Thiếu gạo trầm trọng, nhiều hộ dân ở thôn
Đông Tân, xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc,
Thanh Hoá phải đào khoai ăn độn hàng ngày.
Ảnh: An Bình/webtuoitho.com
|
Gia Minh - Tình trạng đói vào kỳ giáp hạt năm nay lại diễn ra ở nhiều huyện của tỉnh Thanh Hóa. Thực tế thế nào?
Đói giáp hạt
Nhiều bạn trẻ hiện nay không hiểu chữ giáp hạt là gì. Họ là những người sinh ra, lớn lên ở thành phố được nuôi dưỡng đầy đủ không hề biết rằng nông dân Việt Nam trước đây đói khổ thế nào khi mà lương thực vụ mùa cũ không còn cho những tháng ngày trước kỳ thu hoạch của vụ mùa sau.
Trong khi có những người ngay tại Việt Nam thừa mức thức ăn, đồ uống thì mạng Nông nghiệp Việt Nam loan tin huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa phải gửi công văn hỏa tốc đến cấp chủ quản là Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị cứu đói cho người dân của huyện này trong kỳ giáp hạt tháng ba.
Bài báo đưa ra con số là có đến 12 huyện tại Thanh Hóa với gần 70 ngàn dân đang thiếu lương thực. Số dân này hiện sinh sống tại các huyện miền núi và vùng ven biển.
Một người dân tại Thanh Hóa vào chiều ngày 12 tháng 3 trình bày về khó khăn của bản thân, gia đình cũng như của những bà con khác trong khu vực:
Quê nhà tôi làm muối mà năm, sáu tháng nay không có ngày nắng nên không làm được hạt muối nào. Hôm vừa rồi tôi nói với bà con là nếu không có đi làm ăn xa, mà mưa nắng như thế này thì ngày xưa không biết lấy gì mà ăn.
(Một người dân tại Thanh Hóa)
Hiện nay đói lắm, gạo lúa lên nhiều. Ruộng ở đây người ta chẳng làm mấy, người ta bỏ đi làm ăn xa hết.
Quê nhà tôi làm muối mà năm, sáu tháng nay không có ngày nắng nên không làm được hạt muối nào. Hôm vừa rồi tôi nói với bà con là nếu không có đi làm ăn xa, mà mưa nắng như thế này thì ngày xưa không biết lấy gì mà ăn.
Trong bếp của một gia đình nông dân thuộc huyện Lang Chánh (Ảnh báo Người Việt) |
Địa phương chỉ hỗ trợ cho những người được xét nghèo quá nghèo, thì được cho vài yến gạo; rồi được miễn giảm những khoảng đóng góp.
Bài viết của mạng Nông nghiệp Việt Nam nêu ra một vài trường hợp cụ thể mà theo tác giả bài viết cho biết đã đích thân đến với họ để xem họ đang phải cầm cự thế nào trong những ngày này. Địa phương nơi phóng viên đến là bản Tân Sơn, xã Thanh Xuân, huyện Quan Hóa, và đó là trường hợp gia đình ông Phạm Bá Kiếp 45 tuổi với bốn miệng ăn mà trên gác bếp chỉ còn mấy củ sắn đủ cho vài ngày tới. Rồi gia đình ông Cao Văn Nhâm với 6 nhân khẩu sống trong một nhà sàn lợp bằng lá cọ dột nát và cả tháng khi người phóng viên đến họ cũng chỉ có sắn để ăn mà thôi.
Chính quyền phủ nhận
Vào chiều ngày 12 tháng 3, chúng tôi gọi điện đến phó chủ tịch huyện Quan Hóa, bà Phạm Thị Hoa, và bà Nguyễn thị Thanh Xuân, giám đốc Sở Lao Động Thương binh và Xã hội để hỏi thăm về tình hình mà người dân và báo chí phản ánh.
Cả hai bà đều có cùng câu trả lời là đang bận họp và những thông tin mà báo chí nêu ra là không chính xác.
Bà Phạm thị Hoa nói:
Hiện tại tôi đang họp, còn việc bài báo đó lên chỉ là bài báo, còn thực tế, thực trạng của huyện như thế nào, mời ông đến để trực tiếp; chứ giờ tôi còn đang họp nên không thể trả lời ông được. Xin lỗi ông.
Và đây là phát biểu của bà giám đốc Sở Lao động Thương Binh- Xã hội tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn thị Thanh Xuân:
Tôi đang họp nên không thể trả lời được. Còn chuyện báo chí phỏng vấn tôi đã cho anh em nắm tình hình rồi. Báo chí đi phỏng vấn, phản ánh tình hình thực tế nhưng không đúng như thế.
Người dân Thanh Hóa mà chúng tôi nói chuyện về tình trạng đói kém ở tỉnh nhà cho biết tâm trạng chán nản của nhân dân không còn muốn đề nghị cho cơ quan chức năng vì tiếng nói của họ không được lắng nghe lâu nay:
Người dân xã Trung Lý, huyện vùng cao,
biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) nhận gạo
cứu trợ năm 2011 (ảnh minh họa). Courtesy tuoitre
|
Bây giờ người nọ sợ người kia nên chẳng ai dám nói ra cả. Nhân dận chịu hết , nói chẳng ai nghe. Bây giờ cứ người nọ ôm chân người kia cả. Đề xuất chẳng ai nghe, mình biết rõ ràng nhưng nói ra chẳng ai nghe.
Giải pháp chung chung
Mới hồi năm ngoái thông tin cũng cho biết Thanh Hóa có chừng 240 ngàn người thiếu đói trong thời kỳ giáp hạt. Và đây không phải là tình trạng mới xảy ra.
Chúng tôi nêu vấn đề ra với ông Đỗ Quốc Cảnh, chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, và nhận được trình bày về phương cách giải quyết trước thông tin đói giáp hạt tại tỉnh này:
Cả nước đều có chương trình xóa đói, giảm nghèo. Những huyện nghèo thì có chương trình giảm nghèo bên vững. Chúng tôi tập trung với tinh thần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực cho những hộ thiếu đói. Hổ trợ cho họ về kiến thức, tại điều kiện cho vay vốn, hổ trợ kỹ thuật để họ tự sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập. Đó là cái bền vững. Còn thiếu đói giáp hạt như thế này chỉ xử lý những tình huống nhất định trong một khoảng thời gian nào đó thôi. Còn về lâu dài phải phát triển kinh tế xã hội.
Cả nước đều có chương trình xóa đói, giảm nghèo....Hổ trợ cho họ về kiến thức, tại điều kiện cho vay vốn, hổ trợ kỹ thuật để họ tự sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập. Đó là cái bền vững. Còn thiếu đói giáp hạt như thế này chỉ xử lý những tình huống nhất định trong một khoảng thời gian nào đó thôi.
(ông Đỗ Quốc Cảnh)
Chương trình của Thanh Hóa tất nhiên khung giảm nghèo bền vững như thế; nhưng áp dụng thì phải tùy vào tình hình cụ thể từng vùng từng huyện, phát triển ngành nghề gì. Các huyện phải xây dựng đề án giảm nghèo nhanh và bền vững. Trong đề án có gắn cụ thể tình hình thực tế của từng địa phương. Những đặc thù gắn trong đó.
Bây giờ có một số mô hình được xây dựng, và lâu nay có tổng kết nhân rộng mô hình giảm nghèo: mô hình phát triển chăn nuôi, gia đình, nông lâm kết hợp. Năm nào cũng có tổng kết, xây dựng những mô hình trình diễn để các địa phương học tập.
Thanh Hóa có mô hình trồng luồng, trang trại, thâm canh, trồng trọt một số có giá trị kinh tế cao… Các đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Nông dân …đều có những chương trình lồng ghép xây dựng các mô hình để giới thiệu cho các hội viên.
‘Ăn no, mặc ấm’ tiếp tục vẫn là mơ ước của rất nhiều người dân tại Việt Nam. Trong thời gian qua dư luận tại Việt Nam xôn xao về những đám cưới con cái ‘đại gia’ tiêu tốn nhiều tỷ đồng; trong khi đó chính cơ quan chức năng cho biết có những tên tuổi được cho là đại gia ở Việt Nam đang nợ tiền thuế. Thế rồi có đại gia sài vô cùng sang nhưng nợ tiền cá của nông dân và tiền lương công nhân.
Trách nhiệm của những nhà quản lý xã hội lại được đặt ra.
Không có nhận xét nào: