Những ghi nhận trong ngày đầu Khóa học hỏi về Giáo huấn Xã hội Công giáo của giáo tỉnh Hà Nội tổ chức tại TGM Thanh Hóa - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
15 tháng 2, 2012

Những ghi nhận trong ngày đầu Khóa học hỏi về Giáo huấn Xã hội Công giáo của giáo tỉnh Hà Nội tổ chức tại TGM Thanh Hóa

Lamhong.org - Sáng hôm nay, đúng 8 giờ ngày 13/02/2012, tại Hội trường TGM Thanh Hóa đã khai mạc Khóa học hỏi về Giáo huấn Xã hội Công giáo, do Đức cha Chủ tịch UBCL & HB Phaolô Nguyễn Thái Hợp và các thành viên của UB tổ chức. Đối tượng tham dự là đại diện các linh mục, tu sĩ nam nữ, đoàn thể Công giáo tiến hành của các giáo phận và các tình nguyện viên làm việc trong Ban CL & HB của mỗi giáo phận. Tổng số tham dự viên của 9 giáo phận thuộc giáo tỉnh Hà Nội tham gia Khóa huấn luyện này là 61 người.

Khóa học sẽ diễn ra trong 2 ngày 13 và 14/02 theo sự hướng dẫn của các thuyết trình viên.

Ngày đầu của Khóa học do Đức cha Chủ tịch UBCL&HB; cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng thư ký; cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng; cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng; Nữ tu Maria Trần Thanh Lương và ông Tạ Đình Vui hướng dẫn.

Mở đầu, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp giới thiệu khái quát về khái niệm và ý nghĩa của Công lý & Hòa bình theo Giáo huấn Xã hội Công giáo (Chương 2, cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Giáo Hội Công giáo).

Giáo huấn Xã hội Công giáo cùng đề cập đến một vấn đề nhưng ở mỗi nơi áp dụng mỗi khác tùy hoàn cảnh lịch sử, văn hóa… GHXHCG không phải là một hệ thống chính trị, nó là một cách vận dụng thần học Công giáo vào hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa của xã hội đương đại. Chính vì vậy, theo Tông thư Giáo Hội tại Á châu, cần có những hoạt động làm thăng tiến xã hội bằng cách triển khai Giáo huấn Xã hội Công giáo. Điều này đòi hỏi các linh mục, tu sĩ, chủng sinh phải biết đào sâu học hỏi và quảng bá GHXHCG để góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.

Giáo huấn Xã hội Công giáo tiếp cận với những vấn đề nhạy cảm như nhân quyền, công bằng… nhưng đó không phải là cách thế để Giáo Hội Công Giáo đi đến lấn át hay thay thế chính quyền dân sự, nhưng muốn cùng với cộng đồng chính trị tham gia vào việc làm thăng tiến đời sống con người qua việc đối thoại thẳng thắn chân thành và cộng tác lành mạnh. Vì thế Giáo Hội muốn đối thoại thẳng thắn với cộng đồng chính trị để góp phần tìm ra những giải pháp làm thăng tiến con người, giúp phát triển con người toàn diện cả về đời sống vật chất và đời sống tâm linh. Sứ vụ này đòi hỏi chúng ta phải học hỏi, quảng bá và có cả những chấp nhận trả giá. Tuy nhiên, do bối cảnh ra đời của UBCL & HB khiến nhiều người hiểu nhầm mục đích hoạt động của tổ chức. Thường đồng nhất những hoạt động đòi Công lý & Hòa bình với việc làm mang tính chính trị.

Tiếp đó, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh phát biểu về những suy nghĩ, thao thức của ngài về sứ vụ của Ủy ban CL&HB. Đức cha Giuse chia sẻ: UBCLHB được thành lập trong một bối cảnh rất nhạy cảm của xã hội Việt Nam, vì thế đã có nhiều ngộ nhận. Hội thảo về chủ quyền biển đông của UB dự định diễn ra ở Sài Gòn đã không được thực hiện trong năm qua là hệ quả của sự ngộ nhận đó. Công lý và hòa bình bị liên kết với vấn đề chính trị nên có nhiều rắc rối xẩy ra. Tôi mong muốn phía chính quyền cũng như những thành phần ngoài Giáo Hội công giáo nên nghĩ đó là một sinh hoạt nằm ngoài lãnh vực chính trị, nhưng muốn được cùng với cộng đồng chính trị tham gia những hoạt động mang lại thiện ích chung, ngõ hầu đưa ra nhiều giải pháp hữu ích cho Giáo Hội và xã hội trong bối cảnh có nhiều biến động như hôm nay. Giáo Hội không muốn thay thế chính quyền dân sự. Ngày hôm nay, do cố ý hay vô ý, do chưa được chuẩn bị để tiếp cận với những vấn đề thiết thân và nhạy cảm trong đời sống xã hội, do bối cảnh ra đời của UB nên khi đề cập đến Công lý & Hòa bình là người ta nghĩ đến việc đòi đất, đó là một cách hiểu méo mó lệch lạc cần phải được thay đổi. Kính mong Đức cha Chủ tịch trong những buổi học hỏi Giáo huấn Xã hội Công giáo sẽ triển khai và quảng diễn rõ hơn nội hàm của khái niệm Công lý và Hòa bình.

Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, trong “Lời mở đầu khóa học hỏi về Giáo huấn Xã hội Công giáo”, đã cho chúng ta thấy một bức tranh xã hội Việt Nam hôm nay với những thân phận con người “đau khổ và tàn tạ” như những người phong cùi trong Tin Mừng của thánh Máccô, chương 1 câu 40 đến 45, cần được chữa trị. Nếu nói Con người chính là con đường của Thiên Chúa và là con đường của Giáo Hội thì những con đường đó “đang bị tàn phá, hủy hoại, cong queo, lồi lỏm, xấu xí” dưới sức nặng quá tải của một xã hội bị băng hoại về đạo đức luân lý. Báo Tuổi trẻ số ra ngày 24/12/2011 nêu rõ: Trong số 22 triệu hộ dân, có tới 3 triệu hộ sống trong mức nghèo khổ cùng cực và 1,6 triệu hộ sống trong mức cận nghèo. Có 10 triệu người Việt Nam mắc bệnh tâm thần từ nhẹ đến nặng, trong đó có 1% cần phải chữa trị tích cực. Có 6 triệu người khuyết tật thuộc 13 dạng tật khác nhau, gần 300 ngàn người nhiễm HIV/AIDS, 200 ngàn người nghiện ma túy, gần 10 triệu người nghiện rượu bia thuốc lá trong số 24 triệu người uống rượu và 33 triệu người hút thuốc. Trong số 24 triệu người truy cập internet, mỗi ngày có gần 10 triệu người chơi game trực tuyến. Từ tháng 7 năm 2007 đến nay, Việt Nam đứng đầu thế giới về số lượng người truy cập phim sex, mỗi người có hơn 5 triệu người những phim ảnh đồi trụy, tinh thần trong sáng bị hủy hoại, từ đó dẫn đến bao nhiêu hậu quả tai hại trong xã hội. Cũng trên báo Tuổi trẻ, số ra ngày 09/03/2011, nêu lên một con số thống kê xã hội học: 38% thanh niên và 43% người lớn sẵn sàng vi phạm nguyên tắc liêm chính để được nhận vào một trường hoặc công ty tốt. Đó là tình trạng của “con đường” mang tên Việt Nam được nêu ra để các học viên cùng tham gia thảo luận, đưa ra cách sửa chữa theo GHXHCG.

Trước những rạn vỡ đe dọa sự đổ nát của bao cơ chế xã hội, dưới ánh sáng đức tin, chúng ta thấy việc thúc đẩy cho một nền CL & HB được hiện thực hóa sẽ có tác động tích cực đến đời sống xã hội.

Tiếp đến, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp giới thiệu tổng quát về UBCL & HB. Ngài trình bày khái lược về UBCL & HB, theo đó, UBCL & HB có mối tương quan vừa mật thiết vừa mang tính cơ chế với Hội đồng Giáo hoàng CL & HB, đồng thời gắn chặt với GHXHCG. Đức cha Phalô nêu nguồn gốc hình thành, Mục đích và Sứ vụ, cũng như Cơ cấu và các Lĩnh vực hoạt động của HĐGH CL & HB

Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình tập trung vào 3 lĩnh vực hoạt động chính: Công bằng, Hòa bình và Nhân quyền. Để có một xã hội an bình & hạnh phúc, điều kiện thiết yếu là phải có Công bằng: Công bằng giao hoán và Công bằng phân phối. Tất cả nhằm đảm bảo cho con người sống đúng với phẩm giá của mình. Hòa bình là kết quả của nỗ lực không ngơi nghỉ của cộng đồng thế giới nhằm xây đắp cho một viễn cảnh tươi đẹp hơn của nhân loại. Muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh, đã một thời người ta ngộ nhận đưa ra phương cách kiến tạo hòa bình như vậy, nhưng nếu cứ chuẩn bị cho chiến tranh sẽ không bao giờ có hòa bình, chính vì thế ĐGH Gioan XXIII đưa ra mệnh đề muốn có hòa bình phải thay đổi chính cách tư duy của chúng ta về phẩm giá, nhân vị con người. Tháng 10/1962, cuộc khủng hoảng hỏa tiễn giữa Mỹ và Cu ba đưa thế giới đến cận kề một cuộc thế chiến, trong bối cảnh đó, Đức Jean XXIII đã đưa ra những phương cách góp phần kiến tạo nền hòa bình cho thế giới. Đó là phải tìm kiếm nền Công lý, nhưng Công lý phải đi với tình thương, nếu không sẽ đưa xã hội đến chỗ chỉ có sự lạnh lùng chết cứng của Công lý mà vắng bóng tình thương. Công lý phải được bén rễ trong và trên cơ sở của tình yêu. Nhân quyền là lĩnh vực hoạt động mang nhiều sắc thái quan điểm khác nhau trong mỗi cơ cấu quốc gia, khởi đi từ luận điểm Con người mới là mục đích, tất cả chỉ là phương tiện: “Ngày Sabát vì con người chứ không phải con người vì ngày Sabát”, chúng ta ý thức được rằng Nhân quyền là một đề tài hết sức quan trọng.

Đức cha Phaolô nêu lên một vài quan điểm làm nền tảng, cơ sở cho sự ra đời của UBCL & HB nhằm hóa giải những ngộ nhận đáng tiếc đang tồn tại trong xã hội và Giáo Hội. Ngay từ khi ra đời UBCL & HB đã bị đồng nhất với một tổ chức “đòi đất” và lên tiếng cho chủ quyền biển Đông. Chúng ta phải hiểu rằng, GHXHCG đưa ra cũng không chủ trương làm chính trị theo nghĩa hẹp và cũng không thuộc lãnh vực chính trị, nó là sự vận dụng thần học vào lĩnh vực xã hội. GHXHCG luôn soi sáng những vấn đề mới mẻ bằng ánh sáng bất biến của Tin Mừng. Nhìn vào hiện trạng xã hội Việt Nam hôm nay, đó là vấn đề quyền tư hữu về đất đai của người dân không được thừa nhận. Cần lấy GHXHCG để soi rọi vào những góc khuất này, mảnh đất màu mỡ cho những quan tham tồn tại, để người dân được hưởng những quyền lợi xứng đáng trên phần đất mình đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu để có được. Lợi ích nhắm đến cho những người dân cụ thể, gắn với sinh mạng của họ, chứ không phải là lợi ích của tập thể chung chung, của ý thức hệ, của Nhà nước như một bức bình phong để những cá nhân có chức quyền thủ lợi. Luận điệu nhờ những hy sinh của bao anh hùng ngã xuống dưới sự lãnh đạo của đảng CS để bảo vệ chủ quyền và giành được độc lập nên mới có mảnh đất hình chữ S an bình như hôm nay, nên đất đai phải là sở hữu toàn dân, sở hữu Nhà nước, do NN thống nhất quản lý, là một lập luận không phù hợp với bối cảnh xã hội hôm nay.

Đức cha Phaolô đã nêu ra hai phương pháp nghiên cứu nhằm áp dụng hữu hiệu GHXHCG vào trong đời sống thực tiễn của xã hội và Giáo Hội. Đó là phương pháp và phương pháp quy nạp diễn dịch. Nhưng nếu đi từ những sự kiện phổ quát, mang tính nguyên tắc để áp dụng cho đời sống xã hội, tức là sử dụng phương pháp diễn dịch, thì thường mang tính phiến diện, bỏ qua những hiện trạng cụ thể với những điều kiện cụ thể của từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể của xã hội ấy. Nếu áp dụng phương pháp quy nạp, tức là đi từ những cái manh mún, lẻ tẻ đến cái phổ quát, mang tính nguyên tắc, nghĩa khởi đi từng điều kiện, hiện trạng cụ thể của xã hội để nhận diện, đánh giá, lượng định và phê phán thực tại xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng, và dấn thân hoạt động trên cơ sở nguyên tắc của Tin Mừng, của GHXH của Giáo Hội, thì mới có tính khả thi và mong mang lại hiệu quả hơn. Tuy nhiên, theo Đức cha Phaolô: chúng ta không chấp nhận dừng lại ở hành động nhưng phải có ước mơ. Ước mơ chắp cánh cho tương lai, và cứ thế, như một hình xoáy trôn ốc của sự phát triển, vì Cuộc đối thoại giữa đức tin & xã hội có mối quan hệ biện chứng, ước mơ sẽ nâng tầm Xem – Xét – Làm. Cứ thế theo từng cấp độ tiến triển sẽ mở ra những đường hướng mới mẻ hơn.

Cha Giuse Maria Lê Quốc Thăng giới thiệu tóm lược về Cuốn Học thuyết Xã hội Công giáo. Chữ chính yếu trong cuốn Cuốn Học thuyết Xã hội Công giáo là “Con Người”. Tập trung căn bản nhất của cuốn sách là nói về Con Người. Vậy để hiểu HTXHCG phải khởi đi từ con người.

Con người được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, trong công trình yêu thương của Ngài. Được sinh ra từ Thiên Chúa nên con người chỉ có thể khám phá ra cứu cánh, ý nghĩa của đời người khi biết đối diện với Thiên Chúa. Với công trình tạo dựng, con người phát sinh từ Thiên Chúa, nhưng với công trình cứu độ con người được mời gọi phải trở về với Thiên Chúa.

Như vậy con người được mời gọi sống chiều kích hướng thượng về với Thiên Chúa. Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ trong định chế hôn nhân, vì thế Thiên Chúa muốn con người sống trong các mối tương quan: con người là một hữu thể có tương quan. Do đó, trong hành xử, con người phải biết tôn trọng nhân vị của nhau. GHXHCG giúp chúng ta hiểu ra được những nguyên tắc căn bản trong cung cách hành xử như Liên đới, Công bằng. Nhưng là một hữu thể có Tương quan, nên không ai là một ốc đảo, mỗi người có một ơn gọi riêng, sống trong sự Bổ trợ cho nhau. Đó là 4 nguyên tắc căn bản của HTXHCG giúp chúng ta hành xử đúng đắn trong các mối tương giao nhân vị trong cộng đồng xã hội.

Khởi đi từ tương quan vợ chồng, con người mở rộng những tương quan khác. Vì thế bắt đầu từ gia đình, môi trường đầu tiên thiết lập các tương quan căn bản, GHXHCG trình bày về Gia đình như là chiếc nôi mà qua đó Thiên Chúa thông ban sự sống cho con người.

Gia đình là tế bào của XH và Giáo Hội, là viên gạch xây nên tòa nhà XH và Giáo Hội. Con người sống hợp quần với nhau trong cộng đồng xã hội, vì thế con người có trách nhiệm làm thăng tiến xã hội trong công bằng và sự thật.

Con người được định vị trong không-thời gian nhất định, ta đang sống trên trái đất, trở về với Thiên Chúa cũng từ trái đất này. Trái đất, nơi có những công trình kỳ diệu của Thiên Chúa, con người cần biết bảo vệ môi trường sống của mình: môi trường sinh thái, môi trường văn hóa…

Tóm lại, HTXHCG trình bày một lược đồ trong đó con người ở tâm của vòng tròn, từ đó có những vòng tròn khác: gia đình, cộng động, đời sống môi sinh (trái đất). Cụ thể là các chương được trình bày như sau:

Chương I: Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa khi tạo dựng con người.
Chương II: Trình bày HTXHCG
Chương III: Con người và Nhân quyền (Nguyên tắc Nhân vị)
Chương IV: Các nguyên tắc của HTXHCG (Cha Hưởng sẽ có tham luận trình bày cụ thể)
Chương V: Gia đình – Tế bào sống động của xã hội
Chương VI: Lao động của con người


Con người là đỉnh cao và là trung tâm của công trình tạo dựng. Thiên Chúa đã trao phó công trình tạo dựng để con người biết phát huy và làm tăng triển các công trình đó như một cách cộng tác vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Vì thế con người phải có bổn phận lao động. Nó không phải là sự khổ dịch cho con người, cũng không phải là án phạt do tội nguyên tổ… Vì thế cần có những định chế đảm bảo quyền được lao động để con người có được cuộc sống xứng với phẩm giá của mình. Đây cũng là một trong những tiêu chuẩn đánh giá về mặt nhân quyền. Các chính phủ cần biết tạo lập công việc làm cho người dân và đấu tranh chống lại tình trạng bóc lột lao động, đặc biệt là tình trạng bóc lột sức lao động trẻ em.

Chương VII: Đời sống kinh tế

Nhờ lao động, con người tạo ra của cải, làm phong phú đời sống xã hội. Nhưng khi gia tăng thu nhập, có của cải tích lũy cũng kéo theo hiện tượng làm gia tăng hố phân cách giàu nghèo. Thực tế trên thế giới có những cuộc khủng hoảng thừa, sản phẩm làm ra đem đổ đi vì không đảm bảo giá cả tương xứng với công sức sản xuất. Tuy nhiên, chỉ tập trung vào lợi nhuận và đem đổ những sản phẩm mình làm ra nhằm duy trì ổn định giá cả thì vô hình trung cũng tạo ra sự bất công trong đó.

Chương VIII: Cộng đồng chính trị

Chính trị được trình bày theo hai nghĩa. Nghĩa hẹp là đề cập đến những hoạt động của các Đảng phái. Nghĩa rộng là những hoạt động liên quan đến toàn bộ đời sống con người trong một cơ cấu tổ chức xã hội. Giáo Hội không chủ trương làm chính trị theo nghĩa hẹp. Thánh Phaolô: Thiên Chúa giao cho tôi làm trung gian giao hòa giữa con người với Thiên Chúa, giữa con người với con người. Giáo Hội luôn cổ võ cho việc dấn thân hoạt động chính trị theo nghĩa rộng. Enzio Mauro và Paolo Mieli, hai đặc phái viên của tờ La Stampa, một trong những nhật báo lớn nhất ở Ý, đã xin phép được phỏng vấn Đức Giáo Hoàng: “Kính thưa Đức Thánh Cha, người ta đồn rằng Đức Thánh Cha làm chính trị, Đức Thánh Cha nghĩ sao?”. “Tôi nghĩ rằng không thể hiểu chính trị theo nghĩa hẹp. Nhiệm vụ của Đức Giáo Hoàng là rao giảng Phúc Âm, nhưng trong Phúc Âm có con người. Sự tôn trọng đối với con người, tức là nhân quyền, tự do lương tâm và tất cả những gì thuộc về quyền sống xứng đáng của con người. Nếu tất cả những điều đó có một giá trị chính trị, thì đúng Đức Giáo Hoàng có làm chính trị. Nhưng Ngài luôn luôn đề cập đến con người, Đức Giáo Hoàng bênh vực con người” (Ezio Mauro e Paolo Mieli, “Giovanni Paolo” II, La Stampa 04.03.91, p.2).

Chương IX: Cộng đồng quốc tế

Các quốc gia, sau thế chiến 2, đã có những lộ trình tiến tới các quan hệ bang giao song phương, đa phương để tìm ra những giải pháp mang tính toàn cầu. Thế giới bây giờ đi theo xu hướng cộng tác, liên đới với nhau, và khái niệm toàn cầu hóa ra đời trong bối cảnh đó. Những yếu tố tích cực hay tiêu cực của nó cũng phát sinh theo. Chương này cho chúng ta những định hướng xây dựng một thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa.

Chương X: Bảo vệ môi trường

Công trình tạo dựng Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta, mỗi người cần nỗ lực bảo vệ. Việt Nam chúng ta đang đối diện với những thảm họa của môi trường. Môi trường sống ở nông thông, nông dân đang là một vấn nạn lớn do phát triển không có định hướng.

Chương XI: Cổ vũ hòa bình

Tính liên đới giữa con người với con người ngày càng được đề cao, vì thế việc tôn trọng nhau phải được bảo đảm, đó là lý do Giáo Hội cổ vũ nền hòa bình.

Chương XII: Kết luận: Vì một nền văn mình tình yêu

Sau khi trình bày các thực tại của con người và xã hội, Giáo Hội phải có trách nhiệm như thế nào? Chương này nói lên các hoạt động của Giáo Hội nhằm cổ võ cho việc tiến tới xây dựng một nền văn minh tình thương.

Tiếp đến Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn đã điểm qua những hoạt động của UBCL & HB trong năm vừa qua. Ngày 01 tháng 01 năm 2011 HĐGM VN bổ nhiệm cha Antôn làm Tổng thư ký UBCL & HB:

- UB đã soạn thảo quy chế hoạt động.
- Có 18/26 giáo phận đã thành lập Ban CL & HB và có linh mục phụ trách.
- UB đã có trang Web: conglyvahoabinh.org
- Phiên bản mới của UB là clhb.org
- Tổ chức các lớp học hỏi GHXH của Giáo Hội ở nhiều nơi.
- Lễ ra mắt chính thức của UB ngày 27/05/2011
- Đào tạo nhân bản: Hướng dẫn giúp các nạn nhân của đối tượng nghiện film sex, game online… lấy lại sự thăng bằng tinh thần để sống tốt hơn.
- Bảo vệ môi trường.

BUỔI CHIỀU cùng ngày, bắt đầu từ 13 giờ 30. Các thuyết trình viên giới thiệu 4 Nguyên tắc trụ cột của Giáo huấn Xã hội Công giáo.

Cha Ernest Nguyễn Văn Hưởng nói về Nguyên tắc thứ nhất của Học thuyết Xã hội Công giáo: Nhân vị và Nhân quyền. Nhân quyền và những hệ lụy của nhân quyền trong đời sống xã hội Việt Nam hôm nay.

Mọi cuộc đối thoại với tha nhân phải khởi đi từ phẩm giá con người. Vậy con người là gì? Con người là một con vật có lý trí. Nhưng theo định nghĩa này thì người mất trí lại là con vật. Nhân vị, hiểu đơn giản là mỗi cá nhân trong xã hội. Nhân vị là cá nhân có ý thức và tự do. Con người, ngay từ nhỏ đã được dạy để ý thức mình là ai? Nói tới cá nhân nhưng không phải cá nhân biệt lập, nhưng nói cá nhân trong tương quan với ai. Nói cách khác nhân vị không có nghĩa là biệt lập nhưng hướng đến tha nhân. Khái niệm phục hồi nhân phẩm là một cách nói hàm hồ và hiểu sai về nhân phẩm. Nhân phẩm là những giá trị phản ánh và tạo nên phẩm chất của từng cá nhân. Mỗi người đều mang những giá trị nhất định. Người chà đạp nhân phẩm người khác, xúc phạm danh dự người khác thì chính người có hành vi hành hạ xúc phạm đó là người mất nhân phẩm. Chính quân dữ mới là những kẻ mất nhân phẩm chứ không phải Đức Giêsu. Người mẹ hành hạ con thì chính người mẹ mới là mất nhân phẩm chứ không phải đứa con.

Giáo lý HTCG coi con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta tôn trọng con người vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa chứ không tôn trọng con người vì con người là con vật có lý trí. Con người là một thể thống nhất hồn-xác. Con người bước ra khỏi mình để hướng tới vô biên và hướng tới tha nhân. Con người độc nhất không thể sao chép và không thể xâm phạm. Con người tự do hướng về điều thiện hảo đó là lý chứng để nói con người giống Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa.

Ngày nay, ở một vài nơi, người ta coi con người như một đồ vật nên nên có hiện tượng đem mua bán trao đổi con người như một món hàng. Chế độ nô lệ là một ví dụ điển hình, và hình thức nô lệ tình dục và buôn bán phụ nữ ngày nay là một sự lặp lại của hành động man rợ đó.

Khởi đi từ những giá trị nhân phẩm bất khả nhượng của con người chúng ta mới có cách đối xử với con người đúng như một con người. Ai không tôn trọng con người tức là không tôn trọng phẩm giá con người và không tôn trọng chính con người đó. Giáo Hội chống phá thai vì Giáo Hội coi thai nhi như một con người.

Ngày nay có những người tìm đến cái chết như một giải pháp cho vấn đề. Người già cả không còn lao động, sống như thừa thải, xin bác sĩ cho một liều thuốc an tử…

Đang tồn tại một khoảng cách khá xa giữa chữ viết và tinh thần. Lúc nào, ở đâu người ta cũng nói về nhân quyền nhưng thực tế phương thế bảo đảm cho quyền con người được thực thi là rất hạn chế. Ngay trong Giáo Hội cũng thường xảy ra hiện tượng này. Không có đối thoại, không có bàn luận trao đổi để nhằm tháo gỡ vấn đề.

Giáo Hội luôn mời gọi mọi thành phần dân Chúa dấn thân rao giảng Tin Mừng bằng cách quảng bá học thuyết xã hội của Giáo Hội. Một cá nhân sống tốt, một cộng đoàn tốt… là cách giới thiệu Tin Mừng hữu hiệu nhất.

Nữ tu Maria Trần Thanh Lương trình bày về Nguyên tắc Công ích và Nguyên tắc Bổ trợ qua các Thông điệp Tân sự, Thông điệp Mẹ và Thầy, Thông điệp Hòa bình trên thế giới, các Văn kiện Công đồng Vatican II. Khát vọng, mong muốn và mục đích của GHXHCG chính là CON NGƯỜI.

Ông Tạ Đình Vui trình bày về Chương V cuốn Tóm lược GHXHCG: Gia đình – Tế bào đem sự sống cho xã hội. Chúng ta biết, gia đình (GĐ) là chủ thể tích cực tham gia đời sống xã hội (XH). Nó như trái tim bơm máu, tiếp sức cho cơ thể xã hội. Cơ sở nào để khẳng định điều này? Đó chính là kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.

Nó giống như một thân thể được đứng vững trên đôi chân mạnh khỏe của Hôn nhân và bản chất xã hội của gia đình xét như là Chủ thể xã hội. Trên cơ sở đó, GĐ tham gia vào đời sống xã hội và được XH hỗ trợ. GĐ là một xã hội tự nhiên và là tâm điểm của đời sống XH, đó là kế hoạch của Thiên Chúa. GĐ đón nhận sự sống và truyền thông sự sống. GĐ là mái ấm tình thương, là chiếc nôi xã hội. GĐ nhận và cho sự sống trong xã hội để cùng với Thiên Chúa làm phong phú và tươi đẹp hơn bộ mặt xã hội.

Vì thế chúng ta dễ thấy tầm quan trọng của GĐ đối với con người và XH. Với một con người phát triển đúng nghĩa là người, cần khẳng quyết rằng không ai mà không có GĐ, được sinh ra từ một GĐ. Con người cần biết nhận và cho, như mối tương tác biện chứng để con người phát triển một cách toàn diện. Thực tế chúng ta thấy tình trạng khó khăn hòa nhập vào đời sống xã hội đối với những đứa con một, vì nó chỉ quen nhận mà không biết cho. Ích kỷ nảy sinh từ đó. Như một ông vua trong mô hình 4-2-1: Ông bà nội ngoại (4), cha mẹ (2) và đứa con (1) ở giữa như vị hoàng đế, nó lớn lên trong nuông chiều, không biết hy sinh vì người khác. Vì thế, một xã hội tốt là phải biết bảo đảm cho con người thoát khỏi lối sống cá nhân chủ nghĩa. Nhưng XH phong kiến xưa, trong GĐ quyền hành của người cha là tối thượng: “Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu”, thì nhân vị con người lại bị xem nhẹ. Cả hai đều rơi vào hai thái cực không tốt cho con người và XH.

Hôn nhân, theo Kitô giáo là một Bí tích, là nền tảng của GĐ. Nó đặt nền tảng cho sự chọn lựa tự do. Hôn nhân được định hướng cho việc sinh con, nhưng không nên giảm thiểu chức năng của HN với chỉ mục đích sinh sản con cái. HN còn nhắm đến việc giáo dục con cái như một mái trường đầu tiên đào tạo nên con người với đầy đủ ý nghĩa của chữ người.

Ngày nay, GĐ đang đứng trước những tác động tiêu cực của nhịp sống và quan niệm sống hiện đại. Giá trị tốt đẹp của đạo đức truyền thống đã bị giới trẻ coi nhẹ. Mối dây liên kết giữa các thế hệ trong GĐ bị đứt. Trong khi đó người trẻ bị ném ra một xã hội phi chuẩn trong cung cách hành xử, cha mẹ chỉ lo kiếm tiền, làm giàu. Hệ quả là người trẻ lớn lên với một vóc dáng chênh vênh, mang đầy những khuyết tật tinh thần. Vì thế, GĐ và XH luôn luôn phải có những tương tác trong vấn đề giáo dục con người. Đây là mối quan hệ mang tính biện chứng của sự phát triển. XH phải tạo điều kiện cho GĐ phát huy những chức năng của mình.


Ngày thứ nhất của Khóa học hỏi về Giáo huấn Xã hội Công giáo kết thúc lúc 16 giờ 45 phút. Đây là khóa học mở ra “nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều người trong cộng đồng Dân Chúa muốn UB sẽ có những hoạt động cụ thể đem lại Công lý và Hòa bình cho những người dân thấp cổ, bé miệng, bảo vệ quyền lợi cho dân nghèo trước những áp bức và bất công trong xã hội… Vì thế UB tổ chức một khóa học hỏi Giáo huấn Xã hội Công giáo đầu tiên, kéo dài 2 ngày, để giới thiệu một số điểm cơ bản trong GHXHCG nhằm giúp các thành viên và tình nguyện viên trong Ban CL & HB hiểu thêm và định hướng được hoạt động của mình”.

Thanh Thủy
Những ghi nhận trong ngày đầu Khóa học hỏi về Giáo huấn Xã hội Công giáo của giáo tỉnh Hà Nội tổ chức tại TGM Thanh Hóa Reviewed by Admin on 2/15/2012 Rating: 5 Lamhong.org - Sáng hôm nay, đúng 8 giờ ngày 13/02/2012, tại Hội trường TGM Thanh Hóa đã khai mạc Khóa học hỏi về Giáo huấn Xã hội Công giá...

Không có nhận xét nào: