BẮC KINH – Hiện tượng suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc đã tràn ngập trên các dòng tít lớn trong các bản tin những tuần gần đây. Liệu đây là một sự điều chỉnh lâu dài hay nhất thời, chính quyền Trung Quốc có nhiều việc phải làm trong việc đặt nền móng cho một nền kinh tế vận hành mạnh mẽ ở giai đoạn trung hạn và dài hạn.
Bất chấp sự tăng trưởng thần kỳ từ khi Trung Quốc bắt đầu giai đoạn chuyển tiếp sang kinh tế thị trường hồi năm 1979, Trung Quốc đang cùng một lúc phải đối mặt với một loạt các thách thức nghiêm trọng: bất bình đẳng đang dâng cao, sự xuống cấp về môi trường đang gia tăng và lan ra diện rộng, tình trạng mất cân bằng dai dẳng ở bên ngoài, và một xã hội đang già đi.
May thay, kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc (2011-2015) đã nhận ra nhu cầu cần cải cách sâu hơn theo hướng thị trường, thay đổi mô hình phát triển quốc gia, tập trung vào chất lượng tăng trưởng, cải cách cơ cấu và hòa nhập xã hội nhằm khắc phục sự phân cách giữa nông thôn và thành thị, đầy lùi sự gia tăng về tình trạng bất bình đẳng thu nhập. Đồng hành với cách tiếp cận dài hạn và rõ ràng này, một bản báo cáo mới mang tên Trung Quốc 2030: Xây dựng một xã hội thu nhập cao, sáng tạo, hài hòa và hiện đại đã đề xuất những cải cách Trung Quốc cần thực hiện để phát triển một nền kinh tế thị trường trưởng thành và hoạt động hiệu quả vào năm 2030.
Báo cáo này là kết quả của chương trình đối tác từ lâu nay giữa Trung Quốc và Ngân hàng Thế giới. Kỷ niệm 30 năm Trung Quốc là thành viên của tổ chức này, ông Robert B. Zoellick, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đã đề nghị giới lãnh đạo nước này cùng tham gia nỗ lực chung nhằm nhận diện, phân tích những thách thức phát triển trung hạn của Trung Quốc. Báo cáo Trung Quốc 2030 đề nghị tiến hành cải cách cơ cấu, theo đó xác định lại vai trò của chính phủ, thẩm định lại toàn bộ các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước, phát triển khu vực tư nhân, khuyến khích cạnh tranh, giải phóng sâu rộng lĩnh vực đất đai, lao động và các thị trường tài chính.
Trong khi cung cấp các sản phẩm và dịch vụ công hữu hình một cách trực tiếp tương đối ít hơn, chính phủ Trung Quốc cần cung cấp thêm các sản phẩm và dịch vụ công vô hình như: luật lệ, tiêu chuẩn và chính sách. Những cải thiện về mặt thể chế và chính sách như vậy sẽ làm tăng năng suất, thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện chuyên môn hóa, nâng cao hiệu quả sự phân bổ nguồn lực, bảo vệ môi trường, giảm bớt rủi ro và tình trạng thiếu rõ ràng.
Đối với giới doanh nghiệp, cần tập trung gia tăng cạnh tranh trong mọi khu vực, giảm thiểu rào cản đối với việc thành lập và giải thể các công ty tư nhân, tăng cường tính cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước.
Trong lĩnh vực tài chính, hệ thống ngân hàng phải được thương mại hóa, bằng cách đó, dần dần cho phép lãi suất được hình thành bởi các tác nhân thị trường, trong khi thị trường vốn phải phát triển theo chiều sâu, song song với sự phát triển của hành lang pháp lý và cơ chế giám sát, cần thiết để đảm bảo sự ổn định tình hình tài chính.
Liên quan đến thị trường lao động, Trung Quốc cần tăng tốc cải cách chế độ đăng ký hộ khẩu nhằm đảm bảo rằng, vào năm 2030, tầng lớp công nhân có thể được tự do cư trú hơn, nhằm đáp ứng những tín hiệu nhu cầu lao động từ thị trường. Hiện tại, bất kỳ người dân Trung Quốc nào di chuyển đến nơi khác sinh sống mà không có hộ khẩu sẽ gặp nguy cơ mất quyền tiếp cận giáo dục, dịch vụ xã hội và thị trường nhà ở. Giới làm chính sách Trung Quốc cũng cần đưa ra các biện pháp gia tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động, xem xét lại chính sách tiền lương, làm cho chương trình bảo hiểm xã hội trở nên dễ tiếp cận trên toàn quốc.
Sau cùng, các quyền của người nông dân cần được bảo vệ, phải tăng hiệu quả của việc sử dụng đất, những chính sách thu hồi đất nông nghiệp để phát triển đô thị nên được rà soát lại một cách toàn diện.
Thành công trong giai đoạn trung hạn của Trung Quốc cũng đòi hòi tạo ra một hệ thống mở, trong đó áp lực cạnh tranh buộc các công ty Trung Quốc phải quan tâm đến quá trình đổi mới sản phẩm, không chỉ qua những nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R&D) của riêng mình, mà còn thông qua mạng lưới nghiên cứu và phát triển toàn cầu. Cần ưu tiên tăng chất lượng nghiên cứu và phát triển thay vì chỉ quan tâm đến số lượng. Các nhà làm chính sách cần tập trung vào việc phát triển kỹ năng nhận thức, kỹ thuật cho sinh viên đại học, và xây dựng một vài trường đại học nghiên cứu mang đẳng cấp thế giới, có liên hệ chặt chẽ với ngành nghề thực tế trong xã hội.
Một chiến lược khai sáng phải cổ vũ Trung Quốc theo hướng ‘tăng trưởng xanh”, đối lập với tăng trưởng nhanh chóng như hiện nay và Trung Quốc phải đối mặt với những chi phí khổng lồ về môi trường sau này. Khuyến khích đầu tư mới vào những ngành ít gây ô nhiễm đi kèm sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng sẽ dẫn đến quá trình phát triển “xanh hơn”, thúc đẩy đầu tư vào những ngành sản xuất, dịch vụ thượng nguồn và hạ nguồn có liên quan, xây dựng lợi thế cạnh tranh quốc tế trong những ngành công nghiệp mới nổi trên thế giới.
Báo cáo Trung Quốc 2030 cũng kêu gọi mở rộng các cơ hội, đẩy mạnh an sinh xã hội, thu hẹp tình trạng bất bình đẳng kinh tế, xã hội tương đối cao tại Trung Quốc bằng cách bắt tay vào giải quyết sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị trong vấn đề tiếp cận việc làm, tài chính và các dịch vụ công chất lượng cao. Để làm điều đó đòi hỏi phải thường xuyên quan tâm thật nhiều đến khu vực nông thôn đang chịu nhiều thiệt thòi và những người nhập cư, cũng như vấn đề tái cấu trúc chính sách xã hội nhằm bảo đảm vững chắc mạng lưới an sinh.
Hơn nữa, vấn đề sống còn là cần củng cố tình hình tài chính của Trung Quốc bằng cách huy động thêm các nguồn thu từ thuế, bảo đảm rằng cấp chính quyền địa phương có đủ nguồn tài chính để thực hiện trách nhiệm chi tiêu ngân sách đang tăng lên. Những cải cách như vậy có thể giúp bảo đảm rằng nguồn lực ngân sách được phân bổ ở các cấp chính quyền (từ trung ương, tỉnh thành, quận huyện, thị xã, thị trấn đến thôn làng), tương xứng với trách nhiệm chi tiêu ngân sách.
Cuối cùng nhưng không kém quan trọng, đó là Trung Quốc nên trở thành một đối tác tích cực trong nền kinh tế toàn cầu. Bằng cách tăng cường giao dịch thương mại, đầu tư và nối kết với hệ thống tài chính trên toàn cầu, từng phục vụ hiệu quả đối với Trung Quốc trong ba thập niên qua, Trung Quốc sẽ có lợi từ việc chuyên môn hóa sâu hơn, cơ hội đầu tư nhiều hơn, hệ số thu nhập trên vốn cao hơn, cũng như cùng hưởng lợi từ sự giao lưu ý tưởng và kiến thức.
Trung Quốc phải tiếp tục cam kết làm hồi sinh vòng đàm phán Doha về thương mại đa phương đang lâm vào bế tắc, và ủng hộ một hiệp định toàn cầu về các dòng đầu tư. Quá trình hội nhập toàn cầu của lĩnh vực tài chính Trung Quốc sẽ đòi hỏi mở cửa tài khoản vốn, việc này phải được tiến hành thật thận trọng và vững chắc; nhưng nó sẽ là bước đi then chốt hướng đến quốc tế hóa đồng nhân dân tệ như một loại tiền tệ dự trữ toàn cầu.
Các đề nghị thể hiện trong báo cáo Trung Quốc 2030 có thể cung cấp một khuôn khổ cho các nhà làm chính sách Trung Quốc khi họ theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững và hài hòa. Với nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn nguy hiểm, chính phủ Trung Quốc sẽ cần đối phó với những tổn thương, cú sốc và rủi ro mới khi chúng phát sinh. Nhưng, khi thực hiện động thái này, Trung Quốc nên tuân thủ nguyên tắc: chính sách nhằm ứng phó với những vấn đề ngắn hạn phải trên tinh thần duy trì các ưu tiên cải cách mang tính dài hạn, chứ không phải hủy hoại nó.
Justin Yifu Lin là kinh tế gia, đồng thời là Phó Chủ tịch cao cấp đặc trách Kinh tế Phát triển của Ngân hàng Thế giới. Ông cũng là nhà sáng lập, giám đốc đầu tiên của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc, trước đây ông từng là giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh và Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông.
Nguồn: Project Syndicate
Không có nhận xét nào: