Lê Diễn Đức - Cần chấm dứt ngay lý tưởng hoá sự nô lệ và tâm lý xin cho - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
2 tháng 3, 2012

Lê Diễn Đức - Cần chấm dứt ngay lý tưởng hoá sự nô lệ và tâm lý xin cho

Lê Diễn Đức - Gần hai tháng nay, dư luận Việt Nam rung động bởi tiếng bom Tiên Lãng và âm vang của nó được cộng hưởng dồn dập từ sự việc này đến bất ngờ khác. 

Người ta đã nâng lên thành “hiện tượng Đoàn Văn Vươn”. Một cú nhấn hi hữu vào huyệt vị nguy hiểm của chế độ kể từ nhiều thập kỷ qua. Ở một mức độ thấp hơn, có thể so sánh, là vụ án Nông trường Sông Hậu mà nhà văn Phạm Viết Đào từng cho là “đòn điểm huyệt của chế độ”.

Nếu từ "vỡ oà" thường xuyên xuất hiện trong ngôn ngữ của báo chí Việt Nam, như vỡ oà niềm vui, vỡ oà hạnh phúc, thì trường hợp vụ án Tiên Lãng có thể nói vỡ oà phẫn nộ! 

Chưa bao giờ ngôn ngữ chỉ trích nhắm trực diện vào đại diện chính quyền lại nặng nề, thậm chí trên mức nặng nề, như thế, bởi những người trong nước. Tôi nhấn mạnh: những người trong nước! 
Những cụm từ “đảng Hải phòng”, “cát cứ Hải Phòng”, “cường hào ác bá”, “ngu ngốc”, “thảo khấu”, “cướp ngày”, “vô đạo đức”, “vô liêm sỉ”, “dối trá”, “trơ trẽn”, thậm chí được hình hượng hoá “đại ka là đại Ca nào… sáng ngồi dòm xuống là chào đại Ca”, v.v… công khai gắn cho các quan chức Hải Phòng trên báo chí chính thống hoặc không chính thống, nhưng tác giả là những người chính danh, đang sống trong chế độ.

Như nắm bắt được cơ hội, những người cầm bút trong nước đã nỗ lực trở thành chỗ dựa lớn và có lẽ duy nhất, cho những người nông dân bất hạnh, nạn nhân truyền kiếp của các vụ cưỡng chế chiếm đoạt đất đai trên khắp cả nước, từ thời thực dân Pháp của thế kỷ trước, tới thời kỳ thực dân đỏ hôm nay.

Tuy nhiên, tôi cứ quay quẩn trong suy nghĩ, không biết mình sẽ nói thế nào cho hợp lẽ về một thái độ trước các biến động trên.

Trước hết, tôi đưa ra hai ví dụ có tính bao quát.

Một. Bài “Nỗi đau và hổ thẹn này” [1] của nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh, đăng trên Blog Quê Choa nổi tiếng và có ảnh hưởng của nhà văn Nguyễn Quang Lập.

Hai. Bài “Đất đai và Tổ quốc” [2] đăng trên Blog của nhà Văn Nguyễn Quang Vinh, một người tôi quý mến, cảm phục, đã không quản ngại xả thân vì tín nghĩa, bám sát “trận địa” Tiên Lãng, cung cấp cho công luận nhiều thông tin kịp thời và bổ ích, những bằng chứng thật đập vào sự dối trá.

Trong bài “Đất đai và Tổ quốc”, sau khi bằng “tiếng nói đau đớn, bức xúc của người cầm bút”, liệt kê những gai chướng, bất công, tham nhũng trong giới quan chức Hải Phong như “mua phiếu bầu cử, nội bộ đấu đá nhau giành quyền lực, mua bán chức tước”, v.v. trong thập niên qua, nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh, giơ hai tay lên trời "trông chờ rất nhiều ở sự công minh của pháp luật, cán cân công lý của Nhà nước CHXHCN Việt Nam"!

Dưới tựa bài “Đất đai và Tổ quốc”của nhà văn Nguyễn Quang Vinh là tấm hình cảnh hoang tàn sau khi nhà cửa gia đình anh Vươn bị tàn phá, với hàng chữ đậm nét: “Mình hỏi chị Hiền, sao chị lại cắm lá cờ Tổ Quốc vào cái nơi nhà chị bị phá, chị Hiền nói, là để gia đình em giữ được niềm tin vào Đảng, vào Nhà nước, vào Chính phủ”. 

Phản ứng của hai người nêu trên có lẽ là tâm lý chung của nhiều người Việt trong nước, đã dẫn đến niềm tin mù quáng và ảo tưởng vào bộ máy chính trị.

Tôi cho rằng, tâm lý tai hại này vô tình làm công sức bỏ ra trở thành dã tràng xe cát và tiếp tục đưa xã hội vào bế tắc.

Với người cầm bút có lương tâm, đứng về phía nạn nhân, nói lên sự bất công - chưa đủ, mà cần phải có thái độ dứt khoát, “lấy sự thật chống lại dối trá của bộ máy, lấy sức mạnh của niềm tin chống lại thói vô nguyên tắc của bộ máy" (Adam Michnik).

Sau kết luận của ông Nguyễn Tấn Dũng trong phiên họp ngày 10/2/2012, mặc dù nhiều sự việc tiếp diễn gây ầm ĩ dư luận, không thấy tiếng nói chính thức nào từ Văn phòng Thủ tướng. Sự im lặng này khiến mọi người lại bùng nhùng trong thuyết âm mưu với các loại giả thiết.

Trong bài viết trên RFA “Màn diễn PR tệ hại của Thủ tướng về vụ án Tiên Lãng” [3] hôm 13/2 tôi đã từng bác bỏ giả thiết “loạn sứ quân”. 

Bộ máy nhà nước Việt Nam hiện tại bao gồm các kết nối chính trị giữa trung ương với địa phương. Các mắt xích được tạo ra từ chủ nghĩa lợi ích thân hữu, chủ nghĩa “thái tử đảng” và chạy chức quyền. Chất keo kết dính là tiền.

Các nối kết chính trị có thể thất bại nếu bị gắn kết với những người không thích ứng. Chỉ khi nào hành động của một quan chức quá đáng đến mức gây ảnh hưởng cho sự an toàn của tất cả các đối tượng khác trong hệ thống, thì mới bị xử lý.

Nói rằng, “mỗi ông lãnh đạo địa phương trở thành hung thần đối với đất đai của nông dân, trở thành sứ quân đối với Trung ương” [5] là sai lầm. Tất cả đều có sự lãnh đạo, ăn cánh và ràng buộc lẫn nhau từ trên xuống dưới.

Không một mắt xích nào được phép làm ngưng trệ sự vận hành bình thường của bộ máy. Cấu trúc tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép trừng trị bất cứ ai có hành động đó. Nhưng là sự thoả hiệp. Cho một người hạ cánh an toàn hoặc bị trừng phạt kiểu “giương cao đánh khẽ” là nhân danh bảo vệ an toàn cho những người khác.

Không có sự ngây thơ nào hơn khi đặt niềm tin công lý vào một bộ máy không còn năng lực, thể chất đã bị huỷ hoại nghiêm trọng vì các căn bệnh hiểm nghèo.

Sau bao nhiêu cố gắng mà rốt cuộc hiệu quả lại phụ thuộc vào sự chờ mong, tin tưởng vào bộ máy đó, thì chẳng khác gì Donkishot với cối xay gió, và nguy hiểm hơn - huỷ diệt ý thức và tinh thần tranh đấu của các nạn nhân.

Trả lời phỏng vấn BBC hôm 26/2 [4] ông Bùi Kiến Thành, một chuyên gia kinh tế từng trải trong nước và đang là nhà tư vấn độc lập, đã dùng từ "ung thư" khi nói về các vấn nạn và nguy cơ tồn vong của Đảng CSVN hiện nay, rồi ông đưa ra câu hỏi “làm sao để chữa bệnh ung thư về vấn đề thoái hóa đảng viên". Rất tiếc, cho đến nay chưa có thuốc đặc trị chữa bệnh ung thư mà chỉ có thể kìm hãm sự phát triển của nó.

“Đánh sập” ban lãnh đạo Hải Phòng - như một liều thuốc đặc trị, thì mọi chuyện sẽ êm xuôi và cả nước hả hê, thoả mãn ư? Không! Cả hệ thống bệnh hoạn vẫn nguyên vẹn.

Bà Lê Hiền Đức, chiến sĩ chống tham nhũng nổi tiếng, đã đưa ra nhận định chính xác: “... Chính quyền trung ương của Việt Nam chỉ như là sự phóng to của chính quyền huyện Tiên Lãng, chính quyền thành phố Hải Phòng". [6]

Vì thế, đã đến lúc phải ngăn chặn hệ thống chính trị tiếp tục sử dụng sự mù lòa của dân chúng để củng cố quyền lực và lợi ích.

Chỉ những con người bị tước đoạt tự do mới lý tưởng hoá sự nô lệ và có tâm lý xin cho. Thủ pháp “tương kế tựu kế” truyền thống, bám vào một cái gì đó của chế độ để làm khiên che, sẽ vô tình đưa quần chúng vào sự ngộ nhận đáng trách.

Phải thay đổi. Thay vì vô vọng với các thư kiến nghị, chờ mong thiện chí hão huyền, phải chuyển sang các yêu sách, đòi hỏi nhà cầm quyền thực hiện nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của xã hội.

Nếu chính quyền không đáp ứng thì phải tỏ thái độ bằng các hình thức tranh đấu bất bạo động phong phú, hợp lý và tổ chức giúp đỡ bài bản cho các nạn nhân hiểu biết về các quyền công dân của mình.

Xin đừng hiểu thiên lệch vấn đề như là một sự khiêu khích, kích động. Không một ai kích động hay tổ chức, thì hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn cuộc xuống đường lớn nhỏ của dân oan vẫn đã liên tiếp diễn ra từ hai thập niên nay. Hoàn toàn tự phát.

Nhưng sự tự phát này đang cần được định hướng đúng đắn. Phương pháp như thế nào là phụ thuộc vào tình hình cụ thể và tài năng, sáng suốt của những người trong nước dám xả thân vì công lý và nghĩa hiệp.

Còn ngược lại, cứ đi theo lối mòn tư duy cũ, chúng ta sẽ chết dần trong chán nản, thất vọng và kiệt sức vì trông chờ vô tận vào “sự công minh của pháp luật, cán cân công lý của Nhà nước CHXHCN Việt Nam", mà nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh đã bày tỏ, như là tiếng nói đại diện của rất nhiều người.

© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog

Lê Diễn Đức - Cần chấm dứt ngay lý tưởng hoá sự nô lệ và tâm lý xin cho Reviewed by Hoài An on 3/02/2012 Rating: 5 Lê Diễn Đức - Gần hai tháng nay, dư luận Việt Nam rung động bởi tiếng bom Tiên Lãng và âm vang của nó được cộng hưởng dồn dập từ sự việc...

Không có nhận xét nào: