Hành chính = Hành dân + Hành nhau - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
10 tháng 3, 2012

Hành chính = Hành dân + Hành nhau

Người dân chen chúc nhau tại một
 điểm giải quyết thủ tục hành chính.
(Đất Việt) Thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết để cánh cửa công quyền thực sự mở rộng với người dân, doanh nghiệp.

Cải cách hành chính gắn với mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị là một trong sáu chương trình đột phá mà Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2015 đã đề ra. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết để cánh cửa công quyền thực sự mở rộng với người dân, doanh nghiệp. 

Tháng 11/2011, ông Phạm Xuân Dậu, ở P.2, Q.5 đến UBND Q.5 làm thủ tục đổi tên chủ quyền nhà. Ông Dậu kể: “Khi nộp hồ sơ lần đầu, người tiếp nhận sau khi xem xét kỹ nói đủ rồi và hẹn 1 tháng sau sẽ trả giấy tờ. 

Dân oải, doanh nghiệp kêu

Đúng 1 tháng sau, tôi đến thì lại bảo phải bổ sung giấy tờ. Tôi lại phải mất thêm 1 tháng để lấy quyết định từ tòa án do nhà tôi có một người em cùng cha khác mẹ đã định cư ở nước ngoài lâu năm không liên lạc được. Cứ mỗi lần hẹn là một tháng ròng mà mỗi lần tôi đến họ lại kêu bổ sung cái này, cái khác. Đi lại nhiều lần, đợi chờ 4 tháng, mọi việc mới xong”. Trường hợp giống như ông Dậu không phải là hiếm. 

Chị Hường, một luật sư ở Q.Bình Thạnh, lại rất không hài lòng với một số nhân viên văn phòng tiếp nhận hồ sơ của Sở KH-ĐT. “Vì phòng chờ quá đông, tôi ra ngoài nghe điện thoại, khi vào thì đã qua số thứ tự. Cô nhân viên không thèm nghe tôi trình bày mà chỉ buông một câu, giọng gay gắt: Qua số không giải quyết! Có gì gặp lãnh đạo”, chị Hường kể và nhận xét các nhân viên ở đây cười với nhau là chính chứ ít khi cười với dân.

Tương tự, anh Nguyễn Hữu Lân, nhân viên Công ty N.H, Q.3, người tự nhận là đã “bầm giập” với thủ tục hành chính, tỏ vẻ chán nản, kể: Tháng 8.2011, tôi đến đăng ký thành lập công ty, nhưng do không biết một số quy định. Tôi cò thắc mắc thì cán bộ trả hồ sơ chỉ nói với tôi là không được mà không giải thích vì sao. Lần thứ hai tôi đến cũng vậy. Tại sao họ không giải thích rành mạch và yêu cầu bổ sung hồ sơ một lần thôi? Cứ mỗi lần bổ sung là mất cả tuần. Rút kinh nghiệm, sau này tôi nhờ “cò”, thế là mọi việc nhẹ nhàng. 

Biết mà đành chịu

Q.1, TP.HCM là địa phương chủ động thực hiện tốt áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào cải cách hành chính (CCHC) và góp phần nâng cao hiệu quả thu thuế. Từ mức thu thuế gần 600 tỉ đồng (năm 2005), đến năm 2011, Q.1 đã thu trên 4.000 tỉ đồng, và hiện có khoảng 5.000/9.000 doanh nghiệp trên địa bàn đang kê khai thuế qua mạng. Việc này giúp cho doanh nghiệp bớt phải đi lại và cơ quan thuế cũng không phải tốn nhiều nhân lực. Để nâng cao hiệu quả thu thuế hơn nữa, UBND Q.1 đã chủ động thuê người viết phần mềm quản lý thuế, tìm kiếm và đào tạo 19 chuyên viên để làm công tác này và trả lương bằng nguồn ngân sách do quận chi trả. Mọi việc đang vận hành trôi chảy thì Tổng cục thuế kiểm tra và cho 19 chuyên viên trên nghỉ việc với lý do Q.1 không được tự do tuyển người mà phải do Tổng cục thuế tuyển. 

Ông Lê Bá Cần, Bí thư Quận ủy Q.1, băn khoăn: “ứng dụng CNTT sẽ giúp quản lý tốt, chống gian lận, thất thu thuế. Với khối lượng công việc khổng lồ mà làm thủ công thì không thể đạt được những kết quả vượt bậc. Bây giờ 19 người này không được làm việc nữa, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc thu thuế. Biết vậy mà đành chịu!”. 

Phụ thuộc vào cán bộ 

Lý giải nguyên nhân tình trạng gây khó dễ về thủ tục hành chính, có ý kiến cho rằng, khi chuyển từ nền hành chính cai trị sang nền hành chính phục vụ, đòi hòi trước hết là những người làm công tác hành chính phải thay đổi về nhận thức. Mặt khác, nếu công khai mọi thông tin, thủ tục, thì nhiều người sẽ không kiếm chác được gì thêm từ công việc của mình, trong khi tiền lương hiện nay cho khu vực hành chính chưa đáp ứng đủ đời sống của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. 

Ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Thường trực Sở Nội vụ, ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo CCHC của TP.HCM, nhìn nhận, cản trở lớn nhất trong công tác cải cách hành chính (CCHC) hiện nay là những cán bộ nhũng nhiễu, chưa tốt, gây phiền hà dân. Cái gốc giải quyết vấn đề để thủ tục không còn “hành dân” phụ thuộc hoàn toàn vào cán bộ thực thi công vụ. 
Phong Khê

Hành chính = Hành dân + Hành nhau Reviewed by Hoài An on 3/10/2012 Rating: 5 Người dân chen chúc nhau tại một  điểm giải quyết thủ tục hành chính. (Đất Việt) -  Thực tế vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần giải q...

Không có nhận xét nào: