Thiền bên tổ ong - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
19 tháng 3, 2012

Thiền bên tổ ong

Chu Thập - Bạn tôi có tài thuyết phục, nhứt là trong chuyện làm ăn lặt vặt. Không học về tiếp thị và cũng chẳng kinh doanh buôn bán, nhưng hễ bạn tôi mở miệng “thuyết giảng”, thì lạ quá, cái gì tôi cũng tin. Bà Gillard nổi tiếng là dẻo mồm dẻo miệng và lúc nào cũng có thể uốn cong lưỡi để thương thuyết, thỏa hiệp và ngay cả nuốt lời, nhưng lại thất bại trong chuyện “bán” (sell) các chính sách của mình. Bạn tôi thì trái lại, nói ra nghe “ngọt như mật ong”, cho nên tôi dễ bị khuyến dụ. Chẳng hạn như mới đây, bạn tôi thao thao bất tuyệt về lợi nhuận kinh tế, hiệu năng chữa bệnh của mật ong và ngay cả nọc ong, nhứt là đối với bệnh phong thấp. Có triệu chứng phong thấp, lại nghe người ta đồn về “sữa ong chúa Kỳ Duyên”, cho nên tôi răm rắp tin lời của bạn tôi và đi rước về một tổ ong được nuôi trong một thùng gỗ hai tầng, với các “cầu ong” được thiết kế theo đúng tiêu chuẩn. Người Úc mà. Đã không làm thì thôi, làm cái gì họ cũng làm có bài bản.

Sau khi đặt tổ ong vào một vị trí theo đúng sách vở chỉ dẫn, tôi mới tìm hiểu thêm về việc nuôi ong. Thì ra, nuôi ong mới xem ra dễ như trở bàn tay; chẳng cần phải chăm sóc mỗi ngày như các thứ gia cầm khác. Nhưng đi sâu vào thấy cũng nhiêu khê lắm. Bây giờ tôi mới biết rằng muốn nuôi ong, dù chỉ có đúng một tổ thôi, cũng phải làm đơn lên Phòng kỹ nghệ và đầu tư của Tiểu bang New South Wales...để xin giấy phép; mất 40 Úc kim ngay tức khắc. Đã hết đâu. Tôi còn phải gia nhập vào một Câu Lạc Bộ những người nuôi ong “tài tử” trong vùng tôi ở để học hỏi và nhứt là mua bảo hiểm “công cộng” (public liability insurance) . Phải mua bảo hiểm là để đề phòng chuyện ong của tôi có thể lang thang qua nhà hàng xóm kiếm ăn và nhằm ngày người ta có BBQ tiệc tùng mà đốt bậy đốt bạ thì tôi lãnh đủ.

Chuyện thâu lợi nhuận như bạn tôi “nổ” thì trước mắt tôi chưa thấy gì cả. Còn chọc cho ong chích để chữa bệnh phong thấp thì tôi chưa dám mạo hiểm lắm. Cách đây mấy hôm, đang làm cỏ xung quanh mấy bụi sả gần bên tổ ong, bị chích ngay ót một phát sưng vù lên, tôi không biết mình có đủ can đảm để cho ong làm thày thuốc chữa bệnh không, nhứt là những nơi cần được chăm sóc thẩm mỹ như mặt mũi môi miệng.

Thật ra, tôi không trông chờ ở lợi nhuận kinh tế của việc nuôi ong cho lắm. Dĩ nhiên, mỗi thứ một ít, từ mấy chị gà đẻ trứng, bầy vịt xiêm nuôi để lấy thịt, mấy con cá chẽm chữa cháy trong mùa đông khi đi câu vác cần về không, cho đến các thứ rau cỏ trong vườn...mùa nào thức ấy, tất cả đều góp phần làm nhẹ bớt cái gánh nặng kinh tế gia đình. Hơn nữa, tôi thích lúc nào trong nhà cũng có ít “quà” nhà quê để nếu bạn bè thành phố đến thăm, tôi có ngay để biếu. Nhưng với tôi, quan trọng hơn cả chính là cái niềm vui được “tự túc tự cường” mà gia cầm, vườn tược có thể mang lại. Ngoài ra, kiến tạo được một khung cảnh thiên nhiên vừa có sức sống, vừa đủ yên ắng và tĩnh lặng để “thiền niệm” mỗi ngày là điều tôi hằng mong ước. Bước vào cái tuổi đã nhận thức được “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, suốt ngày tôi chỉ còn biết lẩn quẩn trong vườn mà không bao giờ biết chán. Ngồi thiền thì tôi không làm được, vì chân cẳng đã quá cứng và nhức mỏi. Tôi chỉ còn biết “đi thiền” hay “đứng thiền”. Và cái tổ ong là nơi tôi thường dừng lại để “thiền” nhứt.

Sinh hoạt trong xã hội loài ong quả là một huyền nhiệm không lý giải được, mà chỉ để chiêm ngắm và ngây ngất mà thôi. Ý tưởng trước tiên thường đến với tôi mỗi khi đứng chiêm ngắm cái tổ ong là tinh thần lạc quan. Ong thợ làm việc suốt ngày. Không đi hút mật nhặt phấn thì cũng ở nhà dùng cánh quét dọn và làm máy điều hòa không khí để giữ cho nhiệt độ trong tổ luôn được điều hòa. Có tốp chỉ chuyên đứng canh gác trước cửa. Lạ nhứt vẫn là chuyện hút mật. Lúc nhỏ ở nhà quê, có những ngày đói lả, tôi cũng đã từng hút mật trong một số hoa như hoa nho rừng, hoa dủ dẻ...Nhưng ong mật thì dường như không trừ một loại hoa nào. Ở đâu có hoa là ở đó có ong mật. Trong hoa thì dĩ nhiên không chỉ có mật ngọt, mà còn có đủ mọi thành tố đắng cay, hôi thối và ngay cả độc hại khác. Vậy mà ong mật luôn biết chắt lọc để chỉ lấy mật mà thôi.

Ngẫm nghĩ chuyện này, tôi mới thấy đây là bí quyết thành công của xã hội loài ong. Từ mọi thứ vàng thau lẫn lộn trong cánh hoa, ong chỉ hút lấy mật ngọt. Loài người sở dĩ khốn khổ là bởi không biết chắt lọc cho mình điều tốt đẹp từ những đắng cay của cuộc đời mà thôi. Cuộc sống có đủ mọi mùi vị. Đón nhận cuộc sống ấy một cách bình thản và tìm cách “hút” được mật ngọt từ những cay đắng: đó là thông điệp mà loài ong mật luôn muốn nhắn gởi cho tôi.

Trong thánh lễ Mùa Chay, các linh mục có lẽ cũng nhắn nhủ các tín hữu điều đó khi dẫn giải về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Khổ đau là điều tất yếu trong cuộc sống. Chúa Giêsu không đến để cất lấy gánh nặng khổ đau khỏi cuộc sống. Nhưng khi đưa vai đón nhận khổ đau, Ngài đã biến nó thành khởi nguồn của sự sống, niềm vui và hạnh phúc. Khổ đau cũng là vấn đề cốt lõi trong giáo lý Phật Giáo. Đức Thích Ca không nói rõ nguồn gốc của khổ đau. Trái lại, Ngài chỉ ra con đường để khắc phục khổ đau hầu được giải thoát.

Ngoài bài học lạc quan, yêu đời, ong còn dạy cho tôi biết sống trung thực. Mật ong có một mùi thơm đặc biệt. Người ta có thể ngửi mùi thơm của mật mà đoán được loại hoa mà ong hút mật. Nhà bạn tôi có trồng nhiều thanh long cho nên nghe nói mật ong của bạn tôi cũng có mùi thanh long. Nhưng dù xuất phát từ loại hoa nào đi nữa, mật ong lúc nào cũng thơm và mùi thơm tỏa trong không khí và lan đi khá xa. Đi dạo trong vườn, từ vài chục bước, tôi vẫn có thể ngửi được mùi thơm của mật ong. Tôi chưa từng nếm mật ong ở Việt nam dạo gần đây nhưng nghe kể lại là có mùi...đường tán! Không lẽ ong Việt Nam lấy mật từ bông mía? Chắc ai cũng biết câu trả lời.

Mùi thơm từ tổ ong lan tỏa ra trong vườn khiến tôi liên tưởng đến chuyện Đông Chu Liệt Quốc của Phùng Mộng Long. Chuyện kể rằng Việt vương Câu Tiễn đã nếm phải phân của Ngô Phù Sai. Khi trở lại ngôi vua, Câu Tiễn mắc chứng hôi miệng. Quân sư của ông là Phạm Lãi liền ra lệnh cho cả triều đình phải nhai một thứ lá cây hái trên núi gọi là “lá trấp”. Tưởng là để chữa hay phòng bệnh thối miệng. Té ra phát kiến của ông quân sư Phạm Lãi là bắt tất cả mọi cái mồm miệng trong triều đình đều phải thối như vua của mình: tất cả mọi người đều phải thở ra một cái mùi hôi thối giống như cái mùi phát ra từ miệng của đấng quân vương.

Trong bài tựa cho Đông Chu Liệt Quốc lần xuất bản năm 2009, bản dịch của Nguyễn Đỗ Mục được Cao Xuân Huy hiệu đính, nhà văn Phạm Lưu Vũ đã bình như sau: “Thật là một hình ảnh tượng trưng thiên tài. Cái chuyện cam tâm thở ra một thứ thối tha để cùng a dua với đấng chí tôn của mình như thế, thì chẳng riêng gì kẻ sĩ, quý tộc thượng đẳng cha mẹ dân thủa xưa, kể cả những đời sau này, đời nào mà chẳng có. Thậm chí cho đến tận bây giờ, “truyền thống” ấy hình như vẫn còn hiện hữu đâu đây...”

“Đâu đây” mà vì ở trong nước nhà văn Phạm Lưu Vũ không dám nói rõ ra, ai cũng hiểu được là Việt nam cộng hòa xã hội chủ nghĩa ngày nay. Chuyện ông trời con Hồ chí Minh không những thối cả miệng, mà còn thối cả người vì bao nhiêu chuyện gian dâm, lừa đảo, trí trá...ai mà chẳng biết, lại được những người cộng sản Việt nam “a dua” hà hơi thở dốc ra đủ thứ mùi thối tha để che đậy. Lớp phấn sáp được tô đắp lên mặt mũi người ngợm thối tha của ông không thể nào có đủ sức khỏa lấp được bao nhiêu mùi hôi thối từ cuộc đời đày tội ác của ông.

Thời trung học, tôi thường được giáo sư Pháp văn giải thích rằng “ngay thẳng, thành thật” trong tiếng Việt có một từ tương đương trong tiếng Pháp là “sincère”. Mà từ “Sincère” lại được cấu thành bởi hai từ Latinh là “Sine” (không) và “Cera” (phấn sáp). Cho nên người “ngay thẳng thành thật” là người không tô sơn trét phấn lên mặt, lên người. Tổ ong thì có thừa phấn sáp, nhưng loài ong thì chẳng bao giờ lấy sáp mà trét lên người. Mùi thơm của mật thì tự nhiên mà tỏa lan ra bên ngoài. Người nuôi ong nào cũng biết rằng cả cái tổ ong chỉ có một mùi duy nhứt là mùi mật.

Xã hội loài người có khi cũng có mùi thơm, nhưng thường là thứ mùi thơm giả tạo để khỏa lấp bao nhiêu những thứ thối tha từ bên trong. Và dĩ nhiên, cuộc sống càng giả tạo thì càng khiến con người đánh mất chính mình và không còn tìm thấy đâu là ý nghĩa của cuộc sống.

Tổ ong có thể gợi lên bao điều để thiền niệm về cuộc sống. Về mặt tổ chức xã hội, tổ ong quả là một “mô phạm”. Nếu trên trần gian này có một thứ xã hội “xã hội chủ nghĩa” theo đúng nghĩa thì xã hội đó chỉ có thể là xã hội loài ong. Trong xã hội ấy, mỗi thành phần đều có vai trò của mình. Ong chúa có nhiệm vụ điều khiển đàn ong. Mỗi ngày ong chúa đẻ khoảng 800 cái trứng đã được thụ tinh vào các lỗ cầu ong. Những cái trứng này sẽ nở ra ong thợ. Ong chúa cũng đẻ ra những trứng không được giao phối và các trứng này lại nở ra những chú ong đực. Ong chúa thu hút ong thợ xung quanh mình, ngăn cản không cho ong thợ xây mũ chúa một cách tùy tiện, kích thích ong thợ xây tầng lỗ để có nơi đẻ trứng.

Riêng cái đám ong đực chỉ có một nhiệm vụ duy nhứt là giao phối với ong chúa. Trong đàn, ong đực chẳng làm gì cả. Đôi khi chúng bay đi chơi quanh tổ hoặc đuổi theo các ong chúa để giao phối. Rỗi việc như thế, nhưng không thể có tổ ong nếu không có ong đực.

Kỳ diệu nhứt hẳn phải là nhiệm vụ của ong thợ. Dù chỉ sống từ 30 đến 50 ngày, ong thợ dành toàn bộ cuộc đời ngắn ngủi này để làm việc cho sự tồn tại và phát triển của tổ ong. Hầu như mọi công việc trong tổ đều do ong thợ đảm nhiệm. Sau khi nở được 3 ngày là chúng bắt đầu làm việc cho đến khi tự đi tìm chỗ để chết ngoài tổ ong. Hàng ngày, ong thợ từ 3 đến 5 ngày tuổi phải lo cho ấu trùng lớn ăn; lớp ong thợ từ 6 đến 10 ngày tuổi thì lo cho ấu trùng nhỏ. Người ta tính: trong 6 ngày, ong thợ tới thăm và chăm nom ấu trùng đến 8000 lần. Từ 8 đến 16 ngày tuổi, chúng phải chuyên lo chế biến mật. Từ 12 đến 18 ngày, chúng phải lo tiết sáp xây tầng. Trên 18 ngày tuổi, ong thợ đi làm ngoài tổ và chăm lo công việc trong tổ bằng cách phân thành những nhóm như sau: nhóm đi lấy mật, nước đem về tổ; nhóm bảo vệ ở cửa tổ; nhóm làm vệ sinh trong tổ; nhóm đập cánh điều hòa nhiệt độ trong tổ; nhóm đi trinh sát tìm nguồn hoa...(x.Phan đắc Nghiệm, 100 câu giải đáp Nuôi ong lấy mật, nhà xuất bản khoa học tự nhiên và công nghệ, Hà nội, 2010).

Mỗi người một việc, mỗi người chỉ biết sống cho sự phát triển và tồn tại của xã hội: đó là lý tưởng mà xã hội loài ong gợi lên cho tôi. Trong các nước xã hội chủ nghĩa, lúc nào người ta cũng rêu rao khẩu hiệu: mình vì mọi người, mọi người vì mình. Ngày nay, nhìn vào cách sống của mấy ông đầy tớ nhân dân ở Việt nam, câu nói trên chỉ còn lại vế dưới (mọi người vì mình). Đúng là “Đồ Đểu”! Miệng ông thì ra rả cái lý tưởng cao đẹp ấy, nhưng tay chân của ông và bụng dạ ông thì chỉ biết thu tóm, vơ vét và hưởng thụ cho vinh thân phì gia.

Không ai có thể đứng quan sát hay thiền niệm bên một tổ ong mà không nhận ra rằng chỉ có sự hiến thân vô vị lợi mới cho con người tìm gặp lại bản thân và góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp. Tôi thích đứng “thiền” bên tổ ong là thế!

Chu Thập

Thiền bên tổ ong Reviewed by Admin on 3/19/2012 Rating: 5 Chu Thập - Bạn tôi có tài thuyết phục, nhứt là trong chuyện làm ăn lặt vặt. Không học về tiếp thị và cũng chẳng kinh doanh buôn bán, nhưng ...

Không có nhận xét nào: