Nhân quyền trong huấn dụ xã hội của giáo hội - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
28 tháng 2, 2012

Nhân quyền trong huấn dụ xã hội của giáo hội

NGUYỄN HỌC TẬP  - I - Giáo Hội và nhân quyền, từ đối đầu đến thông cảm đối thoại:

Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Và Quyền Công Dân Cách Mạng Pháp Quốc năm 1789,được Hội Đồng Quốc Gia Pháp chuẩn y và công bố ngày 26.08.1789.

Đây là tài liệu lịch sử đầu tiên được dành riêng cho các quyền của con người, trong đó có cả một bản liệt kê chi tiết gồm đến 17 điều khoản.

Bản văn lúc đầu không gây nên môt phản ứng nào đối với Toà Thánh, cũng như trước đó Toà Thánh không có thái độ nào đối với Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoà Kỳ 1776, trong đó cũng nói lên " các quyền bất khả xâm phạm của con người "



Hội Đồng Quốc Gia Pháp, khoản một năm sau đó, cũng đã áp dụng Hiến Chương dân sự đối với hàng giáo phẩm (12.07.1790), mà qua đó Quốc Gia Pháp áp đặt nhiều điều kiện nặng nề trên đời sống Giáo Hội.



Kế đến nữa, Nghị Quyết ngày 27.11.1790 bắt buộc hàng giáo phẩm phải tuyên thệ thi hành các điều khoản của Hiến Pháp.


Chỉ sau các biện pháp áp đặt đó, Đức Giáo Hoàng Pio VI mới ký tên vào một Thư Đáp Từngắn ngủi, Quod aliquantum ngày 10.03.1791,cho một bức thư của Hội Đồng Giám Mục Pháp gởi đến ngài, ngày 10.10.1790, trong đó ngài đưa ra một loạt các chỉ trích Hiến Chương đối với hàng giáo phẩm và đối với hai điều khoản của Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân 1789:

- điều 10, về tự do tư tưởng, cả trong lãnh vực tôn giáo

- điều 11, về tự do ngôn luận và tự do truyền bá tư tưởng.

Thật ra Thư Đáp Từ Quod aliquantum, mặc dầu được coi là ngắn ngủi, nhưng là một bản văn khá dài và có cấu trúc chặt chẽ,

- được nhiều sách vở trong lịch sử trích dẫn

- và chỉ có ít chương kết án quyền tự đo tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo của Hiến Chương đối với hàng giáo phẩm của thời đó.

Đọc nguyên bản của Quod aliquantum chúng ta sẽ thấy được các lời mạnh mẽ của Đức Pio VI có lý chứng để

- nâng đỡ và bênh vực tự do của Giáo Hội,

- quyền độc lập của các Giám Mục và quyền thượng đẳng của Toà Thánh trong lãnh vực thiêng liêng.

Nếu trên thực tế lúc đó, quyền thượng đẳng đó đôi khi là kết quả của các lãnh vực trần thế, nhứt là những gì có liên quan đến tính cách chính đáng để chống lại các bè rối trong một vài thời điểm, với những phương thức mà ĐTC Gioan Phaolồ II không ngần ngại cho là những phương thức

- "... quá đáng không nhường nhịn và cả bạo lực để bênh vực chân lý " (ĐTC Gioan Phaolo II,Tertio millenario adveniens, 35). 

Nhưng nói đi rồi cũng phải nói lại, chính đường lối chính trị chống hàng giáo phẩm của chế độ mới sau Cách Mạng Pháp đã cản trở không ít

- việc hiểu biết rõ hơn biến cố Cách Mạng

- và hiểu rõ hơn những ao ước sâu đậm bên dưới các lời tuyên bố về quyền con người.

Đọc lại Thư Đáp Từ của Đức Pio VI, các lời mạnh mẽ của ngài được dùng khi đối đầu với Hội Đồng Quốc Gia Pháp tự cho mình có quyền kiểm soát đời sống Giáo Hội và ngài viết lên với cả lời yêu cầu các Giám Mục giúp đỡ ngài để phán đoán chính xác và có những quyết định thích đáng đối với tình trạng lúc đó, để vượt thắng được mối căng thẳng.

Đọc lại Thư Đáp Từ trong ý nghĩa đó,

- không những chúng ta hiểu được thảm trạng Đức Pio VI đang gặp phải lúc đó đối với biến cố thời danh Cách Mạng Pháp, dựa trên những tin tức, dữ kiện không đầy đủ và chậm trể,

- mà còn ngưỡng mộ được khả năng phán đoán chuẩn định đối với những mối nguy hiểm mà Giáo Hội gặp phải trong sứ mạng rao giảng Phúc Âm vả thảm cảnh bị bách hại mà Giáo Hội phải gánh chịu trong thế kỷ XIX và XX, chịu đựng những áp đặt trái ngược với quyền tự do tôn giáo mà chính Tuyên Ngôn 1789 đã xác quyết.

Chúng ta đừng quên rằng chính Cách Mạng Pháp là khuôn mẫu cho tất cả các chế độ, được Hiến Chương gợi hứng, áp đặt gông cùm quyền lực trần thế lên Giáo Hội, bóp nghẹt tự do tôn giáo, như những gì còn đang hiển hiện trước mắt người Việt Nam chúng ta.

Hiểu được như vậy, chúng ta có thể thông cảm được tại sao Giáo Hôi vẳng tiếng khoản một thế kỷ, có thái độ đóng kín đối với vấn đề nhân quyền ( bởi vì Giáo Hội đang sống dưới áp lực):

- ĐTC Gregorio XVI lên án một cách đặc biệt tự do lương tâm và tự do báo chí quá trớn (Thông Điệp Mirari vos, 15.08.1832);

- ĐTC Pio IX khước từ tổng thể các nguyên tắc chủ nghĩa tự do chính trị, chỉ dựa trên một vài quyền của con người ( Thông Điệp Quanta cura, tiếp theo bản lên án Syllabus, 08.12.1864).

Nhưng thái độ của Giáo Hội bắt đầu khác đi với ĐTC Leo XIII, khi ngài nhấn mạnh đến

- quyền bình đảng của mỗi con người, với phẩm giá là con Thiên Chúa ( Thông Điệp Quod apostolici muneris, 28.12.1878).

Đó là quan niệm sẽ được thể hiện trở lại trong Thông Điệp Rerum novarum, được ngài viết lên để bênh vực giới công nhân bị bốc lột.

Nhìn qua những dòng lịch sử vừa kể, chúng ta có thể nói đó là lộ trình mà Giáo Hội khám phá ra nguồn gốc căn nguyên Phúc Âm của quan niệm về nhân quyền, sau khi thái độ đối đầu của thời cuộc lịch sử đã bắt đầu lắng dịu.

Chúng ta có được quan niệm chính xác hơn về các quyền của con người trong HDXHGH với ĐTC Gioan Phaolồ II, tháng 3 năm 1998, nhân chuyến công du mục vụ Pháp Quốc, khi ngài xác nhận rằng

- "tự đo, bình đẳng và huynh đệ hổ tương" ( liberté, égalité, fraternité),

ba màu của lá cờ tam sắc Pháp Quốc không có gì khác hơn là những tư tưởng Ki Tô giáo ( ĐTC Gioan Phaolồ II, La storia della salvezza conosce con ogni uomo un nuovo inizio, 5).

Bao nhiêu đoạn đường Giáo Hội đã phải trải qua,

- khởi đầu từ động tác đọc lại một nguyên tắc, như nguyên tắc phẩm giá con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giêsu cứu chuộc,

- để tiếp tục khai triển đến bao nhiêu năng lực còn hàm chứa trong đó.

Trên lộ trình đó, ĐTC Pio XI thể hiện một giai đoạn có ý nghĩa đặc biệt, nhứt là với

- tác động lên án chế độ toàn trị của Đức Quốc Xã (Thông Điệp Mit brennender Sorge)

- và chống lại Cộng Sản Chủ Nghĩa (Thông Điệp Divini Redemptoris).

Mục đích cuộc hành trình vừa kể của Giáo Hội : xác nhận lòng chuyên cần dấn thân để phát huy và bênh vực các quyền chính đáng của con người: là những gì thuộc về sứ mạng mục vụ của Giáo Hội. Giáo Hội muốn cho mình trở thành

- người canh giữ phẩm giá con người và các quyền phát xuất từ phẩm giá đó,

- được đánh dấu bằng tính cách phổ quát và bất khả phân.

II - Đặc tính phổ quát hoàn vũ loan truyền Ki Tô giáo, giả định trước tính cách phổ quát các quyền con người.

Ai trong chúng ta cũng biết một trong những người soạn thảo ra bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 của Liên Hiệp Quốc đó là nhà luật học người Pháp, Gs René Cassin. Ở một trong những cuộc hợp của Ủy Ban Thứ Ba Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Gs René Cassin đã được đặc trách duyệt xét lại đồ án dự thảo của bàn Tuyên Ngôn. Trong khi duyệt xét Lời Nói Đầu, Gs đã đưa ra một tu chính án, sau đó trở thành như là ấn trượng được đóng lên bản văn: đó là đặc tính phổ quát (có giá trị đối với bất cứ ai, bất cứ ở đâu và trong bất cứ thời điểm nào).

Ý kiến mặc dầu bé nhỏ được Gs thêm vào (tức là tính cách phổ quát), nhưng đưa đến những hậu quả hệ trọng, bởi lẽ đây là lần đầu tiên gán cho một văn bản được soạn thảo trong bối cảnh giữa các Quốc Gia với nhau lại được gán cho đặc tính có giá trị phổ quát cho khắp thế giới.

Đặc tính vừa kể của Tiền Đề Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền bắt buộc phải nhìn nhận giá trị các quyền con người vượt lên trên biên giới Quốc Gia và do đó Bản Tuyên Ngôn 1948, mặc cho một số luật gia cho rằng không có tính cách bắt buộc, với thời gian

- không những đã đích thực trở thành nguồn mạch của quyền quốc tế,

- còn có giá trị hơn cả một dụng cụ luật pháp bắt buộc đối với các thành phần ký giao ước.

Nói cách khác Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948 thiết định các tầm mức, khuôn thước để đo lường định chế pháp luật của một quốc gia xem có thích hợp với các nguyên tắc gợi ý của Bản Tuyên Ngôn hay không.

Tầm quan trọng có tính cách phổ quát đó của Bản Tuyên Ngôn cũng được Toà Thánh chấp nhận.

Từ việc chuẩn định đánh giá được ĐTC Gioan XXIII nói lên trong Thông Điệp Pacem in terris, cho đến những ngôn từ mà ĐTC Gioan Phaolồ II khen ngợi Thông Điệp đó

- như là những trụ đá định chuẩn khoản cách được đặt trên lộ trình dài và khó khăn của nhân loại (ĐTC Gioan Phaolồ II, La dignità della persona umana fondamentale di giustizia e pace, 7).
- như là một trong những thể hiện cao cả nhứt của lương tâm nhân loại trong thời đại chúng ta (ĐTC Gioan Phaolồ II, Sono qui come testimone della dignità dell'uomo, 2 ).

Thái độ thinh lặng của ĐTC Piô XII đối với Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 có thể hiểu được như là thái độ cẩn trọng có đặc tính nền tảng.

Thái độ cẩn trọng đó không phải đối với những gì được tuyên bố về các quyền con người, bởi lẽ sự tôn trọng đối với các quyền đó đã được ĐTC đòi buộc ngay từ những năm còn đen tối của thế chiến thứ II (đặc biệt trong sứ điệp truyền thanh Giáng Sinh năm 1942). Thái độ cẩn trọng của ngài là vì Bản Tuyên Ngôn không đưa ra các nguyên tắc xác thực dựa trên đó các quyền có được nền tảng.

Nhãn quang của Giáo Hội là

- nền tảng thần học nâng đỡ toà nhà các quyền của con người

- và nói lên một trong những cách phát biểu sung mãn nhất của các lời tuyên bố đó.

Việc không đưa ra nguyên lý nền tảng cho các quyền của con người trong Bản Tuyên Ngôn khiến cho ĐTC Pio XII cho rằng việc kiến tạo nên các quyền của con người trong Cộng Đồng Quốc Tế thiếu nền tảng vững chắc.

Đặc tính phổ quát phẩm giá con người khiến cho chúng ta có được một căn nguyên tín lý cho các quyền của con người và cho thấy đó cũng là một dụng cụ hữu hiệu cho sứ mạng mục vụ của Giáo Hội

Và đó là cử chỉ cởi mở thêm ra của ĐTC Gioan XXIII với Thông Điệp Pacem in terris, mà điểm khởi hành được đặt trên  "bình diện tự nhiên" , mà lý trí có thể hoàn toàn thấu triệt được. Trong ý nghĩa đó chúng ta thử đọc lại các lời của ĐTC:

- " Trong một cuộc sống chung có trật tự và sung mãn, cần phải đặt như là nền tảng nguyên tắc, theo đó mỗi con người là một nhân vị, tức là một tạo vật thiên nhiên có lý trí và ý chí tự do. Như vậy con người là chủ thể các quyền và bổn phận thoát xuất trực tiếp và đồng thời từ chính bản tính của mình: bởi đó các quyền và bổn phận phổ quát, bất khả xâm phạm, bất khả nhượng. Và kế đến nếu nhìn phẩm giá con người trong ánh sáng được Chúa mạc khải cho, phẩm giá đó thể hiện ra cao cả hơn không thể so sánh được, bởi vì con người được cứu chuộc bởi máu của Chúa Giêsu Ki Tô, và với ân sủng con người đã trở thành con cái và bạn hữu của Thiên Chúa và được thiết định là các thừa kế tự vinh quang vĩnh viễn " (PT, 5).

Với những lời vừa kể Thông Điệp Pacem in terris nối kết bình diện thiên nhiên của lý trí với bình diện siêu nhiên của ân sủng, trong một vị thế đích thực Ki Tô giáo: tuy vậy không có gì cấm cản trên bình diện thứ nhứt các xác tính khác nhau có thể kết tựu lại thành một nhãn quang đồng quy, miễn là sẵn sàng chấp nhận trong mỗi con người phương diện chung phổ quát, cá biệt và không thể bị hủy diệt là những gì thuộc về phẩm giá của con người.

Một bước tiến khác tiếp theo những gì đã được DTC Gioan XXIII đề thảo ra, được Công Đồng Vatican II thực hiện.

- Một đàng Hiến Chế mục vụ Gaudium et spes về Giáo Hội trong thế giới hiện đại xác nhận:

* "Giáo Hội, nhờ sức mạnh Phúc Âm đã được giao cho mình, tuyên bố các quyền của con người, nhận biết và thẩm đinh cao giá tiến trình mà trong thời đại chúng ta các quyền đó được thăng tiến khắp nơi" ( GS, 41).

- Đàng khác Tuyên Ngôn Dignitatis humanae về tự do tôn giáo đã nói lên như sau:

* "Ước gì trong lãnh vực tôn giáo, không ai bị bắt buộc hành động chống lại lương tâm của mình, bởi vì tự do tôn giáo có nền tảng của mình trong chính phẩm giá của con người, mà chính Lời Chúa và lý trí đã làm cho chúng ta biết được. Bởi đó quyền có được miễn chuẩn đó vẫn có giá trị cả đối với những ai không chu toàn bổn phận phải tìm kiếm chân lý và hội nhập mình vào đó" ( DH, 2).

Viễn tượng vừa kể đã khắc ghi môt cuộc chuyển hướng quyết định trên thể thúc mà Giáo Hội nhìn vào các quyền của con người và là một cái nhìn thực sự phổ quát (có giá trị cho tất cả mọi người)

Theo vết chân của Công Đồng Vatican II, ĐTC Phaolồ VI và Gioan Phaolồ II bước thêm tới. Chúng tôi muốn nhắc đến sứ điệp của ĐTC Phaolồ VI gởi cho Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đang nhóm hop tại Teheran, nhân dịp giáp 20 năm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được tuyên bố, nói lên mối chăm lo chuyên cần của Toà Thánh về vấn đề nhân quyền phổ quát:

- " Nói về các quyền của con người là xác nhận một công ích của nhân loại, là làm việc để cộng tác xây dựng một cộng đồng huynh đệ, là tác động cho một thế giới,trong đó mỗi người đều được yêu thương và giúp đỡ như là người thân cận của chính mình, như là người anh em của chính mình " ( ĐTC Phaolồ VI, Per il 20° anniversario della Dichiarazione universale dei diritti dellìuomo ).

Hơi thở tương tự cũng đã đánh động tâm hồn ĐTC Gioan Phaolồ II, cho dầu ngài đã lưu ý rằng Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền không thể hiện các nền tảng nhân bản luận và luân lý các quyền của con người được bản văn tuyên bố, nhưng ngài cũng xác nhận giá trị mà dựa trên đó quan niệm về các quyền của con người

- "là một chân lý phổ quát, được đón nhận luôn luôn minh nhiên hơn trong tất cả các lãnh vực văn hoá " (ĐTC Gioan Phaolô II, Al Corpo Diplomatico accreditato presso la Santa Sede, 7).

Lời xác nhận vừa kể là hậu quả phổ quát của việc rao giảng Ki Tô giáo:

- "Anh em hãy đi khắp thế gian và loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo" 8 Mc 16, 15; Mt 28, 19).

- "Vậy, không còn phải phân biệt Hy Lạp hay Do Thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Chúa Ki Tô là tất cả và ở trong mọi người" (Col 3, 11; 1 Cor 1, 13; Gal 3, 28).

Vấn đề phổ quát của các quyền con người thoạt tiên có vẽ như là những gì phiến diện tùy thuộc vào quan niệm triết học của mỗi chủ thuyết, nhưng vấn đề vừa kể không ngăn cản được thái độ kính trọng khách quan phải có đối với phẩm giá con người.

Vấn đề đang bàn làm cho chúng ta nhớ lại quan điểm của nhà thần học J. Maritain, tác giả của một thái độ thoả thuận thực tế, nhằm tôn trọng các quyền con người, không cần phải cậy dựa vào các biện chứng thuyết lý (J. Maritain, Autour de la nouvelle déclaration universelle des droits de l'homme, Textes réunis par Unesco, éd. Sagittaire 1949, Introdution, p. 11-13).

Chúng ta đang sống vào thời đại tương đối chủ nghĩa (relativisme), một chủ đề không phải lúc nào cũng được đưa ra với lòng thành tâm thiện chí,

Bởi đó ĐTC Gioan Phaolô II khuyến khích chúng ta hãy

- "khước từ các lời chỉ trích của những ai có ý đồ lợi dụng các hình thức văn hoá để che đậy vi phạm đối với các quyền con người", và ngài nhắc nhớ chúng ta đặc tính phổ quát đòi buộc

- "là nền tảng các quyền con người trong các văn hoá khác nhau" ( ĐTC Gioan Phaolồ II, Dalla giustizia di ciascuno nasce la pace per tutti, 2).

III - Đặc tính bất khả tách rời các quyền của con người:

 sự thách thức đối với luật gia, nhưng là điều hiển nhiên đối với người Ki Tô hữu. 

Không thể chia tách các quyền của con người, quyền nầy được luật pháp bảo vệ, quyền kia không.

Với đặc tính không thể chia tách, chúng ta đang gặp phải một vấn đề quan trọng khác đối với các quyền của con người, nhứt là dưới phương diện luật pháp.

Có nhiều người cho rằng các quyền thuộc loại kinh tế, xã hội, văn hoá không thể có lý chứng được bắt buộc luật pháp phải bảo vệ.

Nhưng đối với những người khác, tính cách bất khả chia tách các quyền của con người là điều kiện hữu lý chính đáng phải có của đặc tính phổ quát.

Bởi lẽ nếu tất cả các quyền của con người không có được những bảo đảm cần thiết phải có, thì các quyền của con người chỉ là những biểu tượng luân lý và đặc tính phổ quát của chúng chỉ là phỗ quát giả tạo.

Điều đặc biệt chúng ta nên lưu ý việc nhận biết các quyền của con người về phía Giáo Hội được khởi đầu tính từ các quyền có tính cách xã hội và kinh tế, trái ngược với những gì xãy ra lúc đó trong lãnh vực trần thế, nơi mà các quyền đó được coi là "các quyền hạng hai", chính vì việc soạn thảo ra các quyền đó được thực hiện tiếp theo các quyền dân sự và chính trị.

Qua những gì được đề cập, chúng ta không có gì phải ngạc nhiên.

Trong khi

- các "quyền thuộc hạng nhứt" (quyền dân sự và chính trị) được xác đinh luật pháp bảo vệ ngay cả trong các các cuộc tranh cải đối đầu với Giáo Hội, thì "các quyền thuộc hạng hai" được bênh vực dựa trên giáo huấn của Giáo Hội, mà khởi điểm luôn luôn là phẩm giá của con người.

Chúng ta cần nhớ rằng trên lãnh vực vừa kể, lãnh vực "các quyền hạng hai", Giáo Huấn của Giáo Hội đã đối đầu lại các tư tưởng của xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, mà Giáo Hôi đã chỉ trích ngay từ đầu đối với các phương thức sắp xếp và thể thức để thực hiện của họ.

Một trăm năm sau Thông Điệp Rerum novarum, ai trong chúng ta cũng nhân thức được chân lý năm ở đâu.

Ngày nay chúng ta không cần phải có giọng điệu phô trương toàn thắng, cũng có thể nói được rằng vị trí của Giáo Hội đối với vấn đề là vị tri chính đáng, và có lẽ Giáo Hội là sức mạnh duy nhứt cương quyết và can đảm bênh vực các quyền kinh té và xã hội của con người, đến nỗi đôi khi bị chỉ trích cả đối với các thành phần nổi bậc của tự do chủ nghĩa, tự coi mình như là chủ thuyết điều chỉnh thượng đẳng các thực tại kinh tế và xã hội, bằng cách dùng đòn bẩy toàn cầu hóa tài chánh.

Cũng như Huấn Dụ của Giáo Hội một trăm năm trước đây đã không ngần ngại bênh vực quyền của các công nhân, ngày nay Giáo Hội cũng không thiếu bổn phận kêu gọi sự tôn trọng quyền của người nghèo - cá nhân cũng như tập thể dân chúng - quyền họ được tham dự vào phần hưởng thụ của cải vật chất và làm sao cho có kết quả khả năng làm việc của họ (CA, 28).

Như vậy điều quan trọng căn bản là làm sao không hy sinh phẩm giá con người - cá nhân cũng như tập thể - cho của cải, cá nhân, đảng phái, ý thức hệ hay thị truờng được thần tượng hoá.

Đối với ĐTC Gioan Phaolồ II ai chối bỏ tầm quan trọng luật pháp đối với các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá đối với các quyền của con người, là kẻ

- "bần tiện hoá phẩm giá con người, trong khi đó trái lại, cần phải tìm hiểu sâu đậm hơn phương diện luật pháp để bảo đảm hoàn hảo phẩm giá đó" (ĐTC Gioan Phaolồ II, Dalla giustizia di ciascuno nase la pace per tutti, 2). 

Đàng khác, ngày nay nhân quyền nói lên cả tầm mức cá nhân và xã hội. Thái độ cứng rắn chia tách phân loại các quyền của con người là thái độ cần phải được xét lại và tranh luận, như những gì được xem như là "các quyền hạng ba" :quyền được phát triển, có được hoà bình, có được môi trường bảo đảm cho cuộc sống - mà chủ nhân cũng đồng thời là con người, chủ thể cá nhân và thành phần cộng đồng xã hội, hiệp hội, tổ chức, chính đảng (thiểu số, dân chúng, quốc gia,,,).

Giữa những chủ thể tập thể được Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 minh nhiên đề cập đến, chúng ta cần lưu ý đến gia đình

- "yếu tố tự nhiên và nền tảng của xã hội , có quyền được xã hội và Quốc Gia bảo vệ" (Điều 16).
Mặc dầu được tuyên bố như vậy, nhưng giữa muôn ngàn dụng cụ luật pháp quốc tế được nghĩ ra để phát triển các quyền được Bản Tuyên Ngôn công bố, gia đình hoàn toàn bị bỏ quên trong bóng tối.

Trái lại về phần mình, Toà Thánh đã phổ biến năm 1983 Bản Tuyên Ngôn về Các Quyền Của Gia Đình (Carta dei diritti della famiglia) , nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy có tiếng vang nào đáp ứng lại cở tầm mức quốc tế.

IV - Nhân quyền, quan niệm nửa chừng của thời đại chúng ta.

Chúng ta đang ở vào thời khoản một vài năm sau 50 năm công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 và một vài năm sau khi ngàn năm III vừa mới bắt đầu trong lịch sử nhân loại Các quyền của con người đang đứng trước thái độ song quang luận, nửa chừng hay tiến thoái lưỡng nan.

Một đàng các quyền của con người là cách tuyên bố của thái độ càng ngày càng nhìn nhận các ước vọng không thể tiêu diệt được của lương tâm con người: phẩm giá, công lý, bình đẳng.

Nhưng đàng khác, trong các thập niên cuối cùng nầy, chúng ta đang chứng kiến những hành động băng hoại bản tính con người dưới những nhát búa của một ý thức hệ làm đảo lộn các ước vọng vừa kể, bằng cách chối bỏ hay giới hạn tư tưởng tiên quyết nền tảng phải có. Đó là tư tưởng về đòi sống con người là những gì thiên thánh cao qúy, ngay từ lúc cuộc sống được tượng hình và cũng bởi đó quyền được sống, được bảo toàn mạng sống là quyền ưu tiên thượng đẳng. Bởi đó nếu đời sống không được bảo vệ một cách hữu hiệu, các quyền khác không còn có ý nghĩa gì để được hiện hữu.

Làm sao có thể biện minh được cho áp lực của những người chủ trương phá thai và chính danh hoá cho các cuộc thí nghiệm trên bào thai con người, nếu không phải vì lợi thú nào đó, thoát ra bên ngoài và vượt lên trên sự bảo vệ mạng sống con người từ lúc tượng thai trong lòng mẹ, nhằm bênh vực lợi ích cho kỷ thuât và thương mại ?

Thái độ vừa kể là khuynh hướng coi con người chỉ là cuộc sống sinh vật học (biologique), như vậy ngưòi ta có thể xử dụng mạng sống con người tùy hỷ, theo lợi thú của của những gì có quyền lực hơn. Mạng sống con người chỉ còn là yếu tố biến thiên tùy theo mức cung cầu của lợi thú các giới đó.

Tất cả các quyền của con người có thể được coi là có tầm mức hình học biến thiên(geometria variabile). Đó là thái độ của chủ thuyết tương đối hoá (relativisme), con người có quyền hay không, có được bao nhiêu quyền và quyền nào là quyền bất khả xâm phạm.

Thật là bấp bênh !

Trước viễn ảnh vừa kể, nhân loại càng ngày càng xác tín rằng các quyền của con người là một dấu chứng cho hy vọng có được một cuộc sống sáng sủa hơn, cá nhân cũng như xã hội, chỉ khi nào con người đạt được cao độ số phận siêu nhiên của mình và tranh đấu cho các quyền đó vì tình yêu thương hơn là vì công lý, của anh của tôi, có vay có trả.

Nhân quyền

- không phải là những gì thuộc quan niệm huyền bí không tưởng,

- không phải là vũ khí cho quyền lực chính trị,

- không phải là một tôn giáo mới cho những ai bị mồ côi vì các ý thức hệ bị phá sản,

- mà những gì phản ảnh lại chân lý về con người đích thực với phẩm giá cao cả của mình, được Thiên Chúa mạc khải cho trong Thánh Kinh.

Nhân quyền sẽ được thực sự bảo vệ và kính trọng, chỉ khi nào con người nhận biết được phẩm giá đó.

Nguyễn Học Tập (TNCG)
Nhân quyền trong huấn dụ xã hội của giáo hội Reviewed by Hoài An on 2/28/2012 Rating: 5 NGUYỄN HỌC TẬP   -   I - Giáo Hội và nhân quyền, từ đối đầu đến thông cảm đối thoại: Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền Và Quyền Công Dân Cách ...

Không có nhận xét nào: