Trần Huy Đức - Phát súng của người nông dân Đoàn Văn Vươn chống lại sự cưỡng chế của chính quyền Huyện Tiên Lãng Hải Phòng có thể nói gần như là một tuyên ngôn chắc nịch rằng : “kẻ thù của họ là ai”. Mặt khác hành động diễn ra giữa bên này là một nhúm người nghèo khổ cùng vài vũ khí thô sơ tự tạo của mình , với bên kia là một lực lượng hùng hậu, đông về số người cũng như vũ khí hiện đại , quả là quá chênh lệch, không cân sức , khiến chúng ta lưu tâm điều gì ? . Tại sao người nông dân vẫn quyết định hành động trong tuyệt vọng, khi họ biết rằng chắc chắn sẽ bị di nát như số phận vài con kiến nhỏ dưới chân con voi khổng lồ đang giận dữ. Phải chăng họ đã đóng dấu mộc nhớ đời cho dòng lịch sử trước cường quyền và áp bức một tuyên bố dõng dạc rằng : điều đáng sợ nhất ở mọi con người là khi trong chính họ không còn mảy may một chút sợ hãi nào cả . Khi đó , là lúc họ trở thành thùng thuốc súng sẽ phát nổ bởi bất kỳ tia lửa nhỏ bé nào. .
Bản năng đấu tranh sinh tồn là thuộc tính của mọi loài sinh vật , trong đó có con người. Đối với sinh vật , cuộc đấu tranh chỉ nằm gọn trong qui luật hoang dã được gọi nôm na là luật rừng. Với luật đó, sức mạnh của nanh vuốt , cơ bắp và tốc độ là quyết định tối thượng của chiến thắng. Vì thế , con hổ sẽ đương nhiên quyết định cuộc sống của bày nai yếu ớt . Nhưng đối với loài người văn minh, từ nhiều nghìn năm còn đắm chìm trong đêm trường trung cổ, các thể chế xã hội đã manh nha xây dựng nên hệ thống văn bản pháp luật cho mình. Chính hệ thống pháp luật được xuất hiện và hoàn thiện qua từng giai đoạn lịch sử , gắn liền với sự phát triển nhân loại đã là một biểu hiện của văn minh trí tuệ, khiến cho loài người khác xa những loài động vật khác.
Vì vậy, có thể kết luận rằng : trong xã hội, để giải quyết những mâu thuẫn luôn phát sinh, thì việc sử dụng luật rừng chỉ biểu hiện cho một sự tàn ác man rợ của muông thú hoang dã. Nó không đại diện cho gương mặt con người. Chỉ có pháp luật tiến bộ mới biểu hiện cho sự văn minh mà thôi. Mặt khác, pháp luật văn minh chỉ được hình thành và đi vào cuộc sống khi đó là kết tinh của ý chí toàn xã hội, thông qua nền dân chủ được xác lập bởi tri thức và nghị trường. Sau khi pháp luật đã được xác định, nền dân chủ phổ thông đầu phiếu thông qua bầu cử và nghị trường sẽ bầu ra những người con ưu tú của quốc gia có đủ đức tài đảm nhiệm những trọng trách của xã hội để phục vụ toàn dân. Những con người này sẽ là công bộc của dân. Họ phải tuyệt đối tuân thủ những kỷ cương của pháp luật quy định. Tuy nhiên, để luật đi vào cuộc sống, kinh nghiệm đi trước của các quốc gia văn minh đã chỉ ra rằng : Phải có một đội ngũ nhân lực bởi các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về luật , được lắp ghép một cách hữu cơ , nhất cử nhất động với các hoạt động xã hội trong bất kỳ lĩnh vực nào, như vậy mới mong việc thực thi pháp luật được trở thành sự thực. Và đương nhiên , xã hội mới phát triển theo chiều hướng tốt đẹp . Điều này đòi hỏi phải có một lực lượng luật sư hoạt động độc lập với phương châm chỉ tuân thủ pháp luật. Những luật sư có trình độ cao về luật ( Kể cả luật trong nước và quốc tế ) sẽ tham mưu cho các chủ thể trong mọi lĩnh vực , kể cả chính quyền và hướng các chuyển động của xã hôị không đi trệch hành lang pháp lý . Ở các nước có nền dân chủ cao , việc luật hóa các hoạt động xã hội ( thậm chí cả hoạt động của tổng thống ) đã ngăn ngừa rất hiệu quả các hành vi tham nhũng, lạm quyền của các cá nhân cũng như tổ chức công quyền, hoặc chí ít bao giờ cũng treo lơ lửng trên đầu những con sâu mọt dân một lời cảnh báo đe dọa. Tóm lại, để cho pháp luật đi vào cuộc sống, thì mọi hoạt động xã hội phải gắn chặt với sự có mặt của luật sư và luật .
Không chỉ có vụ việc ở Tiên Lãng, hầu như rất nhiều vụ bùng nhùng trong cả nước liên quan đến mâu thuẫn, giải quyết mâu thuẫn đều hé lộ một nhược điểm cơ bản rằng : Trong hoạt động của các cấp chính quyền , hình như vắng bóng sự tham mưu của hàng ngũ luật sư, điều mà lẽ ra phải gắn kết hữu cơ với các cấp chính quyền ấy như môi với răng vậy.
Với sự thực này , những cán bộ của huyện Tiên Lãng cũng như thành phố Hải Phòng , khi giải quyết sự việc , nếu không được dư luận tiến bộ cũng như sự quan tâm thấu đáo từ trung ương chấn chỉnh , chắc chắn họ sẽ dùng quyền lực để bóp nát hiện tượng chống lại của người nông dân lương thiện Đoàn Văn Vươn. Họ nhân danh chính quyền trên quyền lực . Nhưng họ đã lầm. Quyền lực của chính quyền nhân dân chính là nền pháp luật do toàn dân xây dựng. Điều đó được chắt từ máu xương, mồ hôi và tri thức của hàng triệu con dân Việt Nam chứ không phải cảm tính của một số người nào đó. Một số người lãnh đạo Huyện Tiên Lãng đã nhân danh chính quyền nhân dân, nhưng họ hành xử sai pháp luật, mà pháp luật là đại diện duy nhất bảo vệ toàn dân, do đó họ biến thành kẻ chống lại nhân dân. Điều nguy hiểm ở chỗ trong khi trình độ hiểu biết về pháp luật của nhân dân lao động chưa cao, thì điều đó dễ làm cho mọi người hiểu sai về bản chất chính quyền của chính thể chúng ta, chỉ bởi một lẽ giản đơn là cán bộ chính quyền không tuân thủ pháp luật. Điều mà lẽ ra, họ, những người đầu tiên phải gương mẫu, nghiêm chỉnh thực hiện. Họ quên rằng bọn phản động chính là dám chống lại pháp luật của nhà nước CHXHCN Việt Nam, vì thế bọn chúng phải bị nghiêm trị. Bất kể kẻ nào , nhân danh ai , nhưng khi hành động vi phạm pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam thì đều là chống lại chính quyền nhân dân. Bởi vì giản dị dễ hiểu : Pháp luật chính là chính quyền.
Lẽ ra , những quan chức huyện Tiên Lãng và TP Hải Phòng phải hành xử theo pháp luật . Đáng tiếc , họ đã hành động trong sự vi phạm pháp luật. Điều mà đã được công luận tiến bộ . Sự điều tra của các đoàn thanh tra từ các bộ thuộc trung ương và đặc biệt là kết luận của thủ tướng chính phủ phán xét.
Sự việc trên là một điều đáng tiếc, làm ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý nhân dân cả nước . Đặc biệt là nông dân, chiếm đại đa số, là những người gắn chặt đời sống và quyền lợi với đất đai, như cá sống không thể thiếu nước vậy. Do đó, nó báo hiệu những tàng ẩn, có thể còn nguy hiểm hơn sự việc tương tự như Đoàn Văn Vươn, nó chứng minh cho một nguyên lý rằng : Các quan hệ trong xã hội khi giải quyết mâu thuẫn không sử dụng luật pháp mà dùng sức mạnh của luật rừng thì sẽ có luật rừng đáp trả . Nhưng nó cũng đưa ra một câu hỏi lớn cần có lời giải rằng : Liệu đã đến lúc phải có một điều luật riêng để áp dụng cho các hoạt động của hệ thống hành chính quốc gia từ trung ương đến địa phương phải được giám sát bởi pháp luật. Điều đó có nghĩa rằng : Việc biên chế các luật sư trong các cơ quan hành chính thuộc về công quyền là điều cần thiết phải thi hành trong thực tế hiện nay .
Không có nhận xét nào: