Phạm Thanh Bình, chủ tịch HÐQT kiêm tổng giám đốc tập đoàn đóng tàu Vinashin tại phiên tòa sơ thẩm ở Hải Phòng ngày 27 tháng 3, 2012. (Hình: Thanh Niên) |
HÀ NỘI (NV) - Phạm Thanh Bình, chủ tịch Hội Ðồng Quản trị kiêm tổng giám đốc tập đoàn đóng tàu Vinashin bị đề nghị bản án từ 19 đến 20 năm tù của tội danh “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.”
Ông Phạm Thanh Bình, 59 tuổi, đã bị Viện Kiểm Sát đề nghị mức án tối đa của tội danh “cố ý làm trái...” trong phiên xử buổi thứ ba ngày 29 tháng 3, 2012 ở Hải Phòng với các cáo buộc vi phạm luật lệ trong 3 dự án: Mua tàu Hoa Sen, xây dựng nhà máy nhiệt điện Cái Lân; xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng.
Tám đồng phạm của ông cũng đều là các quan chức cao cấp trong tập đoàn Vinashin bị đề nghị từ 18 năm tù đến 3 năm tù. Một số người khai rằng họ chỉ là cấp thừa hành, bắt buộc phải làm theo lệnh của ông Bình.
Cho tới đầu năm 2010, người ta vẫn còn thấy ông Bình nói công ty có lời. Nhưng chỉ vài tháng sau, tin tức lộ dần ra cho thấy công ty ở bên bờ vực phá sản với những núi nợ khổng lồ không trả nổi. Cuối năm này thì ỳ ra, không trả kỳ trả nợ đầu tiên $60 triệu đô la trong số tiền vay $600 triệu đô la đã đáo hạn. Tổng số công nợ trong và ngoài nước của Vinashin là khoảng $4 tỉ đô la.
Mọi chuyện kinh hoàng theo nhau xuất hiện rồi ông Bình và 8 thuộc cấp từ tổng giám đốc, giám đốc các công ty con và công ty tài chính của Vinashin bị tống giam từ đầu tháng 4, 2011.
Sự sụp đổ của Vinashin đã gây thiệt hại uy tín của Việt Nam trên thị trường tài chính thế giới.
Hai tổ chức lượng giá đầu tư quốc tế Moody's Investors Service và Standard & Poor đã đánh tụt hạng của Việt Nam cuối năm 2010 xuống ngang với những nước kém cỏi khác như Bangladesh và Gabon.
Nhiều bài viết trên hệ thống báo chí nhà nước hoặc các trang mạng “lề trái” phơi bày những cung cách kinh doanh bất chấp luật lệ và có dấu hiệu tham nhũng gây những thiệt hại nghiêm trọng về tài chính và uy tín cho nhà nước nhưng các bị cáo của vụ án Vinashin chỉ bị tập trung truy tố có một số vụ việc.
Số tiền thất thoát họ bị quy trách nhiệm chỉ có 910.5 tỉ đồng (khoảng $43.7 triệu USD) nhưng họ chỉ bị đề nghị bồi thường lại cho nhà nước khoảng 743 tỉ đồng (khoảng $35.7 triệu USD). Riêng ông Bình bị quy trách nhiệm đối với số tiền thất thoát 852.7 tỉ đồng cho cả hai dự án xây dựng nhà máy điện và tàu biển Hoa Sen.
Tàu biển Hoa Sen chỉ chạy có vài lần là nằm ụ và sửa chữa tốn kém, bây giờ coi như sắt vụn dù mua với giá khoảng 60 triệu Euro, gây thiệt hại gần 500 tỉ đồng. Ðầu tư xây dựng nhà máy điện ở Cái Lân (Quảng Ninh) làm thiệt hại 30.5 tỉ đồng và nhà máy điện Sông Hồng (Nam Ðịnh) gây thiệt hại 316 tỉ đồng, với các máy móc phế thải mua của Trung Quốc nhưng với những số tiền rất lớn.
Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, người chịu trách nhiệm cao nhất của vụ sụp đổ Vinashin, từng bị một số đại biểu quốc hội đề nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tuy nhiên, vụ bỏ phiếu đã không diễn ra. Không những vậy, các đại biểu đề nghị bỏ phiếu còn không được “cơ cấu” tái cử trong kỳ bầu cử Quốc Hội năm 2011. Ông Dũng chỉ ra trước Quốc Hội tuyên bố nhận trách nhiệm.
Từ một công ty nhỏ được ông Nguyễn Tấn Dũng thúc đẩy tiến lên thành một tập đoàn đóng tàu và kinh doanh đa ngành với trên 200 công ty cỡ vừa, cỡ nhỏ, Vinashin được hưởng hậu thuẫn tối đa của nhà nước.
Khi bán công trái đầu tiên ở ngoại quốc được 750 triệu USD năm 2005, số tiền này đã được trao trọn cho Vinashin với toan tính đẩy tập đoàn này thành một ngành công nghệ “mũi nhọn,” đưa Việt Nam tiến lên thành một nước kỹ nghệ. Sau đó, Vinashin còn tự đứng ra vay tư bản ngoại quốc một số lần khác.
Thống kê cho thấy năm 2008, Vinashin nhận được một số đơn đặt hàng từ các công ty ngoại quốc lên đến $6 tỉ đô la. Nhưng 2 năm sau, hàng ngàn công nhân của tập đoàn này khắp nơi đã không được trả lương suốt nhiều tháng. Một số người không chịu đựng nổi đã phải bỏ chạy, đi tìm việc khác. Một số chuyên gia ngoại quốc tin rằng, ngoài lý do tham nhũng, những kẻ cầm đầu tập đoàn này không có khả năng điều hành kinh doanh sản xuất, nhất là trên bình diện kinh doanh quốc tế.
Cách đây ít ngày, Elliott Associates LP, một trong số những chủ của món nợ $600 triệu USD hủy bỏ vụ kiện đòi nợ Vinashin ở tòa án Anh. Tới nay, Vinashin không trả 3 kỳ nợ tổng cộng $180 triệu USD. Không thấy tin tức chính thức cho biết rõ lý do.
Không có nhận xét nào: