(NNNP) “Thay đổi hay là chết” là tựa một bài viết trên trang Vietvatican.net , nhắc lại lời của ông Raul Castro, Chủ tịch nhà nước Cuba đã nói nhân một hội nghị bất thường diễn ra vào ngày 28/1/2012 vừa qua.
Nhiều người quan tâm tới tình hình chính trị tại đất nước mà ông Nguyễn Minh Triết trong chuyến thăm Cuba đã diễn hài khi cho rằng: “Do trời đất sinh ra để cùng Việt Nam thay nhau canh giữ bầu trời thế giới”, đều nghĩ rằng phải có một lý do gì đó vô cùng nghiêm trọng, khiến cho trước khi triệu tập hội nghị, ông Raul Castro đã phải cảnh báo rằng: “Hoặc chúng ta thay đổi, hoặc chúng ta sụp đổ, và cùng với sự sụp đổ ấy là tất cả các nỗ lực của nhiều thế hệ nhân dân Cuba”.
Kể từ khi lên thay anh nhiếp chính, Raul Castro đã có nhiều nỗ lực cải cách xã hội nhằm đưa chế độ thoát khỏi tình trạng bi đát như hiện nay. Dĩ nhiên, những động thái thay đổi này không phải tự nhiên đến, nhưng trước hết nó tới từ sự phản biện xã hội của người dân Cuba, đặc biệt là tiếng nói của Hội đồng Giám mục Cuba.
Có thể nói, Raul Castro không chỉ có những động thái tích cực về cải cách kinh tế. Sự can thiệp cách can đảm của Hội đồng Giám mục Cuba, đã khiến chính phủ Cuba phải cởi mở nhiều hơn với tôn giáo và nhân quyền. Bằng chứng là nhờ sự can thiệp của Hội đồng Giám mục Cuba, chính quyền Cuba năm 2010 đã phải thả khoảng 100 tù nhân chính trị và sắp tới đây nhân chuyến viếng thăm Cuba của Đức Giáo hoàng Benedict 16 – từ ngày 26-28/3/2012, chính quyền Cuba hứa sẽ trả tự do cho khoảng 3000 tù nhân khác với lý do gọi là nhân đạo.
Sự can thiệp đầy can đảm và hiệu quả của các giám mục Cuba cho thấy vai trò hết sức quan trọng của Giáo hội Công giáo trong việc canh tân đất nước. Chính những tiếng nói can đảm xuất phát từ sứ mạng, từ một lương tâm luôn tha thiết với người nghèo, người bị oan khiên làm cho chính quyềnCuba phải có những cải tổ tích cực nếu không muốn chế độ tan rã.
Vấn đề là với một quốc gia mà người công giáo chỉ chiếm khoảng 10% dân số (11.5 triệu dân), giống như Giáo hội Việt Nam, các giám mục Cuba đã làm gì để có những tiếng nói can đảm tạo nên những tác động xã hội khiến nhà cầm quyền phải thay đổi?
Phải chăng Hội đồng Giám mục Cuba cũng đã phải có những thay đổi nào đó, để Giáo hội Cuba thực sự là giáo hội của người nghèo, người bị bỏ rơi, người bị oan ức vì đã can đảm lên tiếng về những quyền cơ bản của con người?
Những biến cố gần đây liên quan tới xã hội Cuba cho thấy Giáo hội Cuba đã không thu mình lại trong một tháp ngà đóng kín, phó mặc tương lai đất nước quê hương cho người dân, cho một chế độ mà Fidel Castro – sau chuyến viếng thăm của Giáo Hoàng Gioan Phaolo II năm 1998, đã nói rằng “Cuba là một quốc gia theo chủ nghĩa thế tục.”
Vấn đề dễ thấy trong cuộc đấu tranh đem lại những hiệu quả tích cực cho xã hội và Giáo hội Cuba chính là sự hiệp thông bền chặt giữa các thành phần dân Chúa, đặc biệt là sự đồng thuận trong nhận thức và cách thức đấu tranh của các vị lãnh đạo Giáo hội. Chính sự hiệp nhất của Giáo hội Cuba đã tạo nên sức mạnh vượt trội khiến chính quyền độc tài Castro phải thay đổi nhận thức về xã hội, nhất là nhận ra lý tưởng cộng sản “chỉ là một lý tưởng hoang đường”. Trong một bài diễn văn đọc tại đại học La Habana hồi tháng 11 năm 2005, Raul Castro đã phải thú nhận: “Một trong những sai lầm lớn nhất của chúng ta ngay từ đầu, và nhiều lần trong cuộc Cách Mạng, đó là đã tin rằng có ai đó biết xây dựng xã hội chủ nghĩa như thế nào”.
Nói một cách hài hước như nguyên chủ tịch Nguyễn Minh Triết: “Giáo hội Việt nam và Giáo hội Cuba do trời đất sinh ra. Một anh ở đằng đông, một anh ở đằng tây để thay nhau canh giữ hòa bình cho dân Chúa.” Giáo hội Cuba đã hiệp nhất đồng lòng gióng lên tiếng chuông thức tỉnh cho các vị lãnh đạo đất nước buộc họ phải thay đổi, đem lại sức sống cho dân Chúa. Thế còn Giáo hội Việt Nam, đang thức hay đang ngủ?
Sứ điệp “Thay đổi hay là chết” quả là điều mà mỗi người, trong tư cách cá nhân và cộng đồng, phải quan tâm suy ngẫm trong bối cảnh xã hội và Giáo hội Việt Nam hiện nay.
14/2/2012
Không có nhận xét nào: