Nông Dân (Danlambao) - Trong cuộc họp triển khai kết luận của Thủ tướng về việc cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng do Chủ tịch UBND Hải Phòng Dương Anh Điền chủ trì đã cam kết “xử lý dứt điểm vụ Tiên Lãng trước 30/3/2012” thì hơi bị khó đấy!. Ở bài này Nông dân tôi chỉ xét hai yếu tố để lý giải tại sao lại “hơi bị khó đấy”!
I/ Khó trong giao và thu hồi đất.
Khi một luật được quốc hội thông qua, tiếp sau đó sẽ là bao nhiêu các văn bản dưới luật như các nghị định, chỉ thị, thông tư hướng dẫn…. Luật đất đai cũng không là ngoại lệ, nhưng Nông dân tôi có cảm giác với “đất bãi bồi” tất cả mới chỉ đưa ra khái niệm đơn giản đó là : Đất bãi bồi là đất ngoài đê bao quốc gia hoặc là đất do phù sa mới bồi đắp nên, ở ven sông, ven biển
Nhưng thực tế đất ngoài đê quốc gia cửa sông, ven biển ở một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ và các tỉnh đồng bằng Nam bộ, thì đó lại là phù sa non. Vùng đất sình lầy, phù sa ngập ngang thắt lưng có địa hình thấp hơn mực nước biển khi triều cường.Khu đầm của Đoàn Văn Vươn và của một số hộ khác ở huyện Tiên Lãng tại thời điểm giao đất, dù không phải tất cả nhưng phần lớn còn đang là phù sa non. Bằng công sức, trí tuệ, tiền bạc gia đình Đoàn Văn Vươn cũng như một số chủ đầm khác ở Tiên Lãng đã tạo được đê bao và cống điều tiết nước, bắt phù sa phải đông kết và bồi lắng. Để đến hôm nay mọi người đứng từ cống Rộc phóng tầm mắt nhìn bao quát toàn bộ, chỉ thấy đó là khu đầm nuôi trông thủy sản nhiều tiềm năng, khó hình dung được một bãi bồi phù sa mênh mông, hoang vu ngày nào.
Ảnh minh họa
Trong luật đất đai có gần chục loại đất được định nghĩa là đất nông nghiệp, nhưng khu đầm gia đình Đoàn Văn Vươn ở thời điểm bắt đầu tạo nghiệp không thể quy nó về đất nông nghiệp. Nhưng nếu quy nó thuộc nhóm đất phi nông nghiệp theo nghĩa: là đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng, thì e rằng đó vẫn chưa ổn. Nông dân tôi đã bật cười khi biết có người hỏi “ thế nó là đất của trời à?”!. Phải chăng đây đang là một trong các nút thắt khi giải quyết các vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng – Hải Phòng?, lỗi này của ai nhỉ?.
Biết rằng không thể đòi hỏi luật luôn phải có những những điều khoản thật cụ thể và chi tiết, nhưng không thể chấp nhận chính quyền lợi dụng điều đó, tự cho mình có toàn quyền chi phối, sử dụng, ban phát theo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm của họ. Đã biết “Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng”. Nhưng người nông dân làm sao ganh đua được với nhu cầu sử dụng của các “đối tượng khác tốt hơn!”?, làm sao cưỡng lại được ý định, cứ thu còn giao cho ai “chưa thể công khai được!”?.
II/ Khó với gia đình Đoàn Văn Vươn.
Hãy đặt vào hoàn cảnh Đoàn Văn Vươn, người đã hơn 20 năm bỏ toàn bộ tâm huyết công sức vào việc tạo dựng và cải tạo vùng đất bồi này thành cơ nghiệp như hiện nay. Đó là niềm tự hào của người nông dân khi muốn tự khẳng định mình. Khi hơn cả trắng tay, khi đứng trước khối công nợ mà cá nhân và gia đình đang gánh. Họ sẽ sử dụng quyền được “sống” và quyền được “mưu cầu hạnh phúc” như thế nào?
Thu hồi không bồi hoàn (kể cả tiền tạo lập đê bao) chắc chắn Đoàn Văn Vươn không thể chấp nhận. Anh ta sẽ làm gì khi bản thân đã kiên trì kiến nghị, theo kiện và đã nhìn thấy hậu quả mà chủ đầm Lê Đình Thảo được nhận khi theo khiếu kiện tới “kịch trần” là tòa án tối cao.
Gia đình Đoàn Văn Vươn lại không thể đủ lực để ngăn chặn việc cưỡng chế như chủ đầm Nguyễn Thế Đọc người xã Nam Hưng –Tiên Lãng. Trước lực lượng hùng hậu cả hàng trăm dân quân, tự vệ, công an viên, lực lượng liên ngành của bốn xã, huyện đã phải dừng lại vì gặp phải sự phản ứng quyết liệt gần 50 người là anh em, con cháu trong gia đình ông Đọc ( mềm nắn, rắn buông).
Với Nông dân tôi hành động của Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý thực sự không khó hiểu khi họ đã cản nhận được tính bạo lực của chính quyền xã, huyện qua hai lần thực hiện cưỡng chế trước đó. Hệ quả, bạo lực đã bị đáp trả bằng bạo lực, Đoàn Văn Quý nổ súng hoa cải đơn giản chỉ mong muốn các đề nghị chính đáng của họ được đáp ứng.
Chắc chắn hai anh em họ Đoàn không thể tính tới phản ứng đầy “dũng mãnh” của đại tá Ca giám đốc sở công an ngay sau đó. Họ cũng không thể biết rằng hành động của họ xảy ra ở thời điểm xã hội còn đang tồn tại quá nhiều bất cập. Đơn giản từ xe gắn máy của dân tự cháy mà “chưa rõ lí do”, giá cả , lạm phát tăng cao và hàng nghìn, chục nghìn vụ khiếu kiện xảy ra khắp nơi liên quan tới đất…. Cách làm của họ đã làm cho mọi tầng lớp trong xã hội thực sự giật mình. Đây có thể là nguyên nhân chính tạo ra sự bùng nổ truyền thông trong nước, lớn hơn tất cả các sự vụ xã hội khác trong nhưng năm gần đây. Kéo theo hệ lụy mà nhiều người đã và sẽ phải gánh chịu.
Công bằng không thể phủ nhận sự giúp đỡ của chính quyền địa phương với gia đình Đoàn Văn Vươn trong những năm quai đê lấn biển tạo dựng sự nghiệp của mình. Vừa qua nghe chủ tịch xã (đang bị ngưng chức) Lê Văn Liêm xưng hô, thím Thương, thím Hiền ( cách gọi thân mật như anh em trong nhà ở địa phương chúng tôi ). Nông dân tôi rất mừng tình làng nghĩa xóm đã không thể dễ dàng bị mất ở Tiên Lãng.
Pháp luật bị vi phạm đòi hỏi phải trừng trị, nhưng với những điều pháp luật pháp chưa định liệu hết, cần đến cái tâm, cái đức của người có quyền vận dụng. Càng cần những điều đó hơn ở những người có trọng trách phải giải quyết khi những sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Ở cương vị là đứng đầu chính phủ với một núi công việc phải lo (có người nói Thủ tướng quá “ôm đồm”). Nhưng với vụ việc ở Tiên Lãng Nông dân tôi chân thành cám ơn các kết luận của Thủ tướng.
Thật khó cho gia đình Đoàn Văn Vươn khi hiện tại chỉ với hai người phụ nữ và vài đứa trẻ nhỏ, đang phải quản lý, khai thác gìn giữ một khu đầm hơn 40 Ha ở một nơi đầy sóng gió.
Đến ngay việc phá NHÀ hoặc “chòi trông cá!” hay cái “nhà chòi!” của dân đã khởi tố vụ án, đến nay vẫn không tìm được bị can? ( vì bị can “nhân dân bức xúc” đã được khẳng định là không phải). Thử hỏi làm sao đến ngày 30/3 xử lý dứt điểm được?.
Không có nhận xét nào: