Suy tư về văn hóa nghệ thuật và thử hướng tới một lối mục vụ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 3, 2012

Suy tư về văn hóa nghệ thuật và thử hướng tới một lối mục vụ

Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn - A. VĂN HÓA &HỘI NHẬP VĂN HÓA NÓI CHUNG

Văn hóa chính là nếp sống hằng ngày của một cá nhân hoặc cộng đồng. Văn hóa là cái gì bám rất sâu, rất chắc trong suy nghĩ và hành động của con người. Dứt bỏ một nếp sống văn hóa hay một nền văn hóa thực là khó. Ngược lại, chấp nhận một nếp sống mới, một nền văn hóa mới cũng thế. Ta chỉ có thể hiểu chung : 'phạm vi của văn hoá bao la rộng lớn, nó bao trùm lên mọi lãnh vực của đời sống, từ tiếng nói cho đến cách diễn tả, xử sự, phục sức, ăn uống vv... cho đến những phong tục tập quán liên quan đến cưới hỏi, ma chay, lễ hội,...'(Lm.Thiện Cẩm, Hội nhập văn hóa, tr. 145).

Hai từ “Văn Hóa” đơn giản mà chứa đựng một ý nghĩa sâu xa, phức tạp ghê gớm. Nó đã tồn tại bao đời cùng với sự phát triển của cuộc sống con người. Là lãnh vực sống còn của nhân loại. Đặc biệt trong những thập niên gần đây vấn đề hội nhập văn hóa được đưa ra bàn luận trong nhiều lãnh vực về phương diện đạo cũng như đời. Càng bàn càng thấy nó cần thiết mà lại phức tạp.

Nói tới hội nhập văn hóa là nói tới một sự tiếp nhận món ăn tinh thần cho đời sống con người. Sự tiếp nhận này có thể là thụ động hoặc chủ động tùy mối tương quan với chủ thể lãnh nhận. Vì thế, lãnh vực mà văn hóa sẽ hội nhập là tất cả mọi vấn đề như : kiến trúc, hội họa, âm nhạc, nghi lễ, tôn giáo, ngôn ngữ, văn chương, thời trang, nếp sống, điện ảnh, khiêu vũ, võ thuật, ẩm thực,….

Người Việt Nam chúng ta hãnh diện với bốn ngàn năm văn hiến. Một bề dày lịch sử văn hóa thực đáng trân trọng. Cái đã làm nên tính chất con người Việt Nam hôm nay. Cái đã đi sâu vào máu xương của người dân để làm nên hồn dân tộc. Nói như vậy để chúng ta đừng quên công lao gầy dựng, phát huy và bảo tồn nền văn hóa dân tộc của cha ông ta ngày xưa. Cái mà nhiều khi ngày nay giới trẻ cho là lỗi thời, quê mùa nhưng thực chất lại là một điều rất quý hóa cần phải gìn giữ và lưu truyền mãi mãi như là cái đức ở đời vậy. “Người trồng cây hạnh người chơi, ta trồng cây đức để đời mai sau”. Nếu không trân trọng những vốn liếng quý hóa của ông cha để lại (di sản tinh thần hay vật chất) thì làm sao có thể nói ta là con người có đức với tổ tiên được ? Vốn liếng ấy ta phải trân trọng như là những bức họa ảnh của ông bà ta sau khi các ngài đã khuất.

Vậy muốn hội nhập văn hóa : trước hết là phải biết nhìn nhận giá trị của thực tại ấy ; sau đó là đón nhận và phát huy những giá trị ấy theo thời đại mình đang sống.

1. Nhìn nhận giá trị

Việc xem xét, đánh giá, nhận định để khẳng định giá trị vấn đề là công việc của lý trí. Tình cảm thuần túy không làm được việc này. Vì vậy, khi người ta đã khẳng định chung với nhau về một giá trị nào đó liên quan đến văn hóa thì chúng ta cũng phải chấp nhận đây là công việc của lý trí và là công trình tập thể.

Ai đã từng làm việc với những công trình văn chương nghệ thuật nói chung mới thấy việc nhìn nhận giá trị là bước khởi đầu cho hoạt động tiếp theo và nó quan trọng biết bao. Người ta phải nhức nhối nhiều về vấn đề này. Khi mà thực tế có bao nhiêu công trình bị bỏ dở hoặc bị tháo gỡ vì không được nhìn nhận hay nhìn nhận sai lầm, như các đền đài, chùa chiền, nhà thờ, lăng miếu, tác phẩm văn học…bị đổi chác hoặc di dời hay thay thế một cách đáng tiếc. Đến khi phát hiện hoặc có ai đấy lên tiếng thì đã quá chậm trễ rồi.

Đáng mừng là gần đây một số công trình kiến trúc được Bộ văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử. Từ đó người ta bắt đầu thấy nó có một giá trị hơn trước và họ ra sức tôn tạo, bảo vệ chứ không được ai dám xâm phạm tới nữa. Nhìn nhận là như vậy. Nghĩa là nó phải được luật pháp bảo vệ công khai. Ngược lại cũng thật đáng tiếc cho một số công trình văn chương nghệ thuật được công chúng nhìn nhận bao đời nay về giá trị nghệ thuật và tự thân nó đã sống được khá lâu nhưng chưa được pháp luật nhìn nhận bảo vệ nên nạn “chế biến”, “ăn cắp ban ngày” “đạo văn” ăn cắp bản quyền vẫn diễn ra thoải mái làm xói mòn giá trị nguyên thủy của tác phẩm.

2. Đón nhận và phát huy

Nếu việc nhìn nhận giá trị phần lớn thuộc thẩm quyền cấp trên thì việc đón nhận và phát huy lại tùy thuộc phần lớn vào cấp dưới là tầng lớp con cháu và quần chúng nói chung. Sự sống còn của giá trị văn hóa lệ thuộc vào tất cả chúng ta. Chúng ta có quyền bóp chết hay nuôi dưỡng cho nó lớn mạnh. Chúng ta có quyền cất giấu hay trưng bày. Chúng ta có quyền xuyên tạc hay bảo vệ cho nó tinh tuyền. Chúng ta có quyền sử dụng hay vất bỏ thậm chí chà đạp, giày xéo. Chúng ta có quyền photocopy hay biến nó thành món hàng để kinh doanh, buôn bán,vv…Tất cả tùy thuộc ở tự do của con người mà thôi.

Đối với những người thiếu lương tâm hoặc chẳng biết thế nào là giá trị tinh thần thì việc họ làm những hành động trái ngược ở trên là chuyện bình thường. Thôi, chúng ta tạm bỏ qua chuyện đó để nghĩ đến phạm vi tích cực đang nói tới.

Cha ông đã dạy: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, giần, sàng”. Văn hóa là một món ăn. Hội nhập văn hóa là một hành động ăn uống món ăn tinh thần. Ăn ở đây không phải là ăn uống bình thường mà phải có sự lựa chọn thông minh để hấp thụ lấy những gì là tinh hoa của đời sống. Ăn như thế mới gọi là hội nhập văn hóa. Dĩ nhiên sau khi ăn thì muốn hay không muốn thức ăn ấy sẽ trở thành máu thịt của ta. Khi ấy nó sẽ tác động đến toàn bộ con người chúng ta. Được ăn như thế thì đừng quên “kẻ đâm, xay, giần, sàng”.

Thời nay người ta sử dụng máy photocopy rất phổ biến. Máy này thường làm việc với chữ nghĩa. Nói tới chữ nghĩa là nói tới văn hóa. Nói tới văn hóa là nói tới con người. Nói tới con người là nói tới cuộc sống. Mỗi người chúng ta hãy là một chiếc máy photocopy sống động để lưu truyền và phổ biến những giá trị văn hóa của cha ông của dân tộc mình cho thế hệ mai sau. Hãy copy một cách trung thực nhất. Hãy trở thành bản sao tinh túy và sáng sủa để người khác nhìn vào không bị nhòe mắt, không đọc xiên xẹo hay hiểu sai nghĩa bản văn. Thực hiện được như thế là bảo tồn và phát huy.

Là người Việt Nam, chúng ta đang đồng hành với dân tộc ; cùng chia sẻ những nỗi vui buồn sướng khổ, những lúc thành công thất bại, những thăng trầm trong lịch sử trong đó có phương diện văn hóa. Có giai đoạn chúng ta bị nô lệ bởi văn hóa của Tây, Tàu. Có lúc chúng ta dường như quên mình là người Việt Nam. Nay có cần thiết khẳng định mình là người Việt Nam hay không thì phải nói tới văn hóa.Và phải hội nhập văn hóa thế nào để vẫn giữ được cái gốc của mình.

B. HỘI NHẬP VĂN HÓA TRONG SINH HOẠT TÔN GIÁO

1. Hội nhập văn hóa trong ngôn ngữ của sinh hoạt tôn giáo.


Ngôn ngữ là cách để diễn tả tâm tình con người. Đặc biệt khi cầu nguyện, người ta sử dụng nhiều. Dù có cầu nguyện âm thầm trong lòng thì cũng vận dụng tới ngôn từ cách nào đó để tự mình hiểu được đang bày tỏ với Thần Linh điều gì.

Khi người ta đọc kinh, cầu nguyện hoặc thuyết giảng là lúc chúng ta dễ nhận ra yếu tố văn hóa của tôn giáo ấy. Một điều khó giải thích trong cộng đồng người Viêt được gọi là đồng bào thế mà hai gia đình ở sát vách nhau lại có hai nền văn hóa khác nhau rõ rệt chỉ bởi vì khác tôn giáo! Điều này dễ thấy khi họ bộc lộ niềm tin trong cuộc sống sinh hoạt tôn giáo hằng ngày nói riêng và trong đời sống sinh hoạt nói chung. Có khi hai tín đồ đã cùng đi học chung với nhau từ nhỏ, thậm chí học chung thầy cô giáo nữa mà vẫn có sự khác biệt rất xa về ngôn ngữ trong khi sinh hoạt tôn giáo. Lời kinh và tâm cầu nguyện của đạo Công giáo, đạo Phật giáo, đạo Hồi giáo... khác nhau hoàn toàn. Như vậy, ý thức hệ của tôn giáo đã ngấm sâu và ngấm rất kỹ vào tâm thức của người ta rồi ; khiến cho ngôn ngữ văn hóa của trường học không thể lấn át và lẫn lộn với ngôn ngữ tôn giáo của họ được. Đấy là điều rất thực tế. Nhưng nhiều khi văn hóa trong ngôn ngữ của trường học mà chúng ta đã trải qua, thường phù hợp với thời đại và từ ngữ có vẻ khoa học hơn nên dễ hiểu và văn minh hơn là từ ngữ người ta sử dụng trong các cách diễn tả của nhà đạo thuần túy. Nhất là trong lời kinh. Có lẽ vì chúng ta không chịu cập nhật hóa để thay đổi từ ngữ trong lời kinh hoặc là cứ sử dụng lời kinh ấy hết đời nọ sang đời kia. Chả thế mà người ta có câu nói cửa miệng “văn nhà đạo” hay “ kinh nhà đạo gạo nhà chùa”.

Là một người theo tôn giáo này đến nơi thờ phượng của tôn giáo kia mà nghe tín đồ ở đây đọc kinh cầu nguyện thấy rất xa lạ, thậm chí có chỗ tức cười nữa. Ví dụ gặp những từ ngữ nước ngoài không được chuyển hóa sang tiếng Việt như là : Amen, Halleluia, Adiđà Phật hoặc những tiếng Arập của đạo Hồi thì mấy ai hiểu nổi. Mặc dù có lý do hiển nhiên bởi đây là những tôn giáo du nhập từ nước ngoài nên bao giờ cũng còn dấu vết của nền văn hóa lai căng, đôi khi bệ nguyên xi ngôn ngữ của người nước ngoài. Ví dụ thời còn sử dụng ngôn ngữ Latinh đối với đạo Công giáo và tiếng Arập đối với đạo Hồi giáo. Dường như người ta cứ muốn duy trì, bảo vệ ngôn ngữ và lời kinh cổ điển theo cách diễn tả của các nhà truyền giáo cách đây bao nhiêu thế kỷ cho những đám quần chúng còn quê mùa, dốt nát, kém học thức. Làm sao có thể phù hợp với con người trong thời đại văn minh tiến bộ hôm nay được?

Ước mong cá nhân là làm sao khi chúng ta nghe bất cứ một lời kinh, lời cầu nguyện của bất kỳ một tôn giáo nào ở Việt Nam này phải là lời kinh hay về từ ngữ văn chương và cách diễn tả nội dung phù hợp với nhận thức của con người thời đại. Không nên máy móc bắt chước hay cố tình bảo thủ làm cho người nghe thấy khó hiểu lời cầu nguyện của chúng ta. Đây cũng là một khía cạnh trong lãnh vực truyền giáo. Và thực sự là văn hóa của người Việt đã hội nhập trong lời kinh và sinh hoạt tôn giáo nói chung. “Các Nghị Phụ ghi nhận rằng công bố Đức Giêsu là Vị Cứu Tinh duy nhất có thể sẽ gây nên những khó khăn đặc biệt trong các nền văn hóa tại đây, vì nhiều tôn giáo Á Châu dạy rằng các Thần Linh của các tôn giáo đó đều tự tỏ hiện như là trung gian đem lại phúc cứu độ. Thế nhưng, thay vì làm nản lòng các Nghị Phụ, những thách đố đặt ra cho các nỗ lực phúc âm hóa trên đây càng thôi thúc các ngài tìm cách truyền tải “đức tin mà Giáo Hội Á Châu đã kế thừa từ các tông đồ, cũng là đức tin mà Giáo hội Á Châu đang kiên trung gìn giữ cùng với Giáo hội qua mọi thời mọi nơi… Nhìn trong viễn tượng ấy, đã nhiều lần các Nghị Phụ nhấn mạnh rằng phải rao giảng Tin Mừng bằng cách nào để đánh động được cảm quan của các dân tộc Á Châu, giới thiệu cho họ những hình ảnh về Đức Giêsu cách nào mà tâm trí và văn hóa Á Châu có thể lĩnh hội được, nhưng đồng thời vẫn phải trung thành với Kinh Thánh và Truyền Thống. Chẳng hạn như giới thiệu “Đức Giêsu Kitô là Thầy Dạy sự Khôn Ngoan, là Lương Y chữa lành bệnh tật, là Vị Giải Phóng, là Nhà Hướng Dẫn Tâm Linh, là Đấng Giác Ngộ, là người Bạn đầy thông cảm của người nghèo, là người Samari nhân hậu, là Mục Tử tốt lành, là Người Sống Tùng Phục”. Có thể giới thiệu Đức Giêsu như hiện thân của Khôn Ngoan Thiên Chúa, nhờ đó những “hạt giống”của sự khôn ngoan thần linh vốn đã có nơi cuộc sống, tôn giáo và các dân tộc Á Châu sẽ sinh hoa kết trái. Đứng trước biết bao đau khổ mà các dân tộc Á Châu phải chịu đựng, tốt nhất nên loan báo Đức Giêsu là Vị Cứu Tinh Đấng “có thể mang lại ý nghĩa cho những người đang phải chịu đựng những đau khổ khôn tả”(ĐTC Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo hội tại Á Châu, chương hai, số 10 & chương bốn, số 20).

2. Hội nhập văn hóa trong cử chỉ sinh hoạt tôn giáo.

Cung cách và tâm tình cầu nguyện khác nhau thì ngôn ngữ và cử chỉ bộc lộ khi cầu nguyện cũng khác nhau. Đây là điều rất hiển nhiên và phù hợp với con người tự nhiên của ta. Cử chỉ bên ngoài diễn tả nội tâm bên trong. Chúa Giêsu đã nói: “Lòng có đầy thì miệng mới nói ra” (Mt 12, 34b). Và khi nói ra thường có kèm theo cử chỉ.

Trong đời sống sinh hoạt tôn giáo có rất nhiều cử chỉ khác nhau. Cách riêng trong phụng vụ của Kitô giáo có nhiều cử chỉ khi cử hành liên quan đến vấn đề hội nhập văn hóa chúng ta cần bàn đến.

Trước đây, từ thời còn làm lễ bằng tiếng Latinh thì có nhiều cử chỉ phải nói là rất Tây. Như là bái gối, bắt tay, ôm hôn nhau lúc trao bình an…Những năm gần đây, HĐGM lưu ý nhiều tới vấn đề hội nhập văn hóa nên đã có sự thay đổi dứt khoát với những cử chỉ này. Như vậy, cử chỉ bên ngoài chính là cung cách diễn tả nền văn hóa của mình, không những thế nó còn giúp người ta dễ dàng bộc lộ tâm tình khi cầu nguyện. Cũng như khi ta yêu mến người này người kia thế nào thì chúng ta thường bộc lộ tâm tình hay cử chỉ tương xứng thậm chí dâng tặng quà cáp cũng vậy thôi. Đứng trước Thần Linh, con người luôn thấy có nhu cầu cần cầu nguyện. Việc cầu nguyện thoải mái nhất có lẽ là chính cá nhân tự bộc lộ. Cử chỉ này hòan toàn tự do sáng kiến hay ý thích cá nhân. Nhưng cử chỉ trong trong phụng vụ thì phải theo kỷ luật của Giáo hội. Vì vậy, cử chỉ của phụng vụ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, làm sao phù hợp với thời đại và nền văn hóa dân tộc. Không nên áp dụng cái của nền văn hóa khác làm của mình. Cũng như không áp dụng cái gì quá sớm khi còn đang trong vòng thử nghiệm hoặc tranh luận. Cũng không nên giữ cái gì đã quá cổ hoặc quá xa lạ với cái nhìn và văn hóa thời nay.

Ngày còn bé, khi vào đình chùa thấy người ta ngồi phủ phục bái lạy thần Phật trông bật cười quá vì đạo Công giáo không hề có tư thế này trong phụng vụ. Đạo Công giáo thì ngược lại chỉ có những cử chỉ rất là Tây. Thế mà bây giờ nhìn vào những cử chỉ và tư thế cầu nguyện bên đình chùa lại thấy hay hay, xem ra phù hợp với văn hóa Việt Nam hơn. Như chúng ta đã thấy cung cách tiếp khách của người Nhật, người Tàu và một số nước Á Châu. Đúng là văn hóa của Á đông mình nhưng chưa được áp dụng bao nhiêu với tôn giáo ở Việt Nam, đặc biệt là đạo Công giáo của mình.

Có những nơi áp dụng một số kiểu hội nhập văn hóa đối với những việc ngoài khung cảnh phụng vụ. Ví dụ : khi dâng hoa, nguyện ngắm, rước xách, cung nghinh Thánh Thể, niệm hương,… làm cho khung cảnh của cuộc gặp gỡ tôn giáo rất là sống động, phong phú, gần gũi và thích hợp với đời sống quần chúng hôm nay. Như vậy, chúng ta chưa vận dụng hết mọi tư thế của con người trước Đấng Tối Cao. Nhiều khi chúng ta chỉ chung một cử chỉ dành cho Thiên Chúa cũng như Đức Mẹ và các thánh ! Chẳng hạn cúi đầu hay chắp tay. Từ đó biến thành một thói quen khiến người ta không phân biệt được đấng nào cao hơn đấng nào nữa hoặc nếu muốn rõ thì phải mất công giải thích. Trong hình thức ngắm đứng mùa chay, tuần thánh ở các xứ đạo miền quê khi ngắm tới tên cực trọng Chúa Giêsu thì người ta bái gối, tên Đức Mẹ và các thánh thì cúi đầu….Các trẻ em trông thấy vậy thì hiểu ngay. Nhận thấy giáo dân của ta nhiều khi gặp các giám mục và linh mục thì khúm núm, khép nép cúi đầu sâu để chào kính nhưng khi vào nhà thờ thì chỉ cúi nhè nhẹ hoặc đi qua Mình Thánh Chúa cũng chẳng thèm cúi chào!

Hội nhập văn hóa trong ngôn ngữ và cử chỉ của sinh hoạt tôn giáo nói chung phải diễn tả sâu sắc nội dung giáo lý, phải mang chiều kích nhân bản và văn hóa thực sự thì mới mong người khác có thiện cảm với đạo ấy đồng thời sứ điệp của Tin mừng mới dễ thẩm thấu vào lòng người dân.

C. HỘI NHẬP VĂN HÓA TRONG NGHỆ THUẬT TÔN GIÁO


1. Ánh sáng, mầu sắc

Nói tới ánh sáng là nói tới màu sắc. Không cần phải là chuyên viên mới biết cảm nhận mầu sắc. Dĩ nhiên chuyên viên thì biết phân tích chính xác hơn. Bản thân họ tự xếp đặt hài hòa trật tự, nghệ thuật. Nhưng người bình thường là giáo dân như chúng ta khi bước vào một ngôi thánh đường cũng tự đánh giá, cảm nhận được mầu sắc qua việc bố trí ánh sáng.

Anh sáng nơi thờ phượng trước hết phải diễn tả được điều linh thiêng của thánh đường. Khỏi cần nói tới mầu gì đi với mầu gì. Anh sáng nơi thờ phượng không nên chói lọi, gay gắt khiến người ta không dám ngửa mặt lên bàn thờ. Nếu muốn phải đeo kính râm! Anh sáng nơi thờ phượng cũng không được nhập nhòe, lên xuống, chạy ngang chạy dọc hết mầu nọ đến mầu kia theo kiểu sân khấu ca nhạc làm người ta chia trí không cầu nguyện được, mặc dầu trẻ con coi không buồn ngủ ! Cũng không để ánh sáng mờ nhạt quá đến nỗi vào nhà thờ không nhìn thấy bàn quỳ, ghế ngồi ở đâu thì nguy hiểm. Có những giáo xứ không biết có phải vì tiết kiệm điện hay không mà chỉ đến khi Linh mục ra dâng lễ mới bật điện sáng, còn trước đó cả nhà thờ tối om trừ vài ngọn điện rất nhỏ trên bàn thờ.

2. Trang trí

Nói tới trang trí là một nghệ thuật thì dễ hiểu hơn. Vì đã đụng tới trang trí thì phải công phu, cầu kỳ, tốn kém mới đạt mức độ là nghệ thuật, nếu không chỉ là một mớ hỗn độn các vật liệu….

Cũng như ánh sáng và mầu sắc, trang trí trong thánh đường phải diễn tả được điều linh thánh qua biểu tượng và cách xếp đặt. Làm sao người ta nhìn vào việc trang trí của thánh đường là họ hiểu ngay về vấn đề tôn giáo. Ít có nhà thờ mời các chuyên viên làm cố vấn cho việc này. Đặc biệt nhà thờ miền quê hay nơi nào mà linh mục coi sóc không quan tâm gì đến việc này thì đừng hòng mà thay đổi được điều gì trong nhà thờ !

Thánh đường mà trang trí lòe loẹt, đầy chữ nghĩa rườm rà trông thật bệ rạc, quê mùa làm giảm giá trị thánh thiêng, đôi khi bị hiểu lầm về giáo lý nữa. Có nhà thờ, trên cung thánh đặt tới bốn tượng Đức Mẹ với bốn tước hiệu khác nhau, hai bên hông thì vô vàn vị thánh nọ thánh kia mà tượng Chúa chuộc tội lại rất nhỏ, treo thấp, để ẩn khuất, phải tinh mắt lắm mới nhìn thấy! Ngược lại nếu trong thánh đường, đặc biệt gian cung thánh mà đơn giản quá sức thì cũng không hợp lý, đôi khi bị đánh giá là chạy theo Tin lành hoặc Hồi giáo.

Ngoài ra, cũng cần để ý tới chỗ ngồi của vị chủ tế, vị trí bóng điện, chỗ đặt bình hoa, vải nền, bức phông tường nhà, trần nhà,….tất cả phải bộc lộ được nghệ thuật xếp đặt sao cho hài hòa, đẹp mắt tương xứng với ngôi thánh đường và thời gian diễn ra cử hành phụng vụ.

3. Đàn hát


Đàn hát trong nhà thờ là một loại nghệ thuật tôn giáo cho nên cách thể hiện nó hoàn toàn khác với ngoài đời. Đàn hát phải giúp cho người khác dễ dàng nâng tâm hồn lên cùng Chúa, chứ không đàn hát để biểu diễn tài nghệ, để phô trương, quảng cáo. Vì thế, phải tránh không gây ra điều gì chia trí cho cộng đoàn. Kể cả tác phong và cách ăn mặc của ca viên, nhạc công. Mà muốn đàn hát cho đúng nghệ thuật của thờ thì phải nắm vững nguyên tắc, phải tập luyện tới nơi tới chốn. Muốn biết chi tiết hơn xin tìm đọc những bản văn liên quan tới thánh nhạc và phụng vụ.

4. Điêu khắc

Cũng như các thể loại nghệ thuật khác, nghệ thuật điêu khắc tôn giáo cũng luôn thay đổi và được thích ứng hội nhập sao cho phù hợp và gần gũi với văn hóa dân tộc. Phải nói rằng những năm gần đây nghệ thuật điêu khắc của ta có xu hướng tiến bộ rất nhanh, được áp dụng kịp thời, được công chúng đón nhận dù là những điều xem ra còn rất mới lạ và khó hiểu. Có nghĩa là trình độ hiểu biết và mức độ cảm nhận nghệ thuật của dân ta cũng không vừa.

Nhiều thánh đường hiện nay đã có những bức tượng điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao. Không chỉ là nghệ thuật tôn giáo mà cả về phương diện nghệ thuật nói chung. Đi nhiều nhà thờ trong thành phố HCM, đã nhận ra có những nhà thờ biết bố trí và tạo được những bức điêu khắc hài hòa trong khoảng không gian và cấu trúc của cả ngôi thánh đuờng ấy. Thường thì những nơi này cũng thu hút được nhiều khách thập phương về đây tham quan. Bởi người ta thấy có nhiều cái hay, cái mới về nghệ thuật đáng xem, đáng thưởng thức. Nguyên việc được người ta đến chiêm ngưỡng hoặc chụp ảnh đã là điều mừng rỡ rồi, còn nếu họ đến để cầu nguyện nữa thì càng tốt. Nhưng tin chắc rằng đứng trước bức phù điêu, họa ảnh sống động người ta rất dễ có tâm tình cầu nguyện sốt sắng. Phải chăng đấy không phải là chủ đích của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo ?

Nhìn những bức tượng trong nhà thờ được làm cách đây mấy chục năm trước có vẻ không ăn mắt lắm qua đường nét, tư thế, màu sắc. Dĩ nhiên, cũng có nhiều bức tượng có từ mấy trăm năm về trước mà nay vẫn tuyệt vời về giá trị nghệ thuật. Vì vậy, trong nhà thờ phải thích ứng giữa tân và cổ, giữa truyền thống và hiện đại thế nào đó cho phù hợp để gọi là có nghệ thuật tôn giáo. Chúng ta phải tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, áp dụng những tinh túy về nghệ thuật để dành cho Thiên Chúa những gì là hay và đẹp nhất, vì Ngài là nguồn của Chân, Thiện, Mỹ.

5. Cử chỉ


Cử chỉ của chúng ta trong thánh đường, tạm gọi là một thứ nghệ thuật trong tôn giáo. Cử chỉ này phân biệt riêng cho nhiều giới khác nhau trong thánh đường.

a/ Người cử hành phụng vụ


Họ có cử chỉ dành riêng được quy định trong luật cử hành phụng vụ. Không được làm khác đi. Nhưng cũng không làm một cách máy móc như vô hồn. Nó có tính nghệ thuật tôn bởi nó có cái hồn riêng của nó, dù rất đơn giản. Người không có hồn cũng chẳng cảm nghiệm thấy. Cho nên, nếu người cử hành phụng vụ diễn tả sống động cử chỉ và cung cách cử hành của mình là đang diễn tả một thứ nghệ thuật tôn giáo trong thánh đường.

b/ Người làm công tác phục vụ trong thánh đường

Những người này có thể là ca trưởng, ca viên, giúp lễ, người dọn dẹp bàn thờ, hoa nến…. Mọi cử chỉ của những người này khi xuất hiện trước cộng đoàn phải đẹp mắt, đừng thô kệch quê mùa, vụng về hay lấc cấc làm cho mất vẻ tôn nghiêm, sốt sắng của nơi thờ phượng. Có những cử chỉ của giới người này phải công phu tập luyện lắm mới gọi là nghệ thuật nói chung, cách riêng nghệ thuật trong thánh đường ( ví dụ ca trưởng bắt nhịp, người đệm đàn). Tuy nhiên, thánh đường không phải là nơi lạm dụng nghệ thuật. Nhưng phải hiểu là tất cả đều phải có nét đẹp riêng, có ý nghĩa riêng để diễn đạt một chiều sâu vô hình.

c/ Người vào trong thánh đường

Điều này có lẽ hơi quá đáng khi bảo rằng, tất cả mọi người khi bước vào thánh đường cũng phải có nghệ thuật riêng. Mà là thứ nghệ thuật thánh nữa! Đúng vậy. Nghệ thuật ấy không ai quy định và thành luật cho nó nhưng chính là cử chỉ thái độ của chúng ta khi bước vào và đi lại trong nhà thờ. Khi nó đạt được mức độ trang trọng, tôn nghiêm, kèm theo cung cách văn hóa Á đông nhằm diễn tả chiều kích tâm linh của con người trước Đấng Tối Cao thì đấy là một loại nghệ thuật tôn giáo, nghệ thuật trong thánh đường. Do đó, cử chỉ và cung cách ở trong nhà thờ của chúng ta phải khác với bên ngoài, khác với những người không có cùng niềm tin với ta.Trong thánh đường dành cho Thiên Chúa đừng pha tạp lộn xộn, nhiễu nhương, lệch lạc, bất xứng.

Nếu Đức Kitô đã nhập thể làm người rồi thì “Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vươn lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí”
(Ep 2, 21-22).

D. Kết Luận


Những tản mạn suy tư trên muốn hướng đến một thao thức là làm sao có một lối ứng xử mục vụ mang đậm bản sắc văn hóa. Có những công trình văn hóa giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Có những cơ sở văn hóa để phát triển. Có tiềm năng văn hóa để tự hào vươn lên và phục vụ con người. Có cái nhìn văn hóa để khai thông những bế tắc còn tồn đọng giữa ranh giới với cá nhân, tập thể, môi trường, tôn giáo, quan niệm và ý thức hệ ngay nơi cộng đồng của mình.

Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn

Tác giả: Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn 
Suy tư về văn hóa nghệ thuật và thử hướng tới một lối mục vụ Reviewed by Admin on 3/12/2012 Rating: 5 Lm. Pet. Bùi Trọng Khẩn - A. VĂN HÓA &HỘI NHẬP VĂN HÓA NÓI CHUNG Văn hóa chính là nếp sống hằng ngày của một cá nhân hoặc cộng đồng...

Không có nhận xét nào: