Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhà |
Lamhong.org - Ở đây tôi thấy một vấn đề nữa là không phải chỉ lỗi của người đó mà lỗi của cả những người giúp cho họ giàu có được. Tôi không tin những người trong xã hội ta có thể giàu thế nếu không có sự tiếp tay của một bộ phận công quyền… – Nhà Nghiên cứu văn hóa (NCVH) Vương Trí Nhàn chia sẻ với Phunutoday.
Con người chỉ lo đi kiếm tiền mà không lo mình làm người như thế nào
PV: – Thưa ông, dường như càng ngày chúng ta càng chứng kiến nhiều hành vi khiến chúng ta đau lòng như: vì mảnh đất mà con gái, con rể đẩy mẹ già ra đường ăn bờ, ngủ bụi; muốn có tiền trả nợ vợ đang tâm giết người chồng đầu gối tay kề hòng chiếm đoạt tài sản; rồi vì không muốn mất danh dự mà có kẻ không dám nhận tình thân, máu mủ nghèo… Lối ứng xử như vậy có trái ngược với đạo lý làm người của dân tộc ta, một dân tộc tự hào với lịch sử ngàn năm văn hiến? Ông có thể lý giải nguyên nhân của hiện tượng này?
NNCVH Vương Trí Nhàn: - Theo tôi, con người Việt Nam trong xã hội ở thời điểm này đang bước vào giai đoạn phát triển chưa từng có trong lịch sử – giai đoạn mà ông cha ta chưa bao giờ gặp phải, chưa bao giờ có cách sống, cách nghĩ bị ảnh hưởng như thế.
Tôi nghĩ, giá kể một người già nào đấy quay trở lại nhìn chúng ta thì họ sẽ không hiểu là tại sao chúng ta lại sống như thế? Cái đó không chỉ trên phương diện từ chuyện làm ăn, sản xuất đến quan hệ với thiên nhiên mà quan hệ giữa người với người nó cũng nằm trong cái mạch đó.
Ví dụ, người ta làm ăn thấy một nhà bên cạnh bán cái giàn máy này đắt thì lập tức người bây giờ là cũng học theo, mua tranh bán cướp rồi có khi lấy rẻ hơn để bán cho mọi người. Điều đó ở ngày xưa không bao giờ con người được phép làm như thế cả. Không ai làm trò ăn cướp của nhau giữa đường sá như thế.
Tức là, chúng ta có một sự phát triển của thế kỷ 20 này, từ sau năm 45, sau chiến tranh, do đời sống kinh tế thị trường có những cái bài vào, nói chung là do hoàn cảnh chúng ta sống làm cho con người bây giờ mà tôi cảm tưởng như trâu bị nứt mũi.
Tức là họ muốn làm gì thì làm, không còn một ràng buộc gì nữa, không biết sợ thần, sợ thánh. Nói dối tràn lan không biết sợ gì cả.
Ngày xưa chúng tôi đi học cũng có copy, nhưng bần cùng mới phải copy, bí quá và xấu hổ lắm. Còn bây giờ chuẩn bị từ ở nhà để copy mà không phải riêng mình mà hàng loạt những người khác cũng làm một cách trâng tráo, không biết xấu hổ, ra khỏi phòng thi là vứt ngay giấy ra mà không cần sợ hãi gì cả.
Chúng ta có một xã hội con người phát triển hết sức hư hỏng, tùy tiện muốn làm gì thì làm, trâng tráo và liều lĩnh khinh thường không những pháp luật, quan hệ giữa người với người, mà khinh thường ngay cả thần thánh.
Tôi đặt vấn đề quan hệ giữa người với người nó nằm trong bối cảnh đó. Nó từ các gia đình vỡ ra do chiến tranh.
PV: - Cụ thể là như thế nào thưa ông?
NNCVH Vương Trí Nhàn: - Tôi có cảm giác rằng, ngày trước tôi còn nhỏ, tôi sống trong gia đình nhiều lắm, mọi người sống với nhau gắn bó lắm. Nó cũng có một cái lạ là mọi người sống rất yên lặng, không nói nhiều như bây giờ.
Còn nay, thử hỏi một người sống trong gia đình mình bao nhiêu phút? Thực ra là suốt ngày đi lang thang ngoài đường sá. Không ở trong nhà thì ra quán, hoặc đi học hay làm một cái gì đấy. Còn nếu không ở ngay trong nhà mình nhưng cũng không ở, tức là xem ti vi.
Rất ít đứa con nào hỏi bố mẹ ngày xưa sống ra làm sao? Ngày trước ông bà mình như thế nào? Tại sao nhà mình lại đến đây? Tại sao nhà mình làm nghề đó? Tức là con người bây giờ kỳ lạ lắm, không có sự gắn bó với nguồn gốc gia đình của mình.
Gia đình tôi sống ở Hà nội trước năm 1954 và chúng tôi cũng không phải là gia đình giàu có gì nhưng ít nhất chúng tôi có một cuộc sống là hằng ngày đi làm.
Trong bữa cơm chúng tôi được bố mẹ dạy bảo là ăn uống như thế này, ăn trông nồi, ngồi trông hướng thế nọ, bát canh rau không được để cho tí mỡ bám vào. Cái cuộc sống nó tinh khiết chứ không pha tạp như bây giờ.
Ngày trước, không bao giờ một cửa hàng vừa bán bún rồi lại bán phở, bán thì phở gà ra phở gà, phở bò ra phở bò, không ai dùng chung nước dùng cho hai loại đó cả. Nhưng bây giờ con người tạp nham lắm, và những mối quan hệ trong gia đình cũng thế.
Tôi nghĩ bây giờ ít người nhắc đến những câu mà hồi nhỏ chúng tôi hay nói là: Công cha như núi Thái Sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Tôi đoán rằng bảo đọc một câu mà em thuộc trong ca dao thì không bao giờ nhắc được câu ấy cả.
Tức là sự giáo dục trong gia đình như thế và người ta sống không nghĩ đến cội nguồn, chỉ nghĩ đến hưởng thụ. Trong cuộc sống hàng ngày lo đi kiếm tiền thôi mà không nghĩ rằng mình sống như thế nào đã, mình làm người thế nào đã, sau đó mình kiếm tiền mới là chuyện sau.
Và lúc nào cũng chỉ nghĩ sống cho bằng người, sống như bên Tây rồi phát cuồng theo họ; còn không nghĩ rằng mình sống với quá khứ, sống với ngày hôm nay của mình, trong phạm vi này được phép như thế nào?
Con người bị lôi ra khỏi gia đình, ra khỏi môi trường, và tất cả các chuẩn mực thấp, họ thả lỏng cho cái bản năng chi phối. Mà bản năng là gì, muốn cái gì được cái đó, không khuyến khích sự suy nghĩ, không có sự chín chắn, từ tốn, biết điều.
Thấy người nào làm bậy thì mình mặc kệ người ta, cái mà người ta gọi là sự vô cảm ấy bắt nguồn từ sự hạ thấp các chuẩn mực. Và không cảm thấy rằng người khác hư hỏng rồi sẽ ảnh hưởng đến nhà mình, rồi sẽ ảnh hưởng đến con cái mình.
Ông Tây Daniel bị (phải) bị người thân hắt hủi bởi cái nghèo ngồi bên cạnh những người đã cưu mang, giúp đỡ ông. |
Còn tối thiểu ra thì chứng tỏ bố mẹ giàu lắm đây mà không nghĩ rằng đó là trao con dao sắc cho trẻ con, biến nó thành một đứa dùng tiền mà không ai dạy nó dùng tiền cả.
Như vậy, trong xã hội cũ con người ta học làm người trong nếp gia đình, vấn đề đó hiện nay không được đặt ra.
Còn tại sao lại có chuyện giết người thì tôi thấy thế này, gần đây trong các chương trình văn, người ta chỉ chú ý đến văn ở cấp II, cấp III, chứ thực ra cấp I rất quan trọng. Và những bài văn ấy tôi thấy rất ít bài nói về tình nghĩa trong gia đình, tình thiên nhiên.
Chúng ta có rất nhiều bạo lực trong cách sống, không chỉ chồng vợ đánh nhau, mà giữa người với người cũng vậy. Đối với thiên nhiên chúng ta cũng bạo lực, đánh cá bằng điện, và không có nước nào giết nhiều cá con như nước mình cả. Tất cả những cách sống bạo lực ấy nó chi phối chúng ta, nó ẩn sâu, nằm trong máu lớp trẻ rồi. Và bây giờ nó dễ sinh ra những thứ đó.
Ở mình không có cái lối suy nghĩ trước khi làm, mà thích cái gì làm cái đó, giữa đám bạn bè với nhau thằng nào làm liều thằng ấy được. Với tất cả những thứ đó tôi cho rằng xã hội chúng ta là một xã hội không chú ý đến đạo đức, không chú ý đến giáo dục, không chú ý đến những mối quan hệ bình thường.
Những khuôn khổ đạo đức được lặp đi lặp lại thì nó có hai kiểu: một là đơn giản quá. Nói lấy được, nói đi nói lại trong đó không đi vào thực tế cụ thể.
Thêm vào đó, chúng ta không có một nền đạo đức, nó được lưu truyền lâu dài trong lịch sử và cái đó phần lớn đều ở điểm áng áng, nói trong văn học dân gian. Nên tôi không đồng ý với nhiều người nói rằng là chúng ta đánh mất đạo lý của dân tộc. Không phải đâu. Chính là một phần cũ của chúng ta mỏng. Đến thời điểm hiện nay có quá nhiều cái mới vào và cái mỏng đó mất rất nhanh.
Nếu tôi nói đó là sợi trâu nứt mũi thì sợi dây kia nó cũng rất là mỏng manh nên nó vỡ, tan ra rất nhanh. Chính cái đó, nó khiến cho con người bây giờ trở nên hung hãn, càn rỡ, vô thiên, vô pháp hơn bao giờ hết. Tôi thấy đó là những cái nó quy định cho tất cả những việc mà chúng ta thấy.
Chưa kể là trong thời đại hiện nay, chúng ta đi tiếp nhận những thứ nước ngoài vào. Và nước mình tôi thấy cái hay người ta không học, cái dở là học ngay. Toàn học những cái hình thức thôi.
Con người hiện nay đang được thả lỏng bản năng!
PV: - Không thể không nhận thấy đời sống kinh tế có khá giả lên trông thấy nhưng đồng thời cũng không thể phủ nhận con người vô tình, vô cảm với đồng loại hơn trước nhiều. Thậm chí có những giá trị bị đảo ngược hoặc thay đổi hoàn toàn như từ chỗ trọng tình trọng nghĩa, nhân ái khoan hòa sang phía trọng tiền tài địa vị, thậm chí chỉ biết mình mà không cần biết đến người bên cạnh, lấy đồng tiền làm thước đo cho một phạm trù khác biệt với nó là tinh thần. Thậm chí, trong dân còn lan truyền những câu như “Tiền là tiên là phật, là sức bật của thanh niên….”. Là một nhà nghiên cứu, ông kiến giải điều này như thế nào?
NNCVH Vương Trí Nhàn: - Đúng vậy. Hay người ta còn có câu con là nợ, vợ là thù, ngủ là thần tiên, tiền là trên hết. Vừa rồi chúng ta có truyện Sát thủ đầu mưng mủ, theo tôi nó chứng tỏ một lớp người bây giờ cơ sở đạo đức bị phá hoại, sống vô nguyên tắc, không có biết sợ thần thánh là gì cả.
Tất cả những thứ đó, tất cả những việc mà chúng ta thấy ngày hôm nay là kết quả của một quá trình lâu dài mấy chục năm nay chứ không chỉ riêng ngày hôm nay nữa. Và việc sửa chữa không thể nào đơn giản được. Tôi thấy vụ Lê Văn Luyện vừa rồi là rõ ràng và sau đó là nhiều vụ khác nữa.
PV: - Ông bà ta thường nói “giấy rách phải giữ lấy lề”, “đói cho sạch, rách cho thơm”, “lời chào cao hơn mâm cỗ”…nhưng với xã hội hôm nay thì đó là những thứ xa xỉ và xa lạ, thay vào đó có lẽ phải nói “đồng tiền cao hơn nhân cách”, vì đồng tiền mà người ta bất chấp mọi thứ, miễn là có được nó còn chuyện có bằng cách nào thì không cần biết như những ví dụ vừa nói đến ở trên.
Giả sử, vì mạng sống hoặc đẩy vào bước đường cùng nên trong hoàn cảnh hiểm nghèo ấy, bản năng sống chi phối, lấn át hoặc làm mờ lý trí, nhận thức thì có thể hiểu được phần nào nhưng đây lại là chuyện bình thường xảy ra hàng ngày, nghĩa là nó trở nên phổ biến cứ như một quy tắc sống hiện đại. Xin ông cho biết, tại sao con người lại có khả năng tự hạ thấp mình đến như thế?
NNCVH Vương Trí Nhàn: – Theo tôi, điều đơn giản rằng người ta không có giáo dục. Có đâu mà mất, có được giáo dục đạo đức gì đâu. Thử nghĩ lại xem từ lúc mình đi học có được giáo dục gì đâu, có được bố mẹ dạy gì đâu, có bao giờ ngồi nghe một cách tỉ mỉ mà toàn ngồi xem ti vi chứ có được nghe ông bà sống thế nào?
Cụ Nguyễn Thị Ngừng (88 tuổi, ở Đội 2, thôn Quảng Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) bị vợ chồng người con gái út đẩy ra đường vì tranh chấp nhà cửa |
Có một ông bạn kể với tôi thế này: ông của ông ấy có một lần đi ăn giỗ từ Đông Anh lên Hà Nội, ở nhà thấy cụ đi mà mãi cụ không về, thế là đi tìm. Đi xe đạp lên quãng Gia Lâm thì mới thấy cụ đứng lại ở đường. Hỏi sao cụ không về? Cụ bảo có người đánh rơi tiền.
Cái thứ nhất là cụ không nhặt. Người nhà mới bảo kệ người ta nhưng cụ nói: Thế thì không được, để đây nhỡ người khác lấy thì sao? Nghĩa là cụ không lấy tiền nhưng cũng không để cho ai lấy được đồng này mà phải đứng ở đấy, chờ ở đấy để người ta quay lại trả cho người ta. Bây giờ thì chẳng ai nghĩ như thế cả. Đốt đuốc đi tìm soi 7 ngày cũng không tìm ra. May lắm là ông mặc kệ thôi.
Trong cuốn sách Quốc văn giáo khoa thư hồi nhỏ tôi có được học một câu chuyện: Trời nhá nhem trạng vạng tối rồi có câu chuyện ông già ngồi vần cái tảng đá. Hỏi sao thì ông bảo tôi vừa đi đến đây bị vấp, tôi phải vần nó vào để người sau đi khỏi vấp.
Một người già người ta còn nghĩ như thế, còn bây giờ chính các cụ gì còn tham lam, hư hỏng hơn bao giờ hết, chưa bao giờ các cụ già tham sống như bây giờ. Chứ ngày trước người ta sống rất nhẹ nhàng. Tôi cũng thấy các cụ già chưa bao giờ tham lam như bây giờ.
Theo tôi trong một thời gian dài xã hội ta buông lỏng đạo đức, chúng ta là một xã hội sống không có nghiên cứu. Làm kinh tế bây giờ cũng chẳng nghiên cứu gì cả. Bây giờ cứ than thổ phỉ mà đào, đào vội đào vàng bán lấy tiền được là chia nhau, phát triển phải làm đường thế nào rồi mới làm khu dân cư nhưng cũng mặc kệ.
Con người là một thực thể vô cùng phức tạp và anh đã có một quan niệm quá đơn giản về con người, cứ dễ dãi và cứ luôn luôn nịnh nọt con người, không giúp con người làm chủ bản thân. Con người hiện nay đang được thả lỏng bản năng. Ngày trước người ta coi việc diệt dục là quan trọng, lấy sự kiềm chế là quan trọng. Ở chiếc xe thì cái phanh là quan trọng thì bây giờ động cơ bên trong là quan trọng.
Và bây giờ chúng ta không để lớp trẻ học làm người mà nó sống thực dụng sớm và với quan niệm lấy hiệu quả làm chính, kiếm đồng tiền nuôi được, thế là xong rồi. Một đứa trẻ được thả lỏng như thế thì cuối cùng sẽ làm ra rất nhiều chuyện hư hỏng mà không thể nào không có được.
Cả xã hội quay cuồng theo đồng tiền, ai kiếm được là anh hùng
PV: - Thưa ông, thời gian gần đây, chúng ta lại thấy những biểu hiện quái lạ không kém: những kẻ lắm tiền, nhiều của tặng nhà trăm tỷ làm quà cho con, chi triệu đô để tổ chức đám cưới siêu khủng, mượn máy bay để rước dâu hoành tráng vì họ thương miền quê nghèo khổ, nơi họ sinh ra và lớn lên, quanh năm không biết đến một sự hưởng thụ nào! Rất nhiều trí thức đã lên án, coi đây là biểu hiện trọc phú, hợm tiền…. Bản thân đồng tiền không có tội nhưng thông qua cách kiếm tiền, cách sử dụng đồng tiền thì sẽ bộc lộ nhân cách con người. Ông nghĩ gì về điểu này trong tình trạng xã hội hiện nay?
NNCVH Vương Trí Nhàn: - Thực ra những người này chỉ biểu hiện xu thế của xã hội ta, cả xã hội ta hiện nay là trọng đồng tiền. Tôi thấy có những người chả có nghề nghiệp gì cả chỉ thấy kiếm tiền không ít và người ta đánh giá nhau giờ đây cũng chỉ lấy đồng tiền là chính.
Những người kia chẳng qua là đỉnh cao của nền chung trong xã hội hiện nay. Cả xã hội quay cuồng theo đồng tiền và coi ai kiếm được đồng tiền thì người đó là anh hùng. Cho nên trông vào những người đấy, chúng ta thấy được sự suy đồi chung của xã hội, và chúng ta vẫn thấy được cái mầm vẫn có trong tôi, trong anh, trong rất nhiều người khác, nếu nó chưa nảy ra cũng là vì nó chưa có điều kiện thôi, chứ thật ra không phải riêng người đó có lỗi.
Điều đó chứng tỏ chúng ta sống trong một cái xã hội nó tùy tiện, ba lăng nhăng, chả ai biết ai là thế nào và nó như là bóng tối.
Đợt vừa qua chỉ có bà Tổng giám đốc Vinamilk là người được tôn vinh thôi. Rất nhiều người khác giàu hơn bà ấy nhiều nhưng vì người ta có rất nhiều cái mờ ám. Bà ấy vượt qua được những chuyện ấy thì bà mới được như thế.
Như vậy, chứng tỏ trong xã hội chúng ta cái bóng tối nó nhiều quá, nó đầy quá. Những dạng nảy lên, trồi lên như thế báo động tình hình chung của xã hội ta.
Còn một điểm nữa, những người giàu như thế bao giờ cũng chứng tỏ một điều: người giàu là tinh hoa của xã hội, người ta phải giỏi thì mới làm giàu được.
Tôi không phải người giàu nhưng tôi nghĩ rằng thực ra những người giàu đều là người giỏi cả. Nhưng tôi thấy những người giỏi của xã hội cũ người ta rất tử tế, hiểu biết, còn nhiều người giàu ở xã hội ta hiện nay là làm ăn uẩn khúc, và chọn những con đường nếu được minh bạch ra thì tôi nghĩ có lẽ là làm ăn phi pháp.
Ở đây tôi thấy một vấn đề nữa là không phải chỉ lỗi của người đó mà lỗi của cả những người giúp cho họ giàu có được. Tôi không tin những người trong xã hội ta có thể giàu thế nếu không có sự tiếp tay của một bộ phần công quyền.
Khi ông giúp những người kia thì ông lại được ăn lại bao nhiêu? Sự thực ra cả một xã hội chỉ mới biết lo kiếm tiền chứ chưa biết sống có văn hóa.
PV: - Cá nhân ông tiêu tiền và sử dụng đồng tiền như thế nào?
NNCVH Vương Trí Nhàn: – Tôi quan niệm cái xã hội tôi kiếm được đồng tiền theo đúng những cái lao động của tôi. Tất nhiên xã hội hiện nay lao động rất lung tung, có nhiều việc vớ vẩn, lương lại rất cao và ngược lại.
Tôi có nói với con mình rằng không được chộp giật, không được làm một cú rồi chộp. Điều đó sẽ làm hỏng con người đi mà hãy làm thế nào nay một ít, mai một ít. Tôi có đọc tài liệu của Trung Quốc, người ta có triết lý rất ghê. Tức là người ta làm việc gì người ta mang sức lao động, mang trí tuệ của người ta vào nên người ta mới khá giả lên nhưng bằng những con đường rất chân chính.
Và tôi nghĩ rằng chỉ có đồng tiền kiếm bằng chính sức lao động của mình mới lâu dài được. Các cụ có nói: của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ.
Ba ông Phúc, Lộc, Thọ bao giờ người ta cũng thờ ông Phúc trước tiên trong đó người ta cầu phúc và tôi cũng mong cái cầu phúc. Tôi tin rằng trong một xã hội hiện nay nếu anh có trình độ tay nghề cao, anh chuyên nghiệp hóa về nghề nghiệp, anh thông minh thì không thể nào không sống được. Cuộc sống đừng có yêu cầu cao quá.
Có lần tôi đọc cuốn từ điển của Trung Quốc và Việt Nam giải nghĩa chữ buôn bán là gì? Việt Nam giải nghĩa chữ buôn là buôn vào, bán ra, có lợi như thế là buôn bán. Trung Quốc thì người ta hỏi thương nghiệp là gì, tức là phát hiện ra một nhu cầu thì mới thỏa mãn nhu cầu đó, tổ chức sản xuất, lưu thông để thỏa mãn nhu cầu đó.
Như vậy nghĩa là, việc họ làm là có lợi cho cả xã hội, anh phải mua của tôi và cám ơn tôi chứ không như ở Việt Nam buôn bán là bắt chẹt nhau, bán giá thật cao, rồi hối lộ mấy ông bên chính sách Nhà nước và thế là giá nào cũng bán. Tôi thấy những người làm ăn phi pháp như thế đang đánh vào cái xấu, cái kém của mọi người. Không bao giờ tôi khuyên con tôi làm những thứ ấy cả.
Đồng tiền nó chỉ chứng tỏ sự thông minh, cái suy nghĩ của mình, sức lao động của mình chứ không phải là tôi đi ăn cướp và tôi bắt chẹt người khác. Và với đồng tiền như thế, tôi nghĩ rằng đó là dấu hiệu của phúc đức và sự tử tế mà cái đó sẽ duy trì cho dòng họ nhà mình, con cái nhà mình.
PV: - Cảm giác của ông thế nào khi những điều ông quan niệm, cách ông dạy con cháu đi ngược lại với những gì trong xã hội chúng ta diễn ra hiện nay?
NNCVH Vương Trí Nhàn: – Rất lạc lõng. Bây giờ nhìn lại tôi mới thấy của đáng tội chả ai người ta làm như tôi cả. Lúc tôi vẫn đang làm ở cơ quan thì mới đầu người ta bảo tôi làm Trưởng phòng, khi được hỏi tại sao tôi bảo tôi không làm được vì tôi không hơn những người nhân viên của tôi, tôi không làm.
Sau đó, họ bảo tôi làm Phó giám đốc, tôi cũng bảo tôi không làm được, bởi nếu tôi làm Phó giám đốc thì tôi phải làm được rất nhiều cho cơ quan và với đồng lương như thế nào, thảo nào tôi cũng phải ăn cắp thôi. Thứ hai là tôi đuổi hết. Các cán bộ mình có học hành gì đâu, đánh máy không biết đánh cho nên tôi thấy thế này tôi không làm được.
Cách sống cũng thế, tôi cũng có cảm thấy lạc lõng và tôi cũng công nhận được một điều là tôi may trong sự tính toán của tôi. Tôi nghĩ rằng có nhiều người ở trong hoàn cảnh cực khổ quá rồi cuối cùng làm bậy, làm bậy một lần rồi sau đó không giữ được nữa.
Tôi có cái may là không bị những thói quen, thói xấu chi phối. Và với những giá trị chân chính mà mình có được và mình lo thực của gia đình nhà cửa. Mình cố gắng chữ lương thiện, cái đó cảm tưởng rằng mình đang cố theo, mình không theo được hay không là chuyện khác nhưng mình có cái đó.
Và trong sự phấn đấu làm người của mình, tôi có được may mắn là tôi làm về văn học, nhất là văn học tiền chiến nói rất nhiều những đau khổ, sự cam chịu của con người và vượt lên những đau khổ ấy.
Ví dụ, Chí Phèo chẳng hạn, hắn còn tử tế chán. Chí Phèo còn hỏi ai cho tao lương thiện, bây giờ có ông nào dám nghĩ như thế không? Làm bao nhiêu chuyện làm bậy làm bạ rồi nói rằng đây là hoàn cảnh đẩy mình tới, mình phải thế thôi, chứ có nghĩ rằng bây giờ mình không làm chủ được mình nữa không?
Cái may mắn của tôi là ở chỗ đó. Tôi được biết đến một xã hội dân sự trước đó, nó có cuộc sống riêng đông đủ, phong phú và phức tạp. Con người ngày trước họ có niềm tin vào người ta. Còn bây giờ mọi người thấy mình giống đám đông chỗ nào mà mình cứ giống đám đông là yên tâm lắm rồi.
Và tôi nghĩ rằng có một cái nghề làm văn học là rất tốt đẹp nhưng nền văn học của mình rất vớ vẩn. Bây giờ các nhà văn thi nhau đi viết về sex. Tôi nghĩ rằng, đó cũng là cái bất hạnh của lớp trẻ hiện nay, nó yếu đuối, nó mỏng manh lắm. Các bạn trẻ bây giờ già hơn, hỏng hơn xưa quá.
Tôi nghĩ bản thân tôi năm nay 70 tuổi nhưng tôi vẫn nghĩ còn những việc tôi muốn làm, và tôi vẫn nghĩ là tôi có thể làm tốt hơn những gì tôi đã làm.
Huyền Biển (Thực hiện)
Không có nhận xét nào: