Nỗi đau không tên gọi - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
25 tháng 3, 2012

Nỗi đau không tên gọi

Trần Thị Nga (Danlambao) - Chị tên Vân, một cái tên rất đẹp như vóc dáng của mình, với giọng nói nhẹ nhàng và phong thái nhanh nhẹn. Nhìn vẻ bề ngoài không mấy ai tin chị là nạn nhân của tệ nạn Buôn Bán Nô Lệ được bao bọc bởi một tên gọi mỹ miều là Xuất Khẩu Lao Động.

Chị được sinh ra và lớn lên tại vùng đất của tỉnh Hải Dương. Khi đến tuổi trưởng thành chị cũng lấy chồng sinh con như bao người phụ nữ khác. Cuộc sống gia đình không được hạnh phúc như mong muốn. Anh chị đã ly hôn để giải thoát cho nhau; chị chịu trách nhiệm nuôi dậy con. Chị đã cố gắng làm việc kiếm tiền với hết khả năng của mình hy vọng có thể nuôi con ăn học. Nhưng cuộc sống quá khó khăn với những đồng tiền công ít ỏi mà chị vừa phải trả tiền thuê nhà và tiền ăn học cho con. 

Năm 2004 chị nghe đài, báo, ti vi cùng nhiều người dân trong vùng nói đến việc đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan với mức lương cao. Chị nghĩ chỉ cần chịu khó làm việc sau 2–3 năm về sẽ có được ít tiền làm vốn. Chị quyết định gửi con nhờ mẹ chị nuôi hộ và vay tiền anh em bạn bè đóng cho Cty DLKS Thái Bình “gọi tắt Cty Môi giới VN” làm thủ tục Xuất Khẩu Lao Động sang Đài Loan. 

Cũng như bao nhiêu người Lao Động Việt Nam khác, trước khi đi chị không được biết quyền lợi và nghĩa vụ của mình ở Đài Loan (ĐL) và khi gặp nạn phải tìm đến đâu để nhờ giúp đỡ. Khi sang tới ĐL chị đã bị Cty môi giới ĐL đưa đi làm ở hết nhà chủ này đến nhà chủ khác với những công việc nặng nhọc. Chị bị chủ và môi giới cấm không được đi ra ngoài, không được giao lưu với bất kỳ ai mà họ không cho phép. Hàng tháng chị được lĩnh số tiền lương rất ít ỏi, Sau gần 1 năm làm việc vẫn không đủ tiền cho chị gửi về trả số nợ chị đã vay để làm thủ tục Xuất Khẩu. Vì không được giao lưu với người bên ngoài, mọi thắc mắc chị đều kiến nghị với cô phiên dịch người Việt Nam. Thay vì được giải đáp, cô phiên dịch đã hăm doạ sẽ báo với chủ để trả về nước và những thông tin nếu có, chỉ là những lời dối trá. 

Một ngày đầu năm 2005, trong khi đang làm việc chị bị cảnh sát ĐL bắt. Chị rất ngạc nhiên không hiểu vì lý do gì. Sau đó chị mới biết mình đã bị Cty môi giới báo bỏ trốn khi vừa đến được ĐL vài hôm. Dựa vào lời khai của chị các cơ quan của chính phủ ĐL đã vào cuộc điều tra. Họ xếp chị vào danh sách nạn nhân của tệ nạn Buôn Bán Nô Lệ Lao động sau khi bị giam trong tù 8 tháng 4 ngày cùng những lao động bất hợp pháp khác để điều tra. Lúc này chị đã mắc bệnh trầm cảm nặng và cùng với rất nhiều chứng bệnh khác. Sau khi được tư cách là nạn nhân bị Buôn Bán Nô Lệ Lao Động, Bộ Di Dân Đài Loan đã chuyển chị cho Bộ Lao Động đã bàn giao chị cho Văn Phòng Đại Diện VN tại Đài Loan. Ngày 23/09/2005 chị viết giấy ủy quyền cho VPĐDVN tại Đài Loan có nội dung như sau: 

Tôi yêu cầu pháp luật giúp tôi buộc cô Dương phải bồi thường Hợp đồng mà cô Dương đã vi phạm. 

Yêu cầu cô Dương phải có trách nhiệm bồi thường sức khỏe mà cô đã làm hại tôi phải ngồi tù oan là 8 tháng 4 ngày. Đồng thời bồi thường danh dự cho tôi, và yêu cầu cô phải có trách nhiệm về những thiệt hại mà cô đã gây ra cho tôi. 


Ngày 30/09/2005 họ đưa chị về Việt Nam. Sau khi về VN chị đã khiếu nại Cty môi giới VN rất nhiều lần. Ngày 15/06/2007 họ đã phải bồi thường cho chị 60.000.000 đồng với tên gọi là “Hỗ Trợ”. Chị đã dùng số tiền này để chữa bệnh. Khi bệnh chưa khỏi thì tiền đã hết, chị lại phải bươn chải làm việc kiếm sống và ròng rã 5 năm trời chị liên tục lặn lội đến Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước và gọi điện sang VPĐD Việt Nam tại Đài Loan để hỏi về vụ án của mình, nhưng chị đều được trả lời với những từ quanh co. 

Ngày 12/08/2010 tôi hướng dẫn chị làm đơn yêu cầu Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước và VPĐD Việt Nam tại Đài Loan trả lời bằng văn bản về vụ án của chị. 

Sau 02 tháng chị nhận được công văn của Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước đề ngày 05/10/2010 trả lời là Tòa án cao cấp Đài Loan đã có phán quyết phúc thẩm cuối cùng tuyên phạt cô Dương Nhã Kỳ 3 tháng tù giam, được phép đóng tiền thay thế hình phạt tù giam mà không hề đính kèm phán quyết của tòa để biết phán quyết đó ra ngày tháng năm bao nhiêu? 


Khi xem kỹ toàn bộ hồ sơ thì vụ án này là Chính Phủ Đài Loan khởi tố bị can Dương Nhã Kỳ vi phạm Điều 214 Luật Hình sự vì đã có hành vi giả báo lao động Nguyễn Thị Vân bỏ trốn. Có nghĩa “chị Vân chỉ là nạn nhân trên cương vị nhân chứng”. Còn Văn Phòng Đại Diện Việt Nam tại Đài Loan biết rõ chị là nạn nhân của tệ nạn Buôn Bán Nô Lệ. Chị được quyền ở lại ĐL để chữa bệnh với các bác sĩ tâm lý và xin luật sư miễn phí của chính phủ Đài Loan để khiếu kiện. Nhưng khi nhận giấy ủy quyền của chị họ lại không hề giúp chị khiếu kiện hay hướng dẫn chị làm thủ tục khiếu kiện để đòi lại quyền lợi và danh dự của mình. 

Khi này căn bệnh trầm cảm của chị lại tái phát, mỗi khi nhắc đến vụ án này lúc chị khóc, lúc chị cười không kiểm soát được. Tôi nói với chị vụ án của chị rõ ràng thế này tôi sẽ giúp được chị. Tôi đề nghị chị ưu tiên hiện tại là lo chữa bệnh để có sức khỏe, ổn định tinh thần. Tôi nói với chị “khi chị có tinh thần và cơ thể khỏe mạnh thì chị sẽ có tất cả, tôi luôn ở bên chị.” 

Vài tháng sau chị nói “em ơi, từ khi nghe lời em, chị đã không quan tâm đến vụ án đó nữa, bây giờ chị thấy mình rất mạnh mẽ và thanh thản chị quyết định thôi không khiếu kiện và quên đi khoảng thời gian đau buồn đó để sống với hiện tại, hy vọng mọi điều tốt lành sẽ đến với chị.” 

Tôi xin cầu chúc mẹ con chị mạnh khỏe, bình an, nụ cười luôn nở trên môi để vượt qua những gian khó của cuộc đời.

Trần Thị Nga
Chính phủ làm khó dân

Trần Thị Nga - Một trong những quyền tự do của con người là khi có việc gì liên quan đến pháp luật mà ta không có khả năng giải quyết thì ta có quyền ủy quyền cho bất kể ai có thể giúp ta mà ta tin tưởng. Việc ngăn chặn và ép ta phải Uỷ quyền cho kẻ đồng phạm và người mà ta không tin tưởng là tội ác xâm phạm quyền tự do quyết định cá nhân. Đó chính là việc mà Chính phủ Việt Nam đang vi phạm.

Trong những năm gần đây do nhu cầu về cuộc sống nên đã có nhiều người dân Việt Nam chọn con đường xuất khẩu lao động sang Đài Loan (ĐL) làm việc, với hy vọng chịu khó làm việc vất vả vài năm về sẽ dành dụm được ít tiền để lo cho cuộc sống gia đình. Trong số đó có nhiều người may mắn và cũng có không ít người gặp hoạn nạn.

Trong số những nạn nhân đó đa số đều liên quan đến chủ thuê và môi giới. Vì ngôn ngữ bất đồng, lại không hiểu luật pháp, nên họ đã phải tìm đến những tổ chức phi chính phủ chuyên giúp người lao động Việt Nam (VN) tại ĐL nhờ giúp đỡ, mong đòi lại quyền lợi của bản thân. Đó là việc làm chính đáng nhưng họ lại đang bị Chính phủ Việt Nam ngăn chặn và yêu cầu họ phải ủy quyền cho Cty môi giới, chính là người đẩy họ trở thành nạn nhân. Trong khi đó Văn phòng Đại Diện VN tại Đài Loan là nơi chỉ nhận giấy uỷ quyền của nạn nhân rồi để đấy, mặc sức cho nạn nhân đợi chờ. 

Chuyện xảy ra từ năm 2008 khi tôi bắt đầu công việc giúp người lao động đã từng đi làm tại ĐL, tại Việt Nam. Số lượng người lao động đã biết đến việc nhờ những tổ chức phi chính phủ ở ĐL giúp họ đòi lại quyền lợi cũng tăng lên. Tôi liên tục nhận được các cuộc điện thoại nhờ giúp. Có lúc liên quan đến làm giấy uỷ quyền và đơn xin giúp đỡ đòi lại những số tiền lương mà Cty môi giới và chủ thuê vẫn giữ của họ. Có khi liên quan đến những ngừơi có người thân bị tai nạn, hoặc ốm đau, chết tại ĐL nay họ muốn sang để chăm sóc hoặc làm thủ tục hậu sự và làm những thủ tục pháp lý yêu cầu điều tra làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết của người thân.

Kể từ đó số lượng người đựơc tôi hướng dẫn làm giấy tờ cũng tăng lên. Bộ Ngoại Giao Việt Nam tại Hà Nội đã gây khó khăn với những nạn nhân bằng cách những xách nhiễu chứng thực giấy tờ cho họ. Cụ thể như sau:

Cuối tháng 08/2008 anh Tấn quê Thanh Miện, Hải Dương cần công chứng số toài khoản của anh để gứi sang Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân, Cô Dâu Việt Nam (VP/TGCNCDVN) tại Đài Loan để lấy lại số tiền $45,000 Đài tệ tiền lương của anh từ công ty môi giới. Tôi đã hướng dẫn anh làm giấy tờ rất cụ thể theo quy định, nhưng anh đã phải đi lên xuống tới lần thứ 3 mà Bộ Ngoại Giao vẫn không chịu chứng thực cho anh. Lúc này anh đã tức giận gọi điện mắng tôi là không biết thì đừng hướng dẫn làm anh tốn tiền, tốn thời gian mà Bộ Ngoại Giao vẫn nói là hồ sơ của anh không hợp lệ. Tôi đã hỏi lại anh thật tỷ mỷ những giấy tờ anh đã làm thì toàn bộ đều đầy đủ. Tôi bảo anh hãy nói với nhân viên của Bộ Ngoại Giao là hồ sơ của anh thiếu cái gì và phải làm thế nào thì mới hợp lệ và yêu cầu họ phải ghi vào giấy cho anh và yêu cầu gặp Trưởng phòng hay người chịu trách nhiệm cao nhất của BNG để hỏi. Anh quay vào yêu cầu nhân viên BNG phải viết vào giấy cho anh với thái độ cương quyết thì họ lập tức nhận hồ sơ của anh là hợp lệ.

Chị Hoàng Thị Hiền quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, vì tiền của chị Cty môi giới gửi trong sổ tiết kiệm tại ngân hàng nên phải viết giấy uỷ quyền thì ngân hàng mới trả. Tháng 11/2008 khi chị đã làm đầy đủ thủ tục giấy uỷ quyền nhưng nhân viên BNG vẫn không chịu nhận hồ sơ mà bắt chị về lại Tỉnh để công chứng 3 lần rồi. Lúc 8h35 phút ngày 24/11/2008 tôi cùng chị vào nộp hồ sơ tại cửa số 6. Nhân viên nhận hồ sơ lại bảo chị phải về lại Tỉnh công chứng, tôi bảo chị đã phải quay về Hà Tĩnh công chứng 3 lần rồi, bây giờ hồ sơ của chị cần cái gì yêu cầu anh viết vào đây để tôi biết đường về Tỉnh làm lại. Hai nhân viên 1 nam 1 nữ thảo luận với nhau rồi bảo “chúng tôi được lệnh không chứng thực cho bất kể hồ sơ nào uỷ quyền cho các tổ chức Công Giáo”. Tôi yêu cầu cho xem lệnh bằng văn bản thì họ gọi điện cho xếp để xếp nói chuyện với tôi, tôi yêu cầu gặp mặt họ không đồng ý và nói qua điện thoại rằng chị Nhung của Cục Quản Lý Lao Động Ngoài Nước yêu cầu chúng tôi không công chứng cho người lao động khi uỷ quyền cho các tổ chức Công Giáo mà phải uỷ quyền cho Cty môi giới đã đưa người lao động đi. Đứng ở cửa bên cạnh là một anh ở Bắc Giang làm giấy uỷ quyền cho Trung Tâm Hy Vọng (Trung Tâm này cũng là 1 tổ chức phi chính phủ Công Giáo tại ĐL) lấy lại tiền lương của anh tại chủ thuê và Cty môi giới cũng cùng chung số phận.

Cũng trong ngày này chị Toàn quê Quảng Bình có chồng là anh Hoàng Văn Hùng (ảnh trái) bị tai nạn trở thành người thực vật hiện đang nằm tại bệnh viện bên ĐL cũng làm giấy uỷ quyền cho Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân Cô Dâu Việt Nam nhờ đưa đơn yêu cầu điều tra vụ tai nạn của anh cũng như giúp đỡ anh trong vấn đề điều trị tại bệnh việc. Nhưng hồ sơ của chị cũng bị từ chối. Chị đành ngậm ngùi quay về với những lo toan chồng chất. Gần 1 tháng sau chị mới vay mượn đủ tiền để làm thủ tục sang Đl chăm sóc và khiếu kiện cho chồng.

Anh Tiến quê Hải Dương bị chết bên ĐL cùng cảnh ngộ khi giấy uỷ quyền của gia đình cũng bị từ chối. Gia đình nghèo, bố mẹ già kết quả gia đình phải vay mượn tiền để bố anh và một người cháu “đi cùng để chăm sóc” làm thủ tục sang ĐL lo hậu sự cho anh.

Tháng 8/2010 anh Thống người Quảng Bình trong thời gian làm việc tại ĐL bị tai nạn lao động gẫy xương sườn, bể xương chậu, dập lá lách nên phải cắt bỏ. “Do không hiểu chữ Tàu trong giấy chứng thương nên anh không biết việc bị cắt lá lách của mình”. Vì sức khoẻ yếu không làm việc được anh đã phải về VN. Sau một lần bị đau bụng đi khám bác sỹ cho biết lá lách của anh đã bị cắt bỏ. Anh làm giấy uỷ quyền đến BNG họ không nhận hồ sơ mà chuyển tới phòng Thanh tra cục quản lý lao động ngoài nước. Đến đây anh được hướng dẫn uỷ quyền cho môi giới. Anh quay lại BNG gặp vị trưởng phòng họ cũng lại hướng dẫn anh phải uỷ quyền cho môi giới hoặc VP Đại Diện VN tại ĐL và nói Văn Phòng Trợ Giúp Công Nhân Cô Dâu Việt Nam của Linh mục Nguyễn Văn Hùng là tổ chức khủng bố nên họ không thể công chứng giấy tờ uỷ quyền của anh cho VP của Linh mục Nguyễn Văn Hùng được.



Từ những sự việc rối trá ngăn chặn quyền Tự Do Uỷ Quyền của người bị nạn của Chính phủ Việt Nam nhằm ngăn chặn các nạn nhân không được quyền đòi quyền lợi của họ, để giúp được người lao động đòi lại được quyền lợi của họ tôi đã phải dùng rẩt nhiều cách khác nhau trong từng vụ việc.


Ghi chú: 

Thủ tục của giấy uỷ quyền phải qua dịch thụât công chứng như sau:

Người viết giấy uỷ quyền xong mang ra UBND xã hoặc phường ký trước mặt cán bộ Xã, phường và yêu cầu xác nhận (hoặc công chứng) chữ ký.

Mang đi dịch thuật công chứng.

Đến Bộ Ngoại Giao chứng thực.

Đến Văn phòng đại diện Đài Loan tại Việt Nam chứng thực. Như vậy bộ giấy tờ trên mới hoàn thiện.

Nỗi đau không tên gọi Reviewed by Hoài An on 3/25/2012 Rating: 5 Trần Thị Nga (Danlambao) - Chị tên Vân, một cái tên rất đẹp như vóc dáng của mình, với giọng nói nhẹ nhàng và phong thái nhanh nhẹn. Nhì...

Không có nhận xét nào: