Tạ Ân Phúc(vietcatholic) - Trong cuộc sống hàng ngày, người ta thường hỏi thăm nhau về sức khỏe, gia đình, công ăn việc làm… Có thể thấy sức khỏe là vốn quý của con người, nó liên quan đến thể chất, tinh thần và xã hội, nhưng thông thường người ta hay lưu tâm về thể chất hơn và nó thể hiện qua tình trạng có bệnh hoặc thương tật hay không. Khi sức khỏe thể chất suy giảm, chúng ta thường nghĩ đến việc ăn uống bồi bổ và chữa trị thông qua thuốc men, ít ai chăm lo hay quan tâm đến hơi thở của người bệnh. Thực ra, thở rất quan trọng đối với sức khỏe, có khi nó còn quan trọng hơn cả ăn uống. Thở liên quan đến việc cung cấp oxy nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể. Không chỉ đối với người bệnh mà đối với người ở trạng thái sức khỏe bình thường, đôi khi chúng ta vẫn thiếu oxy trong cơ thể do phải sống trong môi trường khói bụi, ô nhiễm. Thật cần thiết để tập luyện hơi thở, từ đó cơ thể có đủ lượng oxy để nuôi dưỡng những tế bào đang hoạt động và làm khôi phục các tế bào bị tổn thương. Nhận biết và kiểm soát hơi thở đúng phương pháp sẽ giúp con người khỏe mạnh và là một trong những phương pháp chữa trị bệnh tật.
Chiều thứ Bảy 10/03/2012, tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Sài Gòn, Chương Trình Chuyên Đề thuộc Ban Mục Gia Đình đã tổ chức buổi nói chuyện với chủ đề: “THỞ ĐỂ CHỮA BỆNH” với sự chia sẻ của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền Thông - Giáo Dục Sức Khỏe Tp.HCM, Trưởng Bộ Môn Khoa Học Hành Vi và Giáo Dục Sức Khỏe, Đại Học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch. Bác sĩ đã chia sẻ kinh nghiệm áp dụng của bản thân về phương pháp thở bụng, một phương pháp sử dụng cơ hoành để thở, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức y khoa của một người thầy thuốc, và là người nghiên cứu chuyên sâu về hơi thở khi thấy phương pháp này đạt hiệu quả.
Mở đầu buổi nói chuyện, bác sĩ cho hay đây không phải là buổi diễn thuyết, mà là buổi chia sẻ một cách chân thật, thân tình, cởi mở, thẳng thắn những điều mà bác sĩ hiểu biết để mọi người cùng nắm bắt và trao đổi thêm qua những câu hỏi. Bác sĩ đã kể câu chuyện thật về Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một nhân chứng sống đã tìm tòi và áp dụng phương pháp thở bụng để kéo dài cuộc sống. Vào năm 1942, khi du học ở Pháp, bác sĩ Viện mắc bệnh lao phổi nặng, thời đó chưa có thuốc chữa nên trong vòng 5 năm từ 1943-1948, ông đã phải chịu 7 lần mổ để cắt bỏ lá phổi bên phải, một phần ba phổi bên trái, 8 xương sườn. Trong tình trạng suy hô hấp, các bác sĩ nói rằng ông chỉ có thể sống 2 năm nữa mà thôi, nhưng ông đã tìm được phương pháp thở bụng tổng hợp từ các tài liệu dưỡng sinh Đông Phương, rồi đem ra áp dụng và sống được thêm 50 năm nữa, đến 85 tuổi mới qua đời.
Bản thân Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng mấy không quan tâm đến cách thở này, nhưng năm 1997 ông bị tai biến mạch máu não, phải mổ cấp cứu và nằm viện dài ngày. Sau đó ông thử áp dụng phương pháp thở bụng và thấy được hiệu quả kỳ diệu của nó. Ở độ tuổi 72, với 15 năm áp dụng thở bụng, ông chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết và tự chữa trị bệnh tật cho mình qua hơi thở. Ông nhận định rằng phương pháp của Bác sĩ Viện chỉ giải quyết về mặt sinh lý, hô hấp, nên ông đã tìm tòi nghiên cứu thêm về thiền học Phật giáo để phát hiện ra những điều lý thú trong hơi thở để chữa trị về tâm lý. Từ đó, bác sĩ đã viết quyển sách “Nghĩ về trái tim” để chia sẻ những kinh nghiệm về phương pháp thở bụng.
Trước khi trình bày về phương pháp thở, bác sĩ nói đến nguyên lý của sự sống, theo đó con người cần có năng lượng để hoạt động vì mỗi người là một sinh vật, một sinh linh. Năng lượng trong cơ thể con người gồm hai nguồn: Từ thức ăn, nước uống và oxy trong không khí. Hai nguồn này khi vào cơ thể thì tác động với nhau để tạo ra những trình tự, phát triển lên thành những chất này, chất khác sau đó sinh ra những ATP (adenosin triphosphat), tức là những năng lượng để tế bào sử dụng, các tế bào nhờ năng lượng đó mà hoạt động tốt hay xấu. Thành phần chất trong cơ thể bao gồm: 65% là oxy; 18,6% là carbon; 1,5% là chất vôi (calcium); 1% là phốtpho; 0,15% là muối sodium và 60 chất khác, trong đó có các kim loại và vitamin.
Để thấy được tầm quan trọng của oxy trong cơ thể con người, bác sĩ đã giảng giải cặn kẽ kiến thức y khoa về hệ hô hấp và minh họa bằng những nét vẽ tay thật cụ thể. Bộ máy hô hấp bắt đầu từ mũi, oxy sẽ vào mũi rồi tới khí quản, xuống phế quản và phát tỏa ra hai bên vào 2 buồng phổi, chạy xuống đến tiểu phế quản, rồi ra những tế bào cuối cùng của phế quản gọi là phế nang. Khi phế nang phình lên là đầy hơi và xẹp xuống là hơi tống ra ngoài cơ thể. Cơ thể con người có 3 đến 4 triệu phế nang, đây là nơi chuyển oxy vào máu. Hồng cầu có trong mạch máu khi tiếp xúc với phế nang sẽ hút oxy từ phế nang và đưa oxy đi khắp toàn bộ cơ thể. Cần phải thở bằng mũi, chỉ khi nào bất đắc dĩ, mũi nghẹt mới thở bằng miệng vì trong mũi có những sừng mũi là những mạch máu nhỏ li ti, những mạch máu này sưởi ấm không khí rồi mới đưa vào phổi, khí qua mũi cũng được lông mũi chặn lại những chất dơ bẩn.
Con người thở tốt hay không nhờ vào cơ hoành, là cơ nằm giữa phần ngực và bụng, đây là cơ chính chịu trách nhiệm 80% sự hô hấp. Độ dao động của cơ hoành phình lên, xẹp xuống là 7 cm, khi cơ hoành dao động 1 cm sẽ hút vào, đẩy ra 250 ml không khí. Với trạng thái thở bình thường của con người cơ hoành chỉ cần nhút nhích 2 cm để hút vào, đẩy ra 500 ml không khí là đủ cho sự sống của con người. Khi nghỉ ngơi, người ta thường thở bằng bụng, cơ hoành chỉ cần di chuyển 1cm là đủ đáp ứng nhu cầu của cơ thể lúc đó.
Tất cả sinh lý hơi thở tập trung ở cơ hoành, do đó phải rèn luyện thở bằng cơ hoành (còn gọi là thở bụng) để có sự hô hấp tốt. Cần nhớ rõ rằng thở không thì chưa đủ sống, còn phải ăn uống, vận động, khi vận động nhiều, cần oxy nhiều, dĩ nhiên phải thở nhiều. Hơi thở cũng có liên quan đến cách sống của của con người, nó tùy thuộc vào tâm trạng con người: Khi nổi giận, làm tiêu hao năng lượng nhiều, sẽ làm thở nhanh; khi thanh thản, dễ chịu thì thở chậm rãi; khi đang vui thì thở nhẹ nhàng; khi đang stress thì thở khác đi. Hơi thở cũng tùy thuộc vào sức khỏe thể lý của con người: Khi đang mệt thì thở hào hển, khi ngồi một chỗ thì thở nhẹ nhàng. Nếu tập trung đến cơ hoành để thở, thở đúng cách thì có thể điều chỉnh cơn giận, tránh hồi hộp, bình tĩnh trở lại. Bên cạnh đó, khi quan tâm đến hơi thở, chú ý đến cơ hoành, người ta sẽ quên đi những chuyện khác, võ não được yên tĩnh, làm cho ít tiêu hao năng lượng. Đó là lý do tại sao trong kỹ thuật thở để chữa bệnh, người ta ít tiêu tốn năng lượng và năng lượng dư thừa giúp cơ thể khỏe mạnh lên.
Khi tập thở, có người thở nhanh, có người thở chậm là điều bình thường vì nhu cầu thở mỗi người khác nhau, đàn ông khác, phụ nữ khác, người lớn tuổi, người trẻ tuổi khác nhau. Tuy nhiên, thở chậm và thở sâu thì hiệu quả về mặt sinh học cao hơn thở nhanh mà thở cạn, nhưng phải tập để thở chậm dần, nếu gắng sức quá độ sẽ bị ngất. Nếu một phút thở 20 lần, là thở cạn nên mỗi phút thở được 3 lít không khí. Nếu thở chậm, thở sâu hơn, một phút thở 10 lần, thì cơ thể có thể hấp thụ được 4,5 lít không khí. Cần phải kiên trì tập thở bụng hằng ngày, nếu làm việc liên tục trong văn phòng thì cứ 45 phút thì tập thở 4-5 phút, nếu thảnh thơi thì tập bất cứ lúc nào thấy thuận tiện và phải ít nhất 6 tháng thì mới thành thói quen và thấy được hiệu quả của việc tập luyện.
Phương pháp thở bụng của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện gói gọn trong bài vè 12 câu:
Thót bụng thở ra
Phình bụng hít vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm, chậm, sâu, đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra, luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng, ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã dành phân nửa thời gian còn lại của buổi chia sẻ để trả lời những thắc mắc của khán giả. Khán giả thắc mắc về vị tri của cơ hoành, bác sĩ cho hay cơ hoành không thể nhìn thấy được từ bên ngoài, để cảm được cơ hoành hoạt động, để tay trước bụng, khi hít vào, bụng phình lên, khi thở ra, bụng xẹp xuống, đó là lúc cơ hoành hoạt động.
Khi được hỏi khi tập thở bụng đúng phương pháp, sẽ chữa được những bệnh nào, bác sĩ cho hay thở cũng như ăn uống, nó chỉ mang lại nhu cầu cần thiết về năng lượng để giúp con người có sự sống bình thường. Nguyên tắc chung là khi lâm bệnh, nghĩa là có trục trặc về chức năng trong cơ thể, người bệnh cần phải đến bác sĩ chuẩn đoán và điều trị, nghĩa là phải có sự can thiệp về y khoa, sau đó, để phục hồi sức khỏe và không để cho bệnh tật tái phát thì tập thở. Thở bụng chỉ góp phần trong việc chữa bệnh hiệu quả hơn do thở bụng đem lại liều lượng oxy vào cơ thể tốt hơn so với thở ngực. Tập thở có thể chữa được một số bệnh cụ thể liên quan đến đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, phế quản tắc nghẽn mãn tính, hay khi hút thuốc lá quá lâu, thuốc lá đọng trong đường hô hấp làm cho thở không bình thường, sẽ làm cho khó thở, khi tập thở bụng, sử dụng cơ hoành đẩy mạnh lên xuống giúp cho thở hoạt bát trở lại, làm giảm bệnh nhanh, hiệu quả.
Đối với chứng mất ngủ, bác sĩ cho hay là do quá mệt mỏi về trí tuệ, lo lắng, sợ hãi, buồn phiền, bị stress, căng thẳng trong đời sống gây mất ngủ. Cách trị tốt nhất là chú ý đến hơi thở bằng cách tập thở bụng, nó là cách trung tính, không kích thích, khi chú ý, theo dõi hơi thở của mình, một lát sau sẽ ngủ dễ dàng.
Đối với bệnh đau dạ dày, ngoài vấn đề vi trùng ra còn do tâm lý, những người luôn luôn căng thẳng làm cho axit trong dạ dày không điều hòa, ăn uống bất thường dần dần làm cho dạ dày bị đau, người đau dạ dày nên ăn nhiều bữa. Hít thở bằng phương pháp thở bụng có thể làm giảm cơn đau dạ dày.
Một nghiên cứu của Đại Học Harvard cho hay 60-90% bệnh nhân đến bác sĩ có nguồn gốc do stress, căng thẳng trong đời sống nhưng bác sĩ thì không để ý đến nguồn gốc stress mà chỉ chữa bệnh trước mắt, làm cho bệnh khó dứt. Vì thế, trong nhiều trường hợp bệnh tật, cần tìm ra nguyên nhân stress và tập phương pháp thở bụng sẽ giúp tĩnh tâm trở lại để hết bệnh.
Nói chung, con người sống thường nghĩ về tương lai, nhớ về dĩ vãng rồi lo buồn, khi nhớ đến hơi thở có nghĩa là quay trở về hiện tại, người ta chỉ thở cho hiện tại chứ không thể thở cho quá khứ hay tương lai, hơi thở giúp trở về hiện tại, cắt đứt những âu lo phiền muộn để không còn bệnh. Quà tặng của sự sống chính là sự có mặt trong hiện tại.
Tạ Ân Phúc
Không có nhận xét nào: