Trước mâm cơm, một số trong số 42 phụ nữ Việt Nam khóc nức nở trước ống kính của nhà báo. |
Các bản tin của báo The Star ở Malaysia cho hay 42 phụ nữ và có thể hơn 20 nam công nhân Việt Nam trong số 34 nam công nhân người Việt và Nepal sống như cá hộp trong hai căn nhà nhỏ bé ở thành phố George Town, bán đảo Penang.
Người ta được biết đến họ nhờ các người hàng xóm gọi điện thoại cho cảnh sát than phiền không chịu được vì thấy có quá nhiều người và tiếng ồn lớn từ căn nhà của các người phụ nữ tạm trú.
Theo lời một nạn nhân, bà Trần Thị Hai, 31 tuổi kể lại, mấy tháng qua, họ chỉ sống lây lất qua ngày bằng một ít gạo. Các người phụ nữ tuổi từ 20 đến 50, cho hay họ không thể trở về Việt Nam dù thời hạn cư trú đã hết hạn trong khi hộ chiếu thì bị kẻ môi giới lao động nắm giữ.
Tất cả 42 người phụ nữ sống trong một căn nhà nhỏ 2 tầng ở khu phố Jalan Tull, có 4 phòng và một nhà cầu trên lầu. Tầng dưới thì có phòng khách, một phòng ngủ nhỏ, một nhà bếp và một nhà cầu.
Quá đông người, 17 phụ nữ phải nằm ngủ trong phòng khách trong khi 5 phòng ngủ kia mỗi phòng chỉ đủ chỗ cho 5 người. Bà Hai cho hay hầu hết bọn họ đều thất nghiệp và không thể gửi tiền về giúp gia đình ở quê nhà, lý do chính yếu để họ chấp nhận đi lao động nước ngoài.
“Một số chúng tôi đã qua Malaysia một năm rưỡi trong khi hộ chiếu đã hết hạn.” Bà Hai nói.
Các nữ công nhân Việt kể cảnh ngộ của họ cho và năn nỉ giúp họ trở về quê nhà. (Hình: The Star)
Theo lời bà, một số thì làm công nhân vệ sinh dọn dẹp cho một bệnh viện và được trả 50 ringits một ngày, nhưng gần đây bị giảm lương xuống còn có một nửa.
“Cuối cùng, chúng tôi không được trả lương dù vẫn tiếp tục làm. Chỉ một số rất ít trong bọn tôi tiếp tục làm việc.” Bà kể.
Khi phóng viên báo The Star tới tiếp xúc thì thấy có 3 phụ nữ đang bệnh. Trong tủ lạnh có một ít cá, một ít trứng và rau. Bản tin ngày Thứ Bảy của The Star thì nói kẻ môi giới lao động của họ cứ 3 ngày mang đến cho họ 20kg gạo, nhưng trong số báo ra ngày Chủ Nhật lại nói mỗi 3 tháng, không biết điều nào đúng.
“Chúng tôi gọi cho Tòa Ðại Sứ Việt Nam hàng ngày, yêu cầu họ giúp chúng tôi về nước nhưng nay chúng tôi vẫn chờ trả lời.” Bà Hai cho biết.
Ðiều bà nói gián tiếp cho người ta cảm tưởng cái tòa đại sứ này không mấy mặn mà giúp họ.
Hãng thông tấn Bermana của Malaysia ngày Chủ Nhật đưa tin 42 nữ công nhân Việt và 42 đàn ông vừa Việt vừa Nepal đã bị các kẻ môi giới đối xử như những “nô lệ” suốt 20 tháng qua có thể sắp được đưa tới trung tâm bảo vệ ở Kuala Lumpur.
Cảnh sát đang mở cuộc điều tra để xem họ có phải là nạn nhân của các vụ buôn người hay không, theo chương 14 của đạo luật Chống Buôn Người của Malaysia ban hành năm 2007.
Hiện Sở Di Trú và Cảnh Sát Malaysia đang truy lùng tổ chức môi giới lao động đã đưa họ tới nước này.
“Chúng tôi đã thông báo cho Sở Di Trú, Tòa Ðại Sứ Việt Nam, và Cảnh Sát Quốc Tế. Chúng tôi sắp hoàn tất cuộc điều tra.” Một viên chức cảnh sát cho biết.
Trong khi chờ đợi, một số người Malaysia hảo tâm đã mang thực phẩm tới cho, như dầu ăn, gạo, rau. Một vài người ngỏ ý muốn thuê một số phụ nữ giúp việc trong nhà.
Koay Teng Hai, một dân cử địa phương cho biết ông đã tiếp xúc với Tòa Ðại Sứ Việt Nam và được nghe nói nơi đây đã biết về hoàn cảnh của họ.
“Tòa Ðại Sứ Việt Nam đã tiếp xúc với Sở Di Trú và một cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày mai.” Ông Koay Teng Hai nói.
Hầu như tất cả các tổ chức, cơ quan xuất khẩu lao động ở Việt Nam làm ăn theo kiểu đem con bỏ chợ. Ðưa vé máy bay cho người ta xong là coi như hết trách nhiệm, không cần biết họ bị đối xử thế nào ở nước người.
Hàng trăm công nhân Việt Nam chết với các nguyên nhân không rõ ràng ở Malaysia nhưng không được điều tra. Rất nhiều vụ đình công tập thể của công nhân Việt trên đất Malaysia, những năm gần đây, phản đối sự bóc lột và cư xử ác độc của các chủ xí nghiệp nước này.
Trên dưới 100,000 công nhân Việt Nam đang làm việc ở Malaysia theo các chương trình xuất khẩu lao động của nhà cầm quyền Hà Nội, giúp nhà nước lấy đô la. Không ít những công nhân này phải cầm cố nhà cửa, ruộng vườn để vay đủ nợ nộp những khoản “phí” do nhà nước đặt ra. Cũng không ít người đã bị lừa gạt, tiền mất tật mang, báo chí Việt Nam nhiều lần đề cập.
Không có nhận xét nào: