QUẢNG NAM (NV) - Ðập thủy điện Sông Tranh 2 ở tỉnh Quảng Nam có một số vết nứt dài trên thân đập chính, hậu quả của những vụ động đất liên tục xảy ra mấy tháng qua, đang làm cho khoảng 40 ngàn cư dân ở vùng hạ lưu hoang mang sợ hãi.
Theo nhiều báo cùng đưa tin này, ngoài vết nứt lớn gây lún sụt rất lớn phía bên trái thân đập chính, nhà cầm quyền huyện Bắc Trà My và dân chúng địa phương cũng thấy có nhiều vết nứt, nước chảy xối xả từ các vết nứt từ lòng hồ xuyên qua thân đập chính đổ xuống dưới.
Thân đập phía trái có 4 vết nứt dài và nước tuôn ra như dòng suối. Ðể giải quyết, ban quản trị Ðập Thủy Ðiện Sông Tranh 2 đã thuê một công ty chống nứt bằng biện pháp thủ công. Tức là khoan cho chỗ nứt ra to thêm tại một vài điểm rồi nhét ống nhựa và giẻ rách hay bạt để chặn nước tràn ra.
Trần Văn Hải, trưởng ban Quản Lý Thủy Ðiện Sông Tranh nói: “Vết nứt rò rỉ thấm nước từ lòng hồ qua đập chính với cường độ 30 lít một giây xuất hiện từ tháng 11, 2011 trong phạm vi yêu cầu thiết kế, không thể gây nguy hiểm gì.”
Nhưng ông Nguyễn Kim Sơn, phó bí thư thường trực huyện ủy Bắc Trà Mi thì nghĩ khác.
Một số nhân viên thủy điện nhét giẻ vào các vết nứt để chận nước chảy. (Hình: Tiền Phong)
“Lãnh đạo Ban quản lý Thủy điện Sông Tranh 2 bảo rằng vết nứt trong mức cho phép thiết kế, không gây nguy hiểm gì là vô lý. Nước từ khu vực lòng hồ rò rỉ qua thân đập bê tông cốt thép tuôn chảy mạnh như dòng suối mà nói bình thường thì thật đáng ngờ. Tôi đã điện thoại yêu cầu Ban quản lý báo cáo bằng văn bản, thế nhưng đến chiều nay vẫn chưa thấy trả lời.” Ông Sơn nói trên báo VNExpress ngày 19 tháng 3.
Theo ông Sơn, nếu phía Ban quản lý Thủy điện Sông Tranh 2 cho rằng đã phát hiện vết nứt, rò rỉ trên thân đập vào cuối năm ngoái nhưng đến nay “vẫn chưa khắc phục là thiếu tinh thần trách nhiệm.”
Từ năm ngoái, vùng hạ lưu thủy điện Sông Tranh đã có rất nhiều cơn động đất và phát ra những tiếng nổ lớn như nổ mìn phá đá khiến dân chúng hết sức lo sợ. Từ sau Tết Nhâm Thìn, các trận động đất có vẻ nhỏ ngắn hơn những lần xảy ra trước đó. Và những vết nứt là hậu quả của chuỗi động đất liên tiếp xảy ra.
Thủy điện Sông Tranh được đầu tư khoảng 260 triệu USD, thuộc loại lớn nhất miền Trung với công suất 290MW. Xây dựng bắt đầu từ năm 2006 và phát điện từ năm 2010 gồm 2 tổ máy. Bờ đập chính của hồ chứa nước sát với tỉnh lộ 616. Hồ chứa nước khoảng 730 triệu m3 ở cao độ cao hơn hạ du 100 mét.
Người dân hoang mang lo sợ vỡ đập. (Hình: VietnamNet)
Tháng 12 năm ngoái, sau các trận động đất, “Viện Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam kết luận, khi hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới dập vỡ, do đó làm giảm độ bền của đất đá. Khi đới đứt gãy địa chất hoạt động trong trạng thái ứng suất tới hạn, việc giảm độ bền của đất đá dẫn tới dịch trượt làm cho động đất phát sinh gây ra những tiếng nổ, tạo dư chấn mạnh trong lòng đất. Do vậy cần theo dõi sát, lắp đặt Trạm Quan Trắc Ðộng Ðất để kịp thời phòng ngừa nguy hiểm cho người dân nơi đây.” VNExpress thuật lại khuyến cáo như vậy nhưng hiện giờ trạm quan trắc vẫn chưa có.
Ông Cao Ðình Triều, chuyên gia Viện Vật Lý Ðịa Cầu kêu gọi “khẩn cấp khắc phục ngay vết nứt ở thân đập chính để tránh gây thảm họa cho hạ lưu” vì đập này “nằm trên đới nứt gãy đang hoạt động mạnh.” Tuy nhiên, “khắc phục” thế nào cho đúng cách là một vấn đề không thấy đề cập ngoài cách cố bịt phần nào các vết nứt dài bằng giẻ với ống nhựa. Rồi các trận động đất còn tiếp tục xảy ra, tạo thêm các vết nứt nặng hơn dẫn đến vỡ đập, chưa thấy có lời giải đáp.
Sông Tranh là thành phần trong hệ thống hai con sông Thu Bồn và Vu Gia ở tỉnh Quảng Nam. Hệ thống sông này chỉ khoảng 200 km nhưng hiện có tới khoảng 110 dự án thủy điện đã và đang chờ đầu tư xây dựng. Nếu khu vực nằm trong vùng “đới nứt” tức vết gãy dưới lòng đất, động đất lớn có thể xảy đến làm vỡ đập sẽ có hậu quả khôn lường đối với vùng hạ du tỉnh Quảng Nam.
Ðã có hàng chục người chết hai mùa bão vừa qua khi các đập thủy điện miền Trung vội vã xả lũ vì sợ vỡ đập, không kể các thiệt hại mùa màng, nhà cửa và cầu đường.
Không có nhận xét nào: