Vai trò trần thế không thể thay thế của người tín hữu giáo dân - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
18 tháng 2, 2012

Vai trò trần thế không thể thay thế của người tín hữu giáo dân

NGUYỄN HỌC TẬP(TNCG) - I - Vai trò không thể thay thế của người tín hữu giáo dân.

1 - Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong phần đầu của Tông Điệp "Người tín hữu giáo dân của Chúa Kitô" (Christifideles laici) đã đề cập đến vai trò không thể thay thế của người tín hũu giáo dân trong các lãnh vực trần thế như sau:

- "Trong thời điểm huy hoàng và thảm đạm nầy của lịch sử, trước ngàn năm thứ ba đang đến, những hoàn cảnh mới, đối với Giáo Hội cũng như xã hội, chính trị và kinh tế, hiện nay đòi buộc với một động lực đặc biệt tác động của các người tín hữu giáo dân. Nếu thái độ dững dưng buông trôi lúc nào cũng có thể bị coi là cách hành xử không thể chấp nhận được, thì trước thời điểm hiện tại thái độ đó là thái độ phạm tội. Không ai được phép ăn không ngồi rồi phủi tay, điềm nhiên toạ thị" (ĐTC Gioan Phaolồ II, Christifideles laici (30.12.1988), n. 3).

Giải thích một cách nôm na câu văn vừa kể của Thông Điệp: người tín hữu giáo dân trưởng thành cần phải dấn thân rao giảng Phúc Âm và đem phục vụ Kitô giáo vào trần thế.

Nói cách khác, không có người tín hữu giáo dân trưởng thành và dấn thân, hiện nay Giáo Hội không thể hiện diện được giữa trần thế với các động tác, để chu toàn sứ mạng rao giảng Phúc Âm của mình.

Nói như vậy không có nghĩa là từ nay Giáo Hội có thể rao giảng Phúc Âm không cần có hàng giáo phẩm, mà là một nhận thức đức tin trưởng thành, để truyền bá Phúc Âm trong môi trường đổi mới của thế giới hiện tại.

Nhận thức trên nói lên xác tín của mọi thành phần Giáo Hội đều có bổn phận

- "tham dự vào lãnh vực trần thế, là phận vụ phát xuất từ bản tính nội tại và sứ mạng của mình" (ĐTC G. Phaolồ II, Christifideles laici, n. 15).

Điều vừa kể về bổn phận hiện diện giữa trần thế của Giáo Hội đưa đến một kết luận quan trọng:

- trần thế không phải là nơi lưu đày cần phải thoát ly, vượt ngục, trốn chạy,

- mà là một "không gian thần học", nơi mà mọi tín hữu Chúa Kitô, nhứt là người tín hữu giáo dân, đều được mời gọi sống và tác động để rao giảng và nhân chứng cho ơn cứu rổi của Chúa Kitô.

Người tín hữu giáo dân có bổn phận đặc biệt trong phận vụ tác động đó của cả Giáo Hội:

- "Hình ảnh Phúc Âm về muối, ánh sáng và men bột, mặc dầu liên hệ đến bất cứ thành phần nào đối các môn đệ Chúa Giêsu, nhưng nói lên ý nghĩa áp dụng cá biệt đối với người tín hữu giáo dân. Đó là những hình ảnh mang những ý nghĩa huy hoàng, bởi vì nói lên không những người tín hữu giáo dân là những người được hội nhập sâu đậm vào đất đai, vào trần thế, vào cộng đồng nhân loại, mà còn và nhứt là nói lên điều mới mẻ và đặc sắc của cộng cuộc hội nhập và tham dự của họ để phổ biến Phúc Âm cứu rỗi" (ĐTC G. Phaolo II, Christifideles laici, n. 15).

Người tín hữu giáo dân, mặc dầu với đặc tính trần thế của mình (Gioan XXIII, Mater et Magistra, n. 239), không phải là một cơ thể tách biệt, một tế bào lơ lửng trôi đó trôi đây trong cơ quan thân thể Giáo Hội.

Người tín hữu giáo dân không nhận lãnh lệnh dấn thân phục vụ xã hội và chính trị do Giám Mục hay Cha Sở "ủy thác" cho, mà lãnh nhận sứ mạng trực tiếp từ Chúa Giêsu trong Phép Rửa.

Ơn gọi sống và tác động giữa trần thế của họ là ợn gọi bẩm sinh, được củng cố thêm bằng Phép Thêm Sức và mỗi ngày lớn lên bằng Phép Thánh Thể, đặt người tín hữu giáo dân có địa vị và quyền hạn đầy đủ trong cộng đồng Giáo Hội.

Trong mối hiệp thông giữa các thành phần trong cộng đồng Giáo Hội với nhau, không có sự phân biệt về địa vị và trách nhiệm đối với sứ mạng chung của Giáo Hội:

"Một vài thành phần do ý muốn của Chúa Giêsu được thiết lập thành tiến sĩ, kẻ khác phân phát các Bí Tích , cũng như mục tử cho người khác, nhưng vẫn luôn hiện hữu quyền bình đẳng về địa vị và động tác chung đối với mọi tín hữu trong việc xây dựng thân thể Chúa Kitô" (Lumen Gentium, n. 32).

2 - Phận vụ tổng hợp của người tín hữu giáo dân.


Trở lại vai trò của người tín hữu giáo dân, chúng ta thấy được họ là những người có vai trò "tổng hợp".

Trước hết, trong cuộc sống cá nhân của mình, người tín hữu giáo dân là người tổng hợp
- giữa đức tin và cuộc sống lịch sử trần thế,

- giữa đức tin và văn hoá,

- giữa đức tin và chính trị, mà chính Giáo Hội cũng phải hành xử tương tợ để có thể "hiện diện" rao giảng Phúc Âm giữa trần thế.

- "Nhân chứng huy hoàng và có sức thuyết phục của sức mạnh có khả năng chuyển đổi của Phúc Âm là sự tổng hợp sống động mà người tín hữu giáo dân biết thực hiện giữa Phúc Âm và cuộc sống thường nhật" (ĐTC G. Phaolồ II, Christifideles laici, n. 34).Cũng vậy nhân chứng có khả năng thuyết phục của một nền văn minh mới mẻ đặt nền móng trên tình thương mà Giáo Hội có thể thực hiện được là

- khả năng tổng hợp giữa Lời Chúa và cuộc sống,

- giữa rao giảng Phúc Âm và thăng tiến con người,

- giữa tình thương đối với Chúa và phục vụ anh em.

Bổn phận không ai có thể thay thế được đó là bổn phận của người tín hữu giáo dân, đem ra thực hành những gì hàm chứa trong huấn vụ xã hội của Giáo Hội.

Chỉ có thể qua người tín hữu giáo dân, mà Giáo Hội hiện diện được đầy đủ và hiệu nghiệm nơi trong các lãnh vực trần thế, và thực hiện được trung thành sứ mạng mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho, khi Người lập Giáo Hội: loan báo và thực hiện ơn cứu rỗi bằng rao giảng Phúc Âm và thăng tiến con người.

II - Vai trò người tín hữu giáo dân trong chính trị.

a) Chưa bao giờ Giáo Hội nhấn mạnh đến việc người tín hữu giáo dân cần thiết phải hiện diện và hiện diện năng động, kể cả chủ động, trong lãnh vực xã hội và chính trị như hiện nay.

Giáo Hội luôn luôn nhắc đi nhắc lại và nói một cách rõ ràng việc cần thiết người tín hữu giáo dân trung thực biến đổi, chuyển hóa các nội dung huấn dụ xã hội, mà Giáo Hội đã liên tục huấn dạy trên 100 năm nay, thành thực hành, biến xã hội con người đang sống thành tổ chức một "xã hội tình thương".

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolồ II đã khuyến khích người tín hữu giáo dân phải hiện diện tích cực, năng động và chủ động trong lãnh vực xã hội và chính trị, ngay cả việc dấn thân vào các lãnh vực vừa kể, lãnh vực của những ai hành xử công quyền, có thể là môi trường và cơ hội cho nhiều nguy hiểm lệch lạc luân lý:

- "Người tín hữu giáo dân không thể vắng bóng trong việc tham dự vào chính trị (...).Những tố cáo cho rằng làm chính trị là làm để được thành đạt, lấy quyền bính làm thần tượng, là môi trường đầy tham nhủng (...) hay ngay cả ý kiến cho rằng (...) chính trị là môi trường chắc chắn sẽ đưa đến nguy hiểm luân lý. Tất cả những suy nghĩ đó không cách gì có thể biện minh cho tâm trạng tiêu cực, cũng như cho "thối thoát vắng bóng" của người tín hữu Chúa Kitô trong công việc chung" (ĐTC G. Phaolồ II, Christifideles laici, n. 42).

Lý do tại sao Giáo Hội luôn luôn mời gọi khẩn thiết và nhấn mạnh sự hiện diện không thể thiếu của người tín hữu giáo dân trong chính trị?

a) Chuỗi thứ nhứt của các lý do, đó là những thay đổi sâu đậm về xã hội trong thời đại chúng ta.

Những cuộc thay đổi và khủng hoảng của thế giới hiện đại trực tiếp kêu cứu đến Giáo Hội, đến suy tư và động tác của các tín hữu trong Giáo Hội.

Công Đồng Vatican II đã nhiều lần nhấn mạnh đến ảnh hưởng của Giáo Hội liên quan đến các hoàn cảnh lịch sử và đến các biến chuyển xã hội ,văn hoá:

- "Giáo Hội cùng bước đi với cả nhân loại và có kinh nghiệm cùng chung số phận với thế giới" (Gaudium et Spes, n. 41).

Bức tường Bá Linh đã sụp đổ, vừa đánh dấu biến cố phá sản của ý thức hệ cuối cùng còn sót lại của thế kỷ 18. vừa báo động cho chúng ta biết những thử thách luân lý của thế kỷ 20 mà chúng ta còn đang nắm trong tay.

Giải quyết vấn đề, liên quan đến một tương lai tươi đẹp hơn cho nhân loại, hệ tại ở việc chuyên cần, dấn thân canh tân hoá xã hội và chính trị, có khả năng giải đáp thoả đáng các liên quan luân lý của những khúc mắc cần được giải quyết.

Hiện nay không ai còn ngây thơ cho rằng một xã hội lý tưởng mới được phát sinh chỉ là kết quả của phương thức tổ chức hiệu năng và hữu hiệu kinh tế, luật pháp hay quân sự.

Tất cả chúng ta đều xác tín rằng, tương lai ngày mai sẽ sáng lạng hơn, cùng chung với việc thay đổi và thích hợp hơn các phương thức cấu trúc cho cuộc sống chung, nếu chúng ta thực hiện được những thay đổi về tâm thức và lối sống, được hướng dẫn bằng những thay đổi theo những giá trị chính xác luân lý và tôn giáo.

Nhìn lại thế kỷ 20 vừa qua đi, chúng ta thấy những gì đã xảy ra, chứng thực một cách thảm đạm và chính xác những gì Đức Giáo Hoàng Phaolồ VI đã tiên đoán:

- "Con người chỉ có thể thực hiện được chính mình, bằng cách siêu nhiên hoá chính mình (se transcendendum)...Dĩ nhiên, con người có thể tổ chức cuộc sống trần gian không cần có Chúa, nhưng không có Chúa, thế nào rồi con người cũng sẽ tổ chức cuộc sống làm hại cho chính mình" (Paolo VI, Populorum progressio, n. 42).

Giữa cơn khủng hoảng siêu nhiên và luân lý như vừa kể của cuộc sống xã hội hiện tại, làm sao người tín hữu Chúa Kitô lại có thể vắng bóng được ?

b) Giáo Hội đã trưởng thành - nhứt là nhờ Công Đồng Vatican II -, ý thức hơn về các liên hệ của sứ mạng truyền giáo của mình, sứ mạng rao giảng Phúc Âm mà mình có bổn phận đem đến cho con người liên hệ và hàm chứa bổn phận, ánh sáng và sức mạnh có thể góp phần để làm cho sinh trưởng ra một xã hội mới, công bằng hơn, thân hữu và liên đới hổ tương hơn, yêu thương hơn cho cộng đồng nhân loại.

Ý thức hơn về sứ mạng của mình và về mối liên quan nội tại giữa rao giảng Phúc Âm và thăng tiến con người, nói lên một chuổi các nguyên cớ khác, khiến Giáo Hội hôm nay xác nhận rằng mình có quyền và bổn phận hiện diện trong xã hội con người.

Góp phần xây dựng một xã hội nhân bản hơn, liên đới thân hữu hổ tương hơn là phần thiết yếu của chính sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội.

Bởi đó càng lúc càng thường xuyên hơn, không những Giáo Hội cho biết lý do về việc huấn dạy,
- đưa ra các chỉ thị liên quan đến khuôn mẫu xây dựng một xã hội nhân bản, xứng đáng với nhân phẩm con người, con Thiên Chúa của mình,

- mà còn đưa ra những tiêu chuẩn phải có cho việc kiến tạo và thực thi xã hội lý tưởng đó.

Qua những gì vừa kể, các tiêu chuẩn mà Giáo Hội đưa ra liên quan đến việc tổ chức một xã hội tốt đep hơn cho con nguời gồm hai lãnh vực:

+) Việc lựa chọn đường lối xã hội- chính trị của người tín hữu giáo dân:

- "Người tín hữu giáo dân có bổn phận làm cho Giáo Hội thể hiện và năng động tích cực ở những nơi và trong những trường hợp, trong đó Giáo Hội không có cách nào trở thành muối cho thế gian, nếu không phải là qua chính họ" (Lumen Gentium, n.33),
nghĩa là trong những lãnh vực trần thế, để chia xẻ số phận và các vấn đề của người nghèo, của kẻ bị loại ra bên lề xã hội, bị cướp bóc, đàn áp, "trấn nước", "bịt miệng", dân oan bị đánh đập đối xử như súc vật, trong các hoàn cảnh tương phản và tranh chấp xã hội, trong lãnh vực việc làm, trong gia đình, học đường, nghề nghiệp.

+) Việc lựa chọn có tính cách tôn giáo, của cộng đồng Giáo Hội:



Chính việc lựa chọn tính cách tôn giáo của cồng đồng Giáo Hội là hình thức hiện diện thứ hai trong xã hội của Giáo Hội, hiện diện qua những ai nhờ ơn gọi được mời gọi trở thành thừa tác viên, đáp ứng lại ơn kêu gọi của mình.

Ơn gọi sống đời người tín hữu giáo dân và ơn gọi chủ chăn, thừa tác viên qua phép truyền chức, không phải là hai lối chọn lựa trái ngược nhau, cho bằng là hai cách sống bổ túc cho nhau.

Như mọi nổ lực rao giảng Phúc Âm cần được thể hiện bằng động tác phục vụ biến cải xã hội thành xã hội xứng đáng với nhân phẩm con người,

cũng vậy mọi cuộc dấn thân chuyên cần để thăng tiến con người, phục vụ dưới ánh sáng Phúc Âm, luôn luôn biến thành động tác rao giảng Phúc Âm:

- "Hành động vì công lý và tham gia cải tiến thế gian đều thể hiện rõ rệt cho chúng ta chiều hướng cấu trúc cho việc rao giảng Phúc Âm, nghĩa là sứ mạng của Giáo Hội đem ơn cứu rỗi đến cho nhân loại và giải phóng con người khỏi mọi trạng thái áp bức"
(Sinodo 1971, Documento sulla giustizzia nel mondo, Introduzione, in EV IV/1243).

Qua những tư tưởng dẫn nhập vừa được đề cập, lịch sử và thần học, Giáo Hội có thể rút ra những lý do chính cho việc nhấn mạnh mời gọi người tín hữu giáo dân dấn thân vào các lãnh vực xã hội, nhứt là lãnh vực chính trị.

III - A - Tầm vóc quan trọng của chính trị.


Có hai lý do thúc đẩy Giáo Hội nhấn mạnh đến bổn phận của người tín hữu giáo dân tích cực dấn thân vào chính trị:

a) Lý do thứ nhứt được đặt nền tảng trên vai trò quyết định của chính trị đến đời sống cá nhân và xã hội của con người, mặc cho những bất toàn và giới hạn của nó.

Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm trên bản thân những quyết định chính trị liên quan đến mình, ảnh hưởng đến đời sống cá nhân và xã hội của mình?

- Việc tăng thuế trên giá xăng dầu,

- tăng hay giảm thuế trị giá gia tăng của các sản phẩm nhu yếu,

- tăng giá phiếu khám sức khoẻ mỗi khi vào bệnh viện,

- tăng thêm hay giảm lệ phí học đường đối với con em, tùy theo lợi tức của phụ huynh,

- tăng thêm mức tuổi thối thiểu để được về hưu...

Đó là gì, nếu không phải là những quyết định chính trị, đụng chạm thẳng đến mức sống vá túi tiền của chúng ta?

Đó là chưa kể nên đánh hay làm hoà với Cam bốt, Ký thoả ước thương mãi với Hoa Kỳ và Tây Âu hay với Trung Cộng, bán đất nhượng biển cho Trung Cộng, để Trung Cộng "gật đầu" cho phép "bịt miệng" đàn áp thẳng tay những ai "hó hé" đòi dân chủ, nhân quyền, những quan niệm mà Trung Cộng chưa bao giờ có khả năng hiểu nổi ?

b) Lý do kế đến có tính cách thần học: chính trị có nguồn gốc căn nguyên được đặt trên bản thể con người và cuộc sống xã hội của con người.

Nói cách khác, chính trị được đặt nền tảng trên chính bản thể con người, trên những gì Chúa muốn cho cách sống của con người, khi Ngài dựng nên con người:

- "Dĩ nhiên là cộng đồng chính trị và công quyền có nền tảng của chúng được đặt trong bản tính của con người và do đó thuộc về trật tự đã được Chúa thiết lập" (Gaudium et Spes, n.74).

Như vậy chính trị, nếu được tổ chức và sống hành xử một cách chính đáng phải có, trong tinh thần phục vụ, thành tín và tương ứng với khả năng, là một trong những hoạt động quan trọng nhứt.

Bởi vì chính trị ảnh hưởng một cách quyết định đến cuộc sống con người và liên hệ đến các khía cạnh nền tảng của đời sống cá nhân và chung sống xã hội: gia đình, việc làm, sức khoẻ, học đường, nhà cửa và cả đến việc bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người.

Hơn nữa, nhiều quyết định chính trị ảnh hưởng quan trọng đến các thế hệ tương lai và đến vận mệnh của nhân loại, nhứt là trong viễn ảnh liên hệ toàn cầu hoá của thế giới hiện tại của chúng ta.

Còn nữa, sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, ý thức hệ không tưởng của Cộng Sản đã bị phá sản, cuộc chống đối giữa ý thức hệ Cộng Sản và không Cộng Sản không còn nữa, ít nhứt là đối với những Quốc Gia Tây Âu, (nếu không phải là những cuộc chống đối cuối cùng để đánh sập tiệm một vài nhóm lãnh đạo cố chấp nào đó, còn cố bám díu để giữ lấy quyền hành, chà đạp con người và hút máu dân)

Nhưng một khi cuộc những cuộc chạm trán ý thức hệ không còn, xã hội dễ trở thành xã hội đa nguyên và nếu xã hội đa nguyên không có được những giá trị cố định về con người hướng dẫn, xã hội sẽ trở thành bất định và dễ băng hoại.

Người tín hữu Chúa Kitô là những người mang trong mình giá trị cao cả về địa vị con người, có thể góp phần quan trọng định hướng cho xã hội.

B - Thăng tiến con người là yếu tố thiết yếu của sứ điệp Phúc Âm.

Và đây là những gì chúng ta biết được về đề tài đang bàn qua các Văn Bản

Tổng Lược Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội:

(Compendio della Dottrina Sociale della Chiesa).

N. 66: Huấn dụ xã hội là phần thiết yếu của chức năng rao giảng Phúc Âm của Giáo Hội.

Tất cả những gì có liên quan đến cộng đồng con người, đến các hoàn cảnh và vấn đề liên quan đến công lý, giải thoát, phát triển, liên hệ giữa các dân tộc, hoà binh, không phải là những gì ngoại tại không liên quan gì đến rao giảng Phúc Âm. Và việc rao giảng Phúc Âm sẽ không đầy đủ, nếu lời kêu gọi vẫn tiếp tục không liên kết nhau giữa Phúc Âm và đời sống thực tế, cá nhân và xã hội của con người.

Giữa rao giảng Phúc Âm và thăng tiến con người có những mối liên hệ sâu đậm:

- Các mối liên hệ trên bình diện nhân loại, bởi vì con người được Phúc Âm rao giảng cho không phải là một con người trừu tượng, mà là con người với các điều kiện xã hội và kinh tế thiết thực của mình.

- Các mối liên hệ trên bình diện thần học, bởi vì không ai có thể tách rời chương trình tạo dựng ra khỏi chương trình cứu rổi được. Bởi lẽ chương trình cứu rổi liên hệ đến cả những hoàn cảnh thực tại bất công cần phá đổ và hoàn cảnh thực tại công bình cần được xây dựng.

- Các mối liên hệ đặc biệt trên bình diện Phúc Âm, đó là mối liên hệ đến bác ái: thật vậy, làm sao có thể tuyên bố một điều răn mới, mà không thăng tiến công lý và hoà bình thực sự, thăng tiến thực sự làm cho con người được triển nở hoàn hảo" (ĐTC Phaolồ VI, Evangelium nuntiandi, n.31).

N. 67: "Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội tự mình đã có giá trị là một dụng cụ để loan truyền Phúc Âm" (ĐTC G. Phaolồ II, Christifideles laici, n. 31).

Và Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội luôn luôn được phát triển và canh tân giữa sứ điệp Phúc Âm và lịch sử con người.

Hiểu như vậy, chúng ta hiểu được Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội là phương thức đặc biệt để thực thi phận vụ rao giảng lời Chúa và phận vụ ngôn sứ:

- "Đối với Giáo Hội, huấn dạy và phổ biến Huấn Dụ Xã Hội thuộc về sứ mạng rao giảng Phúc Âm của mình và là phần chính yếu của sứ điệp Kitô giáo, bởi vì các huấn dụ đó cống hiến cho con người những hệ trong trực tiếp đến cuộc sống xã hội, đặt khuôn viên cho các động tác thường nhật và chiến đấu cho công chính bằng nhân chứng rằng Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế" (ĐTC G. Phaolồ II, Christifideles laici, II, n. 5). Như vậy Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội không phải là một lợi điểm hay hành động ngoại vi, thêm vào sứ mạng của Giáo Hội, mà chính là trung tâm điểm của phận vụ.
Qua Huấn Dụ Xã Hội,

- "Giáo Hội loan báo Thiên Chúa và mầu nhiệm cứu rỗi của Chúa Giêsu cho mỗi con người, và đồng thời cũng mạc khải chính con người cho con người" (id., n. 54).(Pontifico Consiglio della Giustizia e della Pace, Compendio della Dottrina Sociale della Chiesa, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticana, 2004, 35-36).

Và phận vụ đó của Giáo Hội, được thực thi không những bằng lời rao giảng, mà còn bằng cả nhân chứng.

Thượng Hội Đồng các Giám Mục năm 1987 về "Ơn kêu gọi và sứ mạng của người tín hữu giáo dân trong Giáo Hội và giữa trần thế", lấy lại đề tài vừa đề cập đến, được Công Đồng Vatican II đưa ra ánh sáng và được Thượng Hội Đồng năm 1971 xác nhận, trong lời kêu gọi cuối cùng như sau:

- "Việc dấn thân vào động tác xã hội - chính trị của người tín hữu giáo dân, có nguồn gốc từ trong đức tin của họ, bởi vì đức tin soi sáng toàn vẹn con người và đời sống (...). Bởi đó muốn sống chính đáng đời sống đức tin và đời sống thường nhật của mình, cách sống đó phải được đi đôi với việc dấn thân của người tín hữu giáo dân vào lãnh vực công cộng, vào việc họ tham dự vào các cơ chế chính trị và xã hội, cũng như góp phần vào cuộc sống thường nhật để thấm nhuần các cấu trúc và hoạt động trần thế bằng ánh sáng Phúc Âm"
(Sinodo 1987, Vocazione e missione dei laici nella Chiesa e nel mondo, Appello finale, . 10, in EV X/2230).

Thăng tiến con người và rao giảng Phúc Âm liên hệ chặt chẽ với nhau.

Do đó, không thể có môt cuộc rao giảng Phúc Âm thực sự với ý nghĩa đầy đủ phải có, nếu không tạo được tiến bộ xã hội và thăng tiến con người.

Thật vậy, Đức Giáo Hoàng Gioan Pholồ II đã xác quyết với chúng ta:

- "Con người là con đường tiên khởi và căn bản của Giáo Hội, con người được hiểu theo chân lý trọn vẹn việc hiện hữu của mình, của cá nhân con người mình và của những gì liên hệ đến thực thể cộng đồng và xã hội của mình" (ĐTC G. Phaolồ II, Redemptor hominis, n. 14, in EV VI/1209).

Rao giảng Phúc Âm không chỉ có nghĩa là loan báo minh bạch sứ điệp Kitô giáo, mà đồng thời còn có nghĩa là soi sáng lương tâm và trí nảo bằng ánh sáng Phúc Âm, thông truyền cho con người nghị lực và phương thế có tính cách luân lý - tôn giáo, mặc dầu là nghị lực và phương thế có tính cách siêu nhiên, có khả năng định hướng các lựa chọn trần thế, văn hóa, xã hội, chính tri, kinh tế, để góp phần quan trọng xây dựng một cuộc sống xứng đáng với con người hơn, công chính hơn.

Điều vừa kể giải thích tại sao Lời Chúa, cần phải được "hội nhập văn hoá" (inculturazione), nếu muốn được mọi người hiểu rõ và tự do đón nhận.

"Hội nhập văn hóa" là Lời Chúa phải được diển dịch thành những giá trị, tư tưởng, ngôn ngữ và phong tục tập quán của mỗi dân tộc.

Và như vậy, một khi được tự do đón nhận, Lời Chúa có thể định hướng, qua tiến trình trung gian điều giải (mediazione) đối với chính trị, nền tảng cấu trúc và cơ chế Quốc Gia.

Không thể rao loan báo và sống Phúc Âm trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau, nếu chúng ta không thay đổi và cải thiện được thế giới con người, dĩ nhiên là cải thiện cả đường lối chính trị:

- người công nhân hay chủ nhân hành động như là người tín hữu Chúa Kitô trong lãnh vực mình, thay đổi và cải thiện hoá thế giới làm việc.

- học sinh, sinh viên và giáo chức sống sứ mạng học đường như là bổn phận phải có của người tín hữu Chúa Kitô, họ thay đổi và cải thiện hóa thế giới học đường.

- nhà chính trị tác động lãnh vực chính trị, như là bổn phận phải có của người tín hữu Chúa Kitô, nhà chính trị thay đổi và cải thiện hóa thế giới chính trị.

Tất cả những gi vừa được đề cập sẽ không thể nào thực hiện thành tựu được, nếu không có nguời tín hữu giáo dân sống và chuyên cần dấn thân thực hiện.

Vai trò trần thế không thể thay thế của người tín hữu giáo dân là vậy.


Vai trò trần thế không thể thay thế của người tín hữu giáo dân Reviewed by Unknown on 2/18/2012 Rating: 5 NGUYỄN HỌC TẬP(TNCG) - I - Vai trò không thể thay thế của người tín hữu giáo dân. 1 - Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong phần đầu củ...

Không có nhận xét nào: