Tinh Thần Nguyễn Trường Tộ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
20 tháng 3, 2012

Tinh Thần Nguyễn Trường Tộ

LH - Lê Trân, Tập san Ngày Mới, phỏng vấn Gs Nguyễn Đăng Trúc

Năm 2001, Paris, Pháp

Thế kỷ XIX dân tộc Việt Nam bị mất nước không phải tại ngành quân sự của ta yếu kém, cũng không phải tại nền khoa học kỹ thuật của ta thiếu mở mang hay dân ta thiếu nhân tài. Chúng ta bị mất nước vì đại đa số dân ta đã thờ ơ trước thời cuộc, lại bảo thủ, không biết mở tầm nhìn đến những tiến triển của thế giới qua những diễn biến về tư tưởng, quan niệm về chính trị xã hội, cùng những tương quan trong cuộc sống hoàn vũ thời đó. Đại đa số, từ vua, quan đến dân, bị giam hãm trong tháp ngà lạc hậu mà cứ tưởng rằng mình văn minh xuất chúng hơn người.

Tuy nhiên lúc đó vẫn có những người ý thức được thời cuộc, mặc dầu chỉ là thiểu số, nhưng họ đã thiết tha mong ước một một cuộc đổi mới để đất nước được thăng tiến theo kịp với sự tiến triển của thế giới.

Một trong những nhà yêu nước đó, chúng tôi xin đề cập đến Nguyễn Trường Tộ, người mang nặng ưu tư về quê hương, dân tộc đã đem tim óc viết lên những bản điều trần, ngay cả khi nằm trên giường bệnh: “Hiện nay tôi đau bệnh tê thấp, gần thành người phế tật, phải nằm ngửa trên giường mà viết …” với hoài vọng đất nước được đổi mới.

Tiếc thay, những bản điều trần đó đã không có hiệu lực trước vua quan thời đó mà chỉ là tiếng kêu trong sa mạc!

Hơn một thế kỷ qua, nguy cơ mất nước của dân ta vẫn còn đó, tuy nhiên không giống như thời trước. Nhưng vẫn bị đe dọa dưới nhiều hình thức, trầm trọng hơn cả là sự đói nghèo và sự kém mở mang dân trí sẽ dẫn đến tình trạng hiểu biết lơ mơ về tự do, dân chủ, bình đẳng nên không đủ sức (trình độ) để bảo vệ nhân quyền cho chính mình, nói chi đến việc bảo vệ cho những người khác.

Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, kỷ niệm 130 năm (1871-2001) ngày tạ thế của nhà chí sĩ Nguyễn Trường Tộ, Ngày Mới xin “tái tích”, nghĩa là “nhắc lại chuyện xưa” để vinh danh Tinh Thần Nguyễn Trường Tộ vì Người là niềm tự hào của chúng ta.

Với tinh thần đổi mới của “Người xưa”, chúng ta hãy canh tân tư duy, đổi mới cái nhìn của mình để cùng nhau tranh đấu cho nhân quyền ở VN được phục hồi, để dân tộc được thật sự đổi mới trong tự do công bằng.

Thế kỷ XIX, vua Tự Đức và triều thần đã bỏ qua những lời “điều trần” về đổi mới của Nguyễn Trường Tộ, vua quan thời đó lại còn nghi ngờ, bài xích, khiến nhà chí sĩ đành ôm hận mà qua đời với hai câu nổi tiếng:

Nhất thất túc thành thiên cổ hận
Tái hồi đầu thị bách niên cơ.

có nghĩa là:

Một bước sa chân, nghìn đời mang hận
Quay đầu nhìn lại, cơ đồ đã hóa trăm năm.

Nhân dịp nầy, Ngày Mới tiếp chuyện với giáo sư Nguyễn Đăng Trúc, Giám đốc Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ ở Strasbourg:

1/ Ngày Mới: Những bản điều trần mà Nguyễn Trường Tộ đã viết cách đây hơn một thế kỷ, cho đến hôm nay, chúng ta vẫn thấy trong đó những kiến giải hết sức sáng suốt về các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao v.v… Hệ thống tư duy canh tân của Nguyễn Trường Tộ đã vượt ra khỏi những hạn chế bảo thủ của vua quan thời đó để đưa một luồng sáng rọi vào đám sương mù dày đặc của thành kiến nho giáo, thành kiến tôn giáo và sự mê muội của chế độ phong kiến thời đó. Theo giáo sư, những bản điều trần đó còn hợp thời cho sự đổi mới quê hương trong giai đoạn này nữa không?

Giáo sư Nguyễn Đăng Trúc: Chúng ta ghi nhận hình ảnh Nguyễn Tường Tộ như một kẻ sĩ dấn thân, can đảm, một nhà canh tân xã hội. Những đặc tính đó là những giá trị trường tồn, hợp cho mọi thời đại, là thước đo phẩm chất của một nền văn hóa.Thái độ can đảm lên tiếng cảnh giác triều đình và nội dung các bản điều trần phản ảnh rõ rệt những đức tính của một kẻ sĩ chân thực. Những đề xuất cải cách mà NTT nêu lên là những điểm mới lạ (đôi lúc làm cho vua quan và dân chúng thời bấy giờ khó chịu), thực tiển trong bối cảnh lịch sử vào hậu bán thế kỷ 19 của đất nước. Nhưng nêu lên từng đề nghị trong các bản điều trần ấy để áp dụng cho thực tế lịch sử hôm nay thì đi ngược lại với chính tinh thần canh tân trường kỳ của tác giả, vốn là một nhà Nho sâu sắc am tường câu châm ngôn bất hũ nầy :‘ nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân ‘. Tuy thế chúng ta cũng vẫn đọc được rất nhiều đề nghị có giá trị bền vững, đặc biệt để cảnh giác các nhà lãnh đạo ngày hôm nay như chủ trương tự do tôn giáo, mở rộng tầm nhìn ra với thế giới, bảo vệ môi sinh, tinh thần khoa học và liên đới…

2/ Ngày Mới : Khi đề cập đến việc làm cho dân giầu nước mạnh, Nguyễn Trường Tộ viết: “Tôi thiết nghĩ trong ngũ phúc, phú đứng đầu” (Di thảo số 53). Vì theo Nguyễn Trường Tộ: “Cách làm cho nước mạnh là ở chỗ tạo được nhiều của. Của cải nhiều thì lương thực đủ, khí giới tinh, thành trì vững, quốc phí đầy, các việc lợi ích do đó mà sinh ra, các việc tai hại do đó mà giảm bớt.” (Di thảo số 5). Khi đề cập đến lễ nghĩa, phong tục, Nguyễn Trường Tộ viết: “Nếu bị cái nghèo đói thúc bách thì lo kế sống cũng không xong, còn hơi đâu mà bàn lễ, nghĩa” (Di thảo số 18). “Cứ bị cái nghèo đói theo đuổi thì đến cha con cũng không bao bọc nhau được, còn hơi đâu nghĩ đến lễ, nghĩa, phong tục” (Di thảo số 53). Xin giáo sư vui lòng cho biết tinh thần Nguyễn Trường Tộ có còn hợp thời cho việc tái thiết quê hương trong giai đoạn hiện tại?

GS Nguyễn Đăng Trúc: Tôi xin được phép suy rộng chủ ý câu hỏi của Ngày Mới thế nầy: phải chăng Ngày Mới muốn nói rằng qua đề nghị thực tiển và ăn khớp với nếp sống của người dân, Nguyễn Trường Tộ nhắc nhở cho vua quan thời bấy giờ và ngay cả cho chế độ quá nặng về ý hệ vu vơ hôm nay con đường hữu hiệu nhất để làm cho dân giàu nước mạnh? Nếu lối suy diển của tôi ăn khớp với chủ ý câu hỏi của Ngày Mới, thì tôi xin thưa rằng: đúng vậy. Về điểm nầy, NTT không những có thể còn cảnh giác nhà cầm quyền hôm nay mà còn cảnh giác những người có trách nhiệm điều hành các sinh hoạt cộng đồng người Việt hải ngoại chúng ta. Chúng ta sinh hoạt như nhắm mắt chép lại một lối mòn từ thủa nào, lặp đi lặp lại tràng giang đại hải những lập luận mà con người Việt nam hôm nay không ai cảm nhận nửa, bất chấp hoàn cảnh, con người cụ thể, ước vọng và nhu cầu thực tế trước mắt. Ngoài ra, qua những nội dung mà câu hỏi của Ngày Mới nêu lên, chúng ta thấy NTT không hề công kích các giá trị tinh hoa của Đạo Lý truyền thống dẫu là từ Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo hay Thiên Chúa giáo. Những nội dung nầy không phải NTT đã chép lại đường lối Phú chi, Giáo chi, Cử hiền của Khổng giáo hay sao? Ông sâu sắc và cẩn trọng hơn những người làm văn hóa và các phong trào cải cách xã hội trong thế kỷ 20 khi phân biệt những nét trường kỳ mới mẽ trong các sứ điệp tôn giáo và văn hóa truyền thống và các thể chế áp dụng một cách bất cập và lạm dụng các giá trị nầy.

3/ Ngày Mới: Tính đến năm nay, Nguyễn Trường Tộ từ trần đã 130 năm, nhưng đọc lại những di thảo của Người, chúng tôi thấy rằng lịch sử nước nhà đã bỏ lỡ hai cơ hội “ngàn vàng”, có thể tạo cho đất nước vươn lên mạnh mẽ. Đó là cái chết quá sớm của vua Quang Trung đã khiến Nguyễn Ánh rước voi về giầy mồ, thứ hai là sự thờ ơ và bảo thủ của triều đình Tự Đức đã đánh mất đi một trí tuệ lỗi lạc vượt trên tầm thời đại. Theo giáo sư, luồng sáng Nguyễn Trường Tộ có thể soi vào trí tuệ của ngươì đời, vào thế hệ ngày nay nữa chăng?

GS Nguyễn Đăng Trúc: Câu hỏi nầy có nhiều chữ ‘nếu như’ quá, thật khó trả lời. Cho rằng vì Vua Quang Trung chết sớm đã khiến cho Nguyễn Ánh rước voi giày mồ, thì tôi xin thành thực thưa rằng, trong tinh thần tôn trọng các sự kiện khách quan của lịch sử, tôi không thấy được sự liên tục nguyên nhân-hậu quả giửa hai sự kiện nầy trong vấn đề thực dân Pháp đưa quân xâm lược nước ta sau nầy. Còn triều đình Tự Đức đã không tiếp nhận các chương trình cải tân đất nước mà các bản điều trần cống hiến, thì đúng sự kiện nầy là một đều bất hạnh cho đất nước. Câu hỏi thứ ba là xét xem phong cách và tinh thần NTT có còn được con người ngày nay mến chuộng và áp dụng hay không, thì như Ngày Mới chứng kiến trước mắt: Rất ít ai lên tiếng hay đặt bút chê bai NTT thế nầy, thế nọ một cách tiêu cực. Việc phê phán hay lên án NTT về điểm nầy hay điểm khác không phải tuyệt đối không xãy ra, nhưng sự kiện đó là những trường hợp hiếm hoi. Tuy nhiên, ca ngợi và yêu thích là một chuyện, mà có áp dụng tinh thần NTT hay không, đó là chuyện khác. Kẻ sĩ, kẻ có học già hay trẻ trong xã hội VN hôm nay còn dấn thân vì ích chung không? hay nồi ai thì người ấy lo? Kẻ có trách nhiệm, kẻ có học (kể cả các nhà lãnh đạo đạo cũng như đời)có được mấy người dám nói thật để mô tả nổi khổ đau của kẻ áp bức, mất tự do, hay là ngậm tăm qua ải cho yên phần mình? Các cộng đồng tôn giáo, báo chí, đảng phái, hội đoàn hôm nay đầu thế kỷ 21 có khác gì lề lối sinh hoạt vào đầu thế kỷ 20 không? Ngày Mới có thể tự trả lời…

4/ Ngày Mới: Cuốn “Nguyễn Trường Tộ con người và di thảo” của linh mục Trương Bá Cần, xuất bản năm 1988, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đã viết thư bầy tỏ ý kiến: “…Cuốn sách này rất bổ ích cho sự hiểu biết lẫn nhau giựa công giáo và không công giáo. Tôi có cảm tưởng là, trước một dư luận vốn cho rằng Công giáo đã góp phần vào việc mất nước, đồng bào Công giáo rất tự hào về một Nguyễn Trường Tộ với độ sâu và độ dày của nhân vật”.

Xin giáo sư cho biết cảm nghĩ của mình, nếu đã đọc cuốn sách nầy.

GS Nguyễn Đăng Trúc : Cuốn sách dày 516 trang , khổ lớn , của lm Trương Bá Càn sưu tập và xuất bản, tôi có mua và đọc. Đúng như lời nhận xét của Đức cố TGM Sài Gòn Nguyễn Văn Bình, nhiều người, nhiều tổ chức (nhất là vào thời điểm 1988 là năm phong thánh cho 117 vị tử đạo tại VN) lên tiếng công khai đồng hóa công cuộc rao truyền Phúc Âm tại VN trước đây với sự kiện thực dân Pháp xâm lược nước ta, và sau đó là ngây ngô đồng hóa sứ điệp Phúc Âm với trào lưu văn minh tây phương. Tôi nghỉ rằng những nhập nhằng lịch sử giữa đạo-đời ở bất cứ nơi nào, thời nào thì cũng vẫn có thể xảy ra; nhưng không vì một vài hiện tượng tiêu cực và hạn hẹp nào đó của lịch sử để có thể tổng quát hóa, phóng đại rồi đánh giá và lên án một sứ điệp tôn giáo, một cộng đồng tôn giáo cách nầy hay cách khác. Nguyễn Trường Tộ là một kẽ sĩ yêu dân yêu nước bên cạnh từng trăm ngàn người công giáo Việt-Nam luôn tha thiết với hạnh phúc đồng bào mình như ông. Các vị truyền giáo ngoại quốc, nhiều quốc tịch khác nhau, cũng thương mến người dân Việt nam chúng ta và quí trọng đất nước chúng ta. Nhưng đặc biệt hơn cả, qua tinh thần dấn thân và cung cách hành xữ của Nguyễn Trường Tộ, chúng ta có một điển hình của một kẻ sĩ khoan dung, phóng khoáng và vô chấp trong lối phục vụ công ích, vượt lên trên những ấm ức, nghi kỵ, căm thù nhân danh một quan điểm què quặt và sai lệch về tâm tình xem tôn giáo như một phe phái, vượt lên trên những toan tính lạm dụng tôn giáo để tranh chấp và tạo chia rẽ.

5/ Ngày Mới: Trong thế giới ngày nay, giới trẻ được đặc biệt quan tâm trong mọi lãnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, tôn giáo v.v…, phải chăng vì vai trò quan trọng của giới trẻ cho kỷ nguyên mới mà giáo hội cũng đặc biệt lưu tâm đến vai trò của thế hệ trẻ. “Trong xã hội ngày nay, giới trẻ làm thành một sức mạnh rất quan trọng… Vai trò xã hội cũng như chính trị của họ mỗi ngày một thêm quan trọng, nhưng họ không được chuẩn bị đầy đủ để đảm nhận những trọng trách mới ngày càng xứng hợp.” (Vatican II,TD.12).

Thế hệ trẻ VN được sinh ra và trưởng thành ở hải ngoại. Giáo sư suy nghĩ gì về thế hệ nầy? Có phương cách nào giúp thế hệ nầy hòa nhập mà vẫn gắn bó với quê hương?

GS Nguyễn Đăng Trúc: Tôi xin thành thực chân nhận rằng các sinh hoạt cộng đồng, các vị lãnh đạo tôn giáo, chính trị của chúng ta đã chọn một lối mòn dễ đi là chỉ đóng khung lại trong thế giới của các bậc lão thành để dễ điều hành cộng đồng của mình hơn là dám can cường đương đầu với giới trẻ và nếp sống linh hoạt, phức tạp trước mắt. Chúng ta không nắm lấy hiện tại và tương lai để đặt vấn đề và định hướng sinh hoạt, nhưng khi nhắc đến sinh hoạt cộng đồng là như vỗ về những kỷ niệm và các sụ kiện quá khứ, lấy quá khứ của thế hệ lão thành của mình để làm khuôn mẫu và đánh giá nếp sống giới trẻ. Còn về phía giới trẻ chúng ta thì thay vì phải nói như TT Kennedy trước đây ”bạn đừng hỏi đất nước làm gì cho bạn, nhưng bạn đã làm gì cho đất nước”, tự tin tự lực như những người trẻ Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu…, thì thường hay nại những thiếu sót của lớp đàn anh để tránh né dấn thân, hoặc chìm ngập vào khung cảnh văn hóa cá nhân chủ nghĩa ‘tìm thành tích và thành công cá nhân, và cho lợi ích vị kỷ’ hơn là đại độ dấn thân. Trong một khung cảnh văn hóa mà các giá trị quay quanh lợi ích vị kỷ thì làm sao phát triển được hứng khởi tinh thần phục vụ tha nhân và cộng đồng, làm sao tìm được một thao thức thành thực cho quê hương! Nguyễn Trường Tộ cho chúng ta thấy rằng bên trên những đề nghị có tính cách kỷ thuật được viết ra, trước hết và quan trọng hơn hết là nhân cách vị tha, đại độ của tâm hồn kẻ sĩ chân thực.

6/ Ngày Mới: Khi đề cập đến văn hóa, đại đa số người Việt “có thói quen” dựa vào lời phê bình của vua nhà Thanh nói rằng Việt Nam là “văn hiến chi bang”, rồi tự hào cho rằng nước ta “bốn ngàn năm văn hiến”. Điều đó tuy có thỏa mãn lòng tự ái của dân tộc ta. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào đó mà mà không nghĩ đến việc cầu tiến. Theo giáo sư câu đó còn hợp thời nữa chăng?

GS Nguyễn Đăng Trúc: Hãnh diện về quê hương, đất nước, lịch sử dân tộc mình là một tình cảm cao quí. Nhưng nhắc đi nhắc lại một cách thuộc lòng ‘bốn nghìn năm văn hiến’ bên tai giới trẻ mà không giải thích ý nghĩa tượng trưng, hoặc không minh chứng một cách khách quan, thành thực các sự kiện lịch sử thì chẳng khác chi là làm công việc phản chứng, đẩy con em chúng ta (vốn được giáo dục theo tinh thần khoa học và thực nghiệm) vào tình trạng không tin tưởng vào lời nói của cha ông, hoài nghi ngay cả các giá trị cao cả của truyền thống chân thực. Riêng tại Âu Châu, sau thế chiế n thứ hai với những tội ác ghê rợn của chủ nghĩa quốc gia quá khích (nazi), giới trẻ không thể nào chấp nhận một lối trình bày về quốc gia dân tộc có tính cách hàm hồ, tự cao tự đại, lên án hay khinh khi các dân tộc khác để gián tiếp tôn vinh văn hóa dân tộc mình như tuyệt đĩnh cao siêu… Do đó, qua cung cách tiếp cận với các nền văn hóa đông tây và tình cảm tha thiết đối với các truyền thống văn hóa dân tôc mình của Nguyễn Trường Tộ, tôi nghỉ rằng tinh thần khai phóng của ông đáng được chúng ta lưu ý. Đúng vậy, tuổi trẻ con em chúng ta không biết, không mến chuộng văn hóa ViệtNam thật là một bất hạnh, nhưng bất hạnh hơn một trăm ngàn lần nếu con em chúng ta rơi vào chủ nghĩa quốc gia quá khích, và nhất là nếu sự việc xãy ra là do lỗi của chính sự thiếu cảnh giác của chúng ta.

7/ Ngày Mới: Giáo sư nghĩ gì về viễn ảnh một nền văn hóa Việt Nam tại hải ngoại, nếu giới trẻ VN sống ở xứ người không thông thạo tiếng Việt?

GS Nguyễn Đăng Trúc: Có hai vấn đề nêu lên ở đây. Chúng ta ai cũng biết quê hương dân tộc không phải chỉ là có một mảnh đất và tập hợp một số dân cư, và thế là đủ. Cuộc sống tinh thần, tình tự con người, lịch sử…, sinh hoạt văn hóa phải nói là tinh hoa của dân tộc và quê hương. Thế nhưng, chúng ta đã nói nhiều về khốn khổ của cuộc sống kinh tế, chúng ta ý thức tình trạng thiếu tư do chính trị. Nhưng mấy chục năm qua, nếp sinh hoạt văn hóa cá nhân cũng như cộng đồng thực sự không hề có tại quê hương, được mấy ai đặt thành vấn đề! Chúng ta có thể mướn kỷ sư, chuyên viên ngoại quốc, thay đổi thể chế chính trị và ngay cả kêu gọi các nhà truyền giáo đến giúp chúng ta; nhưng thế hệ con em chúng ta hôm nay từ ngày sinh ra cho đến tuổi trưởng thành sống trong một sa mạc văn hóa, rồi đây chúng ta sẽ lấy ai, tìm đâu ra nhịp sống liên tục của tâm hồn Việt nam để xây dựng lại quê hương. Cộng đồng hải ngoại không gánh trách nhiệm ấy thì ai thay thế được đây! Thế nhưng chúng ta tự kiểm: đã đến lúc chúng ta ý thức được trách nhiệm ấy chưa? và ở cấp độ làm tài tử cho vui hay trên bình diện một tập thể có tầm vóc quốc gia? Vấn đề thứ hai nêu lên có liên quan, nếu không nói là đã có giải đáp khi vấn đề vừa nêu lên được giải quyết: vấn đề biết và nói tiếng mẹ đẻ của con em chúng ta trong cộng đòng hải ngoại. Con em chúng ta dễ tiến hành việc học và nói tiếng mẹ đẻ khi chúng được thúc đẩy bởi nhu cầu yêu thích lối sống, khung cảnh sinh hoạt văn hóa, giao lưu bè bạn giữa chúng ta với nhau. Qua bốn kỳ tổ chức các Khóa Đại Học Hè cho các sinh viên, chuyên viên VNHN, tôi nhận thấy lúc đầu phần lớn các em không nói, hay chỉ nói bập bẹ tiếng Việt. Nhưng vì giao tế qua lại giữa các bạn ấy với nhau trong vài năm , xuyên qua nhiều quốc gia không dùng chung một ngôn ngữ, các bạn trẻ vì thích mà học tiếng Việt để nối kết tình bằng hữu. Kinh nghiệm đó còn hạn chế lắm, nhưng nó cũng giúp thêm một yếu tố để chúng ta suy nghĩ.

8/ Ngày Mới: Hoàn cảnh xã hội Âu Mỹ đã chi phối tâm tình người Việt lưu vong khiến một số người bị hoang mang, khủng hoảng. Tình trạng nầy cũng ảnh hưởng nhiều đến thế hệ trẻ. Theo giáo sư, có phương thức nào giúp giới trẻ quân bình hóa được với cuộc sống hiện tại ?

GS Nguyễn Đăng Trúc: Chúng ta khoan vội cho rằng giới trẻ ngày hôm nay bị ảnh hưởng văn hóa Âu Mỹ là một sự việc không hay, một cái gì đó mang tên là khủng hoảng, làm như xã hội Âu Mỹ hiện tại là trụy lạc, hư đốn. Qua một câu hỏi Ngày Mới nêu lên ở phần trên, tôi có dịp nhận đỵnh về giới trẻ trong khung cảnh văn hóa nói chung của thế giới hôm nay, chứ không riêng gì xã hội Âu Mỹ. Dẫu xã hội Âu Mỹ nầy có mang nhiều hình thức tự do quá lạm, nhưng là một xã hội tự do. Và đó là điểm tích cực hàng đầu trong nếp sống xã hội. Trong khung cảnh tự do đó, con em chúng ta hưởng thụ một lối sống rất thành thực, cảm nhận sâu sắc những giá trị cao đẹp như thích làm việc, trách nhiệm cá nhân, ý thức công bằng xã hội, liên đới, bình đẳng và khoan dung tôn giáo, tôn trọng sự khác biệt chính kiến, khác biệt về dân tộc và văn hóa… Chúng ta không thể lấy một vài hiện tượng quá đà về quan điểm tự do cá nhân (chướng mắt so với nếp sống đạo đức truyền thống của chúng ta, nhất là trong vấn đề tính dục) để đánh giá thấp những giá trị cao đẹp mà con em chúng ta đang hấp thụ được nơi xã hội Âu Mỹ. Và chúng ta cũng khiêm tốn nhận ra rằng thế hệ chúng ta không đưọc như thế hệ con em chúng ta về việc tiếp nhận và sống thực các giá trị vừa nêu. Nhưng trong bối cảnh văn hóa nầy, chúng ta cũng mường tượng thấy một cái gì đó rất quan trọng đang thiếu vắng trong nếp sống của con em chúng ta: tôi muốn nói đến chiều kích siêu nhiên. Và đối với quan điểm của tôi, chính chiều kích nầy là hồn của văn hóa. Trong bối cảnh của các các câu hỏi liên quan đến NTT, tôi cững tin rằng vì có một cuộc sống siêu nhiên sâu sắc mà NTT đã trở thành một kẻ sĩ đại độ, can cường và dấn thân.

9/ Ngày Mới: Trong những thập niên qua, cuộc sống xã hội đã và đang có nhiều sự đổi mới. Những thay đổi đó có thể làm thăng hoa cuộc sống và cũng có thể hủy họai đời sống xã hội và tôn giáo, vì đa số, con người đang chạy theo cuộc sống vật chất để thụ hưởng, thêm vào đó chủ nghĩa cá nhân đang bành trướng khiến con người xa dần cuộc sống tâm linh, đức tin lần hồi bị mai một. Theo giáo sư, làm cách nào có thể cứu vãn tình trạng nầy?

GS Nguyễn Đăng Trúc: Câu hỏi Ngày Mới nêu lên như đã trả lời phần nủa rồi. Về thắc mắc là tìm phương cách nào để cứu vãn, tôi thấy khi nêu lên vấn đề tôn giáo có lẽ chúng ta nên tìm câu giải đáp trong sứ điệp tôn giáo: tức là tôi và bạn đây chứ không ai khác phải thực hiện niềm tin tôn giáo của chính mình. Đó là phương thuốc hiệu nghệm nhất.

10/ Ngày Mới: Khi các học viên tham dự Đại Học Hè, ngoài việc lãnh hội các bộ môn văn chương, lịch sử, địa lý, nghệ thuật VN v.v… Sau khi mãn khóa, theo nhận xét của giáo sư, các học viên có ý thức được nền văn hóa VN là cần thiết cho đời sống của người Việt hải ngoại không?

GS Nguyễn Đăng Trúc: Các học viên trước hết rất cảm động khi thấy các giáo sư hy sinh tận tụy một cách vô vị lợi để giúp họ. Tôi nhớ một kỷ niệm: vào mùa hè 1996, trong khóa Đại Học Hè đầu tiên chúng tôi tổ chức ở Tu Viện Xitô ViệtNam ở Orsonnens, Thụy Sĩ. Nhiều học viên thắc mắc hỏi tôi: Linh mục Viện Trưởng của nhà Dòng mà đi xắt hành, lượm giá, còn linh mục lo giáo tập lại đặc trách nấu ăn, dọn ăn cho chúng con sao? Trong thâm tâm tôi, tôi nghĩ rằng đây mới thực là bài học văn hóa và lịch sử dân tộc có tác dụng hơn cả. Tuổi trẻ cần kiến thức về văn hóa, nhưng văn hóa Việt Nam trước hết là cảm nghiệm được lòng thương mến và lo âu một cách chân tình của cha mẹ, anh chị, bạn bè, thế hệ đi trước đối với mình.

11/ Ngày Mới: Qua dự án thành lập Đại Học Nhân Văn Việt Nam Hải Ngoại và đại học trên liên mạng. Giáo sư có định mở một “cánh cửa” văn hóa về Việt Nam không trong lúc nầy không?

GS Nguyễn Đăng Trúc: Trong những thành viên sát cánh với chúng tôi để tiến hành dự án nầy có những bạn bè và nhân vật trong nước. Có nhịp cầu nào dễ bắt hơn là nhịp cầu văn hóa. Trong quá khứ, Đại Học Hè đã gây được phấn khởi cho nhiều giới trong nước, hy vọng Đại Học Nhân Văn trong tương lai sẽ la kết hợp những nổ lực chung của những người thiện chí trong cũng như ngoài VN.

12/ Ngày Mới: Để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, xin giáo sư cho biết cảm nghĩ của mình: Trong cuộc sống lưu vong khi ta hay dùng danh từ “diaspora” đề ví mình với những người Do Thái xưa kia. Phải chăng đó là một chấn thương trong lịch sử dân tộc? Có thể biến họa thành phúc được chăng?

GS Nguyễn Đăng Trúc: Tôi xin chia xẽ một tâm tư có vẻ hơi tế nhị. Người ta thường thấy những văn sĩ, những người làm văn hóa cao độ thường là người lưu vong, hoặc mang tâm tình lưu vong. Từ Đấng đã trả lời ‘Con chim có tổ, con chồn có hang, Con Người không có chổ tựađầu’ đến thân thế xuôi ngược của Khổng Tử, không ai không sống cảnh lưu vong. Lưu vong tự nó là khổ đau, đứng như Ngày Mới nói nó là chấn thương của lịch sử. Nhưng thời gian, lịch sử, toàn bộ kiếp con không phải là sinh ký tử qui, là 40 năm tạm dung và vượt qua trong sa mạc hay sao? Làm sao thấm được các câu thơ của thi hào Nguyễn Du mô tả kiếp người qua thân thế nàng Kiều khi chúng ta không thực sự sống cảnh lưu vong:

Vui là vui gượng kẻo mà
Ai tri âm đó mặn mà với ai…
Rằng hay thì thiệt là hay
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!

Những tượng trưng về kiếp sống con người cho thấy nếu khổ đau là lửa để luyện thép, thì hoàn cảnh lưu vong của chúng ta hôm nay hẵn đã giúp cho con người Việt Nam phát huy được nhiều chiều kích sâu xa, không phải chỉ la tổng số chuyên viên gia tăng trong hàng ngũ con em mình mà thôi, mà hơn hết là sự trưởng thành trong nhân cách khi khám phá đâu là Nhà Thực, Quê Thực của mình, khi nhận ra kẻ khác khác mình để tôn trọng và yêu thương. Và phúc nào hơn khi phát triển đầy đủ hơn nhân cách của mình!

Nhân dịp được tiếp xúc với Ngày Mới, tôi xin phép được nhân danh PT Giáo Dân VNHN, TT Văn hóa Nguyễn Trương Tộ và Tập San Định Hướng kính chúc Ban Chủ Biên, độc giả Ngày Mới và gia quyến một năm mới Tân Tỵ an lạc.

Thay mặt độc giả Ngày Mới, thành thật cảm ơn giáo sư.

Tinh Thần Nguyễn Trường Tộ Reviewed by Hoài An on 3/20/2012 Rating: 5 LH - Lê Trân, Tập san Ngày Mới, phỏng vấn Gs Nguyễn Đăng Trúc Năm 2001, Paris, Pháp Thế kỷ XIX dân tộc Việt Nam bị mất nước khôn...

Không có nhận xét nào: