chào cha xứ và về nhà anh Long thuộc giáo họ Yên Mã cách đó chừng 3km sau đó chúng tôi tham dự thánh lễ lúc 19h30, sau thánh lễ khoảng 20h30 chúng tôi dùng cơm tối tại nhà anh Long và nghỉ ngơi kết thúc một ngày hành trình mệt mỏi.
Ngày mồng 7 Tết
Chúng tôi xuất phát từ Giáo họ Yên Mã xứ Kẻ Dừa, một cuộc hành trình mới lại bắt đầu, vì vùng núi xa xôi nên chúng tôi phải chờ xe rất lâu mới lên xe đi được, sau đó chúng tôi tới nhà anh Trí Giáo xứ Đức Lân và ăn sáng ở đó đây cùng là địa điểm mà 2 năm trước cha xứ Giuse cũng đã ghé thăm.
Sau đó chúng tôi lên đường đi Thánh Địa Trại Gáo (Giáo xứ Mỹ Yên, Nghi Lộc, Nghệ An), theo dự kiến ban đầu là sẽ dâng lễ vào lúc 10h00 tại đây nhưng vì đường xá xa xôi lại khó đi vì lầy lội do đó chúng tôi tới trễ. Khi tới nơi chúng tôi không kịp nghĩ ngơi mà cùng với Cha xứ dâng thánh lễ cầu bình an năm mới cũng là thánh lễ Chúa Nhật. cũng có rất nhiều người hành hương đồng hành và tham dự thánh lễ với chúng tôi. Sau thánh lễ vì đã hứa với chị Nguyệt ở Giáo xứ Xuân Kiều (Nghi Lộc, Nghệ An) do đó tuy đã quá trưa nhưng chúng tôi vẫn lên đường tới Xuân Kiều để ăn trưa tại đó.
Đươc tin chúng tôi ghé thăm, gia đình chị Nguyệt đã chu đáo đón tiếp rất nồng nhiệt đồng thời các anh chị em di dân đang làm ăn và sinh hoạt tại khiết tâm khi biết tin cũng tới tham dự và gặp mặt cha xứ cùng với phái đoàn. Vì trời đã về chiều nên chúng tôi tranh thủ về để còn quay lại Trại Gáo thăm một số anh chị em đang sinh hoạt tại Khiết Tâm vì trước đó chúng tôi chưa ghé thăm được. Nhưng với sự hiếu khách và mời gọi của các bạn tại Xuân Kiều nên chúng tôi có nán lại và thăm một vài gia đình sau đó chúng tôi ghé thăm cha xứ Xuân Kiều và biết một số thông tin về di dân tại Giáo xứ, được biết Gx có khoảng 4000 giáo dân trong đó di dân đi làm ăn xa gia đình lên tới 1000 người, vì điều kiện và hoàn cảnh, một số anh chị em đi làm ăn khi chưa học xong chương trình Giáo lý phổ thông cho nên cha xứ Xuân Kiều tổ chức một lớp học “bổ túc” giáo lý 1 tháng đầu năm mới nhằm tăng thêm kiến thức giáo lý cho giáo dân.
Sau khi chào cha xứ Xuân kiều, chúng tôi tiếp tục hành trình về Trại Gáo để thăm các gia đình có các anh chị em đang sinh hoạt tại Khiết Tâm, trong lúc đó chúng tôi phải chịu sự thất hứa như đã hẹn để đến nhà hai chị Mỵ - Châu như đã hứa. Sau đó chúng tôi về Giáo họ Mai Lĩnh (Xứ Tân Lộc, Cửa Lò) ăn tối và nghĩ ngơi tại đó, một ngày thật mệt mỏi do đó chúng tôi nghỉ ngơi sớm để lấy sức cho ngày hôm sau
Ngày mồng 8 tết
Sáng sớm chúng tôi thức dậy và tham dự thánh lễ tại Giáo họ Mai Lĩnh Giáo xứ Tân Lộc sau đó chúng tôi dùng điểm tâm và đi Giáo xứ Trang Cảnh, theo lịch trình thì sáng hôm nay chúng tôi sẽ đi Hà Tĩnh, tuy nhiên sau mấy ngày “lặn lội” với vùng núi phía Tây Nam Nghệ An cho nên ai ai cũng thấm mệt do đó cha Giuse quyết định ở lại Cửa Lò thêm một ngày nữa để “lấy sức” đi tiếp vì thế chúng tôi ghé Trang Cảnh thăm cha xứ Trang cảnh và cũng là bạn đồng môn của cha xứ Khiết Tâm, sau đó chúng tôi ghé thăm một vài anh chị em trước đây có sinh hoạt tại giáo xứ Khiết Tâm, ăn trưa tại nhà chị Thúy và trở lại Cửa Lò. Tối nay chúng tôi ăn tối tại nhà chị Mỵ và cha Giuse dâng thánh lễ tại một giáo họ của Giáo xứ Tân Lộc gần đó.
Một truyền thống đã có từ lâu mà tình cờ chúng tôi nhận thấy đó là thứ 2 hàng tuần hoặc tùy theo sự phân công của các giáo họ trong giáo xứ mà chia ra nhiều tổ nhỏ để rước tượng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp từ gia đình này đến gia đình khác trong tổ đó, và tới từng gia đình đọc kinh cầu nguyện đồng thời lưu giữ tượng Đức Mẹ ở lại trong gia đình một tuần để nguyện xin Mẹ ban muôn ơn lành xuống trên gia đình đó, đây là một truyền thống vô cùng tốt đẹp mà Cha xứ Tân Lộc thành lập ra để tăng thêm lòng đạo đức cho giáo dân cũng như cậy nhờ Mẹ Hằng Cứu Giúp cầu bầu che chở.
Còn tiếp…
Quân Tuấn Anh.
Không có nhận xét nào: