GHXHCG - Như thường lệ, vào chiều chủ nhật 11.3.2012 buổi hội thảo thứ II về gia đình tại lầu 2, nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Dòng Chúa Cứu Thế Sài, đã bắt đầu lúc 15h và kết thúc với một Thánh Lễ lúc 19h, muộn hơn một giờ so với dự kiến. Bởi phần chia sẻ của Cha GB Lê Đình Phương, chuyên về Thần học Luân lý, với đề tài “HIẾN CHƯƠNG VỀ CÁC QUYỀN CỦA GIA ĐÌNH”, thật sự quá phong phú, bổ ích, đụng chạm trực tiếp đến nhiều vấn đề cá nhân, gia đình và xã hội Việt Nam cũng như thế giới hôm nay. Bốn giờ đồng hồ dường như còn quá ít để thỏa mãn thiện chí của người nói và khao khát của người nghe. Chỉ ước là ngày càng có nhiều người đến tham dự những buổi hội thảo như thế này, để phần ơn ích được nhân rộng cho nhiều người.
“HIẾN CHƯƠNG VỀ CÁC QUYỀN CỦA GIA ĐÌNH”ra đời ngày 22/10/1983, là bản văn “được Tòa Thánh gởi đến tất cả mọi người, mọi cơ cấu tổ chức và thẩm quyền quan tâm tới sứ vụ gia đình trong thế giới ngày nay”. Bản văn dài gần 5 trang giấy A4, nhưng từng câu từng chữ là các thông điệp vô cùng quí giá về QUYỀN và TRÁCH NHIỆM trong mối tương quan ba chiều giữa CON NGƯỜI – GIA ĐÌNH – XÃ HỘI. Mỗi điều khoản trong hiến chương như một chìa khóa mở ra những hiểu biết, nhận thức, và định hướng đúng đắn về vai trò của cá nhân và đặc biệt là gia đình trong sự phát triển cộng đồng nhân loại. Thật thiếu sót và đáng tiếc nếu ai chưa một lần đọc qua bản văn này. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết, Mẩu Bút Chì chỉ xin trích lược những điều khoản quan trọng và một số ý kiến thu hút sự quan tâm trong buổi học hỏi và thảo luận này.
Dưới đây là những đoạn trong Lời mở đầu của Hiến Chương được Hội Thảo chú trọng:
“ Các quyền của con người, cho dù chúng được diễn tả như là một quyền lợi của cá nhân, có mộtchiều kích xã hội sâu xa là chiều kích được được thể hiện một cách bẩm sinh và trọng yếu nơi gia đình ” ( x. “ Rerum novarum”, no.9; “ Gaudium et spes”, no.24);
“Hôn nhân là cơ cấu tự nhiên duy nhất được ký thác cho sứ vụ truyền đạt sự sống” ( x. “ Gaudium es spes”, no.50; “ Humanae vitae”, no.12; “ Familiaris consortio”, no.28);
“Gia đình không phải chỉ là một đơn vị thuần pháp lý, xã hội và kinh tế, mà là một cộng đồng yêu thương và đoàn kết, một cộng đồng xứng hợp chuyên biệt để dạy dỗ và truyền đạt những giá trị về văn hóa, chủng tộc, xã hội, thiêng liêng và tôn giáo, thiết yếu cho việc phát triển và phúc hạnh của phần tử gia đình cũng như của xã hội”( x. “Familiaris consortio”, no. 43);
“Nhiều gia đình bị bắt buộc phải sống trong những hoàn cảnh nghèo khổ làm cho họ không thể thi hành vai trò của họ một cách xứng đáng” ( x. “Familiaris consortio” , nos. 6 and 77);
“Giáo Hội Công Giáo, ý thức được sự thiện hảo của con người, của xã hội và của chính Giáo Hội qua đường lối gia đình, đã luôn coi gia đình là một phần trong sứ vụ của Giáo Hội trong việc loan báo cho tất cả mọi người biết dự án của Thiên Chúa được in ấn nơi bản tính con người liên quan tới hôn nhân và gia đình, để cổ võ và bênh vực hai cơ cấu ấy đối với tất cả những ai phạm đến chúng” (x. “Familiaris consortio ”, nos. 3 and 46);
Lời mở đầu của bản Hiến Chương thật sự mời gọi mỗi người suy nghĩ về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của gia đình – đặc biệt là gia đình Việt Nam – những gì được và mất, những gì còn bị hạn chế, và đặc biệt là những ơ hờ vô tâm trong việc dạy dỗ con cái.
Trên nền tảng những giá trị ấy, Tòa Thánh đã đưa ra bản Hiến Chương gồm 12 khoản. Hội thảo đã đặc biệt chú ý các khoản sau:
Khoản 2: Hôn nhân không thể bị kết ước ngoại trừ được đôi phu thê tự nguyện bày tỏ trọn vẹn ưng thuận của họ một cách xứng hợp...b/ những đôi sẽ lấy nhau có quyền tự do tôn giáo. Bởi thế, việc áp đặt như là một điều kiện cần có để thành hôn là phải chối bỏ niềm tin hay phải tuyên xưng niềm tin là những gì trái với lương tâm, vi phạm đến quyền này.
Một số gia đình Công giáo Việt Nam đã vi phạm đến quyền này khi bắt ép con cái phải lấy người đồng Đạo, hay buộc người kia phải theo Đạo Công giáo. Đứng trên góc độ đức tin, việc làm ấy cũng cần phải xem xét lại. Bởi có biết bao người nhờ thông qua kết hôn đã đến được với Chúa.
Khoản 3: Những người phối ngẫu có quyền bất khả nhượng trong việc thành lập gia đình và quyết định vấn đề thời đoạn sinh sản cùng số con cái sinh ra...
Những quốc gia có sắc lệnh qui định về số con sinh ra trong mỗi gia đình là vi phạm quyền này.
Khoản 4: cần tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ sự sống con người từ lúc mới được thụ thai. Phá thai là vi phạm đến quyền sống trọng yếu của con người...
Khi đọc đến khoản này mọi người sẽ nghĩ gì khi Việt Nam là “ cường quốc phá thai” – nằm trong top ba nước phá thai nhiều đứng đầu thế giới?
“Tất cả mọi trẻ em, dù được sinh ra trong hay ngoài hôn nhân, đều được bảo vệ như nhau, vì việc phát triển toàn vẹn con người của các em…Xã hội cần phải đặc biêt bảo vệ những trẻ em mồ côi hay những em bị thiếu hụt sự giúp đỡ của cha mẹ hay của người bảo trợ… Trẻ em tật nguyền có quyền được hưởng một môi trường sống thích hợp về nhân bản của các em tại gia đình và học đường…” ( trích điểm e/,f/, g/ khoản 4)
“Quyền của trẻ em có thật sự được tôn trọng và bảo vệ ở Viêt Nam, khi có vô số trẻ em bị bắt buộc bán vé số, ăn xin, bị ngược đãi đánh đập, bị buộc sống trong môi trường văn hóa độc hại trước sự thờ ơ của người lớn và pháp luật? Vậy chúng ta có thể nhân danh quyền nào để bảo vệ các em đó?” Một chị bức xúc hỏi. Thay cho việc trả lời câu hỏi ấy, Cha kể rằng, “ở các nước phương Tây hay Mỹ, nếu nhà trường phát hiện ra trẻ bị cha mẹ đánh đập, ngược đãi, thì những cha mẹ đó bị tước quyền làm cha mẹ, và những đứa con ấy sẽ được nhà nước nuôi nấng và bảo vệ…”. Vấn đề là ở luật pháp.
Khoản 5: Vì ban sự sống cho con cái mình, cha mẹ có quyền đầu tiên, chính yếu và bất khả nhượng trong việc giáo dục con cái; do đó cần phải nhìn nhận họ là những nhà giáo dục trước hết và trên hết con cái của họ...
Đáng buồn là các bậc cha mẹ chưa ý thức hết được quyền – nhưng đồng thời cũng chính là trách nhiệm của mình – trong việc giáo dục con cái. Ở một số quốc gia, gia đình bị tước mất một số quyền lợi mà đáng ra họ được hưởng. Như “quyền được tự do chọn trường học hay các phương tiện cần thiết trong việc giáo dục con cái của mình hợp với niềm xác tín của họ” (điểm b/ khoản 5), hay “ Cha mẹ có quyền được bảo đảm là con cái của họ không bị bắt buộc tham dự các lớp học không hợp với những niềm xác tín về luân lý và đạo giáo của họ... Cha mẹ bị vi phạm quyền lợi khi các Quốc gia áp đặt một thể chế giáo dục cưỡng ép nhằm loại trừ tất cả mọi thứ dạy dỗ về đạo giáo” (trích điểm c/ và d/ khoản 5). Ở Việt Nam, ngoại trừ những gia đình đủ khả năng kinh tế để cho con cái đi du học hoặc học các trường quốc tế tại Việt Nam, còn lại hầu hết không có sự chọn lựa khác ngoài hệ thống trường học quốc gia. Thế nhưng, dẫu trong mọi môi trường xã hội, nếu gia đình là “trường học đầu tiên” tốt, và cha mẹ là “ nhà giáo dục trước hết và trên hết” đủ trình độ, thì vẫn có những thế hệ trẻ phát triển lành mạnh về nhân cách và đức tin. Song, ở khía cạnh này, mỗi người sẽ nhìn nhận điều gì nơi các gia đình Việt Nam hiện nay? Xin nhìn lại thế hệ trẻ em 35 năm trước. Hẳn khó ai quên được sự đói kém thiếu hụt về cả tinh thần, vật chất lẫn giáo dục những năm sau 1975. Nếu gia đình năm bảy con thì may mắn lắm còn được vài đứa út đi học, còn tất cả phải “hy sinh”. Đó là một thế hệ kém cỏi, còi cọt. Thế hệ ấy bây giờ đã là cha, là mẹ, trở thành những “nhà đào tạo nhưng không được đào tạo” của con cái họ! Số ít được ăn học, có khả năng nuôi dạy con tốt thì lại lập gia đình muộn, không muốn sinh con. Vòng luẩn quẩn ấy sẽ nối tiếp trong các thế hệ sau. Phải chăng, hệ lụy của những hiện trạng đó là tình trạng đạo đức suy đồi, bạo lực gia tăng, luân lý lụn bại trong thế hệ trẻ ngày nay?!!!
Trên bình diện thế giới, các gia đình ngày nay không còn mang ý trọn vẹn với chức năng yêu thương và truyền đạt sự sống nữa, khi tình trạng hôn nhân đồng tính, chung sống nhưng không muốn sinh con ngày càng phổ biến. Ngày nay, người ta không còn dùng cụm từ “dân số già” cho các nước Tây và Âu nữa, mà là “đóng băng dân số”, bởi tháp dân số đã đảo ngược. Người già đông hơn trẻ. Ra đường hiếm thấy trẻ con. Tỉ suất sinh sản dưới mức thay thế. “Không một nền kinh tế nào phát triển mạnh và bền vững mà không kèm theo sự phát triển dân số. Vì không có người trẻ, ai sẽ lao động đóng thuế nuôi người già?... Ta đang sống trong giai đoạn mà ta chưa lường được hết hậu quả của nó. Ngày trước, nếu 5, 7 anh em chung sức nuôi bố mẹ già, thì ngày nay, gánh nặng trên vai một đôi vợ chồng trẻ rất lớn: bố mẹ ruột, bố mẹ vợ/chồng, thêm ông bà hai bên...” (trích lời Cha Phương).
Để minh chứng, Cha đã cho mọi người xem bộ phim “ Mùa đông dân số”. Những nghiên cứu trong bộ phim này cho thấy, nguyên nhân của tình trạng đóng băng dân số ở các nước phát triển là do lối sống thích hưởng thụ, chạy theo công danh sự nghiệp làm người ta ngại kết hôn và sinh con, nên thường chọn giải pháp chỉ chung sống. Tình trạng kết hôn muộn làm giảm cơ hội sinh đứa con thứ hai, thứ ba. Tự do tình dục dẫn đến nạo phá thai nhiều lần, nên đến khi muốn sinh con thì mất khả năng sinh sản…
Phải chăng, đất nước Việt Nam đang hồ hởi tiến lên trên con đường đã đưa các nước phát triển đi tới ngỏ cụt?!
Để kết lại bài viết, Mẩu Bút Chì xin mượn lời giảng thuyết của Cha GB Lê Đình Phương: “Đừng nghĩ là những quyết định cá nhân của mình quá nhỏ bé không đủ ảnh hưởng đến ai. Tương lai đất nước, nhân loại sẽ thế nào là phụ thuộc vào quyết định của từng người hôm nay…”
Buổi hội thảo thứ ba với nội dung “Giáo dục Kitô giáo trong đời sống gia đình” cũng sẽ được tổ chức tại lầu II nhà sách Đức Mẹ, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn vào lúc 15h chủ nhật 18/3 này, do Ông Trương Đình Giai chia sẻ. Gia đình ông đã được Giáo Hội cử toàn gia đình (vợ chồng và các con) đi du học về Mục vụ gia đình tại Rome. Đây là buổi chia sẻ hứa hẹn nhiều kinh nghiệm phục vụ thú vị của hai ông bà ở trong và ngoài nước. Xin Chúa sắp xếp và mời gọi để có thêm nhiều người được học hỏi và thi triển ơn gọi thiêng liêng của gia đình.
Không có nhận xét nào: