Việt Nam vẫn là tiền đồn của phe Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Nam Á - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
23 tháng 3, 2012

Việt Nam vẫn là tiền đồn của phe Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Nam Á

Hà Đình Sơn - Từ trước, Đảng CSVN đã khẳng định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á.” (Điểm 3, mục II, phần thứ nhất, Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng) về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà, tháng 01/1959). Nhờ đó mà trong giai đoạn lịch sử này những người cộng sản Việt Nam đã nhận được viện trợ chủ yếu từ các nước phe xã hội chủ nghĩa để đánh Mỹ. Và ai đó đã từng nói đại ý rằng: Việt Nam đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, đánh cho phe xã hội chủ nghĩa. Khi đó, phe xã hội chủ nghĩa bao gồm: các nước Đông Âu, Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam và các nước khác. Đến năm 1973 theo Hiệp định Pari thì Mỹ đã phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng những người cộng sản Việt Nam không dừng mục tiêu của mình ở đó mà tiếp tục tiến hành bạo lực vũ trang đến ngày 30/04/1975 thì giành được miền Nam Việt Nam. Từ đó những người cộng sản có thực hiện việc xây dựng chế độ cộng sản trên toàn cõi Việt Nam cho đến nay.

Đến năm 1989, thì hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, Liên Xô tan rã, phe xã hội chủ nghĩa chỉ còn Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Lào, Cu Ba. Mặc dù có cuộc chiến tranh năm 1979, là cuộc chiến Trung Quốc đem quân xâm lược Việt Nam nhưng năm 1990 những người cộng sản Việt Nam vì lý tưởng cộng sản đã đề nghị với Trung Quốc: “ưu tiên thắt chặt tình hữu nghị Trung - Việt do cùng là nước xã hội chủ nghĩa anh em”. Năm 1991, sau khi các ông Đỗ Mười - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Nguyễn Văn Linh -Tổng bí thư Đảng, ông Phạm Văn Đồng - Cố Vấn Ban chấp hành TƯ Đảng gặp Giang Trạch Dân tại Thành Đô để xin nối lại bang giao với Trung Quốc, Giang Trạch Dân đã tuyên bố nguyên tắc quan hệ với Việt Nam bằng 16 chữ vàng "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" để làm phương châm chỉ đạo cho quan hệ của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước Trung - Việt. Đến năm 2002, khi lên kế vị Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đã bổ sung cụm từ 4 tốt trong quan hệ hai nước: “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt và đối tác tốt”, và dặn dò đó là mục tiêu phấn đấu của cả hai phía Trung - Việt để nâng tình hữu nghị giữa hai nước lên tầm cao mới, và làm cho mối quan hệ này ăn sâu bám rễ trong lòng mỗi người dân hai nước. Điều đó cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam - lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam tiếp tục trung thành với lý tưởng cộng sản vì lợi ích của phe xã hội chủ nghĩa để đứng về phía Trung Quốc và coi Mỹ và phương Tây là các thế lực thù địch của chủ nghĩa xã hội. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước đây và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này không từ bỏ mục tiêu biến Việt Nam trở thành tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á. Chính vì vậy mà lợi ích dân tộc cũng không được mẫu thuẫn với mục tiêu xã hội chủ nghĩa ấy. Ai vi phạm nguyên tắc này ở Việt Nam đều phải trả giá và bị trừng phạt nặng nề, bất chấp quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Vậy nguyên nhân nào lý giải cho việc kiên định chủ nghĩa xã hội, kiên định mục tiêu biến Việt Nam trở thành tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á. Đó là sự đổi lại việc bảo đảm, hậu thuẫn từ bên ngoài của phe xã hội chủ nghĩa để duy trì sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với xã hội ở Việt Nam. Đây đã từng là ngoại lực lớn giúp cho người cộng sản giành được chiến thắng trên toàn cõi Việt Nam trước đây. Nhưng nội lực là sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam đối với Đảng cộng sản Việt Nam mới chính là nhân tố quyết định. Và nhân tố nhân dân – nhân tố nội lực ấy vẫn là nhân tố quyết định trong hiện tại và tương lai. Điều tạo nên sự nhất quán về mục tiêu của Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1930 cho đến nay – đó chính là tư tưởng Mác-Lê Nin. Tư tưởng Mác-Lê Nin đã và đang xuyên suốt, định hướng cho mọi hành động của hệ thống chính trị ở Việt Nam, xuyên suốt trong hệ thống giáo dục phổ thông, hệ thống đào tạo đại học ở Việt Nam. Tư tưởng Mác-Lê Nin chính là nguyên nhân đảm bảo cho Việt Nam vẫn là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á.

Bất cứ ai lựa chọn dấn thân vì dân tộc, dấn thân vì chủ nghĩa xã hội đều phải trả giá. Điều đó đã được chứng minh trong lịch sử hiện đại của nhân loại. Dân tộc là khái niệm mà mọi người Việt Nam đều cảm nhận được sự gần gũi, sự thiêng liêng, không xa lạ, không hoang tưởng.

Hà Nội, ngày 20/03/2012
Hà Đình Sơn

Việt Nam vẫn là tiền đồn của phe Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Nam Á Reviewed by Hoài An on 3/23/2012 Rating: 5 Hà Đình Sơn - Từ trước, Đảng CSVN đã khẳng định: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á.” (Đ...

Không có nhận xét nào: