Tính chính đáng từ bên trên và xã hội dân sự (Giuseppe Di Palma) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 3, 2012

Tính chính đáng từ bên trên và xã hội dân sự (Giuseppe Di Palma)

Giuseppe Di Palma  - Tại sao chủ nghĩa cộng sản lại sụp đổ ở Đông Âu? Vai trò của các xã hội Đông Âu trong sự sụp đổ này là gì? Tiểu luận này nhằm trả lời hai câu hỏi đó, và đặc biệt tập trung vào tìm câu trả lời cho cách hành xử độc đáo của các chế độ cộng sản khi họ cố gắng tìm cách lý giải tính chính đáng của họ bằng "tính chính đáng từ bên trên." Đông Âu đã hứng chịu sự khủng hoảng tập thể về niềm tin, hậu quả của tình trạng ruồng bỏ cả về ý thức hệ lẫn vật chất của Liên Xô. Bài viết này lập luận rằng đã có một xã hội dân sự dưới dạng nào đó tồn tại ở Đông Âu, không phải chỉ là sự chống đối lén lút theo nghĩa thường, mà là một hình ảnh đậm nét về sự tồn tại và văn hoá, đối ngược lại với hệ thống duy nhất bá chủ của cộng sản. Thực tế này cần được nhìn nhận thích đáng trong bất cứ phân tích nào về khả năng xuất hiện của xã hội dân sự Đông Âu trước và sau chuyển đổi.

Lucian Pye, trong một bài phát biểu trước Hiệp hội Khoa học Chính trị Hoa Kỳ, đã miêu tả cuộc khủng hoảng tập thể của chủ nghĩa cộng sản như sau:

"Đang có những hiện tượng gây ngạc nhiên, nhưng đằng sau chúng là những lực lượng lịch sử đang vận động và tạo ra những khủng hoảng mọi mặt cho các thể chế độc tài... Ở khắp nơi trên thế giới, nền thống trị độc tài đã thất bại trong việc hiện thực hoá lời hứa về tính hiệu quả cần thiết [trong quản lý xã hội]". [1]

Phân tích của Pye rất hấp dẫn. Nó làm sống lại lý thuyết hiện đại hoá đã từng bị quên lãng. Nó gợi ý rằng cái chết của các nền độc tài hiện đại, đầu tiên ở phương Tây và giờ đây đến lượt phương Đông, đã được thúc đẩy bởi các nhu cầu của những chuyển đổi kinh tế - xã hội sâu rộng hơn, và thường mang tính toàn cầu. Những nhu cầu này đòi hỏi sự hội tụ đến các mô hình đa nguyên phương Tây.

Tôi muốn lập luận phản bác lại rằng một sự hội tụ như thế hiếm khi là mục tiêu của các chế độ độc tài, và cũng rất hiếm khi các chế độ này đạt được điều đó, ngay cả khi họ ý thức được sự lạc hậu về kinh tế-xã hội của mình. [2] Đặc biệt là mặc cho sự lạc hậu đã quá rõ ràng, sự khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu không phải là một sự hội tụ hợp lý mà là sự phân kỳ mang tính cách ly và ngoan cố. Với những gì nó thể hiện về các "lớp" toàn trị xưa cũ của mình, và thực ra, với tất cả những giảng nghĩa học thuật khác nhau về bản chất của các chế độ cộng sản, chủ nghĩa cộng sản trưởng thành (mature communism) cuối cùng chỉ dựa trên một lý thuyết không có cơ sở về lịch sử, theo đó sự hội tụ hoặc sẽ diễn ra trên các nền tảng của chính chủ nghĩa cộng sản, hoặc sẽ không bao giờ diễn ra cả. Lý thuyết về lịch sử này - vốn không được nhiều người chấp nhận - cấu thành cốt lõi vĩnh cửu trong lập luận của chủ nghĩa cộng sản về tính chính đáng của họ. Nhưng một khi ngay cả đàn anh Liên Xô cũng không thể phủ nhận các thiệt hại do việc duy trì sự lạc hậu gây ra, thì [tới khi đó] chủ nghĩa cộng sản sẽ không thể tránh khỏi cuộc khủng hoảng về niềm tin. Lực lượng cộng sản sẽ không còn "đủ khả năng để không cần phải học" [3] .

Khi chủ nghĩa cộng sản đánh mất niềm tin, sự phản kháng của xã hội đối với các biện luận giáo điều và thiếu cơ sở lịch sử của nó đã bẻ lái cuộc chuyển đổi ở Đông Âu sang hướng trở thành cuộc cách mạng công dân thực sự, [4] được nhấn mạnh bởi cuộc động viên vĩ đại các bản sắc và ước vọng dân sự. Mức độ hiện đại hoá đạt được ở các xã hội Đông Âu dưới chủ nghĩa cộng sản không đủ để giải thích những hiện tượng ấy. Cuộc động viên đã vượt quá các kịch bản thông thường xảy ra trong những sự tan rã gần đây của các nền độc tài phương Tây (thường là hiện đại hơn những xã hội cộng sản ở Đông Âu). Một lý do giải thích sự khác biệt [giữa hai bên] là các nền độc tài phương Tây, khác với các xã hội cộng sản, hiếm khi có ý định phủ nhận triệt để tư cách công dân (citizenship) tới mức một nguyên tắc. Vì thế, việc dành lại tư cách công dân của những người Đông Âu là một hoạt động chính trị tinh tế. Xét về mặt lịch sử, vì sự xuất hiện của một không gian công tối quan trọng đã từ lâu bị cản trở ở Đông Âu, ngay cả trước khi có sự áp đặt chủ nghĩa cộng sản lên vùng đất này, người ta có thể đặt câu hỏi rằng liệu hoạt động chính trị này tự nó có tầm quan trọng lịch sử-thế giới không. [5]

Để mở đầu, xin có một vài tuyên bố phủ nhận [disclaimers]. Mặc dù được viết theo lối khẳng định luận, đây là một tiểu luận mang tính khai phá, một đề đạt cho một lịch trình nghiên cứu. Trước tiên, bằng chứng cho luận điểm rằng chủ nghĩa cộng sản Đông Âu tìm cách tự chính đáng hoá bản thân họ từ bên trên, cũng như bằng chứng cho luận điểm rằng việc mất lòng tin đã dẫn tới sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu khó lòng có thể giải trình tường minh trong khuôn khổ một bài báo nghiên cứu. Bài báo này cũng, và không cần phải ân hận rằng đã, là một tiểu luận về những điểm tương đồng -điều đó không có nghĩa là nó phủ nhận những khác biệt quan trọng giữa các quốc gia, cả trong bản chất của chủ nghĩa cộng sản ở từng nước cũng như nền tảng tiền cộng sản ở mỗi nơi và trong chuỗi diễn biến nối tiếp liên quan đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản. Thực ra, các khác biệt đặc biệt nổi bật khi phân biệt giữa các quốc gia Trung-Đông [Âu] và Đông Âu thực sự, đấy là chưa kể [các khác biệt] giữa một bên là tất cả các nước này và bên kia là Liên Xô, và trong việc viễn đoán tương lai của từng nước. Tuy vậy, có những tương đồng cơ bản đóng vai trò quyết định để nhìn ra cái gì là độc đáo trong cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cộng sản Đông Âu, trong tương quan với, thí dụ như, khủng hoảng của các nền độc tài ở Nam Âu và Mỹ Latinh. [6] Điểm chung của các chế độ cộng sản là các quan hệ về vật chất và tư tưởng ràng buộc họ (các vệ tinh) với đàn anh Liên Xô: vì thế [nó giải thích tại sao] trong một thời gian dài họ không có khả năng rũ bỏ tập hợp các đức tin và mẫu hành vi (vốn được bảo đảm tuân thủ một cách đầy nghệ thuật và ngày càng trở lên cổ lỗ); [nó cũng giải thích tại sao] niềm tin của họ nhanh chóng rơi xuống vực thẳm khi mà sự ban phúc và điểm tựa từ Liên Xô không còn nữa, bất kể họ đã đi được bao xa trên con đường tự cải tổ. Adam Przeworski nói về hiệu ứng domino: việc dỡ bỏ cái đập nước Liên Xô đã giải phóng nguồn nước và sức mạnh dòng chảy đã lần lượt cuốn trôi đi hết chế độ này đến chế độ khác. [7]

Các lý thuyết về sự thay đổi của cộng sản

Chủ nghĩa toàn trị là định nghĩa đúng đắn nhất về cốt lõi của nền cai trị cộng sản được thực thi dưới thời Stalin ở cả Liên Xô và Đông Âu. Thuật ngữ này không phản ánh thành công lắm hiện thực cộng sản dưới thời Khrushchev hoặc trong giai đoạn bình thường hoá (normalization) của Brezhnevite. Tuy nhiên, vứt bỏ cái nhãn hiệu này không nhất thiết làm tăng khả năng của chúng ta trong việc giải thích sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu (chứ đừng nói đến ở Liên Xô). Các thuật ngữ khác [như chủ nghĩa hậu toàn trị (post-totalitarianism), chủ nghĩa chuyên chế hậu toàn trị (post-totalitarian authoritarianism), chủ nghĩa toàn trị thất bại (failed totalitarianism), chủ nghĩa toàn trị sau cách mạng (postrevolutionary totalitarianism), chủ nghĩa chuyên chế phúc lợi (welfare authoritarianism), chủ nghĩa truyền thống mới (neo-traditionalism)], những thuật ngữ được sử dụng từ những năm 1960 nhằm miêu tả động thái của các thay đổi của chủ nghĩa cộng sản hậu Stalinist, cũng có rất ít tác dụng trong việc dự báo sự sụp đổ của cộng sản và động thái đặc biệt của nó.

Trước khi sự phân rã của hệ thống cộng sản trở thành tin nóng hổi đăng trên trang nhất [của hệ thống báo chí] toàn cầu, rất ít (nếu không muốn nói là không có) trong số những học trò xét lại của chủ nghĩa cộng sản tin vào điều đó. Đúng vậy, họ tỏ ra lúng túng khi Jeane Kirkpatrick tuyên bố rằng các nền độc tài kiểu tây Phương có thể được cách tân hoặc thậm chí được xoá bỏ, nhưng các nền toàn trị cộng sản thì không. [8] Nhưng Kirkpatrick là một kẻ xiên xẹo lắm điều và bại hoại về chính trị- có lẽ điều này giải thích tại sao bà ta lại không ngó ngàng gì đến những tiến bộ đạt được trong nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản, cũng như sự khinh bỉ mà người ta dành cho các tuyên bố của bà. Mặc cho những lời phỉ báng, Samuel Huntington năm 1984 vẫn còn viết trong một nghiên cứu học thuật về triển vọng dân chủ toàn cầu rằng "khả năng có các tiến triển dân chủ ở Đông Âu là gần như bằng không." [9] Không phải là một kẻ phá rối mà được coi là một học trò xuất sắc về độc tài và toàn trị, Juan Linz năm 1984 cũng viết một đề xuất về sự khác biệt giữa các nền chuyên chính toàn trị và độc tài rằng "tiêu chí cơ bản là khả năng có thể chuyển đổi hoặc đảo ngược của chế độ." [10]

Vậy thì cái gì vẫn còn trục trặc trong các lý thuyết về sự thay đổi của cộng sản? Liệu chúng đã mô tả chính xác các thay đổi chưa? Nếu rồi, thì những thay đổi như thế liệu có thể làm sáng tỏ sự tan rã cuối cùng hay không?

Cách hiểu của các nhà xét lại về những thay đổi diễn ra dưới sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản có thể được chia ra làm hai loại: Loại thứ nhất là hậu duệ của lý thuyết về hiện đại hoá hoặc hội tụ. Lý thuyết này chỉ ra động lực chính của các thay đổi trong động thái của các tiến bộ vật chất và hệ thống công nghiệp toàn cầu. Tiềm năng toàn cầu về hiện đại hoá, hướng đến sự hội tụ tới các mô hình đa nguyên phương Tây, được tóm tắt lại gần đây nhất trong bài nói chuyện của Lucian Pye:

"Các lý thuyết gia đầu tiên về hiện đại hoá và phát triển chính trị (political development) đã xác định những yếu tố chính đều là các biến số quyết định. Điểm mà chúng ta đã sai trong những năm 1950 và 1960 là đánh giá thấp tầm quan trọng mà những yếu tố này có thể tích luỹ trong các thập kỷ tiếp theo, và mức độ mà theo đó chúng sẽ trở thành một một bộ phận của các hệ thống toàn cầu được đan kết chặt chẽ với nhau. Lý thuyết hiện đại hoá dự đoán rằng tất cả những diễn biến như phát triển kinh tế, sự lan truyền của khoa học và công nghệ, sự gia tốc và lan rộng của thông tin và sự thiết lập các hệ thống giáo dục sẽ cùng đóng góp vào sự thay đổi chính trị. Ở đây chúng ta không thể ghi lại tất cả những con đường mà các yếu tố này đã tác động để rồi đem lại cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa chuyên chế, nhưng chúng ta có thể vắn tắt nhắc lại mức độ [thiếu sót của] chúng ta khi ban đầu đã không đánh giá đúng quy mô ảnh hưởng mà các yếu tố này có thể đạt tới". [11]

Tuy vậy, một thời gian dài trước khi Pye nói ra những câu này, các nhà nghiên cứu về Soviet đã dành sự chú ý đáng kể đến các đòi hỏi phải hiện đại hoá. Với một số người, chủ nghĩa cộng sản thời kỳ đầu -tập trung vào khủng bố, học thuyết và động viên bắt buộc (coerced mobilization)- là cái xa lạ với hiện đại hoá, hoặc ít ra là cái ngăn trở hiện đại hoá. [12] Với một số người khác, chính những yếu tố này có chức năng gia tốc quá trình hiện đại hoá khỏi sự lạc hậu. [13] Dù thế nào thì trong mắt cả hai, nhu cầu phải hiện đại hoá (hoặc tiếp tục hiện đại hoá) sẽ hiển hiện trong giai đoạn chủ nghĩa cộng sản trưởng thành. Vì thế có thể giả định rằng đã có sự thay đổi về chất trong thời kỳ sau Stalin: rời xa chủ thuyết phản năng suất (counterproductive chiliasm) vốn đã không còn cần thiết và hướng tới một trật tự hiện đại hoá tách biệt hơn, dễ dự đoán hơn và có trách nhiệm hơn; một trật tự đem lại thời đại của các nhà kỹ trị và các chủ thể duy lý.

Tuy nhiên, liệu các nhu cầu cần phải hiện đại hoá có phải là những yếu tố đủ để gây ra sự sụp đổ của hệ thống cộng sản hay không? Và chính xác thì theo cách nào? Mặc cho các chi phí khách quan khi phủ nhận nó, cái thực sự ấn tượng trong cuộc sụp đổ hiện nay [của hệ thống cộng sản] không phải là sự thúc bách của các đòi hỏi [của hiện đại hoá], mà ngược lại chính là việc thiếu khả năng thay thế về cơ bản các chủ nghĩa xã hội "thực sự sống động". [14] Vì thế, sự đình trệ và nghèo đói (tương đối và tuyệt đối) -chứ không phải việc tháo bỏ gông xiềng cho phát triển- là cái đứng đằng sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.

Về điểm này, cách hiểu thứ hai-được Andrew Janos gọi một cách sắc sảo là chủ nghĩa thoái hoá (devolutionist)-mạnh hơn các lý thuyết hiện đại hoá. [15] Lấy cảm hứng từ lý thuyết của Weber về thường lệ hoá (routinization), [lý thuyết] thoái hoá lập luận rằng sự xung đột là không thể tránh khỏi giữa các cảm hứng hạnh phúc vĩnh cửu chiliastic aspirations) của phong trào toàn trị và địa vị cũng như các quan tâm thực dụng của các thành viên phong trào này-những người bị buộc phải thực hiện các mục tiêu của nó. Xung đột này có thể tồn tại lâu dài mà không được giải quyết, [16] nhưng cuối cùng thì các viên chức quan liêu và những người bình thường hoá (normalizers) của chế độ cũng sẽ thắng. Vì nếu thiếu vắng sự bảo đảm về các nhiệm vụ và vai trò, các mục tiêu hạnh phúc vĩnh cửu của phong trào sẽ nhấn chìm chế độ trong hỗn loạn.

Các lý thuyết về thoái hoá tốt hơn các lý thuyết về hiện đại hoá ở chỗ chúng chỉ ra được các cội rễ đầu tiên của cuộc phân huỷ hiện nay do -thay vì tập trung vào động thái toàn cầu của các tiến bộ vật chất- chúng tập trung vào cốt lõi chính trị của hệ thống cộng sản: một hệ thống trở nên ít đe doạ hơn, và có vẻ ít gò bó hơn sau thời Stalin nhưng vẫn đe doạ hơn và gò bó hơn rất nhiều so với bất cứ nơi nào khác trong thế giới công nghiệp, và vì thế, vẫn phải dựa nhiều vào đàn áp, giám sát, hoặc tạo ra các xung lực thay đổi. Và bằng cách nhấn mạnh rằng [quá trình] bình thường hoá được dẫn dắt bởi sự quan tâm đến địa vị của vô số giới chức hành chính, các lý thuyết thoái hoá giải thích lý do và bản chất sự khác biệt giữa bình thường hoá và hiện đại hoá. Chúng đưa ra một mô tả đầy thuyết phục về sự tụt dốc của cộng sản tới [trạng thái] đình trệ "tân-truyền thống"- một trạng thái không phản ứng gì với các kích thích toàn cầu. [17] Tuy thế, tân-truyền thống cũng biểu hiện cho một giai cấp chính trị già giặn, được biệt đãi, và tồn tại khắp nơi, một giai cấp không chịu trách nhiệm về hành vi của nó, cũng không bị ràng buộc bởi hợp đồng và thành tích làm việc. Vậy thì làm thế nào mà một giai cấp được phòng thủ kiên cố như giai cấp xuất hiện ở Liên Xô và các nước vệ tinh của nó dưới thời Brezhnev lại dịch chuyển từ chỗ an toàn đến chỗ khủng hoảng leo thang? Đây là câu hỏi mà các lý thuyết về thoái hoá không trả lời được đầy đủ.

Bây giờ là lúc nhìn nhận sự thay đổi của cộng sản từ một góc độ khác về tính chính đáng của hệ thống. Có 3 điểm lợi khi tập trung vào tính chính đáng (đặc biệt là vào việc các tuyên bố mà tính chính đáng của hệ thống phải dựa vào đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi [quá trình] bình thường hoá cộng sản). Đầu tiên, sự tập trung [vào tính chính đáng] này cho biết làm thế nào mà niềm tin vào tính chính đáng chuẩn tắc -một đặc điểm trung tâm của các chế độ cộng sản- thường dẫn các chế độ này tới chỗ mắc kẹt nguy hiểm trong việc phủ nhận các hiện thực trong nước và toàn cầu vốn đang ngày càng trở nên đòi hỏi hơn. [18] Thứ hai, nó cho biết để phản ứng lại với sự phủ nhận hiện thực của cộng sản, xã hội dân sự đã xuất hiện và trở thành trung tâm trong các cuộc chuyển đổi của cộng sản như thế nào, và vì sao người ta phải nói về các cuộc cách mạng tư cách công dân. Thứ ba, việc tập trung vào tính chính đáng nêu bật lên tầm quan trọng của diễn ngôn chính trị (political discourse) trong việc dẫn dắt sự thực hiện quyền lực cộng sản, trong đóng góp vào thất bại đáng khinh bỉ của họ, và trong việc định hình các [hoạt động] tự vệ của xã hội chống lại họ.

Tính chính đáng từ bên trên


Xin làm rõ ngay từ đầu rằng cách nhìn của Đông Âu về tính chính đáng phải là một phiên bản giới hạn của cách nhìn của Liên Xô. Vì thế, các điểm bình luận tiếp theo đây sẽ quan trọng đối với kẻ bá chủ không kém gì với các vệ tinh của nó.

Người ta có thể bị lôi cuốn vào khuynh hướng phủ nhận tất cả các nghiên cứu về tính chính đáng và coi chúng là giả tạo và không hiệu quả. Trên thực tế, sự kết hợp giữa các yếu tố chuẩn tắc và vật chất đã tồn tại từ lâu đã làm xói mòn sự ủng hộ của quần chúng đối với chủ nghĩa cộng sản, đặc biệt là ở Đông Âu. Hơn nữa, các chế độ, đặc biệt là các chế độ lạm dụng sự đàn áp, có thể bảo lưu [được quyền lãnh đạo của mình] trong một thời gian dài mà không cần sự ủng hộ thực sự của quần chúng. Tuy nhiên, việc không được sự ủng hộ của công chúng không nhất thiết phản ánh việc không có tính chính đáng. Phương trình khái niệm này đúng, ít ra là một phần, [19] khi dân chúng có chủ quyền là lực lượng có vai trò xác minh và ban phát tính chính đáng, như trong hệ thống hiến pháp dân chủ hoặc tự do. Khi dân chúng có chủ quyền, sự ủng hộ của họ cấu thành nhân tố quyết định của tính chính đáng. Điều này đúng bất kể tiêu chí ban phát tính chính đáng được xác định như thế nào. Quyền cai trị của thiểu số, vì thế, bị quy định bởi đa số còn lại.

Tuy nhiên, sự khẳng định về tính chính đáng có thể được xác nhận bởi một nguồn chủ quyền khác hẳn: ví dụ trong giai đoạn đầu của lịch sử hiện đại, chúng có thể được xác nhận bởi chính những kẻ cai trị. [20] Gợi ý ở đây là nguyên tắc tự-chính đáng hoá, hay như cách Maria Marcus gọi là "tính chính đáng từ bên trên" cũng tồn tại trong các chế độ cộng sản. [21] Và khi những kẻ cai trị tin rằng quyền cai trị của họ không cần sự chứng thực của công chúng, thì hai hậu quả sẽ xảy ra. (1) Những ai không nhận thức được quyền thống trị của kẻ cai trị sẽ không vì thế mà nghi ngờ kẻ cai trị, thay vào đó, họ tự nghi ngờ mình. Và (2) Nếu cuối cùng nổ ra một cuộc khủng hoảng tính chính đáng- tức là, nếu kẻ cai trị mất niềm tin vào quyền cai trị của mình- thì sẽ rất khó để dập tắt được cuộc khủng hoảng này. Một chế độ "đạo đức" có thể tồn tại mà không cần sự ủng hộ rộng rãi; nhưng nó khó có thể tồn tại mà không còn tin vào đạo đức của chính mình. [22] Vì đến lúc đó, nó không còn can đảm để [tiếp tục] thống trị bất kể công luận thông qua các biện pháp bí mật và xảo quyệt - nếu những biện pháp này là cần thiết.

Vị trí trung tâm mà các chế độ cộng sản đặt cho tính chính đáng từ bên trên không chỉ đơn thuần là thiếu tin tưởng-và về mặt luật pháp không thừa nhận-xã hội dân sự; các nền chuyên chế phương Tây cũng có những đặc điểm này. Tuy nhiên, nhu cầu tin vào quyền được lãnh đạo của mình không thiết yếu đến như vậy trong các chế độ này so với trong chế độ cộng sản. Sự nhấn mạnh đến tính chính đáng từ bên trên là độc đáo mang tính tiên đề trong trường hợp các chế độ cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản, như tôi đã viết trong một nghiên cứu so sánh các cuộc chuyển đổi ở Tây và Đông,

"không phải là một công việc dọn dẹp tạm bợ, một ngoại lệ của chế độ với một kế hoạch do chính mình áp đặt nhằm xếp xắp lại ngôi nhà dân chủ đang hoặc đã đổ vỡ, giống như nhiều chế độ chuyên chế khác muốn tự giới thiệu/ nguỵ trang/bào chữa. Tham vọng ban đầu của chủ nghĩa cộng sản là đem lại một sự thay thế về xã hội và chính trị, không chỉ trong nước, mà trên tất cả, là nền dân chủ đầy đủ (liberal democracy) cho toàn cầu". [23]

Tham vọng này không ngay lập tức được thoả mãn bởi Cách mạng Nga hoặc hệ thống các nhà nước cộng sản được thiết lập sau Thế chiến II. Thay vào đó, với sự ra đời của hệ thống này, các tham vọng và mục tiêu vẫn còn nằm trong viễn cảnh xa xôi, và nhu cầu chứng thực trở nên trung tâm hơn bao giờ hết. Sự thể hiện và các thành tựu của một [nhà nước] và sau đó là sự tồn tại lâu dài của các nhà nước cộng sản phải được đo lường bởi những mục tiêu này.

So sánh với các nhiệm vụ thế tục hơn và liên tiếp nhau của các chế độ toàn trị phương Tây, vốn nhiều lắm là tập trung vào "bắt kịp" các nước tiến bộ hơn chứ không phải lật đổ trật tự quốc tế của họ, [24] các mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản quốc tế đòi hỏi sự thống nhất phi thường về mục tiêu, cũng như sự phối kết hợp không thể lung lay cả trong và giữa các nhà nước cộng sản. Trên hết, chúng đòi hỏi (và được nuôi dưỡng bởi) một học thuyết có khả năng giải thích hiện thực và thực ra phải dẫn dắt và tổ chức lại [hiện thực] trong cách tưởng tượng riêng của nó: thậm chí phát minh lại nó, nếu các hiện thực tỏ ra cứng đầu. Vì thế, sẽ là không đủ nếu chỉ bịt miệng xã hội dân sự và kiềm chế không cho nó phát triển. Mà thay vào đó, với tư cách là một nguồn cung cấp các viễn cảnh thay thế về hiện thực-thường mang tính chia rẽ và tự cao-xã hội phải được tuyển mộ vào chân lý. Nói cách khác, chính khái niệm xã hội dân sự-với tư cách là một nhân tố thiết yếu-không những chỉ đơn giản là phiền toái mà chính xác hơn là xa lạ với cách nhìn cộng sản.

Vì thế, ngay từ đầu, có 4 đặc điểm đánh dấu tính chính đáng cộng sản từ bên trên:

Tính chính đáng của quyền cai trị được xem xét dưới ánh sáng của các mục tiêu hàm ý rằng tính chính đáng của các bộ máy cộng sản quan liêu phải được xem xét dưới ánh sáng của các nhiệm vụ (thường là quân sự) và vì thế mang tính khái niệm, chứ không phải dưới ánh sáng của các thủ tục. Các nhiệm vụ và "chiến lược" (chinh phục các đỉnh cao mới hay tiêu diệt các thể lực đen tối) thay thế các khung luật pháp với tư cách là ngôn ngữ của nhà nước. Chính khái niệm luật pháp trở nên đồng nghĩa với khái niệm các biện pháp hành chính mang tính công cụ (instrumental administrative measures), [25] đặc trưng trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa độc đoán hiện đại. Khái niệm của Weber về tính chính đáng liên quan đến mệnh lệnh (Herrschaft) khá thích hợp trong trường hợp này. [26]

Không giống như một ông hoàng độc đoán, các bộ máy quan liêu kiểu Soviet (đặc biệt là bộ máy Đảng) đòi hỏi quyền lãnh đạo vì các nhiệm vụ mà họ thực hiện được dẫn dắt bởi chân lý tối cao. Họ đòi độc quyền trong diễn giải chính trị. Vì thế, chân lý của họ không thể bị hiện thực chứng minh là sai, các mệnh lệnh của họ luôn phải đúng, và nhiệm vụ của họ không bao giờ thất bại bởi các khiếm khuyết của chính họ. Nói một cách chặt chẽ thì, những kết quả tồi không phản ánh các mục tiêu. Karl Deutsch định nghĩa quyền lực là "đặc quyền đầu ra trên đầu vào, khả năng nói mà không cần nghe,... khả năng không cần phải học." [27] Quyền lực cộng sản giống như vậy. Nó tuyên bố không thể sai về mặt nhận thức.

Việc xác thực chân lý không cần đến dân chúng. Ngược lại, "chân lý" muốn quần chúng học tập và phổ biến nó, và trở thành bằng chứng [tô điểm] cho nó. Sự thụ động, chứ đừng nói gì đến phản kháng, sẽ không làm được gì. Mihajlo Mihajlov khi đề cập đến việc này đã nói về "phi tự do chủ động" trong đó "cá nhân bị ép phải chủ động ủng hộ việc nô lệ hoá bản thân họ" [28] bằng việc tham gia vào các cuộc động viên của cộng sản. Cách nhìn này giải thích thái độ phỉ báng của Walter Ulbricht đối với các công nhân Ðông Ðức sau cuộc nổi dậy ở Berlin năm 1953: bằng việc nổi loạn, giai cấp lao động đã chứng tỏ mình không còn xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng. [29]

Khi tính chính đáng đến từ bên trên, mối quan hệ vận động quyết định không phải là quan hệ giữa những người cai trị với công chúng, mà là giữa những người cai trị với đội ngũ nhân viên hành chính của Weber-mà theo cách nói của người cộng sản là các cán bộ [30] . Cuối cùng thì thử thách chính liên quan đến việc chuyển từ các mục tiêu đã được định sẵn tới các nhiệm vụ phải vạch ra và thực hiện. Khi chủ nghĩa hạnh phúc vĩnh cửu được hoá thân trong nhà nước, sự cấu kết giữa các thế lực cầm quyền, bắt rễ trong một học thuyết bất khả nghi vấn, trở nên thiết yếu cho việc kéo dài sự nhẫn nại. Các nhà nước chuyên chế phương Tây có thể bảo vệ quyền lãnh đạo của họ dựa trên các liên minh tiện nghi giữa các nhóm xã hội và các thể chế có khả năng tự phân tách. Chủ nghĩa cộng sản thì không thế.

Bốn đặc điểm đó hợp thành một dạng như bộ mã gen di truyền của bản sắc cộng sản. Qua năm tháng, chủ nghĩa cộng sản đã thích nghi. Nó đã trải qua quá trình thoái hoá và phàm tục hoá (philistinization). Tuy nhiên, cái bản sắc ban đầu hình thành trên thuyết chính thống về sự tuyệt mỹ mang tính di truyền của chủ nghĩa cộng sản là cái khó bị lay chuyển. Nghịch lý thay, chính sự bám chặt một cách mù loà này lại là yếu tố quan trọng đẩy chủ nghĩa cộng sản từ chỗ tự tin về nhận thức tới chỗ thất bại về nhận thức. [31]

Quyền lãnh đạo của cộng sản phải đối mặt với ba thách thức. Thách thức thứ nhất đã cũ: nó đến từ bên trong hệ thống cai trị, cái đã tỏ ra không cố kết bền chắc được như các mục tiêu nghìn năm đòi hỏi. Thách thức thứ hai gần đây hơn và đến từ xã hội, cái đã tỏ ra không chịu phụ thuộc nhiều như người ta đòi hỏi. Thách thức thứ ba và cũng là cuối cùng là tính bền vững và toàn cầu: cuối cùng thì kẻ thù của trật tự toàn cầu được hứa hẹn đã tỏ ra không dễ bị tiêu diệt. Mỗi thách thức phản ánh một mặt khác nhau của hiện thực không tuân theo sự diễn giải của cộng sản, và mỗi thách thức đó đều có khả năng làm xói mòn bản sắc cộng sản. Nhưng chỉ riêng thách thức cuối cùng, bằng việc hội tụ với 2 cái còn lại, mới chứng tỏ có vai trò quyết định. Chừng nào chưa có sự hội tụ đó, và chưa qua giai đoạn bình thường hoá, thì chủ nghĩa cộng sản vẫn còn ngoan cố tiếp tục phủ nhận hiện thực.

Lâm Yến dịch

15.9.2005


© 2005 Duy Tân Trẻ
© 2005 talawas

Chú thích:

[1]Pye, "Political Science and the Crisis of Authoritarianism," American Political Science Review 84 (March 1990), 3-19, at 5.
[2]Bản thân Pye cũng chỉ ra trong bài phát biểu (chú thích 1) rằng tất cả các cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa toàn trị đều được đánh dấu bởi sự xung đột giữa nền văn hóa phương Tây của hiện đại hóa và các nền văn hóa chính trị quốc gia. Ai sẽ chiến thắng "(và vì thế, kết quả của một cuộc khủng hoảng của một nền toàn trị nhất định) sẽ phụ thuộc vào tính chất của nền chính trị [quốc gia]" (trang 12). Về lý do tại sao các hiệu ứng miêu tả (demonstration effects) của hiện đại hóa ít có khả năng tạo ra sự hội tụ, xem Reinhard Bendix, Force, Fate and Freedom (Berkeley: University of California Press, 1984), 108-22.
[3]Karl Deutsch, The Nerves of Government (New York: Free Press, 1966), 111.
[4]Veljco Vujacic, "The Dual Revolution of Citizenship and Nationhood in Eastern Europe" (Unpublished manuscript, Berkeley, May 1990).
[5]Điều đó chính xác là vì đã một lần các cuộc cách mạng này tuyên bố chúng [các cuộc cách mạng Đông Âu] không phải là một phát minh lịch sử-thế giới. Những chân lý mà họ tìm cách chứng minh là những thứ đã được chỉ ra từ lâu, và cảm hứng của họ cũng vậy." Trích trong Martin Krygier, " Marxism and the Rule of Law: Reflections after the Collapse of Communism" (Paper presented at the annual meeting of the Law and Society Association, May-June 1990, no place indicated), 4.
[6]Để có so sánh sâu sắc hơn, xem Giuseppe Di Palma, "Democratic Transitions: Puzzles and Surprises from West to East" (Paper prepared for the Conference of Europeanists, Washington, D.C., March 1990).
[7]Przeworski, "The 'East' Becomes the 'South'? The 'Autumn of the People' and the Future of Eastern Europe," PS 24 (March 1991), 20-24, at 21.
[8]Kirkpatrick, "Dictatorships and Double Standards," Commentary, November 1979, pp.34-46.
[9]Huntington, "Will More Countries Become Democratic?" Political Science Quarterly 99 (Summer 1984), 193-218, at 217.
[10]Linz, "Epilogue," in Guy Hermet, ed., Totalitarismes (Paris: Economica, 1984), 244; do Giuseppe Di Palma dịch. Jacques Rupnik ghi lại trong tập này việc khái niệm toàn trị bị cấm trong nghiên cứu Soviet của tây Phương trong những năm 70 và 80 như thế nào. Các học giả ở Đông-Trung Âu khi đó đang mổ xẻ các cơ chế mới về sự thống trị của cộng sản và tự khích lệ mình cho một cuộc phản kháng dài hơi. Những kẽ hở mà các học giả này phát hiện ra trong chiếc áo giáp của cộng sản có vẻ như không hứa hẹn gì nhiều hơn là sự cộng sinh đầy khó khăn và kéo dài giữa các chế độ ngoan cố tìm kiếm tính chính đáng cho sự thống trị nghẹt thở của họ và các xã hội dân sự bướng bỉnh trồi lên [khỏi mặt nước xã hội] để hít thở. Xem Rupnik, "Le totalitarisme vue de l'Est," in Hermet, 43-71; bản tiếng Anh về chủ đề này của ông nằm trong Rupnik, The Other Europe: The Rise and Fall of Communism in East-Central Europe (New York: Schocken, 1989), chap. 9.
[11]Pye (fn. 1), 7.
[12]Richard Lowenthal, "Beyond Totalitarianism," in Irving Howe, ed., 1984 Revisited (New York: Harper and Row, 1983), 209-67; Robert C. Tucker, The Marxian Revolutionary Idea (Princeton: Princeton University Press, 1970).
[13]Cyril A. Black, The Dynamics of Modernization: A Study in Comparative History (New York: Harper and Row, 1966).
[14]Về sự xung đột giữa nền văn hóa của hiện đại hóa và văn hóa chính trị cộng sản, Pye (fn. 1) viết: "Sự xung đột này đã làm sản sinh một cuộc khủng hoảng niềm tin đặc biệt nghiêm trọng trong các hệ thống Marxist-Leninist chính vì ý thức hệ của họ từ lâu đã khẳng định với các tín đồ của mình rằng sẽ không có một sự xung đột như thế. Họ được hứa hẹn rằng thông qua việc trở thành người "Mác-xít khoa học", họ đã nhận được một bản sắc chính trị phổ quát và đứng ở vị trí hàng đầu trong [nấc thang] tiến bộ của nhân loại" (p. 11).
[15]Janos, Politics and Paradigms: Changing Theories of Change in Social Science (Stanford, Calif.: Stanford University Press, 1986), 106-19; idem, "Social Science, Communism, and the Dynamics of Political Change," in this issue of World Politics.
[16]Các cuộc thanh trừng của Stalin, Cách mạng văn hóa của Mao, và ngay cả các nỗ lực có số phận đen đủi của Khrushchev nhằm phỉnh phờ đảng vào các thành tích "anh hùng" hơn có thể được nhìn nhận như là các phương pháp mà các lãnh tụ cách mạng chiến đấu chống lại sự thường lệ hóa (routinization) và vì cam kết đạt được các mục tiêu vĩ đại.
[17]Kenneth Jowitt, "Soviet Neotraditionalism: The Political Corruption of a Leninist Regime," Soviet Studies 35 (July 1983), 275-97; Andrew Walder, Communist Neo-traditionalism: Work and Authority in Chinese Industry (Berkeley: University of California Press, 1986).
[18]Maria Marcus, "Overt and Covert Modes of Legitimation in East European Societies," in T. H. Rigby and Ferenc Feher, eds., Political Legitimation in Communist States (New York: St. Martin's Press, 1982), 82-93; Vaclav Benda, "Parallel Polis or an Independent Society in Central and Eastern Europe: An Inquiry," Social Research 55 (Spring-Summer 1988), 214-22.
[19]Renate Mayntz, "Legitimacy and the Directive Capacity of the Political System," in Leo N. Lindberg et al., eds., Stress and Contradiction in Modern Capitalism (Lexington, Mass.: Lexington Books, 1975), 261-74.
[20]Hệ thống ba phần của Weber về các khẳng định chuẩn tắc đối với quyền cai trị không giải quyết vấn đề ai là người [có quyền] xác nhận sự khẳng định này-người dân hay những kẻ cai trị. Vì thế chúng ta thường có khuynh hướng bỏ qua sự khác biệt rất căn bản này.
[21]Marcus (fn. 18), 82.
[22]Dĩ nhiên có những chế độ phi dân chủ vẫn có thể tồn tại mà không cần cả sự ủng hộ lẫn đạo đức.
[23]Di Palma (fn. 6), 8.
[24]Janos (fn. 15, 1986), 100-102.
[25]Krygier (fn. 5).
[26]T. H. Rigby, "Introduction: Political Legitimacy, Weber, and Communist Mono-organisational Systems," in Rigby and Feher (fn. 18), 14.
[27]Deutsch (fn. 3), 111.
[28]Mihajlov, Letter to the Editor, Commentary, February 1986, p. 4.
[29]Brecht cũng đối đáp lại trong một bài hát buồn rằng Đảng Cộng sản có thể đơn giản là giải tán quần chúng và tự bầu ra cho nó một quần chúng mới; Timothy Garton Ash trích dẫn trong "East Germany: The Solution," New York Review of Books, April 26, 1990, p. 14.
[30]Rigby (fn. 26), 15.
[31]Vujacic (fn. 4).


Theo: World Politics, Vol. 44, No. 1 (Oct., 1991), 49-80. 
Tính chính đáng từ bên trên và xã hội dân sự (Giuseppe Di Palma) Reviewed by Admin on 3/12/2012 Rating: 5 Giuseppe Di Palma  - Tại sao chủ nghĩa cộng sản lại sụp đổ ở Đông Âu? Vai trò của các xã hội Đông Âu trong sự sụp đổ này là gì? Tiểu luậ...

Không có nhận xét nào: