Sứ vụ mới của cha cựu giám đốc Đại chủng viện Sài Gòn - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
18 tháng 3, 2012

Sứ vụ mới của cha cựu giám đốc Đại chủng viện Sài Gòn

VRNs (18.03.2012) - Sài Gòn - “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45)

Vào lúc 9g30 ngày thứ Bảy 17-3-2012, tại nhà thờ Chợ Đũi (*), hạt trưởng hạt Sài Gòn– Chợ Quán, Lm. PX. Lê Văn Nhạc, đã chủ sự thánh lễ nhậm chức tân chánh xứ của Lm. Ernest Nguyễn Văn Hưởng và đón mừng 2 phụ tá mới là Lm. Inhaxiô Đức và GB. Châu. Cùng đồng tế có khoảng 70 linh mục và 1 phó tế, cùng hiện diện của các nam nữ tu sĩ, quan khách và giáo dân. Ước tính có khoảng 1.000 người.

Gx. Chợ Đũi có một niềm vui gấp ba. Bổn mạng giáo xứ là Thánh Philípphê Tông đồ (lễ kính ngày 3 tháng 5), nên thánh lễ hôm nay được cử hành lễ kính Thánh Philípphê.

Được biết cha sở cũ là Tôma Đặng Toàn Trí nghỉ hưu vì tuổi cao sức yếu, sau 43 năm phục vụ trong chức linh mục.

Cha sở mới là Lm. Ernest Hưởng, nguyên giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse, Sài Gòn, từ khóa 9 tới khóa 13. Ngài đã đi du học và tốt nhiệp Thạc sĩ Thần học Luân lý, về nước và phục vụ tại ĐCV Thánh Giuse (Sài Gòn). Ngài mới nghỉ chức vụ giám đốc ĐCV hơn 8 tháng qua. Trong 27 năm linh mục, đây là lần đầu tiên ngài đi giữ xứ. Lm. Ernest Hưởng là người bình dân, vui vẻ, linh hoạt và rất quan tâm Giáo huấn Xã hội Công giáo.


9 giờ 30 bắt đầu nghi thức nhận xứ. Sau khi Lm. quản hạt đọc “bài sai” của ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn, Lm. Ernest Hưởng đã tuyên xưng đức tin và tuyên thệ trước Thiên Chúa và mọi người. Sau đó, LM quản hạt đã dẫn linh mục tân chính xứ đến ghế chủ tọa, đến tòa giải tội, đến giếng rửa tội và trao chìa khóa nhà tạm cho Lm. Ernest Hưởng. Ngài mở nhà chầu và xông hương trong khi ca đoàn hát bài chầu Thánh Thể.

Trong bài giảng, Lm. Ernest Hưởng có nhắc tới việc sống đức tin là “phải làm sao cho người ta thấy chúng ta mà nhận ra Thiên Chúa”. Ngài đề cập đến các nhân chứng như Thánh Lm. Piô Năm Dấu, Chân phước Nữ tu Têrêsa Calcutta, Thánh Mátthêu Lê Văn Gẫm và Tôi tớ Chúa Hồng y PX. Nguyễn Văn Thuận.

Cuối thánh lễ, Lm. Ernest Hưởng đã cảm ơn mọi người bằng cách nói tự nhiên như lối nói chuyện hằng ngày của ngài. Có lẽ đó là “chất riêng” của ngài, “chất rất Nguyễn Văn Hưởng”.

Ngài mượn câu nói của Thánh Gioan Tẩy Giả: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”, để khởi đầu cho công tác mục vụ giáo xứ của mình. Ngài còn tự nhận mình thiếu kinh nghiệm mục vụ nên cảm thấy “đuối”, và xin cha quản hạt nâng đỡ.

Hai bên cung thánh có 2 câu, bên trái ghi: “Tất cả là Hồng ân”, và bên phải ghi: “Phục vụ trong yêu thương”. Đó cũng là ý hướng mục vụ của Lm. Ernest Hưởng trên chặng đường mục vụ khởi đầu từ hôm nay, 17-3-2012, tại Nhà thờ Huyện Sỹ.

Cầu chúc linh mục tân chính xứ tràn đầy Ơn Chúa để có thể chu toàn sứ vụ xuất sắc, luôn thân thiện và giản dị như chính tên cúng cơm của mình: Nguyễn Văn Hưởng. Không HƯỞNG Lộc ngày nay mà HƯỞNG Phúc mai sau!

TRẦM THIÊN THU

(*) Nhà thờ Chợ Đũi tọa lạc tại số 1 Tôn Thất Tùng, P. Phạm Ngũ Lão, Q.1, Saigon. Thành lập năm 1859. Nhà thờ do ông bà Lê Phát Ðạt, tức Huyện Sỹ, hiến đất và xuất 1/7 gia tài để xây dựng, thời giá lúc bấy giờ là khoảng trên 30 muôn (mười ngàn) đồng bạc Đông Dương. Khởi công xây dựng năm 1902 theo thiết kế của LM Bouttier, đến 1905 thì được khánh thành. Nhà thờ tọa lạc trên một khu đất cao và rộng hơn một mẫu, nằm ở góc đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi) và đường Frère Guilleraut (nay là đường Tôn Thất Tùng). Ông bà Đạt còn có công xây nhà thờ Chí Hòa và Hạnh Thông Tây. Ông Đạt qua đời năm 1900 (khi nhà thờ chưa xây xong), vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài qua đời năm 1920.


Ban đầu nhà thờ có tên là Nhà thờ Chợ Đũi, do thuộc họ đạo Chợ Đũi. Mặt khác, do Thánh Philípphê tông đồ là bổn mạng của Huyện Sỹ nên còn được gọi là Nhà thờ Thánh Philípphê. Tuy vậy, dân gian vẫn gọi là Nhà thờ Huyện Sỹ, và sau đó dần trở thành tên chính thức của nhà thờ này. Tháp chuông chính cao 57 m kể cả chiều cao thánh giá và con gà trống Gaulois.

LM Boutier được bổ nhiệm làm cha sở họ đạo Phong Phú – Thủ Đức năm 1880. Ngài cũng là một kiến trúc sư có tài, và chính ngài thiết kế nhà thờ Thủ Đức.

Nhà thờ Huyện Sỹ được đánh giá là có khuôn viên rộng rãi khoáng đãng nhất ở Sài Gòn. Phía trước nhà thờ có tượng đài thánh tử đạo Việt NamMátthêu Lê Văn Gẫm (bị xử giảo ngày 11-51847 dưới triều vua Thiệu Trị, tại pháp trường “Cây Da Còm”, gần vị trí nhà thờ Huyện Sỹ ngày nay). Gần cổng chính còn có đài thiên thần hộ thủ và tượng đài Thánh Giuse.

Bên trái khuôn viên là núi Đức Mẹ Lộ Đức, được xây dựng năm 1960. Hằng năm cứ vào ngày 11-2, các linh mục chính xứ Chợ Đũi có thói quen cử hành thánh lễ tại núi này để cầu nguyện đặc biệt cho các bệnh nhân. Phía bên phải khuôn viên nhà thờ là đồi Canvê, có tượng chuộc tội rất lớn được xây dựng năm 1974, thời LM Gioan Baotixita Dương Hoàng Thanh.

Tại gian bên trái là tượng bán thân ông Huyện Sỹ bằng thạch cao gắn cột đầu, phía sau là phần mộ bằng đá cẩm thạch được trang trí hoa văn. Trên mộ là tượng toàn thân ông Huyện Sỹ kê đầu trên hai chiếc gối bằng đá cẩm thạch được điêu khắc tinh xảo, đầu chít khăn đóng quay về cung thánh nhà thờ, mình mặc áo dài gấm hoa văn tinh xảo, hai tay đan vào nhau trước ngực, chân đi giày. Đối diện bên phải là tượng vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài (1845-1920), tóc búi, cũng dựa trên hai chiếc gối, hai tay nắm trước ngực, mặc áo dài gấm, chân mang hài. Phía trong cùng còn có tượng bán thân của con trai và con dâu ông bà là Gioan Baotixita Lê Phát Thanh (bên phải) và Anna Đỗ Thị Thao (bên trái).

Sứ vụ mới của cha cựu giám đốc Đại chủng viện Sài Gòn Reviewed by Hoài An on 3/18/2012 Rating: 5 VRNs (18.03.2012) - Sài Gòn - “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc m...

Không có nhận xét nào: