Tìm hiều về ‘nền kinh tế kế hoạch tập trung’ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
1 tháng 4, 2012

Tìm hiều về ‘nền kinh tế kế hoạch tập trung’

Phương Ngọc, CTV Phía Trước - Nền kinh tế kế hoach tập trung (Centrally Planed Economy – CPE) là mô hình kinh tế đặc trưng của các nước xã hội chủ nghĩa trước năm 1990. Mặc dù vậy, mô hình kinh tế này cũng xuất hiện ở một số nước phi cộng sản khác như nước Đức dưới thời Hitler. Vì nguyên nhân lịch sử và kinh tế, mô hình kinh tế này tỏ ra lỗi thời và được đa số các nước từ bỏ. Hiện nay trên thế giới chỉ có hai nước còn theo mô hình này là Cuba và Bắc Triều Tiên.

Ở Việt Nam, nền kinh tế kế hoạch tập trung (hay còn gọi là bao cấp) bị bãi bỏ từ năm 1986 và thay vào đó là nền kinh tế thị trường. Mặc dù vậy, điều quan trọng là chúng ta rút ra bài học từ kinh nghiệm của các nước đã trải qua CPE. Một nhà kinh tế học đã nói: “Liên Xô, Trung Quốc và Đông Âu đã cho chúng ta một sự minh chứng rõ nhất về việc chủ nghĩa tư bản phân phối, quản lý của cải vật chất của con người một cách hiệu quả hơn chủ nghĩa xã hội”. Bài viết này sẽ giới thiệu về CPE: lịch sử, các đặc điểm cùng điểm mạnh, yếu của mô hình kinh tế này và nguyên nhân thất bại.

Lịch sử

Nền kinh tế kế hoạch tập trung là nền kinh tế trong đó chính phủ đóng vai trò quyết định trong việc phân phối, sản xuất, tiêu thụ của toàn bộ nền kinh tế. Chính phủ sẽ quyết định mặt hàng nào cần sản xuất, sản lượng và giá cả. Kinh tế tư nhân về hình thức là không tồn tại. Đây là mô hình kinh tế đối lập với kinh tế thị trường, nơi mà thị trường tự do đóng vai trò điều tiết giá cả, sản xuất của nền kinh tế.

Không phải tất cả các nền kinh tế bao cấp đều giống nhau. Sự tự do nhất định được cho phép ở các nước xã hội chủ nghĩa. Ví dụ như nông dân có thể bán một phần nông sản của mình để mua nông cụ hay thậm chí hàng tiêu dùng. Các nền kinh tế thị trường cũng không giống nhau. Luôn có một sự quản lý nhất định của nhà nước trong nền kinh tế. Trong hầu hết các nền kinh tế thị trường, nhà nước sở hữu cơ sở hạ tầng thiết yếu của quốc gia như cầu, đường, bệnh viện,… Mức độ can thiệp của nhà nước cũng khác nhau giữa các nền kinh tế. Ở Anh, các dịch vụ về y tế được quản lý bởi chính phủ nhiều hơn so với ở Mỹ.

Kinh tế kế hoạch tập trung được bắt đầu ở Liên Xô ngay sau khi Lenin và đảng Bolshevik nắm chính quyền sau cách mạng tháng Mười. Vào thời điểm đó, nền kinh tế Nga kém phát triển hơn rất nhiều so với Tây Âu. Phần lớn nền kinh tế vẫn là nông nghiệp. Sau khi nắm chính quyền, Lenin và các đồng chí đã cho áp dụng một mô hình kinh tế hoàn toàn mới. Toàn bộ nhà máy, cơ sở sản xuất, ngân hàng được quốc hữu hóa. Đến giữa năm 1918, quá trình quốc hữu hóa nền kinh tế đươc hoàn thành. Lenin và các cộng sự quản lý, điều khiển nền kinh tế trong văn phòng ở Moscow. Những năm đầu tiên đã chứng kiến sự thất bại của mô hình kinh tế mới này. Sản xuất giảm sút, lạm phát gia tăng cộng với cuộc nội chiến đã buộc Lenin thay đổi kế hoạch, quay trở lại với kinh tế thị trường với chính sách kinh tế mới vào năm 1922. Nhưng sau cái chết của Lenin vào năm 1924, Joseph Stalin trở thành lãnh đạo của đảng và kinh tế kế hoạch tập trung được tái thực hiện với một mức độ cao hơn rất nhiều.

Để bắt kịp với các nước phát triển ở Tây Âu và Mỹ, Stalin đã thực hiện công nghiệp hóa cao độ nền kinh tế. Đầu tư được tập trung vào công nghiệp nặng, tăng giờ làm việc của công nhân, chuyển lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiêu dùng cá nhân bị hạn chế. Stalin muốn thực hiện điều đó một cách nhanh chóng trên diện rộng. Để thực hiện điều đó,
kinh tế kế hoạch tập trung là cách duy nhất để hoàn thành kế hoạch. Kế hoạch sản xuất được chia ra thành nhiều kế hoạch 5 năm liên tiếp nhau trong suốt 60 năm cho đến khi cải
tổ vào cuối những năm 80. Sản xuất hàng hóa được thực hiện bởi các công ty nhà nước, nơi mà nguyên liệu, sản lượng, tiêu thụ được quyết định bởi nhà nước. Trong nông nghiệp, tài sản được quản lý hoàn toàn bởi nhà nước bằng mô hình hợp tác xã.

Trong một thời gian ngắn, Stalin đã thành công trong việc nâng cao sản lượng công nghiệp, đưa nước Nga từ một nước nông nghiệp trở thành một nước công nghiệp phát triển. Tăng trưởng kinh tế ở Liên Xô được duy trì cho đến những năm 70. Để đảm bảo duy trì nguồn nhân lực cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, chính phủ áp đặt các hạn chế đối với công nhân. Ví dụ, những sinh viên mới tốt nghiệp sẽ được phân công làm việc theo sự chỉ đạo của nhà nước. Các hạn chế về đi lại và sinh sống làm cho việc thay đổi việc làm trở nên khó khăn cho người lao động.

Giá cả cũng được quản lý bởi nhà nước. Những mặt hàng thiết yếu như thực phẩm được bán với giá thấp nên đôi khi tạo ra sự khan hiếm. Ngược lại những vật dụng xa xỉ được bán với giá rất cao. Chính vì khả năng điều tiết giá cả của chính phủ nên thuế gần như là không cần thiết.

Thương mại giữa các nước XHCN

Sau chiến tranh thế giới 2, chính quyền cộng sản được thiết lập ở các nước Đông Âu. Nền kinh tế kế hoạch tập trung kiểu Liên Xô được áp dụng ở các nước này. Vậy thương mại giữa các nước diễn ra như thế nào? Thương mại giữa các nước trong khối xã hội chủ nghĩa diễn ra thông qua tổ chức gọi là Hội đồng tương trợ kinh tế (Council for mutual economic assitance).

Thương mại thường dựa trên các thỏa thuận giữa các bên, không phải theo giá thị trường. Ví dụ Liên Xô vốn giàu có về tài nguyên thiên nhiên sẽ cung cấp cho các nước đông Âu dầu mỏ, ga với giá thấp hơn nhiều giá thị trường trên thế giới. Giá cả được thỏa thuận theo thương lượng giữa các bên và thường bao gồm các tính toán phi kinh tế như việc cho phép đặt các căn cứ quân sự, vũ khí. Đổi lại với năng lượng giá rẻ, các nước Đông Âu cung cấp hàng tiêu dùng với giá rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại ở Tây Âu. Do đó, trao đổi buôn bán trong nước cũng như quốc tế giữa các nền kinh tế kế hoạch tập trung là phi thị trường.

Sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường


Điều khác biệt với các nước tư bản, tăng trưởng kinh tế ở Liên Xô và Đông Âu chủ yếu là nhờ tiền vốn đầu tư của nhà nước (trên lý thuyết nhà nước sở hữu toàn bộ của cải vật chất của đất nước), gia tăng lao động và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Sự gia tăng về công nghệ không được chú trọng. Việc tập trung mọi nguồn lực xã hội vào sản xuất đã giúp gia tăng sản lượng công nghiệp nhưng sự kém hiệu quả của nền kinh tế bắt đầu xuất hiện. Dần dần, khi vốn và lao động đạt đến giới hạn và công nghệ lạc hậu so với các nước công nghiệp phát triển khác, sự yếu kém của CPE bắt đầu xuất hiện và làm cho đời sống nhân dân đi xuống. Ô nhiễm môi trường cũng trở nên nghiêm trọng.

Áp lực cải cách bắt đầu từ cuối những năm 60 ở Liên Xô. Năm 1985, Mikhail Gorbachev trở thành tổng bí thư của Liên Xô. Ông thực hiện kế hoạch cải cách kinh tế gọi là perestroika, có nghĩa cải tổ, để đối phó với tình trạng kém hiệu quả, chất lượng sản phẩm thấp, công nghệ lạc hậu. Thực chất mục đích của cải tổ không phải là chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường mà chỉ cho phép nhiều quyền tự do hơn với từng cơ quan, nhà máy.

Đến năm 1989, có dấu hiệu rõ ràng là kế hoạch này không đạt được mục tiêu ban đầu về nâng cao tăng trưởng kinh tế. Nhưng nó đặt nền móng cho sự chuyển đổi sang kinh tế thị trường sau này ở Liên Xô. Ở các nước Đông Âu, nền kinh tế thị trường xuất hiện đi kèm với sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó Việt Nam và Trung Quốc áp dụng kinh tế thị trường dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước.

Khác với các nước Đông Âu thực hiện liệu pháp sốc, tức là áp đặt tất cả các yếu tố của kinh tế thị trường một cách nhanh chóng trong thời gian ngắn, sự mở cửa nền kinh tế ở Việt Nam và Trung Quốc được thực hiện dần dần theo lộ trình dưới sự chỉ đạo của nền chính trị đóng kín.

Nhược điểm của CPE

Những người chỉ trích CPE cho rằng những người lên kế hoạch cho nền kinh tế không đủ thông tin và không thể nhận biết những nhu cầu tiêu dùng một cách chính xác và do đó không thể phối hợp sản xuất một cách hiệu quả. Trong nền kinh tế thị trường, hệ thống giá cả sẽ làm nhiệm vụ này. Ví dụ khi một mặt hàng khan hiếm, giá của nó sẽ tự động tăng làm cho người tiêu dùng ít mua hơn và nhà sản xuất tập trung sản xuất nhiều hơn. Hệ thống giá cả là xương sống của nền kinh tế thị trường. Nó gửi tín hiệu đến người tiêu dùng và nhà sản xuất cho biết mặt hàng nào giá trị. Sự thiếu vắng của hệ thống giá cả thị trường sẽ buộc các nhà hoạch định kế hoạch làm nhiệm vụ này Trong lịch sử Liên Xô, có thời kỳ người dân phải xếp hàng dài để chờ mua các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

Đó là do sự quyết định của chính phủ. Ví dụ trong một thời kỳ nào đó, chính phủ trung ương có thể cho rằng sản xuất máy cày quan trọng hơn sản xuất giầy. Để thực hiện điều này, nhà nước sẽ tập trung nhiều nguồn lực hơn cho công nghiệp nặng và giảm đầu tư cho công nghiệp nhẹ. Điều này sẽ dẫn đến khan hiếm một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Từ đó dẫn đến sự mất cân đối của nền kinh tế và mất khả năng tự điều tiết của thị trường.

Nền kinh tế kế hoạch tập trung còn là nền tảng cho một chế độ độc tài khi mà hoạt động của cả một nền kinh tế được quyết định bởi một số ít người. Điều này có vẻ đúng đắn khi mà hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa là những nước độc tài kiểu cộng sản đều tập trung hóa cao độ nền kinh tế. Nhưng không phải nước độc tài nào cũng tập trung hóa nền kinh tế. Các nước Chile dưới thời Pinochet, Hàn Quốc dưới thời Park Chung Hee là những nước độc tài nhưng họ áp dụng kinh tế thị trường.

Một nhược điểm của CPE là nó không khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới công nghệ nhiều như kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế thị trường, nhà phát minh có thể mang lại nguồn lợi rất lớn từ những phát minh, sáng kiến đổi mới công nghệ, do đó tạo động lực cho nghiên cứu, phát minh. Điều này khó thành hiện thực trong nền kinh tế tập trung khi mà nhà sản xuất không có nhiều quyết định đối với sản phẩm mình làm ra. Nhà sản xuất không có nhiều động lực để cải tiến, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Một điều dễ thấy là tính cạnh tranh đã bị triệt tiêu trong nền kinh tế bao cấp. Cạnh tranh chính là động lực lớn nhất để xã hội phát triển.

Những người chỉ trích còn cho rằng tập trung hóa nền kinh tế sẽ dẫn tới việc can thiệp vào đời sống của người dân. Ví dụ nếu nhà nước quản lý sản xuất, sự lựa chọn về nghề nghiệp sẽ bị hạn chế. Thực tế ở Liên Xô, nguồn lực con người được tập trung vào quốc phòng và các sinh viên giỏi thường tập trung học các môn khoa học: toán, tin, vật lý…. Vì lý do đó, nền công nghiệp nặng rất phát triển nhưng các ngành dịch vụ, phục vụ dân sinh thì kém xa các nước phát triển. Sinh viên ra trường sẽ được phân công nơi làm việc thay vì tự do lựa chọn theo nhu cầu của thị trường và bản thân.

Một điểm đáng chú ý là sự thành công vượt bậc trong một số lĩnh vực của Liên Xô. Ngành thám hiểm không gian của Liên Xô đi trước Mỹ và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nghành toán học, công nghiệp quốc phòng của Nga và Liên Xô cũng rất phát triển. Đó là nhờ một lượng lớn tài nguyên vốn, con người được đổ vào ngành công nghiệp quốc phòng. Các sinh viên giỏi về toán, khoa học, kỹ thuật được đào tạo đặc biệt ở Liên Xô để phục vụ cho ngành quốc phòng và thám hiểm không gian.

Kết luận

Sự thất bại của chủ nghĩa xã hội và sự thống trị của chủ nghĩa tư bản đã chứng minh cho những sai lầm của sự kế hoạch hóa, tập trung hóa nền kinh tế. Thị trường với quy luật cung cầu của nó là phương tiện hữu hiệu nhất để phân chia nguồn lợi xã hội một cách công bằng và tạo động lực cho xã hội phát triển.

Để kết luận chủ đề này, tôi muốn đưa ra nhận xét của một nhà kinh tế. “Sai lầm lớn nhất của chủ nghĩa xã hội là sự thiếu vắng của hệ thống lương và giá cả mà nhờ nó tất cả tín hiệu về những gì có giá trị được gửi đến người tiêu dùng và nhà sản xuất. Hệ thống giá cả là trung tâm của nền kinh tế. Bạn có thể so sánh nó với một hệ thống đèn giao thông. Không có nó, cái chúng ta có là một hệ thống không hoạt động hay sự hỗn loạn”.

(The great flaw of socialism is the lack of a functioning wage and price system that send all signal to the consumers and producers about what something is worth. Price system is the heart of an economy. You can think of as a traffic signal. If you :don’t have them, what you get is a system that doesn’t work or chaos.)

_________

Tham khảo:

1. Economics – Taylor. Wiki Encyclopedia, entry about Centrally Planned Economy
Tìm hiều về ‘nền kinh tế kế hoạch tập trung’ Reviewed by Admin on 4/01/2012 Rating: 5 Phương Ngọc, CTV Phía Trước - Nền kinh tế kế hoach tập trung (Centrally Planed Economy – CPE) là mô hình kinh tế đặc trưng của các nước ...

Không có nhận xét nào: