Một cách nhìn về lịch sử xung đột Việt-Hoa - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
30 tháng 3, 2012

Một cách nhìn về lịch sử xung đột Việt-Hoa

Phạm Dzũng - Nhìn tổng thể về lịch sử loài người kể từ khi còn là những bộ lạc, người ta ghi nhận sự hình thành, phát triển hoặc tiêu vong của các cộng đồng dân cư (sắc tộc, bộ lạc, xã hội thành thị...); của nhiều định chế chính trị và quyền lực quân sự như là các quốc gia, các đế quốc; và ngay cả của nhiều nền văn minh, tất cả những diễn trình lịch sử đó đều tuân theo quy luật biến dịch, mà trong đó có quy luật thiên nhiên khắc nghiệt: “Ðấu tranh sinh tồn,” thể hiện qua hiện tượng di dân và đồng hóa (kể cả bị đồng hóa) mà đã liên miên xảy ra từ hàng vạn năm trước và sẽ còn xảy ra bây giờ và sau này.

Vậy nếu áp dụng cách nhìn hiện tượng học “Lịch sử xã hội loài người là lịch sử di dân và đồng hóa (và bị đồng hóa)”, thì có thể thấy rõ động lực của nhiều chu kỳ biến động lịch sử trên thế giới từ xưa đến nay, và tiên liệu được động thái của nước lớn đối với các nước lân bang nhỏ hơn,và nếu ứng dựng vào lịch sử xung đột Việt Hoa sẽ nhìn thấy được bản chất đảng cầm quyền CSVN ngày nay cùng các sách lược của nó về nội trị và ngoại giao, dựa vào điều kiện và lịch sử hình thành và phát triển của nó, qua đó đánh giá được các chính sách, chiến lược nó đã và đang thực hiện (kể từ 1929), cũng như tiên liệu được kế sách của đảng cầm quyền khi đối phó với thời thế cùng những hệ lụy của nó đối với tương lai của dân tộc Việt và đất nước Việt Nam.

Cũng nên ghi nhận rằng, về bản chất (định nghĩa), thì “Quốc Gia (hay Nước, Ðất Nước)” chỉ là một định chế chính trị (political institution) của một vùng lãnh thổ có dân cư; định chế thì có tính ngắn hạn và dễ thay đổi (thí dụ: Nước Chiêm Thành đã tiêu tan, Quốc-gia Việt Nam Cộng Hòa nay đã không còn nữa, nước Mỹ thì mới có mặt từ khoảng 400 năm nay) - “Tổ quốc” chỉ là một khái niệm tình cảm cộng đồng đối với khu vực địa lý mà 1một cộng đồng dân cư đã sinh sống qua nhiều thế hệ (thí dụ: người Việt ở Mỹ chỉ vài ba thế hệ nữa là đa số dù muốn hay không cũng sẽ không còn thiết tha đến đất nước Việt, mà sẽ chỉ còn biết Tổ quốc mình là Mỹ quốc) - “Dân tộc” là một tập hợp sinh học thuần nhất của những cư dân sinh sống trong một vùng địa lý - Dân tộc là thực thể tồn tại lâu dài hơn là những định chế và tình cảm cộng đồng, và cũng là yếu tố căn bản cho Quốc Gia hoặc một cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, sự hình thành một quốc gia ổn định lâu dài là điều kiện cần để hình thành và phát triển nền văn hóa và văn minh đặc trưng của một dân tộc hoặc cộng đồng dân cư.

Lịch sử và Khảo cổ học đã chứng minh nhiều dân tộc (sắc tộc, bộ lạc, quốc gia... ) ở vùng Hoa Nam, lưu vực sông Dương Tử đã bị xâm lược và đồng hóa bởi những sắc dân Hoa Bắc (Hán tộc) - Những sắc tộc nào di dân được xuống Ðông Nam Á thì tồn tại được đến ngày nay mà không (hoặc ít) bị đồng hóa, là nhờ địa thế hiểm trở, khí hậu nhiệt đới, và sức sống (dân khí) (1) của dân tộc đó.

Khuynh hướng Nam tiến là bắt buộc đối với người Tàu phương Bắc (Bắc Á: Mông, Mãn, Hán...), vì không thể Bắc tiến và Tây tiến được, và cũng vì cần hướng phát triển ra biển và khai thác tài nguyên biển.

Người Việt cũng vậy, sau nhiều đợt di dân và quần cư ở đồng bằng sông Hồng, sông Mã, tạm yên được với Bắc phương vài ngàn năm nhờ vào địa hình biên giới hiểm trở, cũng phải Nam tiến, thôn tính và đồng hóa Chiêm Thành, Chân Lạp (nửa nước Miên), chuẩn bị Tây tiến và Bắc tiến bằng con đường từ phía Ðông Nam (nếu thôn tính xong Miên) để thôn tính Lào. Mộng gồm thâu Ðông Dương (hoặc thành lập Liên Bang Ðông Dương) của người Việt vẫn được ôm ấp kể từ thời các vua chúa nhà Nguyễn, vì địa lý nước Việt rất bất lợi cho sự thống nhất, an ninh lãnh thổ và phát triển kinh tế văn hóa: rặng Trường Sơn phía Tây làm cho miền Trung quá hẹp, rất dễ bị đứt khúc ở khoảng vĩ tuyến 16-18 như lịch sử đã từng chứng minh. Ðịa lý các nước Miên, Lào cũng bất lợi không kém. Chỉ khi hình thành được Liên Bang Ðông Dương, mở rộng địa lý đất đai và dân số thì mới hy vọng chận đứng chiến tranh xâm lược của nước lân bang phía Bắc.

Khi thực dân Pháp đến đô hộ Việt Nam, thì lục tỉnh miền Tây Nam bộ mới được nhập vào VN được khoảng ba mươi năm (50 năm?). Nếu Việt Nam canh tân kịp đồng thời với Nhật, thì nhiều phần chắc là Việt Nam đã kiểm soát được cả Thái Lan, Miến Ðiện, và trở thành mối đe dọa lớn đối với Tàu, vì biết chừng đâu sẽ có đủ thế lực để đòi lại đất cũ là Quảng Ðông, Quảng Tây và Vân Nam, thực hiện được hoài bão của vị vua anh hùng Quang Trung. (Nhưng chưa biết chừng, khi gồm thâu được đất cũ, người Việt lại bị Hán hóa giống như dân Mông, Mãn, vì dân số Việt ít hơn, và văn hóa đặc trưng cũng không cao hơn, mạnh hơn...)

Nhìn chung, luật thiên nhiên chung cuộc vẫn là cạnh tranh và sinh tồn. Chủng tộc nào đoàn kết, mạnh, khôn ngoan, sanh đẻ nhiều, chấp nhận mạo hiểm, chấp nhận di dân và lai giống thì sẽ ưu thế hơn các chủng người khác - Mông cổ, Mãn Thanh về quân sự mạnh hơn Hán, nhưng cũng bị Hán hóa vì dân số Hán đông hơn và văn hóa cao hơn, hơn nữa, còn tự nguyện bị đồng hóa, vì dân Mông, Mãn vẫn thán phục, ưa chuộng văn hóa Hán tộc. Tiến trình đồng hóa với địa phương của dân du mục Bắc Á (Mông, Mãn...) đã xảy ra từ cả vạn năm nay, cho nên nếu xét về (di tố) gene, thì nhiều dân tộc đã có lai (di tố) gene Mông Cổ mà không biết (Việt, Hàn, Thái, Nhật, và một số vùng bên Ấn, Hồi, Nga. v.v.). Xem ra, tiến trình di dân, lai giống đối với loài người là không thể đảo ngược. Thời Hoa Kỳ lập quốc, những di dân từ Âu Châu qua đã xóa sổ hàng triệu người bản xứ, nhưng ngày nay, sự hình thành và phát triển nước Mỹ trên cơ sở các định chế dân chủ sẽ là mô hình thích hợp nhất cho tiến trình này một cách nhân bản, khác hẳn với sự hình thành các đế quốc kiểu phong kiến, thực dân cũ và mới.

Xuyên suốt lịch sử Việt Nam, người Tàu từ Hoa Nam di dân liên tục vào Việt Nam và các nước Ðông Nam Á từ rất lâu trước cả thời phong kiến Bắc thuộc, hoặc vì tha phương cầu thực, hoặc tìm không gian sinh tồn, hoặc qua chiến tranh xâm lược, hoặc là hệ lụy các biến động chính trị cận đại, td. Thiên Ðịa Hội phản Thanh phục Minh, biến cố chiến tranh (Thế Chiến 2, Giải giáp Phát xít Nhật). Khi họ vào ít, và không kèm tổ chức chính trị bang hội thì họ bị Việt đồng hóa, td: người Tiều (Triều Châu) ở miền Trung, lục tỉnh miền Tây và Rạch Giá,... nhưng nếu họ vào nhiều và có tổ chức bang hội, thì họ thành lập khu vực riêng có tiềm năng trở thành khu tự trị (td: Chợ Lớn), nếu họ tổ chức được chính quyền thì họ tách ra làm quốc gia riêng: Singapore, Ðài Loan,... không chịu tùng phục chánh quốc nữa, giống như thời xa xưa An Dương Vương xâm lăng đánh thắng Vua Hùng, và rồi Triệu Ðà sau khi thắng An Dương Vương vậy.

Người Tàu cũng như người Việt, có đầu óc phong kiến, có mộng làm vua một cõi, đồng thời cũng có thói thần phục kẻ mạnh, là kẻ có tài gồm thâu thiên hạ. Thời xưa (trên 3000 năm trước) vốn không có nước Tàu, chỉ sau thời Ðông Chu Liệt quốc, Tần Thủy Hoàng thôn tính xong 6 nước cuối cùng, nước Tàu mới thống nhứt. Nên biết nước Tần của Tần Thủy Hoàng thời Ðông Chu trở về trước vốn là một sắc dân ở Tây Bắc nước Tàu, là giống dân lai giữa Mông Cổ và Thổ Nhĩ Kỳ, tạo nên người Hoa Bắc, vốn gốc du mục nên rất thiện chiến và hung bạo. Như vậy nước Tàu hình thành do chiến tranh xâm lược. Lịch sử hình thành nước Tàu là lịch sử xâm lăng và đồng hóa bằng bạo lực chiến tranh. Khi Tàu mạnh cũng vậy, mà khi Tàu yếu, lại càng cần tìm thế chính thống bằng cách gây chiến với lân bang nhỏ yếu.

Sự kiện các nước tìm cách ảnh hưởng khống chế lẫn nhau là điều không thể không xảy ra, cũng như sự kiện các nước lớn tìm cách can thiệp khống chế hoặc xâm lăng các nước nhỏ bằng quân sự, kinh tế, hoặc chính trị (qua sự thành lập và yểm trợ các thế lực chống đối trong nước) để thôn tính đất đai, bóc lột tài nguyên và lao động (Phong kiến hoặc Thực dân cũ và mới) cũng là không thể tránh được. Chỉ khi nào có được dân khí cường thịnh, đoàn kết một lòng để xây dựng một nền kinh tế phát triển (như Nhật, Hàn) đồng thời có chánh sách ngoại giao và liên minh khôn khéo (như Thái, Phi Luật Tân, Miên...), thì mới tạo nên một thực lực làm cho nước ngoài phải kiêng nể, mới giữ được độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ, hạn chế hoặc khống chế được các can thiệp từ nước ngoài. Tiếc thay, điều này dường như đã và đang không thực hiện được ở Việt Nam.

Vậy sẽ có phần thiếu sót cho cả hai phe người Việt (Quốc, Cộng...) và các bình luận gia khi gọi cuộc chiến ở Việt Nam 1954-1975 là chiến tranh ý-thức-hệ (quốc cộng, giai cấp...), hoặc giải phóng (chống Mỹ cứu nước). Ngay cả chiến tranh giải thực trước 1954 cũng đã bị Tàu, kể cả Trung Hoa Dân Quốc (2), lợi dụng giúp đỡ để thâm nhập sâu, tạo quyền lực mềm, tiêu diệt đối lập gồm cả những nhà ái quốc có tư tưởng dân tộc độc lập, tạo ảnh hưởng văn hóa (hủy diệt văn hóa địa phương, truyền bá văn hóa phong kiến khuyển nho, hoặc chủ nghĩa Cộng Sản...), ảnh hưởng quân sự (đào tạo sĩ quan, quân nhân, chuyên viên), cài thế lực chính trị (cài đạt, mua chuộc, dung dưỡng những nhân vật không có tinh thần dân tộc vững chắc vào các cấp chính quyền). Tàu dĩ nhiên không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để dùng ảnh hưởng vô cùng lớn của mình để làm yếu thế lực Việt, băng hoại tinh thần dân tộc Việt, và cả cơ cấu tổ chức xã hội Việt, tạo điều kiện để xâm lăng như họ đã từng làm trong suốt chiều dài lịch sử.

Ví dụ : Cải Cách Ruộng Ðất, Trăm Hoa Ðua Nở... không thể xảy ra nếu không có áp lực cực lớn của CS Tàu (cộng với sự phục tùng của ban lãnh đạo CS Việt) chỉ nhằm tiêu diệt sớm những người có tinh thần dân tộc trong hàng ngũ Việt Minh, họ đã hết lòng chiến đấu dưới lá cờ Việt Minh do chủ nghĩa yêu nước, có uy tín trong dân rất cao sau nhiều chiến thắng quân sự (dĩ nhiên là với sự giúp đỡ có hậu ý của CS Tàu), vì có triệt được những công thần này, thì về lâu dài Tàu mới nắm chắc được đảng cầm quyền CSVN để thực hiện những bước thôn tính kế tiếp. Do vậy, phải nhìn thấy CCRÐ không phải là do sư sai lầm hoặc ngu muội của lãnh đạo CSVN, mà là sự cài đặt sắp xếp có bài bản và áp lực cực lớn của Tàu.

Vụ Tổng Công Kích Tết Mậu Thân 1968 mà lực lượng chính là quân đội miền Bắc xâm nhập, đã thất bại về mặt quân sự, nhưng mục tiêu bề trong thâm sâu của chiến dịch đó chính là nhằm tiêu diệt những người chiến đấu chống chính quyền miền Nam (VNCH) vì lý tưởng dân tộc chủ nghĩa (tin rằng Mỹ xâm lăng VN như kiểu Tây thực dân), do đó đã phá nát lực lượng quân sự hậu thuẫn cho phe MTGP miền Nam- Miền Bắc đã thành công trong mục tiêu đó, vì đã mượn tay lực lương VNCH miền Nam để làm triệt tiêu trên 70% lực lượng chiến đấu của MT Giải Phóng Miền Nam. Nhờ đó sau 1975, miền Bắc có thể áp đặt quyền lực và mô hình kinh tế giáo điều XHCN trên toàn miền Nam mà không bị phe miền Nam chống đối, cho dù kinh tế XHCN làm cho miền Nam phá sản, sắp chết đói.

Cũng như các vua chúa nhà Nguyễn với đầu óc phục Tàu, sợ Tàu đã làm cho Việt Nam mất cơ hội hiện đại hóa như nước Nhật cùng thời, đầu óc của những người lãnh đạo CSVN từ xưa tới nay cũng là phục Tàu, sợ Tàu, chắc không mấy người thấy được sự hiểm độc của Chủ Nghĩa CS đối với sự tồn tại của Quốc gia và dân tộc VN. Mặc dù trong Ðảng CSVN cũng có người thấy được bản chất bành trướng bá quyền Ðại Hán và dã tâm xâm lược của lãnh đạo CS Tàu (phe Lê Duẩn sau 1975), và tìm cách chống trả, nhưng do bị ngộ độc tư tưởng bởi nọc độc Chủ Nghĩa CS (3), nên sau khi chiếm được miền Nam, liền áp dụng chính sách kỳ thị chánh trị đối với người miền Nam, nhất là đối với những cựu quân nhân viên chức của phe thua trận, gây nên chia rẽ dân tộc. Ðồng thời vẫn giáo điều áp đặt kinh tế XHCN vào miền Nam Việt Nam làm cho nền kinh tế đang lên này bị bức tử, phá sản, tức là vẫn trúng kế của kẻ thù phương Bắc (chia rẽ dân tộc, phá hoại sinh lực kinh tế...), đồng thời chiến lược chống đối với Tàu mà dựa vào độc nhất có một nước Liên Xô như trước đây là một nước cờ bấp bênh (nước xa không cứu được lửa gần), và đã thất bại, khiến cho sự tồn vong của Việt Nam càng ở vào cái thế nguy hiểm hơn, vừa mất thêm đất đai, vừa lệ thuộc Tàu nặng nề thêm về mặt chính trị. Ðiều này gây hậu quả tai hại nghiêm trọng cho tiềm lực nước Việt, và chứng tỏ bản lãnh chính trị kém cỏi của lãnh đạo Ðảng CSVN, ít ra là vào thời điểm quan trọng đó. Thử nghĩ xem, nước Mỹ sau cuộc Nội chiến Nam Bắc tàn khốc không thua gì ở Việt Nam, phe thắng trận miền Bắc nếu cũng cư xử với phe thua trận miền Nam như ở Việt Nam sau năm 1975, thì đâu có được một nước Mỹ hùng mạnh như ngày nay?

Nga (Liên Xô) vốn âm mưu dùng Chủ Nghĩa CS để thôn tính thế giới, kể cả Tàu (dưới chiêu bài Thế Giới Ðại Ðồng), nhưng Tàu to quá, Nga nuốt không nổi - Kinh tế kiểu XHCN thất bại, nên Nga Xô Viết sụp đổ, không giữ được những nước nhỏ mới thôn tính được sau thế chiến - Nhưng Tàu dùng CNCS làm bình phong thì dù thất bại về kinh tế (khi chưa đổi mới theo kiểu tư bản), nhưng vẫn có thể thôn tính được các nước Ðông Dương, vì kinh tế XHCN nếu làm cho Tàu yếu một, thì sẽ làm cho các nước nhỏ bị yếu 10 lần hơn, đảng cầm quyền do đó sẽ phải càng phải lệ thuộc vào đàn anh để giữ vững quyền lực và quyền lợi.

Rốt cuộc các diễn biến ở Việt Nam từ 1927 dường như đều thuận lợi cho sách lược Nam tiến ngàn năm không ngưng nghỉ của Tàu. Nghĩ cho cùng, về thực chất sâu xa lịch sử Việt-Tàu từ xưa đến nay toàn là Tàu đánh Việt, toàn là Tàu tìm cách làm cho Việt đánh lẫn nhau mà suy yếu đi để dễ nuốt, dân mình Bắc Nam đều chỉ là nạn nhân, lãnh đạo CSVN hoặc không biết, hoặc bị sai khiến, cũng chỉ là con cờ trong bàn tay phù thủy mà thôi.

Chúng ta nay đã đều biết ai đứng đàng sau Mặt Trận Việt Minh (trước 1954) và MT Giải Phóng MN (trước 1975) để giựt dây? Chính là đảng CSVN, con đẻ của Quốc Tế III (Nga Xô), tay sai của đảng CS Trung Hoa - Từ lâu, CS Tàu muốn và đã dùng chủ nghĩa CS để thôn tính các nước Ðông Dương, mở rộng biên cương xuống phía Nam để làm chủ biển Thái Bình và cả vùng Ðông Á - Trong ý đồ đó, miếng xương khó nuốt nhất vẫn là một nước Việt Nam thống nhất và hùng mạnh.
Từ 3000 năm nay Tàu thất bại hoặc rất khó khăn khi muốn xâm lăng và đồng hóa Việt Nam vì ý chí dân tộc VN còn mạnh, may quá, nay Tàu vớ được Chủ Nghĩa Cộng Sản, dùng ngay mục tiêu giả tạo là Ðấu tranh giai cấp và Thế Giới Ðại Ðồng để che đậy ý đồ xâm lược (của Tàu) và âm mưu bán nước (của thành phần tay sai, thân Tàu trong Ðảng CSVN).

Chiến tranh giải thực ở Việt Nam vốn không cần đổ máu nhiều đến thế, nhưng với âm mưu làm yếu Việt, Tàu xúi giục, cổ võ, yểm trợ cho chiến tranh và phân hóa.

Nhìn bề ngoài, thì giống như người Việt chống Pháp, Việt Minh đánh Việt gian... nhưng thực ra là Hán tộc (Tàu) đánh Việt tộc bằng cách dùng ngay người Việt (Việt Minh) đánh người Việt (các đảng phái Quốc Gia, hoặc phe thân Pháp...). Lực lượng Việt tộc (các đảng phái Quốc Gia) không có chỗ dựa nên đành phải dựa vào Pháp để chống Cộng, mà do Pháp thua, phải ký HÐ Genève, nên phải cùng chạy xuống miền Nam qua vĩ tuyến 17. Sau đó, Tàu lại tiếp tục xúi Việt đánh Việt bằng chủ nghĩa CS và yểm trợ quân sự, kinh tế cho Mặt Trận GPMN do CS miền Bắc dựng lên, một công hai việc, vừa gây chiến tranh huynh đệ tương tàn làm suy yếu Việt, vừa lan tràn ảnh hưởng xuống Ðông Nam Á. Sau 1975, mặc dù bề ngoài trông giống như phe Bắc Việt thắng phe Nam Việt, hoặc là Giải Phóng Miền Nam thắng Mỹ... nhưng thực ra vẫn là Tàu thắng Việt, vì Tàu đã thành công trong âm mưu dùng người Việt đánh người Việt, làm cho hai miền đều kiệt quệ.

Nhớ lại, sau khi dàn xếp thỏa hiệp được với Tàu để dồn nỗ lực làm suy yếu Nga, Mỹ bỏ rơi VNCH, làm ngơ cho Tàu chiếm đoạt Hoàng Sa của Việt Nam, cắt hết quân viện làm cho miền Nam thất trận 1975 - Sau đó miền Bắc xé bỏ thỏa thuận trước đây với MTGPMN (giữ miền Nam trung lập trong hai năm rồi mới hiệp thương thống nhất hai miền), Ðảng CSVN áp đặt ngay chế độ độc tài đảng trị, chính sách kỳ thị chính trị và nền kinh tế XHCN trên cả nước bằng cách cào bằng lực lượng sản xuất miền Nam với các chiến dịch đánh Tư sản và đổi tiền (thực chất là cướp tài sản), cô lập hoặc xua đuổi những người có tinh thần dân tộc, kể cả các lãnh tụ của phe miền Nam (Mặt Trận GPMN). Một số nhân lực có tiềm năng chống Tàu hoặc xây dựng kinh tế rất lớn bị lừa vào các trại cải tạo, thực chất là các trại tù. Một số lớn dân chúng có tiềm năng xây dựng nền công nghiệp và kinh tế thị trường bị cưỡng bức đi khai khẩn vùng hoang vu (gọi là vùng kinh tế mới), bị chết chóc và đàn áp dữ dội.

Sự kỳ thị chính trị một cách quá khích và nền quản trị kém cỏi đã làm kinh tế cả nước phá sản, tinh thần người dân bị suy sụp, người dân bị đẩy đến chỗ cùng quẫn đến nỗi phải vượt biển ra nước ngoài cả triệu người, là 1 con số rời bỏ quê hương đất nước rất lớn chưa từng có trong trong lịch sử Việt Nam. Cả triệu người, đại đa số là dân thường, phải liều lĩnh chạy ra khơi bỏ quê hương mà ra đi về nơi xứ lạ quê người, điều đó nói lên được sự cùng quẫn thất vọng của người dân đối với nền cai trị ở Việt Nam, đó là một sự mất máu rất lớn cho phe Việt tộc, cho lực lượng dân tộc chống xâm lăng về lâu về dài. Và như vậy là đã trúng thâm ý Tàu: chia rẽ, phá hoại đoàn kết dân tộc, phá hoại tiềm lực kinh tế... Tàu còn xúi giục, yểm trợ Kmer Ðỏ tàn sát người Việt và tấn công biên giới Tây Nam để khích Việt Nam phải xua quân qua Kam Pu Chia, tốn người, hại của, mất uy tín đối với quốc tế. Vậy mà Tàu vẫn giả đò tức giận, lấy lý do Việt Nam xâm lăng Kam Pu Chia, xua quân tấn công biên giới phía Bắc, rõ ràng là ném đá giấu tay rồi lại thừa cơ để mượn cớ xâm lăng, cũng giống như trong lịch sử, Tàu luôn luôn nhân cơ hội nước ta suy yếu hoặc nội loạn để mà mượn cớ xâm lăng.

Tóm lại Tàu muốn nuốt Việt Nam và Ðông Nam Á thì đã phải chuẩn bị tình huống “tằm ăn dâu= nuốt từ từ”. Sau khi đã chuẩn bị từ năm 1927 với tay sai là Hồ Chí Minh và Ðảng CSVN, đến nay Tàu đã chiếm được biên giới phía Bắc, làm chủ vùng biển Việt Nam, đóng quân trên Tây nguyên, lật đổ ảnh hưởng của Việt Nam tại Lào và Campuchia, bao vây Việt Nam trên bộ và ngoài biển, gài người nắm các chức vụ then chốt trong Bộ Chính Trị CSVN và guồng máy an ninh... quốc phòng Việt Nam, tiêu diệt các lực lượng dân tộc, triệt hạ ý chí dân tộc, phá hoại kinh tế, văn hóa và xã hội Việt Nam thông qua nhà cầm quyền tay sai khiếp nhược (hèn với giặc, ác với dân), không bao lâu Tàu sẽ có thể nuốt được miền Bắc, thành lập chính phủ tay sai (như Bắc Hàn).

Dĩ nhiên cũng còn nhiều người yêu nước, có tinh thần dân tộc mạnh, họ sẽ tập hợp lại thành thế lực chống đối đủ mạnh. Và vì mất chính nghĩa, chánh phủ tay sai của Tàu cũng sẽ bị suy yếu và chia rẽ, rốt cuộc Việt Nam sẽ lại bị tách ra làm 2 như tình thế trước 1954, phe chống Tàu sẽ rút về miền Nam, đảng Cộng Sản VN sẽ phải sụp đổ, vì đến lúc này con cờ “Ðảng CS” hoặc “XHCN” sẽ hoàn toàn mất hiệu quả, trở thành phản động, lúc đó là lúc sẽ nhiều nhân vật hoặc đảng chính trị với danh nghĩa phục quốc, chống cộng... xuất hiện để tranh chấp chính quyền miền Nam - Như vậy thì bàn cờ sẽ có tiềm năng quay lại cái thế tương tự thời 1945 với các đảng phái quốc gia và mặt trận Việt Minh, rồi thì sẽ tới thế cờ sau 1954 với Mặt Trận Giải phóng miền Nam - Mặc dù lịch sử diễn biến, nhưng đại thể vẫn sẽ là bổn cũ soạn lại. Do đó, những bàn tay lông lá cũ đã, đang và sẽ chuẩn bị những lá bài mới cho giai đoạn mới (từ 1975). Một cuộc “giải phóng miền Nam” nữa sẽ có thể lại được dàn dựng để gạn lọc cho hết những thành phần còn ý thức mạnh về độc lập dân tộc... cho đến khi toàn thể Ðông Á trở thành Tàu hoặc phiên bang của Tàu.

Còn Mỹ thì sao? Nếu Việt Nam mất vào tay Tàu thì Mỹ cũng đâu có thiệt gì đâu? Chiến lược lâu dài của Mỹ là giữ vững thế siêu cường số một - Chiến lược cốt lõi của Mỹ vẫn là bảo vệ và phát triển lợi nhuận các đại công ty tài phiệt và công kỹ nghệ - Ðối với Mỹ, quyền lợi là trên hết, cho nên Mỹ vốn là cần Tàu hơn là cần Việt Nam. Thông qua nhà cầm quyền độc tài đảng trị CS Tàu, Mỹ không cần xâm lăng đất đai của Tàu cũng vẫn bóc lột được 1 tỷ rưỡi người Tàu.

Mỹ cũng chẳng sợ gì Tàu, nhưng sẽ không gây chiến để tiêu diệt Tàu, vì không có lợi - Mỹ đã thắng Nga thế nào thì cũng sẽ tính là về lâu dài sẽ thắng Tàu bằng cách tương tự, Mỹ sẽ làm Tàu phải phình to ra và tự nổ thành nhiều mảnh, y như Nga vậy, dù biết trước mà vẫn không tránh được... Từ nay cho tới lúc đó, thì nếu Tàu mà ra mặt đụng độ với Mỹ, Mỹ chỉ cần xù nợ hoặc không mua hàng là Tàu sẽ gặp khó khăn rất lớn, có thể có nội loạn ngay nếu cả trăm triệu người thất nghiệp do cấm vận... Dĩ nhiên Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn kinh tế, vì đã có phần nào phụ thuộc vào hàng hóa rẻ tiền nhập từ Tàu. Vậy thì Mỹ cũng sẽ thỏa hiệp với Tàu để chia đôi Việt Nam giống như nước Cao ly (Hàn quốc). Thế cờ xa sắp tới là cả hai đều chuẩn bị thử sức nhau lâu dài ở miền Nam Việt Nam, ở biển Ðông. Bọn họ đã và đang chuẩn bị rồi đó, vận mệnh dân ta nay rất là mong manh, nếu dân khí đã tuyệt, thì chỉ còn phú cho ông Trời thôi... và nếu không phục hưng lên kịp, Việt Nam sẽ vẫn chỉ là một quân cờ, và vẫn còn là nơi chiến trường trắc nghiệm.

Sau hơn 100 năm chiến tranh giải thực, Việt Nam cũng đã khá kiệt quệ. Ðến khi Mao nhờ viện trợ của Nga, đánh thắng Tưởng, nắm được chính quyền, thì Mao khởi đầu chiến lược thôn tính Ðông Dương (nếu Tưởng thắng, thì cũng sẽ làm y như vậy - Tàu nào cũng giống nhau) - Sẽ rất là lạ nếu thực tế lịch sử lại không xảy ra như vậy. Mộng Ðại Hán nằm sẵn trong đầu bất cứ anh Tàu nào. Do đó, dĩ nhiên là CS Tàu phải điều khiển cho được cuộc chiến Ðông Dương theo sách lược đó. Vậy thì chiến tranh Quốc Cộng ở Việt Nam kể cả trận Ðiên Biên Phủ, và tất cả các chính sách kinh tế chính trị của CSVN kể cả cuộc Cải cách ruộng đất đều nằm trong âm mưu do Tàu xếp đặt để làm suy kiệt Việt Nam mọi mặt, nhất là về kinh tế (do chiến tranh tàn phá liên miên, và kinh tế kiểu XHCN phá sản), về văn hóa xã hội và tinh thần dân tộc (ý thức về nền độc lập dân tộc bị phá sản để xây dựng Thế giới đại đồng CSCN), đạo đức xã hội bị băng hoại, thế hệ trẻ bị đầu độc, ý chí đấu tranh bị mất định hướng, bị đàn áp hung bạo đến tê liệt và suy kiệt. Người dân sẽ chỉ còn biết an thân thủ phận lo sinh kế hoặc tranh nhau hưởng thụ nếu có điều kiện.

Một khi ý chí đấu tranh suy kiệt, tinh thần dân tộc sẽ bị lụn bại (dân khí tuyệt) sẽ rơi vào cái thế buộc phải lệ thuộc ngoại bang, đưa tới mất nước và bị đồng hóa y như dân Chiêm Thành và Chân Lạp trước đây vậy. Dân ta ở Việt Nam sẽ thành ra người Tàu gốc Việt, giống như Việt kiều chúng ta thua chạy ra nước ngoài thôi, chỉ vài ba thế hệ sau là thành Mỹ gốc Việt, Tây gốc Việt, đều thành con lai hết... Rốt cuộc đó cũng là thể hiện quy luật vận động của lịch sử loài người: Di Dân và Ðồng Hóa...

Nguy cơ trở thành người Tàu gốc Việt hiện nay là rất lớn, nếu không huy động được toàn lực nhân dân trong nước, cộng thêm yểm trợ của các nước lân bang, thì ít nhất sẽ mất miền Bắc (nếu không để bị mất Tây Nguyên). Một bộ phận dân Việt nếu tiếp tục chạy thoát được sang các nước khác hoặc các nước Âu Mỹ, thì cũng sẽ là di dân, và vài thế hệ nữa thì cũng bị lai giống hoặc đồng hóa, không còn nói được tiếng Việt nữa.

Sự tồn tại của Việt tộc luôn luôn bị đe dọa bởi chủ nghĩa bá quyền Ðại Hán. Ngày nay còn bị đồng thời đầu độc bởi Chủ Nghĩa Cộng Sản. Hậu quả là sức sống của dân tộc bị mòn mỏi cùng cực. Nếu không lật đổ được CNCS thì cơ may tồn tại là rất ít. Trừ phi Tàu bị Mỹ “triệt buộc,” phải phình to, và tự nổ sớm, thì may ra đất nước ta và dân ta lại tồn tại được lâu lâu hơn chút nữa... mong thay!!!
Phạm Dzũng
Nguồn: nguoi-viet.com

Ghi chú:

(1) Dân khí: Nói như cụ Phan Chu Trinh, phải chấn hưng dân khí trước nhất: “Chấn dân khí, hưng dân trí, hậu dân sinh...
-Dân Nhật định cư ở vùng hải đảo nghèo nàn tài nguyên mà vẫn trở thành đại cường.
-Dân Do Thái trải qua vài ngàn năm bị mất nước và bị Ðức Quốc Xã tàn sát, nay tụ lại chỉ có chưa đầy 8 triệu người mà cũng là một cường quốc khoa học kỹ thuật (nhiều Nobel khoa học nhất thế giới) và quân sự (đánh thắng liên minh 9 nước Ả Rập chỉ trong 6 ngày).
-Nước Hàn cũng bị chia đôi, miền Bắc nghèo đói, nhưng miền Nam đã trở thành cường quốc kinh tế cạnh tranh được với Nhật... là do yếu tố nào? Phải chăng là “dân khí” họ cường mãnh hơn dân Việt mình khi họ đoàn kết một lòng trong nỗ lực tăng gia sản xuất xây dựng kinh tế hoặc đứng lên chống lại độc tài quân phiệt?

Ý thức vững vàng của thành phần ưu tú lãnh đạo một cộng đồng (hoặc Quốc gia) về sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân cũng là đặc điểm của dân khí cường mãnh, thí dụ:

1. Ở nước ta,với Hội Nghị Diên Hồng, vua với dân đồng lòng chống quân Mông Cổ. Thời vua Quang Trung đem quân ra Bắc 2 lần để phù Lê diệt Trịnh và sau đó đại phá quân Thanh, quân miền nam không tàn sát dân, cũng không trả thù binh lính miền Bắc.

2. Nước Mỹ sau cuộc Nội chiến Nam Bắc tàn khốc, phe miền Bắc thắng trận đã đối xử với phe miền Nam thua trận rất cao thượng, hoàn toàn không có sự kỳ thị hoặc trả thù, kẻ thua trận vẫn được kính trọng và vẫn được bình đẳng, coi như anh em, hoàn toàn không giống như ở VN sau năm 1975.
Sức mạnh của dân tộc (dân khí) là ở chỗ này đây: ý thức kỷ luật, ý thức tập thể thể hiện qua ý thức đoàn kết dân tộc và độc lập dân tộc trên bình diện rộng, không chỉ thể hiện ở người lãnh tụ hoặc tập đoàn cầm quyền.


(3) Ngộ độc chủ nghĩa CS = CNCS phá hủy văn hóa truyền thống và ý thức dân tộc, phá hủy nền tảng tư duy về đạo đức cá nhân, cũng phá hủy luôn cấu trúc kinh tế và xã hội do áp dụng triết lý bạo lực về giai cấp đấu tranh kiểu cuồng tín giáo điều, cộng với lý thuyết kinh tế mác xít với biện chứng không tưởng về Thế giới Ðại đồng Cộng sản Chủ nghĩa, biện chứng này tạo cho Ðảng cầm quyền một thứ “chính nghĩa,” dựa vào đó để che giấu bản chất xâm lược của nước lớn, và sự thần phục, lệ thuộc của Ðảng cầm quyền ở nước nhỏ. Cho nên những thành phần tinh hoa của Ðảng CSVN vốn được nể phục nhờ vào bộ máy tuyên truyền đánh bóng thành những người yêu nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc, những người này sau khi nắm quyền cai trị, họ thất bại với mô hình kinh tế XHCN làm cho cả nước nghèo đói kiệt quệ, họ bắt chước Tàu, chuyển sang kinh tế thị trường nhưng vẫn độc quyền cai trị. Khi nền kinh tế bắt đầu phát triển, qua hệ thống bè cánh, họ đã bộc lộ bản chất kiêu mạn và tham tàn vô độ, điển hình của cái thời “tư bản hoang dã.” Lợi nhuận thu về do nắm độc quyền cai trị đã biến toàn bộ cán bộ cai trị các cấp biến chất thành một tập đoàn mafia, “tự thực dân” bóc lột chính nhân dân mình, và để bảo vệ quyền lợi của mình và tập đoàn, những nhà cai trị này sẽ sẵn sàng bám vào thứ “Chính nghĩa Thế giới Ðại đồng CSCN” có sẵn để quy phục nước đàn anh (Tàu, hoặc Nga...) và đàn áp những người dân có tinh thần dân tộc chống xâm lược.

Ðộc tài sanh ra độc quyền và độc quyền sẽ phải sanh ra tham nhũng hệ thống và hủ hóa cá nhân, điều này có tính quy luật, như một hệ lụy của sự quy phục quyền và lợi, và đã từng xảy ra trong lịch sử các nước, điển hình như là dưới triều đại Sùng Chính thời mạt Minh: Khi Lý Tự Thành đánh tới kinh đô, dân đói, quốc khố trống rỗng nên lính cũng đói và không được trả lương để nuôi vợ con, vua phải kêu gọi các quan bỏ tiền ra để nuôi quân, nhưng không ai chịu. Sau đó thành bị phá và vua Sùng Chính treo cổ tự vẫn. Khi phá kho nhà các quan lớn, thì thấy nhà mỗi viên quan lớn đều có vàng bạc đồ quý chất đầy kho, tính ra gấp cả trăm lần công quỹ (Xem: Cát Kiếm Hùng - Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc, Tập III, nhà Minh & Thanh, tr. 294, Bản dịch: Phong Ðào, Nhà XB Văn Hóa Thông Tin, Hà Nội-2005).

Một cách nhìn về lịch sử xung đột Việt-Hoa Reviewed by Hoài An on 3/30/2012 Rating: 5 Phạm Dzũng - Nhìn tổng thể về lịch sử loài người kể từ khi còn là những bộ lạc, người ta ghi nhận sự hình thành, phát triển hoặc tiêu vo...

Không có nhận xét nào: