7 tiếng ông Tường Thụy trong đồn công an Thanh Trì - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 3, 2012

7 tiếng ông Tường Thụy trong đồn công an Thanh Trì

Kỳ I: Bảy giờ bị giữ trong Công an Thanh Trì 

1: Tôi bị công an Thanh Trì bắt như thế nào?

Lúc ấy vào khoảng 14 giờ 30 phút ngày 7/3/2012.

Tôi vừa hoàn thành bài viết trong loạt bài hướng về ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và ngả lưng mới được chừng 15 phút. Vợ tôi lên lay dậy:
- Có mấy cậu công an hỏi anh.

Tôi liền xuống ngay, thấy một cậu mặc sắc phục công an và 2 người đang ngồi ở phòng khách, mặt lạnh lùng. Tôi quan sát, không khí có vẻ nặng nề, căng thẳng. Cậu mặc sắc phục bảo:

- Bác có giấy triệu tập, mời bác đi theo chúng tôi.

Rồi cậu ta chìa cho tôi xem mảnh giấy triệu tập nhưng giữ khư khư như sợ tôi giật mất. Tôi liếc qua thấy giấy triệu tập của công an Thanh Trì yêu cầu tôi có mặt vào 15 giờ hôm đó (7/3/2012), lý do: kích động biểu tình (tôi không thuộc nguyên văn), đến gặp ông Nguyễn Văn Sửa. Giấy do ông Nguyễn Anh Minh (hay Nguyễn Quang Minh?), phó tưởng công an huyện Thanh Trì ký.

Giấy triệu tập này không bao giờ họ giao cho tôi.

Tôi bảo:

Triệu tập à? Triệu tập thì phải gửi giấy trước cho tôi còn sắp xếp, chuẩn bị, bố trí thời gian chứ?

Thằng mặc sắc phục công an từ lúc này tỏ ra rất hùng hổ, bộ mặt rất nghiêm trọng:

- Yêu cầu bác đi ngay.

Tôi bảo:

- Nếu tôi không đi ngay thì sao? Cưỡng bức à.

Vẫn thằng mặc sắc phục:

- Vâng, chúng tôi sẽ có biện pháp.

Thằng này thì tôi đã quá quen mặt. Nó hay có mặt trong những tốp công an vào nhà tôi vì một việc gì đó nhưng không giữ vai trò chính. Đôi khi, tôi có hỏi nó vài câu nhưng không để ý tên nó là gì. Bây giờ bộ mặt, thái độ nó khác hẳn những lần trước.

Tôi đứng dậy:

- Vậy chờ tôi mấy phút để tôi đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh đã …
Nó không nghe, yêu cầu tôi đi ngay. Tôi bực:

- Tôi không phải là tội phạm. Không việc gì phải gấp thế. Tôi đang ngủ, có nhu cầu vệ sinh cá nhân. Tôi cũng muốn thay quần áo đàng hoàng khi làm việc với các anh.

Lúc này, tôi đang trong tình trạng: mặc áo phông, đi dép lê, đầu tóc rối bù, mặt chưa rửa. Tôi chưa bao giờ ra khỏi nhà trong tình trạng như vậy. Tác phong này tôi được rèn luyện trong quân đội.

Chúng không thèm trả lời, xông vào. Trước cửa còn mấy đứa nữa chực sẵn. Đứa túm tay, đứa đẩy. Tôi bảo: “Tôi đang trong vòng vây các anh, tôi chạy đi đâu được mà tôi cũng chẳng thèm chạy. Để tôi tự đi.

Nhưng chúng vẫn tiếp tục túm, đẩy tôi như thế. Ra gần chiếc xe công an chực sẵn thì chúng khiêng tôi nhét lên xe. Tôi chưa chịu vào ngay, hét to:

- Các anh để tôi dặn vợ tôi 1 câu đã …

Lúc này, vợ tôi bị 2 thằng chặn lại, không cho đến gần xe. Mấy thằng cầm chân tôi nhét nốt vào trong.

Tất nhiên, trên đường đi, tôi lớn tiếng phản đối kiểu bắt người tùy tiện. Tôi rút điện thoại định gọi cho vợ, thằng ngồi bên cạnh lập tức không chế.

Tôi láng máng nghĩ việc bắt tôi có liên quan đến buổi gặp mặt tôn vinh phụ nữ nhân ngày Phụ nữ quốc tế sẽ được tổ chức chiều tối hôm đó. Mục đích của công an Thanh Trì sẽ là giữ tôi không cho tôi tham gia mà thôi.

Tôi suy nghĩ, kể từ khi chúng vào nhà, gặp tôi rồi thì chúng hoàn toàn khống chế được tôi, tại sao chúng phải bắt tôi gấp và cưỡng bức tôi như thế? nhằm mục đích gì nữa? Tôi cho rằng, cách chúng hối hả bắt và bắt tôi như là bắt tội phạm nhằm 2 mục đích khác:

- Khủng bố tinh thần tôi ngay từ phút đầu.

- Làm cho nhân dân nơi tôi ở nghĩ tôi là tội phạm, triệt hạ uy tín của tôi.

Nếu nhằm vào 2 mục đích này thì chúng đã nhầm. Làm sao lại có chuyện tôi sợ mấy thằng trẻ con khi tôi tự biết tôi không phạm tội gì. Năm 1970, khi tôi đi bộ đội, chúng còn trong cõi hư vô nào đó. Lúc tôi về hưu, chắc gì chúng đã biết chữ. Chúng nhỏ tuổi, tôi cũng từng qua lứa tuổi bọn chúng. Điều cần nói là, chúng tưởng chúng là công an, được cấp trên, được chính quyền bảo kê nên chúng không lo gì cả. Mặt khác, chúng muốn thể hiện mình là công an, có thể muốn làm gì cũng được, trước con mắt nể sợ, thèm thuồng của không ít người.

Tôi đả dành cả một khoảng đời tuổi trẻ, sung mãn nhất phục vụ trong quân đội, chịu đựng đã quá nhiều, đã mấy lần chút nữa thì bị tước đi mạng sống. Bằng ấy năm trên đời, trải nghiệm, học, đọc sách và hoàn thiện nhân cách, làm gì có kẻ phi nghĩa nào khủng bố được tinh thần tôi. Cái đám bắt tôi cũng chỉ tầm tuổi con tôi còn tôi là bậc thầy chúng về nhiều mặt. Tất nhiên, tôi không bao giờ làm thầy chúng vì tôi không muốn có những đứa học trò như thế.

Còn làm xấu hình ảnh tôi ư? Cũng thế thôi. Chúng không bao giờ làm được. Khu tôi ở, trừ một hai đứa lưu manh thì bà con có nhiều ân nghĩa với tôi lắm. Năm 2003, tôi đã từng giúp bà con giữ hàng ngàn mét vuông đất không bị san phẳng là một ví dụ, đến nay vẫn còn nhiều người nhắc lại. Nhưng thôi, chuyện này khi nào thong thả, tôi sẽ kể sau.

Khi đến đồn công an, tôi nhiều lần phản đối việc bắt người trái luật. Tôi bảo, hình ảnh công an trong con mắt nhân dân đã xấu lắm rồi, các anh đừng bôi bẩn thêm nữa. Cứ nghĩ đến việc chúng xúc phạm đến tôi, tôi tức giận run lên. Lúc thì chúng cãi đó triệu tập, lúc thì cãi là mời. Triệu tập hay mời ư? Cãi thế nào thì cãi, vấn đề là hành động của họ: hành động như thế thì là mời, là triệu tập hay là bắt? Điều này, đứa trẻ con nó cũng biết chứ đừng nói là quan tòa, ít nhất cũng có bằng cử nhân luật.

Trong Bộ luật hình sự, điều 123 qui định về tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật như sau:

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người thi hành công vụ;

d) Phạm tội nhiều lần;

đ) Đối với nhiều người.

3. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.
Bộ luạt dân sự, điều 37 xác nhận quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.
Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.


Kỳ II: Bảy giờ bị giữ trong Công an Thanh Trì

2: Xâm phạm bí mật đời tư
.
Ra đến Công an Thanh Trì, thằng chỉ huy bắt tôi yêu cầu tôi bỏ điện thoại ra bàn và tắt máy. Tôi bảo:

- Đây là tài sản cá nhân của tôi. Tôi có quyền giữ, nó cũng không phải là phương tiện dùng vào việc phạm pháp.

Nó nhắc lại thêm mấy lần nữa, tôi bảo:

Tôi đang ở trong tay các anh, nếu tôi sử dụng máy như nghe, gọi, nhắn tin, nhận tìn, các anh hoàn toàn khống chế được tôi, tôi muốn cũng không được. Vì vậy tôi thấy không cần thiết phải bỏ lên bàn, tắt máy. Nó ở trong túi tôi hay để lên bàn cũng thế thôi. Tôi không làm theo yêu cầu của các anh. Nếu các anh dùng sức mạnh của số đông đông cướp máy của tôi như đã áp giải tôi ra đây thì cứ việc.

Không thấy nó cưỡng bức tôi để lấy máy. Đến khi có tín hiệu báo tin nhắn, một đứa bảo: tin nhắn hẹn đến địa điểm gặp mặt đấy. Tôi vừa rút máy ra thì chúng giật ngay lấy, tắt đi rồi bỏ lên bàn.

Tôi định giằng lấy điện thoại cất vào túi nhưng lại nghĩ, để đấy hay cất đi thì cũng thế thôi. Tôi bảo: “Việc gì các anh cứ phải tìm mọi cách để lấy được điện thoại. Các anh cho rằng đấy là một thắng lợi à? Nó chẳng có tác dụng gì hơn cả”.

Một đứa nhìn thấy túi quần bên trái tôi cộm lên, nó bảo tôi máy ghi âm à, bỏ ra. Sao chúng nó sợ ghi âm, chụp ảnh thế nhỉ. Làm việc đàng hoàng, đúng pháp luật thì sao lại sợ điều đó cơ chứ. Có phải là bí mật quốc gia đâu.

Tôi rút cái mà chúng nó bảo là máy ghi âm ấy quẳng lên bàn: đó là gói thuốc lá vinataba hút dở, chỉ còn 3 điếu.

Sau khi làm biên bản xong (chuyện này tôi kể vào một kỳ riêng), thì chúng làm thủ tục kiểm tra điện thoại của tôi. Tôi biết là phản đối cũng không được. Tôi bảo, các anh kiểm tra cũng chỉ là vô ích thôi, thông tin trong ấy chẳng có giá trị gì với các anh đâu.

Chúng kiểm tra kỹ lắm, từ tin nhắn, đi, đến, các số máy gọi đi gọi đến đều ghi hết sức tỉ mỉ. Có những tin nhắn kiểu như: “Chúc mừng em nhân ngày 8/3″ “Cảm ơn anh nhiều! Chúc toàn thể phái nữ gia đình ta happy!” chúng cũng ghi vào biên bản.

Chúng còn kiểm tra xem máy của tôi có chức năng ghi âm, chụp ảnh không. Máy của tôi là loại máy hãng nokia, tôi mua có hơn 400000 đồng, chỉ có thể làm được việc gọi đi gọi đến, nhắn và nhận tin nhắn, nhìn qua ai cũng biết là nó chẳng thể ghi âm chụp ảnh gì hết. Chiếc máy này tôi mua cách đây gần 2 năm, sau khi điện thoại cũ của tôi bị côn đồ bị cướp khi đánh tôi ngay trước mặt công an Thanh Trì và xã Vình Quỳnh. Số công an này được điều đến sau khi tôi gọi 113 nhờ cứu chúng tôi khỏi bàn tay côn đồ hôm 10/5/2010. (xem bài Bảo kê cho côn đồ?)

Hành động này của chúng có được pháp luật cho phép không, xin mời độc giả tham khảo những điều luật có liên quan:

Bộ luật dân sự, Điều 38. Quyền bí mật đời tư 

1. Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 125. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác 

1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội nhiều lần;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm. 


Bảy giờ bị giữ trong Công an Thanh Trì (kỳ3)

3. Lá đơn của người vợ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội ngày 10 tháng 3 năm 2012

ĐƠN PHẢN ÁNH

Kính gửi: - ÔNG TRẦN ĐẠI QUANG, BỘ TRƯỞNG CÔNG AN
                 - ÔNG NGUYỄN ĐỨC NHANH GIÁM ĐỐC CÔNG AN HÀ NỘI
                 – CỤ LÊ HIỀN ĐỨC, NGƯỜI ĐƯỢC TỔ CHỨC MINH BẠCH
                    QUỐC TẾ TRAO GIẢI THƯỞNG LIÊM CHÍNH

Thưa cụ;

Thưa hai ông;

Tôi là Phạm Thị Lân, sinh năm 1962

Địa chỉ: số nhà 11 cụm Quỳnh Lân xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Tôi viết đơn này phản ánh với cụ và hai ông một chuyện sau đây:

Vào hồi 14 giờ 45, chồng tôi là Nguyễn Tường Thụy bị Công an Thanh Trì bắt, khi ấy tôi không rõ vì lý do gì. Khi bắt chồng tôi, họ không cho tôi đến gần hỏi han dặn dò và nhìn chồng tôi trước khi đưa đi. Về việc chồng tôi bị bắt, chồng tôi sẽ có ý kiến riêng của anh ấy.

Vì tôi hiểu chồng tôi không làm điều gì nên tội mà bị bắt, cộng thêm thái độ và hành vi của những người bắt anh ấy đi, tôi không rõ có thực là công an hay không, nhỡ ra là bọn lưu manh côn đồ nào đó thì sao nên tôi vô cùng hốt hoảng. Ngay sau đó, tôi ra Công an huyện Thanh Trì để hỏi rõ thực hư.

Khi đến cổng cơ quan Công an Thanh Trì, hai cậu trực ban nhất định không cho vào. Tôi trình bày thì các cậu ấy bảo tôi chẳng thấy bắt ai vào đây cả, vậy người bắt chồng chị tên là gì. Nghe thấy thế, tôi càng lo, tôi nghĩ đúng là chồng tôi bị côn đồ bắt thật rồi. Tôi bảo tôi làm sao mà biết được tên chỉ biết là họ bắt chồng tôi đi thôi. Các cậu ấy nhất định đuổi tôi ra. Tôi phản đối. Một cậu nói với tôi là chị đến cửa quan mà thái độ như vậy thì sẽ bất lợi cho chị và hại cho chồng chị. Họ vừa bảo không có ai bị bắt vào đây, giờ lại nói như thế. Tôi hỏi tại sao các anh lại bảo đây là cửa quan. Đây là cơ quan công an nhân dân cơ mà. Tôi làm gì mà bất lợi với có hại ở đây?

Tôi suy nghĩ mãi về câu cậu công an nói đây là cửa quan, và thái độ của tôi có hại cho chồng tôi.

Điều tôi vô cùng ngạc nhiên là một công an nhân dân lại cho rằng cơ quan công an là cửa quan. Còn thái độ của tôi hay dở thế nào thì tôi chịu trách nhiệm chứ sao lại liên quan đến chồng tôi.
Tôi không hiểu các ông đào tạo, giáo dục, rèn luyện chiến sĩ công an như thế nào hoặc là sự tiếp thu sự giáo dục của chiến sĩ ấy thế nào mà lại nói như vậy.

Thưa các ông;

Chỉ một câu nói nghe qua có vẻ đơn giản nhưng thực ra, nó xuất phát từ nhận thức rất lệch lạc.Tôi nghĩ rằng, không chỉ một chiến sĩ công an nói trên mà có thể còn nhiều chiến sĩ khác cũng có nhận thức như thế.

Lòng tin của nhân dân đối với lực lượng công an ngày càng suy giảm, điều này hẳn các ông đã biết. Hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân cũng nói lên hình ánh của chế độ. Vì vậy, tôi viết đơn này phản ánh với các ông để các ông biết mà có biện pháp giáo dục chiến sĩ của các ông. Nếu lá đơn của tôi được các ông lưu tâm, có việc làm tích cực nhằm chấn chỉnh những hành vi sai trái cũng như nhận thức, quan điểm lệch lạc của mỗi chiến sĩ công an thì tôi lấy làm mừng lắm.

Kính chúc cụ Lê Hiền Đức và hai ông sức khỏe, làm được nhiều việc tốt cho đất nước, cho dân tộc.

Kính đơn
Phạm Thị Lân.


7 tiếng ông Tường Thụy trong đồn công an Thanh Trì Reviewed by Hoài An on 3/11/2012 Rating: 5 Kỳ I: Bảy giờ bị giữ trong Công an Thanh Trì  1: Tôi bị công an Thanh Trì bắt như thế nào? Lúc ấy vào khoảng 14 giờ 30 phút ngày ...

Không có nhận xét nào: