Một thế hệ ngoại giao mới của Việt Nam - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
25 tháng 3, 2012

Một thế hệ ngoại giao mới của Việt Nam

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ Khi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu trước cử toạ quốc tế, ông thường không cần đến phiên dịch. Ở tuổi 53, độ tuổi tương đối trẻ với vốn tiếng Anh đầy đủ làm ông khác biệt với những người tiền nhiệm.

Nhưng ông không khác biệt mấy so với những đồng nghiệp ngoại giao của mình, thế hệ những nhà ngoại giao cao cấp của Việt Nam, được bổ nhiệm sau Đại hội Đảng lần thứ 11 trong tháng Giêng 2011, đa số là trẻ trung và hoà nhập hơn so với những quan chức cộng sản khắc khổ vốn luôn là bộ mặt của quốc gia.

Việc thay đổi phong cách này cho thấy sự trưởng thành của những nhà ngoại giao từng theo học tại các đại học hàng đầu ở Mỹ trong những năm 1990 khi Việt Nam bắt đầu mở cửa. Nó cũng xảy ra đúng vào thời điểm quan trọng trong chính sách đối ngoại của quốc gia. Là nước đông dân thứ hai (sau Indonesia) trong khối ASEAN gồm 10 thành viên, Việt Nam ngày càng được xem là nhân vật chủ chốt trong những vấn đề khu vực.

Cùng lúc ấy, Hà Nội cũng đang xúc tiến một mạng lưới đối thoại an ninh song phương với Hoa Kỳ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Anh và Nga, trong một nỗ lực thầm lặng nhằm cân bằng sự đi lên của Trung Quốc. Việt Nam và các nước ASEAN đang dính vào cuộc tranh giành chủ quyền với Trung Quốc tại khu vực biển Đông dồi dào tiềm năng dầu mỏ và khí đốt.

Khả năng có thể giao thiệp một cách thoải mái với các đồng nghiệp rõ ràng là rất quan trọng đối với tính hiệu quả cũng như hình ảnh của một nhà ngoại giao. Tiểu sử chính thức của Nguyễn Quốc Cường, đại sứ hiện nay của Việt Nam tại Hoa Kỳ, viết rằng ông “sử dụng tiếng Anh trôi chảy”. Đặc điểm này không thể được dùng để miêu tả những đại sứ Việt Nam tiền nhiệm, những người với vốn tiếng Anh nghèo nàn từng thường xuyên làm cử toạ bối rối.

Cũng như người xếp bộ trưởng ngoại giao của mình, ông Cường tốt nghiệp Phân viện Luật và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts, một trong những phân viện quan hệ quốc tế hàng đầu tại Hoa Kỳ. Lê Hoài Trung, hiện là đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, cũng từng tốt nghiệp từ Fletcher. Với hàng loạt những quan chức chính quyền Việt Nam nổi bật từng là cựu sinh viên của trường này, ta có thể cho rằng “băng đảng Fletcher” đang kiểm soát Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Để hiểu được các nhà ngoại giao Việt Nam đã tiến bộ đến đâu, hãy nhớ đến sự kiện của Lê Văn Bàng, người đã bị bắt khi đào sò trái phép ở Long Island, New York vào năm 1994 khi đang là đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. Ông Bàng và người tài xế của mình “làm như không biết tiếng Anh khi bị quản lý bờ biển bắt giữ,” công tố viên địa phương cho biết.

Cuối cùng, Bàng đã không bị truy tố khi ông sử dụng đặc quyền ngoại giao. (Bàng trở thành đại sứ đầu tiên của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khi Hà Nội và Washington bình thường hoá quan hệ một năm sau đó.)

Nhân quyền và an ninh

Một vấn đề then chốt của những nhà quan sát về Việt Nam là sự chuyển đổi thế hệ đang diễn ra tại Bộ Ngoại giao có thể ảnh hưởng ra sao đến chính sách. Liệu Việt Nam cộng sản sẽ thiên Tây phương hơn và mở cửa để thay đổi làn sóng chính trị, hoặc liệu nó sẽ càng quyết tâm hơn để giữ nguyên tình trạng độc tài hiện nay của đất nước?

Một bài toán thử sẽ là vấn đề nhân quyền, vốn thường là điểm ngăn cản quan hệ giữa Việt Nam và các nước dân chủ phương Tây. Trong khi những nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam hiếm khi công khai đi lệch đường lối của đảng, có thể họ đang nhận thức rất rõ những hệ quả quốc tế từ thành tích nhân quyền tệ hại của chính quyền của mình.

Việc Hà Nội đàn áp những nhà bất đồng chính kiến - được chứng minh rộng rãi bởi những tổ chức nhân quyền quốc tế - có lẽ là chướng ngại lớn nhất trong việc thiết lập quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Các quan chức Hoa Kỳ từ Thượng Nghị sĩ John McCain đến Thứ trưởng Ngoại giao Kurt Campbell gần đây đã nhấn mạnh rằng Hà Nội phải chỉnh đốn vấn đề nhân quyền trước khi Hoa Kỳ cân nhắc đến việc bán vũ khí quân sự.

Hoa Kỳ không phải là người đơn độc trong việc nhấn mạnh nhân quyền trong quan hệ với Việt Nam. Pháp được cho là đã đình chỉ những đối thoại với Việt Nam vào năm ngoái sau khi Phạm Minh Hoàng, một blogger có tiếng, là công dân Việt Nam lẫn Pháp bị bắt giữ. Những thảo luận về an ninh hiện dự định sẽ được nối lại sau khi Hoàng được trả tự do vào tháng Giêng.

Cũng có những câu hỏi lớn về việc Bộ Ngoại giao thật sự có ảnh hưởng cao đến đâu. Phải có những thoả hiệp khi giới lãnh đạo Hà Nội cân bằng quan hệ ần gũi hơn với Hoa Kỳ, vốn được xem là mối đe doạ đến an ninh trong nước qua áp lực của nước này về nhân quyền, và Trung Quốc, vốn được xem là nguy hiểm đối với an ninh quốc phòng khi quốc gia này tìm cách thống trị biển Đông. Có thể có những quan điểm trái ngược về việc này này giữa Bộ Ngoại giao vốn nhạy cảm về vấn đề quốc tế và Bộ Công an vốn chú trọng vấn đề trong nước.

Điều quan trọng là hiện không có đại diện của Bộ Ngoại giao trong Bộ Chính trị gồm 14 người của Đảng Cộng sản, cơ quan quyền lực chính trị tối cao. Là một trong hai quan chức Bộ Ngoại giao nằm trong danh sách Uỷ ban Trung ương Đảng gồm 175 thành viên, Phạm Bình Minh có thể có khả năng được đề bạt vào Bộ Chính trị trong thời hạn gần, nhưng những thay đổi thành viên trong cơ quan này thường chỉ xảy ra vào những kỳ đại hội 5 năm của Đảng. Kỳ đại hội kế diễn ra mãi đến năm 2016. Không có vị trí trong tổ chức này, các nhà ngoại giao Việt Nam chắn hẳn cũng chỉ thừa hành thay vì ra quyết định về chính sách đối ngoại.

Điều trớ trêu là vị bộ trưởng ngoại giao Việt Nam đầy quyền lực trước đây lại là Nguyễn Cơ Thạch, cha của Phạm Bình Minh. Là thành viên của Bộ Chính trị và Phó Thủ tướng, ông Thạch từng đóng vai trò ngoại giao tối cao từ 19980- 1991. Được xem là thiên Liên Sô và chống Trung Quốc, ông Thạch cuối cùng bị đẩy ra khỏi vị trí sau khi Hà Nội và Bắc Kinh tái thiết lập quan hệ ngoại giao sau cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi vào năm 1979 làm cắt đứt quan hệ giữa hai nước.

Sự nghiệp của ông Thạch đại diện cho một thời kỳ khi Việt Nam đứng hẳn về phía Liên Sô. Kể từ 1991, Hà Nội đã theo đuổi một chính sách đối ngoại mới chuyên “làm bạn với mọi người” để tìm cách hội nhập toàn cầu trong khi giữ nguyên là một trong những nước cộng sản cuối cùng của thế giới.

Chính sách này cuối cùng đã hết thời và giờ đây Hà Nội đang đối diện với hai thử thách trong việc phải đối phó với một Trung Quốc đang lên cũng như áp lực cải cách chính trị từ phương Tây. Và trong khi thế hệ những đại diện ngoại giao Việt Nam mới trở nên thức thời và nhuần nhuyễn hơn trong nghệ thuật đối ngoại, họ vẫn thiếu vắng thực lực để chuyển vận chủ tâm về chính sách của mình tại giao điểm đầy quan yếu trong quan hệ quốc tế của đất nước.

Nguồn: The Hanoist - Asia Times

Một thế hệ ngoại giao mới của Việt Nam Reviewed by Hoài An on 3/25/2012 Rating: 5 Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ -   Khi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu trước cử toạ quốc tế, ông thường không cần đến...

Không có nhận xét nào: