Vô cảm : một lối sống thiếu tình người đáng nguyền rủa - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
5 tháng 3, 2012

Vô cảm : một lối sống thiếu tình người đáng nguyền rủa

GHXHCG - Vô cảm là thái độ dửng dưng, thờ ơ, lạnh lùng trước nỗi khổ đau của đồng loại. Người vô cảm luôn có ý nghĩ “đèn nhà ai nhà nấy rạng” thế nên họ không cần bận tâm chuyện nhà hàng xóm, sống chết mặc kệ người ta, những từ ngữ : tình nhân loại, nghĩa đồng bào, bác ái, từ bi trong ngữ cảnh này hoàn toàn rỗng tếch, vô nghĩa.

Câu chuyện “vô cảm” qua bản tin của BBC tiếng Việt đã gây sự phẩn nộ với người xem trên toàn thế giới ở mức độ nghiêm trọng vì sự kiện diễn ra giữa thái độ vô cảm một cách tàn nhẫn của ‘người lớn’ trước mạng sinh mạng của một em bé mới 2 tuổi vừa bị xe cán đang nằm bất động.

Ngày 17. 10. 2011, cả thế giới lại một lần hãi hùng khi xem đoạn clip video của trang mạng Youtube sự kiện xảy ra ở thánh phố Phật Sơn (Nam Hải, Trung Quốc) và rất nhiều phương tiện truyền thông đưa tin, bình luận sự kiện này.

Bé gái trong tình trạng hôn mê kể từ 13-10
              (ảnh BBC tiếng Việt)


Cũng theo tin từ BBC tiếng Việt, bế Duyệt Duyệt đã qua đời hôm 21-10, sau khi hôn mê kể từ ngày 13-10.

Sự kiện thương tâm trên đây còn phản ảnh một xã hội vô cảm, man rợ của nền văn minh sự chết. Bất cứ ai xem xong clip video này cũng phải rùng mình vì sự tàn nhẫn đến khó tin của những người qua đường. 

Câu chuyện vô cảm trích dẫn ở đây không phải là sự kiện hiếm thấy ở Việt Nam hiện nay. Có lẽ, nhờ clip video này mà có dịp cho tác giả Danh Toại (và mỗi chúng ta nữa) tự vấn minh có phải là người vô cảm không ? (chi tiết, xem: http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/2011/10/minh-la-nguoi-vo-cam/) và một tác giả khác phản ảnh “lối sống thực dụng của người Việt Nam đang dẫn đến căn bệnh vô cảm, bệnh “sống chết mặc bay” (xem “Thời sự và suy nghĩ: Bệnh vô cảm” http://nghiluanxahoi.blogspot.com/). Câu chuyện trên đây được hàng triệu người quan tâm, lên án ví sự kiện quá công khai và không thiếu những mẫu chuyện vô cảm tương tự ở Việt Nam nếu phải đưa lên YouTube video thì cả thế giới “đàm luận” không ít vì nạn nhân tai nạn thì nằm ‘dở sống dở chết’ và nhiều người không chỉ ‘lạnh lùng’ đứng xem mà còn ‘thừa cơ lợi dụng để hôi của’ (xem “Vụ hôi của quá vô cảm” http://tuoitre.vn/Ban-doc/442646/Vu-%E2%80%9Choi-cua%E2%80%9D-qua-vo-cam.html)

Vô cảm có quá nhiều ở Việt Nam và đang được báo động. Rất nhiều bài báo phân tích căn bệnh này, để biết nhiều hơn xin vào google đánh máy hai chữ “vô cảm” hay những từ đồng nghĩa.

Không phải mọi người đều vô cảm. Giữa một đất nước mà rất nhiều người chỉ muốn sống an phận, ‘đèn nhà ai nhà nấy rạng’, ‘tôi không muốn nhúng tay cứu người vì sợ bị liên lụy’…Thỉnh thoảng, xuất hiện những người nghĩa hiệp. Điều lạ lùng, những người làm việc nghĩa này đa phần là lao động người nghèo, những người thấy việc bất bình thường thì không đành lòng đứng nhìn. Đoạn clip video ở trên không chiếu rõ người phụ nữ nghèo đã ra tay ẵm em bé ra khỏi đường, sau đó, Tân Hoa Xã cho biết đó là bà Trần Hiền Muội, 58 tuổi, một người nhặt rác, còn tại Việt Nam, xin đọc “Đứng nhìn “hiệp sĩ” bắt trộm: Đau lòng cho sự thờ ơ và vô cảm” (xemhttp://dantri.com.vn/c25/s673-517451/dung-nhin-hiep-si-bat-trom-dau-long-cho-su-tho-o-va-vo-cam.htm). Có những người “ăn cơm nhà vác ngà voi” đi nhặt xác thai nhi về chôn cất, câu chuyện các nghĩa trang “Thiên Thần” ở Huế, “Đồng Nhi” ở Nha Trang… Có những người phụ nữ tự nguyện hy sinh cả cuộc đời của mình để lo cho các em cô nhi bất hạnh ở Làng Cô Nhi SOS Saigon. Có những nam nữ tu sỹ, bất luận tôn giáo nào, ngày đêm phục vụ tha nhân mà chẳng cần ai biết đến… có nhiều lắm, nhưng con số người “không vô cảm” này tính trên đầu ngón tay.

Nguyên nhân của ‘đại dịch’ vô cảm ? “Nhiều ý kiến cho rằng sự vô cảm là do nền kinh tế thị truờng, sự xuống cấp về giáo dục, chủ nghĩa vật chất (thực dụng - pragmatism)..., đã tác động, làm xói mòn, đảo lộn các giá trị truyền thống. Không ai phủ nhận thực tế đó, thậm chí nhấn mạnh nó nhưng thật ra, nếu nhìn một cách khách quan (bình tĩnh), ta phải mặc nhiên nhận thấy rằng có một phần không nhỏ từ ảnh hưởng của kinh tế tiểu nông từ lâu đời… (Xem: “Vô cảm, căn bệnh trầm kha của Xã hội”http://www.vanhoanghean.com.vn/goc-nhin-van-hoa/dien-dan/3017-vo-cam-can-benh-tram-kha-nhat-cua-xa-hoi-duong-dai.html).

Có một nguyên nhân khác sâu xa và đáng nói hơn, đó là lúc con người muốn loại trừ tôn giáo ra khỏi cuộc sống. Tôn giáo mà tôi muốn chia sẻ với bạn đọc ở đây không mang ý nghĩa tín ngưỡng bao gồm những lễ nghi, giáo điều mà là lương tâm biết phân biệt điều hay lẽ phải, biết thổn thức trước nổi khổ của đồng loại, những điều tốt đẹp này do Trời hay Thượng Đế hay Thiên Chúa ‘cấy’ vào lòng người.

Cuối cùng, lúc viết những suy tư về căn bệnh vô cảm này chúng tôi cũng ước mong được chia sẻ với bạn đọc Công giáo là những người đang muốn tìm hiểu GHXHCG để dấn thân ‘đem đạo vào đời’. Bạn nghĩ thế nào lúc nhìn một ngôi giáo đường xuất hiện nguy nga lộng lẫy giữa những ngôi nhà lụp xụp, giữa cảnh đời rất nhiều người thiếu cơm ăn áo mặc, và giữa những vùng dân tộc thiểu số tập trung dâng lễ Chúa nhật trong ngôi nhà thờ dột nát? Một nhà xứ hiện đại và một nhà giáo lý tiêu tốn hàng tỷ do sự đóng góp vì được mời gọi ‘tất cả sáng Danh Chúa’ và đồng tiền đó chẳng khác gì như tiền thuế của dân cho “con tàu Vinasin”? Và còn nữa, “sự im lặng” đáng phải nói của Hàng Giáo phẩm VN trước những bật công xã hội, cách riêng việc bảo vệ sự sống của các thai nhi? Lắm khi người giáo dân được hiểu về “chữ nghèo” ở Tám Phúc của Chúa Giêsu là “phúc trong tâm hồn”, có thật sự Chúa Giêsu chỉ nói nghèo tâm hồn và không đả động gì đến nghèo bên ngoài, việc quan tâm đến người khác bằng hình ảnh một giáo hội nghèo thật sự thì trái với Tin Mừng ư? và xin bạn chia sẻ thêm.

Vô cảm đã được Chúa Giêsu nói trong dụ ngôn “Người Samaritanô nhân hậu” (X. Lc 10, 29-38) Hình ảnhngười Samari mà Chúa Giêsu muốn đưa ra để làm gương cho chúng ta. Khi thấy người bị nạn bên đường, anh đã không cần biết người bị nạn là ai. Anh chỉ biết trước mặt mình là một người bị nạn đang cần sự giúp đỡ. Anh đã ra tay bất chấp mọi phiền hà có thể đến: mất thời gian, tiền bạc, an toàn cá nhân…

Còn vị tư tế, luật sỹ dù có nại lý do gì gì đi nữa thì cũng bị Chúa lên án. Yêu thương thì không có giới hạn. Đối tượng yêu thương là tất cả mọi người, nhất là những ai đang đau khổ, bệnh tật, gặp khó khăn trong cuộc sống…

Hơn nữa, câu truyện được kết thúc bằng lời chất vấn lương tâm: thay vì xem ai là người anh em của mình, thì ngược lại, ta phải làm gì để trở nên người anh em thật sự của người khác .

“Gaudeum et Spes – Vui mừng và Hy vọng” là một trong nhiều Hiến Chế Công đồng Vatican II (khai mạc 1.10.1962 và kết thúc 26.10.1965) liên quan đến xã hội đã được cả thế giới (người có đạo và không có đạo) đón nhận một cách tin tưởng, trìu mến việc ‘các môn đệ’ của Chúa thực sự quan tâm đến ‘vui buồn - sướng khổ’ của con người:

“Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.”

Giữa một cuộc sống mà sự vô cảm đang len lỏi vào nếp sống của rất nhiều người và nhiều người gọi nó là “đại dịch”, “cơn bệnh thời đại chẳng khác nào HIV”, “một lối sống thiếu tình người và đáng nguyền rủa”… ước chi, Lời Chúa qua dụ ngôn người Samaritanô cũng như lời mời gọi của Hiến chế Vui mừng và Hy vọng được GHVN đem ra áp dụng bằng những việc làm cụ thể.

Video về hình ảnh thương tâm của bé Duyệt Duyệt, nguồn Youtube:



Vô cảm : một lối sống thiếu tình người đáng nguyền rủa Reviewed by Hoài An on 3/05/2012 Rating: 5 GHXHCG - Vô cảm là thái độ dửng dưng, thờ ơ, lạnh lùng trước nỗi khổ đau của đồng loại. Người vô cảm luôn có ý nghĩ “đèn nhà ai nhà nấy r...

Không có nhận xét nào: